HỒNG KÔNG (UCAN) – Trước khi phà thả neo, một tu sĩ dòng Trappe có bộ râu trắng dài đang đứng vẫy tay tại bến phà. Sau đó, cha Nicholaus Kao Se-tsean, 110 tuổi, chào từng người khách khi họ bước lên bờ.

Một chuyến đi thuyền dài một giờ đã đưa họ từ trung tâm Hồng Kông đến Đan viện Đức Mẹ Hoan lạc trên Đảo Lantau. Họ đến để “mừng phép lạ về tuổi thọ của cha Kao”, theo cha Anastasius Li, đan viện phụ và là chủ tế Thánh lễ đặc biệt mừng sinh nhật cha Kao hôm 15-1.

Cùng đồng tế như cha Kao có bốn tu sĩ dòng Trappe khác và Đức ông Joseph Chiang, giám đốc Văn phòng Quốc gia về Hoạt động tông đồ Trung Quốc tại Mỹ. Ngài, giống như cha Kao, đến từ giáo phận Phúc Châu ở Trung Quốc đại lục.

“Rượu càng lâu, càng ngon”, và rượu trong túi da đựng rượu 110 năm tuổi quả thực là ngon, vị đan viện phụ nói với 150 khách mời đến từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia trong bài giảng lễ.

Tại tiệc sinh nhật sau Thánh lễ, cha Kao đã thổi tắt các ngọn nến trên ba chiếc bánh sinh nhật khổng lồ, và trong khi thổi nến đã làm cháy xém bộ râu của mình. Những người Công giáo tôn kính vị tu sĩ sống lâu trăm tuổi này bằng cách cúi chào ba cái, một truyền thống bày tỏ lòng kính trọng đối với người cao tuổi của Trung Quốc.

Nói bằng thổ ngữ Phúc Châu, cha Kao nói với các vị khách rằng ngài là vị linh mục cao tuổi nhất trên thế giới, hơn một vị linh mục 109 tuổi ở Tây Ban Nha.

Lời ngài nói được dịch sang tiếng phổ thông bởi Đức ông Chiang người ra đời hai năm sau lễ phong chức linh mục của cha Kao và giúp lễ cho cha Kao ở Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, cách Bắc Kinh 1.640 kilômét về phía đông nam.

Vị tu sĩ cao tuổi nói đùa, trong khi lấy tràng hạt trong túi ra: “Đức Mẹ tin tôi tốt bụng và xin Chúa Giêsu cho tôi sống 100 tuổi. Khi tôi được 100 tuổi, Mẹ đã xin Chúa Giêsu cho tôi thêm 10 tuổi nữa”. Ngài nói ngài đã lần hạt hàng ngày trong 74 năm nay.

Cháu của cha Kao là Kao Bin cùng vợ từ Phúc Châu cũng đến. Vị linh mục cao tuổi đã ở lại nhà của vợ chồng này nhiều lần trong các chuyến thăm. Họ nói với UCA News rằng sự tôn kính Đức Mẹ của người ông em ông nội họ và sự hiếu thảo đối với mẹ của ngài đã ảnh hướng lớn đến thế hệ trẻ.

Cha Kao sinh ra tại thành phố Changle, thuộc giáo phận Phúc Châu, năm 1897, và được rửa tội năm 1915. Sau khi chịu chức linh mục năm 1933, ngài phục vụ tại giáo xứ chính toà. Sau đó ngài trải qua 40 năm truyền giáo tại Đài Loan, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Ngài trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, và những thời kỳ gian khổ khi Nhật xâm chiếm Trung Quốc (từ năm 1937-1945).

Tang Shi, một trong khoảng 20 người Công giáo Đài Loan đến chúc mừng sinh nhật của ngài, nói với UCA News rằng bố ông, ông và con trai ông đều giúp lễ cho cha Kao. Ông Tang nói: “Tôi đại diện bố mẹ quá cố của tôi đến đây để bày tỏ lòng kính trọng của chúng tôi với ngài”.

19 giáo dân của giáo xứ Chính toà Thánh Tâm thuộc giáo phận Sibu ở bang Sarawak, miền đông Malaysia, đã đến tham dự Thánh lễ và dự tiệc sinh nhật. Họ nói với UCA News rằng hầu hết người Công giáo Trung Quốc ở Sibu là người di cư đến từ Phúc Châu và “có cảm giác gần gũi” khi cha Kao ở đó. Ngài thường viếng thăm các gia đình giáo dân và các dự tòng, họ kể lại và công nhận ngài đã phục hồi cộng đoàn Công giáo Trung Quốc bằng cách quy tụ các thành viên đã bỏ đi bởi vì họ không hiểu các nghi thức phụng vụ bằng tiếng Anh.

Năm 1972, ở tuổi 75, cha Kao rời bỏ sứ vụ mục vụ và gia nhập cộng đoàn Trappe Hồng Kông, chính thức là Dòng Xitô Nhặt phép. Ngài khấn trọn lúc 100 tuổi.

Cộng đoàn này có 16 thành viên, đa số đã cao tuổi. Đan viện phụ, đang ở tuổi tứ tuần, cho biết có những người cao tuổi làm bạn là một điều hạnh phúc. Cha Anstasius cho UCA News biết một số tu sĩ không có mặt do họ đã mừng với thành viên cao tuổi nhất của họ hôm 4-1 và đã trở lại đời sống chiêm niệm thường ngày.

Cha Kao nói với UCA News tại lễ mừng sinh nhật rằng ngày nào ngài cũng cầu cho hoà bình thế giới và công cuộc truyền giáo. Ngài nói thêm ngài cảm thấy hài lòng sau khi đã làm rất nhiều việc trong đời. Ngài cho biết còn một việc cần làm, việc mà ngài chưa bao giờ làm, là “trở về với Cha trên trời”.