Kỷ niệm về làng xưa



Cũng như bất cứ địa danh xứ sở làng mạc nào, làng Cao Mộc tôi cũng có nhiều biến cố vui buồn và nhiều kỷ niệm. Nhưng rất tiếc, tôi lại không có cơ hội sống trải qua với. Nên tôi hầu như chẳng có kỷ niệm gì về làng cả. Đây là một thiếu sót lớn.

Tổ tiên ông bà cha mẹ, anh chị em, họ hàng tôi đều là dân làng xứ Cao Mộc. Và chính bản thân tôi cũng mở mắt chào đời tại đây. Tôi không có nhiều kỷ niệm là vì tôi cùng với gia đình và dân làng năm 1954 di cư vào miền Nam Viẹtnam khi hãy còn thơ bé, lúc lên hai tuổi. Và từ đó không chỉ gia đình tôi, mà hầu như tất cả dân làng tôi sống xa làng mạc quê hương và tản mát, xa nhau khắp mọi nơi trên đất nước Việtnam. Rồi từ hơn hai thập niên qua dân làng tôi lại sống tản mát khắp bốn phương trời trên thế giới nữa. Thành ra bây giờ chúng tôi hầu như thành xa lạ với nhau nơi lớp người trẻ như tôi nhất là lớp các bạn trẻ mở mắt chào đời ở Long Phước Thôn, ở Đồng-Lách,ở Tân Lập Phú Hữu, ở Cao-Thái, ở Cái-Sắn, ở Bò-Đốt, ở Xá Thị Long Khánh, ở Sàigòn, ở Cali...mặc dù ông bà cha mẹ họ là người dân làng gốc Cao Mộc. Không có những kỷ niệm sống chung với dân làng, nhưng tôi nghe cha mẹ và những người quen thân thuộc kể cho tôi nhiều về nếp sống phong tục tập quán, nhất là về đời sống đức tin của làng.

Cha mẹ tôi và những bậc lão thành thường nói: làng tôi là một xứ đạo toàn tòng công giáo, nên đời sống đức tin ở đây rất sống động. Hằng năm tuần chầu lượt, mùa thương khó ngắm đứng, dâng hạt, ngắm dấu đinh, táng xác Chúa chịu nạn, lễ mừng Chúa sống lại, lễ Đức bà Khỏi Tội quan thầy của xứ đạo, mùa dâng hoa, lễ Các Thánh, lễ tưởng nhớ đến tiền nhân tổ tiên đã qua đời, lề Chúa giáng sinh làm người, Tết Nguyên Đán... được tổ chức rất linh đình và có cả giáo dân các xứ họ lẻ bên làng lân cận cơm nắm cơm gói cùng trẩy về tham dự mừng lễ, để lĩnh ân đức của Chúa. Rồi xứ đạo được tổ chức theo hệ thống phường giáp, hội đoàn. Tất cả có qui củ, già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu. Tất cả cùng sống trong khung cảnh hài hoà yêu mến nhau...

Tôi chỉ nghe qua, cũng đã mường tượng phần nào ra cảnh tưng bừng nhộn nhịp đầy sức sống của những tâm hồn chất phác tràn đầy niềm tin vào Thiên Chúa là Cha đời mình. Phải chăng đây cũng là hình ảnh đời sống đức tin của thời kỳ Hội Thánh Chúa Kitô còn sơ khai cách đây hai ngàn năm ? Phải chăng đó là đời sống mà ta có thể nói: đạo công giáo? Những nề nếp, tập tục, đời sống tưng bừng đó chỉ còn là những kỷ niệm êm đẹp và sống động từ khi dân làng chúng tôi di cư sống tản mác khắp bốn phương trời. Nhưng chúng vẫn còn ghi lại dấu vết sống động trong tâm hồn những người đã sống trải qua vào thời điểm đó.

Những kỷ niệm đó không chỉ lưu lại trong ký ức của họ. Nhưng mỗi khi có dịp, họ thường cùng nhau ôn lại và nói lại cho con cháu cùng biết. Cha mẹ tôi và các bậc trưởng thượng đã làm chuyện đó, trước khi các ngài khuất núi. Và cũng do nguồn đó, tôi biết phần nào về làng tôi ngày xưa ngoài miền Bắc. Rồi cũng Cha Mẹ và các người lớn tuổi trong làng tôi thường nói với nhau: làng CaoMộc ta, tuy toàn tòng công giáo và có đời sống đạo đức tốt, nhưng mãi cho tới năm 1959 mới có người được Chúa gọi làm Linh mục đầu tiên của làng: Cha Giuse Phạm quang Trung.

