Viễn tượng về Quan Hệ Ngoại Giao Vatican và Việt Nam
Việc Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn Nhà nước Việt Nam ngày 25 tháng 1 năm 2007 là một bước quan trọng trên tiến trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam.
Sau cuộc hội kiến kéo dài 25 phút, Việt Nam phổ biến bản tin nguyên văn sau đây:
“… Đúng 11 giờ địa phương (17 giờ Hà Nội) cùng ngày (25/1/2007), tại Tòa thánh Vatican, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Giáo hoàng Bênêđictô XVI và hội đàm với Thủ tướng Vatican, Hồng y Tarcisio Bertone.
“Cuộc gặp lần đầu giữa người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican thể hiện thiện chí và mong muốn của Việt Nam và Tòa thánh Vatican nhằm tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau.
“Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo những thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn tôn trọng quyền dân chủ, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, được quy định trong pháp luật Việt Nam và được nhất quán thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi trên thực tế cho việc thăng tiến đời sống tôn giáo, coi đây là một nhân tố quan trọng bảo đảm đoàn kết toàn dân tộc. Ở Việt Nam, cộng đồng những người Công giáo là một cộng đồng năng động, kính Chúa, yêu nước và có những đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển đất nước.
“Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với Tòa thánh Vatican. Hai bên đã có các cuộc gặp hằng năm để trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam và những vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm, mang lại kết quả tích cực, giúp hai bên ngày càng hiểu biết lẫn nhau hơn.
“Chính phủ Việt Nam chủ trương tiếp tục quá trình đối thoại trực tiếp với Tòa thánh Vatican trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận là: tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Việt Nam mong muốn Tòa thánh Vatican có tiếng nói khích lệ cộng đồng Công giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó với đất nước và dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican.
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận ý kiến của Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và việc Giáo hoàng và Thủ tướng Vatican sang thăm Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị giao cho cơ quan ngoại giao hai bên thảo luận cụ thể.
“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng rằng, với thiện chí và quyết tâm của cả hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican sẽ tiếp tục phát triển phù hợp với mong muốn của cả hai bên”.
Trong khi đó, Phòng Báo Chí Tòa Thánh Vatican phổ biến tin về cuộc gặp gỡ như sau:
”Sáng hôm nay, 25-1-2007, Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ông Nguyễn Tấn Dũng đã được ĐTC Biển Đức 16 tiếp kiến và sau đó, ông đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng, Dominique Mamberti, tháp tùng.
"Tòa Thánh bày tỏ sự hài lòng về cuộc viếng thăm này, đánh dấu một bước tiến mới mẻ và quan trọng tiến đến sự bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Trong những năm gần đây, quan hệ này đã có những tiến bộ cụ thể, mở rộng tự do tôn giáo cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
”Trong các cuộc đàm luận, có đề cập đến những vấn đề còn bỏ ngỏ, và hy vọng sẽ được cứu xét và giải quyết qua những phương thức đối thoại hiện có và đưa đến một sự cộng tác thành quả giữa Giáo hội và Nhà nước, để các tín hữu Công giáo có thể ngày càng đóng góp tích cực hữu hiệu hơn cho công ích của đất nước, thăng tiến các giá trị luân lý, đặc biệt là nơi giới trẻ, phổ biến một nền văn hóa liên đới và trợ giúp từ thiện dành cho những giai tầng yếu thế trong dân chúng.
"Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi ý kiến về thời sự quốc tế hiện nay, nhắm đến một sự dấn thân chung cho hòa bình và giải quyết bằng đường lối thương thuyết những vấn đề trầm trọng hiện nay.
”Đây là lần đầu tiên một vị Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gặp ĐTC và các chức sắc cấp cao nhất của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh”.
Tiến Tới Quan Hệ Ngoại Giao
Ngày 23 tháng 1 năm 2007, trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Á Châu (AsiaNews), Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài Gòn nói rằng mối liên hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam không còn gặp những trở ngại nào nữa.
“Vào tháng 11, tôi và một số vị Giám mục khác đã gặp Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ông Nguyễn Minh Triết. Chúng tôi đã thảo luận và trao đổi những quan điểm về tự do tôn giáo, về quyền sở hữu tài sản, về những trách nhiệm của Giáo Hội đối với công cuộc phát triển đất nước, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục và săn sóc y tế.
“Ông Chủ tịch Nước đã hứa chính phủ sẽ dần dần thỏa mãn những nguyện vọng chính đáng”.
“Tôi nghĩ rằng qua gặp gỡ và đối thoại, Vatican và chính quyền Việt Nam sẽ hiểu biết nhau hơn và quan hệ ngoại giao sẽ được cải thiện. Tôi cũng nghĩ rằng đã đến lúc thiết lập quan hệ chính thức. Dần dần vấn đề mối dây liên lạc với Vatican sẽ thành hình trong nước Xã hội Chủ nghĩa và tôi tin rằng nay mai mối liên hệ đó sẽ biến thành hiện thực”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, miền Bắc Việt Nam đã chấm dứt liên hệ với Vatican từ năm 1954, và vị Khâm sứ Tòa Thánh Vatican tại miền Nam đã bị trục xuất năm 1975. Thời gian dài nhiều năm kế tiếp là một chuỗi ngày mà Hội Thánh Công giáo cùng với các tôn giáo khác tại Việt Nam đều bị cấm cản và các sinh hoạt sống đạo bị giới hạn tối đa; nhiều vị chức sắc và các tín đồ đã chịu sự bắt bớ giam cầm bất công.
Từ nhiều năm qua, nhất là trong mấy năm gần đây, người ta có thể xác tín được thiện chí của Tòa Thánh Vatican cũng như của Hội Thánh Công giáo qua những nỗ lực muốn góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Việc sống đạo hài hòa, nhất là thể hiện tình yêu thương phục vụ nơi các cộng đoàn xứ đạo, các dòng tu chủng viện tại 26 Giáo phận trên toàn quốc chứng tỏ một sự gắn bó sâu xa của người Công giáo với đất nước giữa lòng dân tộc. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua các cuộc họp thường niên, với các Thư Mục Vụ, đều kêu gọi mọi người sống tôn trọng phẩm giá con người và tích cực góp phần xây dựng phát triển đất nước.
Gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy thế hệ mới của Nhà nước Việt Nam đang bắt đầu nhận ra vai trò quan trọng của Giáo hội Công giáo cũng như vai trò thiết thực của các tôn giáo trong mạch sống dân tộc nhằm cùng nhau xây dựng xã hội lành mạnh cho công cuộc phát triển một đất nước Việt Nam mới.
Để tạm kết, xin mượn tâm tình chia sẻ của Linh mục Hoàng Minh Thắng tại Rôma nói với đài phát thanh Á Châu Tự Do tuần lễ vừa qua:
“Người Việt chúng ta sẽ rất vui mừng nếu Nhà nước Việt Nam sắp tới đây sẽ thiết lập bang giao với Tòa Thánh, như 175 nước khác trên thế giới đã thực hiện.
“Có liên lạc ngoại giao với Tòa Thánh thì Việt Nam mới chứng tỏ với thế giới rằng, mình cũng là một nước tân tiến, văn minh, dân chủ và cùng góp tay xây dựng một xứ sở cường thịnh, hạnh phúc, sau bao nhiêu năm khổ sở vì chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ rồi.
“Đây là lúc mình phải cởi mở, ngước lên nhìn mặt trời, nhìn thế giới, chứ mình không chịu là một nước nghèo nàn, khốn khổ như đã chịu đựng từ trước tới nay”.