GIÁO DỤC CON CÁI - Bài 8 : Làm sổ quan sát về « Cha Mẹ giáo dục con cái »
Tặng
Các cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Đàlạt
trong những khoá 1971, 1972 và 1973
Các khoá sinh trong 21 khoá Mục Vụ Hôn Nhân
tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, từ 1995 đến nay, 2006
TRẦN VĂN CẢNH
tranvancanh_paris@yahoo.fr
Sau đây, như là một thí dụ cụ thể của phương pháp quan sát, tôi xin giới thiệu MỘT LỚP HỌC DÙNG PHƯƠNG PHÁP SỔ QUAN SÁT ÐỂ TÌM TÒI VÀ GHI NHỚ NHỮNG ÐIỀU CẦN LÀM TRONG VIỆC « CHA MẸ GIÁO DỤC CON CÁI ».
Chiều thứ sáu, ngày 18.11.2005, trong chương trình khoá học ‘CHUẨN BỊ HÔN NHÂN, khoá thứ 21, một cuộc quan sát về ‘Giáo dục Con cái’ đã đươc tổ chức tại Giáo Xứ Việt Nam Paris. 15 anh chị đang chuẩn bị đi vào hôn nhân đã đến tham dự buổi quan sát này. Áp dụng phương pháp quản lý tri thức, một biến thể mới của phương pháp giáo dục bằng quan sát, một tuần lễ trước, ngày thứ sáu 11.11.2005, tôi giới thiệu chung với các anh chị một phương pháp làm sổ quan sát liệt kê những việc phải làm trong việc giáo dục con cái và đề nghị các anh chị, từng cặp, làm một sổ riêng theo những tâm tư ước nguyện của mình mà mình sẽ áp dụng cho chính mình và cho con cái mình, trong gia đình mà mình sẽ lập. Tôi xin các anh chị, từng cặp, vào tối 18.11.2005, sẽ trình bày cái sổ quan sát liệt kê những việc phải làm trong việc giáo dục con cái của mình để chia sẻ cho các cặp khác. Bốn cặp đã làm sổ liệt kê những việc phải làm trong việc giáo dục con cái. Ba cặp không đủ khả năng tiếng việt; hiểu lõm bõm và nói ngập ngừng; trong đó, một cặp sau giờ học đến xin tôi làm bản dịch tiếng pháp. Để kết thúc buổi học, xác định hướng đi tổng quát trong việc giáo dục con cái, tôi hỏi các anh chị : ‘Nếu phải giữ một điều, thì là điều nào ? Sáu chữ đã được nêu lên : ‘Lễ, Nhân, Kính, Hiếu, Đức tin, Không quá nghiêm khắc. Sau đây là bản tổng hợp của bốn sổ quan sát, liệt kê những việc phải làm trong việc giáo dục con cái mà bốn cặp đã làm. Các anh chị này đã cho phép tôi được tổng hợp các sổ quan sát của họ và được phổ biến. Vì muốn tôn trọng việc làm của họ, tôi đã giữ y nguyên hết những điều họ đã đưa ra, chỉ xếp đặt lại cho có thứ tự mà thôi.
Một sổ quan sát liệt kê những việc phải làm trong việc giáo dục con cái
1. Dạy con là trách nhiệm của cha mẹ, dẫu rằng thầy giáo giúp việc dạy học, chị ở giúp việc tắm rửa ăn mặc.
2. Dậy con là một việc đòi hỏi phải mất khá nhiều sức lực, tâm lực, trí lực, tài lực và phương pháp, dụng cụ.
3. Dạy con phải tuỳ vào giai đoạn phát triển, cá tính riêng biệt và hoàn cảnh môi trường. Và phải dạy con ngay từ lúc còn là thai nhi.
81. Dậy con từ lúc còn là thai nhi
4. Nguyên tắc giáo dục căn bản và quan trọng nhất trong việc giáo dục thời thai nhi là giáo dục bằng tâm tình.
5. Chín tháng cưu mang cũng là chín tháng giáo dục tâm hồn đứa nhỏ, tạo hình thân xác cho nó và tạo hình nhân cách cho nó.
6. Người mẹ trực tiếp ảnh hưởng trong việc giáo dục con cái rất nhiều. Phải dạy con ngay từ lúc chúng còn nằm trong bào thai.
7. Giữa thai nhi và mẹ có sự giao thông chặt chẽ : không chỉ bằng trao đổi máu huyết qua cuống nhau, nhưng bằng cả cảm xúc niềm vui nỗi buồn.
8. Ảnh hưởng xấu tốt của người mẹ trong lúc mang thai sẽ kéo dài suốt đời đứa nhỏ : khoẻ mạnh hay bệnh tật, bình tĩnh hay nóng nảy, thông minh hay lú lẫn.