Thế nhưng trước đó hằng chục năm, phải kể đến Bà Cụ Sa, là dì ruột của Cha Trung, đã là vị Nữ Tu tiên khởi của làng rồi. Khi còn niên thiếu vào những năm 1960 tôi đã có vài dịp được gặp Bà, mỗi khi Bà về nghỉ hè ở Kinh 8 Cái Sắn quê tôi. Nếu được phép, tôi có thể suy tư ra rằng: Bà Cụ Sa và Cha Trung, là những người đi đầu đàn sống làm gương cho thế hệ đàn em, con cháu, sau này mạnh dạn nghe theo tiếng Chúa gọi đi làm nhân chứng cho Ngài trong đời sống tu trì. Đó là Chị Liên, mà Chúa đã goi về với Ngài sau quãng đời tận hiến cho Chúa trong hội Dòng Đaminh; Cha Tòng, Cha Thược, chị Martina Trang, ngày 09.08.2001 mừng kỷ niệm 25 khấn Dòng; Dì Thu, Dì Lan, Dì Tâm, Đức Cha Thống, Cha Ban, Cha Tự, Cha Nghĩa(Hoakỳ), Cha Mạnh... và còn nhiều bạn trẻ nữa hoặc đã là linh mục, đã khấn dòng hay còn đang trong thời kỳ học tập sửa soạn mà tôi chưa được hân hạnh biết. Nên không thể kể hết ra đây. Xin các Bạn thứ lỗi cho tôi. Xin chúc mừng các Bạn tất cả. Xin chúc mừng Cha Mẹ, gia đình các Bạn. Cầu chúc các Bạn luôn giữ mãi lòng nhiệt tình hăng say ngày chúng ta nhận sứ mạng ra đi làm nhân chúng cho tình yêu nước Thiên Chúa!

Cha Mẹ tôi và những người dân làng lớn tuổi cũng thường kể cho tôi nghe về Cha Chính Thái. Vị thừa sai người Yphanho đã suốt cuộc đời hy sinh tận tuỵ cho đến giọt máu cuối cùng vì đức tin trong làng xứ Caomộc năm xưa. Cha cố là người đã bỏ nhiều công sức thời giờ và tiền bạc xây dựng xứ đạo Caomộc. Ngài là người đã có công tổ chức làng Caomộc theo khuôn mẫu làng xã xứ đạo trên nền tảng đời sống đức tin vào Chúa và tình liên đới với nhau. Cha cố là người đã đứng ra nuôi dạy cha tôi. Khi ông bà nội tôi mất sớm, cha tôi lúc đó mới 07 tuổi, là người mồ côi, bơ vơ. Cha Chính Thái, lúc đó là cha xứ Caomộc, động lòng thương đã đưa cha tôi vào nhà chung nuôi nấng dạy dỗ tới ngày cha tôi khôn lớn. Cha Cố Thái, vì thế khác chi ông nội tôi. Cha tôi và tôi, suốt đời ghi nhớ ơn này của ngài. Họ cũng kể cho tôi về Cha cố Phêro Vĩnh, về các Thầy Từ, thầy Khánh, thầy Trọng, thầy Thức, về Đức Cha Tuần, ngày xưa khi còn làm thầy trường latinh mỗi mùa giải lao thường về nghỉ ở nhà xứ Caomộc.

Dân làng Cao Mộc chúng ta, có lẽ đây là dịp ngàn năm một thuở, có một biến cố mừng lớn: mừng một người con dân làng chúng ta được Thiên Chúa và Hội Thánh chọn làm người kế vị các Thánh Tông Đồ trong Hội Thánh Chúa: Đức Cha Giuse Vũ duy Thống.

Niềm vui mừng của dân làng ta cũng là niềm hãnh diện, vì người con, người anh em ưu tú này. Nhưng chúng ta cũng hân hoan tạ ơn Thiên Chúa ân huệ này. Vì trải qua, nếu tôi được phép nói, hằng bao nhiêu đời thế hệ tổ tiên cha ông chúng ta, ngaỳ nay Chúa đã ban ân đức và tuyển chon trong dân làng ta một người làm giám mục cho Hội Thánh. Ngày xưa tổ tiên ông bà làng chúng ta đã sống hy sinh xây dựng, sống niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Ngày nay Ngài đã ban cho làng ta mùa bội thu. Đâu đâu tôi cũng nghe nói đến sự thành công trong mọi lãnh vực đời sống của dân làng. Con cháu dân làng, những người trẻ ngày càng làm ăn phát đạt, học hành tiến bộ. Xin cám ơn công lao thịnh đức ông bà tổ tiên làng Caomộc đã để lại cho con cháu chúng ta. Nhờ công lao hy sinh và đức tin của các ngài vào Thiên Chúa, mà gia đình cuộc đời chúng ta được Chúa chúc phúc ban ân đức.

Cho dù bây giờ dân làng ta sống rải rác khắp bốn phương trời, nhưng tâm hồn chúng ta vẫn hằng hướng về tổ, về cội nguồn làng Caomộc mình. Một bạn trẻ gốc làng Caomộc nói với tôi: Người ta nói Caomộc cộc đuôi! Nhưng bây giờ thế hệ trẻ chúng con có lối sống làm ăn khác rồi, tiến bộ văn minh hơn xưa nhiều. Nên đâu ai còn có thể nói như vậy được nữa! Dân làng ta và tôi vui mừng hãnh diện vì các Bạn. Đức quốc mùa Hạ 2001 trong không khí nhớ về nguồn và chuẩn bị mừng ngày thụ phong giám mục của Đức Cha Giuse Vũ duy Thống.