9. Thai nhi trong bụng mẹ, dẫu hạn chế về tri thức, nhưng sự cảm xúc đã bắt đầu : do đó, khi mẹ vui tươi hạnh phúc thì thai nhi cũng bình an thoải mái, tim đập nhịp nhàng bình thường; khi mẹ buồn phiền, nóng giận thì thai nhi cũng xốn xáo, tim đập nhanh.
10. Nơi ăn chốn ở trang nhã, đẹp đẽ làm cho tâm tư, tình cảm bà mẹ thoải mái sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và tính tình của đứa trẻ sau này. Phối trí, mầu sắc, yên tĩnh của chỗ ở, hình ảnh trang hoàng vui nhộn, hay êm đềm đều ảnh hưởng đến đứa trẻ.
11. Bầu khí gia đình hoà thuận, đầm ấm, vui vẻ, hạnh phúc sẽ giúp thai nhi phát triển thuận lợi.
12. Tâm tính của đứa trẻ có tự tin, có bản lãnh, phần lớn nhờ vào tình yêu của cha mẹ và ngay từ khi còn là thai nhi : mẹ trò tryện, yêu mến âu yếm, thoa nắn thai nhi.
13. Ngược lại, thái độ lạnh nhạt, dửng dưng hoặc oán hờn, chán ghét của người mẹ với thai nhi, sẽ tạo cho thai nhi và đứa trẻ sau này có nhiều hoài nghi, tự ti, tủi phận, bất mãn, nổi loạn,...
14. Nếu bà mẹ mang thai đạo hạnh, sốt sắng cầu nguyện, siêng năng chịu các bí tích, tin cậy vào Chúa, thì đứa nhỏ sẽ có nhiều triển vọng có được tâm tình đạo đức.
15. Việc ăn uống của bà mẹ rất là quan trọng cho dứa nhỏ cũng như cho chính bà trong giai đoạn mang thai.
16. Trong giai đoạn này, đôi khi có hiện tượng mà Việt Nam ta gọi là ‘ăn rở’, khi có thai các bà mẹ không nên ăn quá nhiều chất béo, chất mỡ; nhưng nên dùng nhiều chất bột, chất đường, ăn nhiều rau trái; uống nhiều nước, nhưng nên kiêng cữ các loại rượu bia.
17. Ba tháng đầu mang thai là thời kỳ hình thành và quan trọng nhất cho bào thai : có thể bị sẩy thai, hoặc hình thành ngoài tử cung.
18. Ba tháng giữa là thời kỳ tăng trưởng của thai nhi, tương đối an toàn cho cả con lẫn mẹ.
19. Ba tháng cuối, thai phát triển già dặn, vài biến chứng có thể xảy ra như băng huyết,.
20. Trong suốt thời kỳ mang thai, sự săn sóc và theo dõi y khoa trong các xứ Âu Mỹ tương đối kỹ lưỡng và đầy đủ;
21. Nhưng việc luyện thân, vận động thân thể bằng thể duc, thể thao, đi bộ, làm việc nội trợ,.. thì các bà mẹ cần lưu tâm nhiều hơn để giữ sức khoẻ cho mình và cho con.
22. Và việc luyện tâm làm cho tinh thần được bình an, thư thái, gạt bỏ xúc động, lo âu, tránh buồn phiền giận dữ là điều quan trọng cho việc đào tạo sinh lý và tâm lý cho đứa nhỏ.
82. Dậy con lúc hài nhi, từ 0 đến 6 tuổi
Tổng quát
23. Nguyên tắc giáo dục căn bản và quan trọng nhất trong việc giáo dục ở lứa tuổi hài nhi là giáo dục bằng tâm tình.
24. Hãy làm mọi việc thường ngày và cụ thể, như thay tã, tắm rửa, cho ăn, ru ngủ với tình yêu thương, với con tim của bà mẹ, của người cha.
25. Trong mọi việc, hãy là gương mẫu sống động cho con. Giáo dục, tiếng bình dân gọi là ‘DẬY DỖ’; lúc thì phải dạy, lúc lại phải dỗ.
26. Tránh sửa phạt con theo cơn nóng giận của mình. Đó chỉ là thỏa tính nóng giận của mình chứ không phải là giáo dục.
27. Khi con sai lỗi, bình tâm chỉ dạy.
28. Giáo dục trong tự do, không gò bó trẻ quá, nhưng có kiểm soát.
29. Không nên dạy con bằng khiếp sợ.
30. Nếu con bướng bỉnh, hờn giận, cần phải kiên nhẫn bỏ qua; ít phút sau trở lại, cắt nghĩa phải trái và tập nó phải xin lỗi
Thể lý
31. Nuôi con bằng sữa mẹ là tặng cho con một tình yêu an bình, một lòng tự tin mạnh mẽ.
32. Lãnh vực giáo dục quan trọng nhất trong lứa tuổi hài nhi là giáo dục thể lý, như ăn uống, đi đứng.
33. Mục tiêu quan trọng là làm sao cho con khoẻ mạnh, không bị yếu đau, tật nguyền.
34. Dần dà tập cho con biết tự làm lấy một số việc, như làm vệ sinh, đánh răng rửa mặt
35. Dậy cho con biết sạch sẽ, trật tự và ngăn nắp
36. Tập thói quen đi tiêu, đi tiểu đúng giờ, ăn ngủ điều độ, có giờ giấc
37. Ở giai đoạn một hai tuổi, trẻ phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển thể lí quan trọng như mọc răng, rồi tập lẫy, tập bị, tập ngồi, tập đi, tập chạy, tập nhảy,..Trong những biến đổi này, trẻ ngặt mình khó chịu, mẹ phải biết chiều con đúng lúc.
38. Nhưng không nên nuông chiều quá mức để trẻ quen thói, e rằng sau này sẽ khó uấn lại.
39. ‘Cháu còn bé quá, không biết gì‘.Đó là một lầm tưởng.
40. Nên để những vật dụng nguy hiểm ngoài tầm tay con, như lửa, thuốc, dao kéo,...
41. Tập cho con biết quan sát và yêu mến thiên nhiên, biết quí trọng môi trường thiên nhiên với cỏ hoa, cây cối, chim cá,..
Đức tin
42. Tìm cách chia sẻ đức tin với con, càng sớm càng tốt, ngay những giây phút đầu đời của con, bằng mọi hình thức và hoạt động có thể, như bế đi nhà thờ, làm dấu thánh giá cho con.., dâng con cho Đức Mẹ.
43. Làm dấu thánh giá trên trán cho con mỗi tối trước khi đi ngủ và nói với con ‘Chúa chúc lành và gìn giữ con’
Luân lý xã hội
44. Nói tiếng Việt với con
45. Dậy cho con biết tươi mặt khi nói truyện, không nhăn nhó, không lắp bắp,
46. Nói cho rõ ràng, dễ hiểu, không gay gắt
47. Tập cho con biết chào hỏi lễ phép, biết cám ơn, biết xin lỗi.
48. Dậy con biết chào hỏi ông bà mỗi sáng dậy và mỗi tối đi ngủ, biết ra hỏi vào thưa với cha mẹ
49. Tính trẻ hay bắt chước; Tránh cãi lộn, chửi thề trước mặt con
50. Ở tuổi ba bốn, trẻ biết nghe, biết hiểu và biết bắt chước.
51. Cách ăn nói của cha mẹ sẽ được trẻ bắt chước y rặt. Cha mẹ cần ý tứ và cẩn trọng trong lời nói.
52. Ở tuổi năm sáu, một số thái độ đã được thành hình, tốt có, xấu có, trong đó, một số diều trẻ làm là theo gương đã học được ở cha mẹ.
53. Nếu cha mẹ không muốn con nói dối thì đừng bao giờ nói dối nó.
54. Nếu cha mẹ muốn con tin tưởng nơi mình thì phải luôn giữ lới hứa vói nó.
55. Phải nghiêm khắc dậy con, nhưng luôn luôn trong và bằng yêu thương.
56. Và phải biết dạy con yêu kính cha mẹ, để chúng dễ tuân phục các điều hay lẽ phải mà mình truyền dạy.
57. Không nên dạy con bằng khiếp sợ
58. Nhưng tập cho nó tính bạo dạn.
59. Tập cho trẻ biết tôn trọng người khác và sự yên tĩnh của họ.
60. Tránh cho xem phim ảnh bạo lực, lố lăng
61. Tránh thiên vị, thương con này ghét con khác để tránh chúng ghen tị nhau.
62. Tập cho trẻ biết nhận lỗi và xin lỗi
63. Tập cho trẻ biết kiềm chế tính thô bạo mà nhân hậu với các loài sinh vật
64. Dậy con biết tiết kiệm
65. Dậy con biết chịu khó học tập
66. Khuyên con chọn bạn mà chơi
67. Giúp con luôn sống hồn nhiên vui tươi
83. Dậy con tuổi ấu thiếu, từ 6 đến 12 tuổi
Tổng quát
68. Nguyên tắc giáo dục căn bản và quan trọng nhất trong việc giáo dục ở lứa tuổi ấu thiếu là giáo dục bằng nhân ái và nguyên tắc.
69. Lãnh vực giáo dục quan trọng nhất trong lứa tuổi ấu thiếu là trí dục, đức dục, đức tin và luân lý xã hội.
70. Tuổi này, con cái bắt đầu xa dần cha mẹ, để tiếp cận với học đường, đoàn thể, xã hội
71. Đây cũng là tuổi tò mò và bắt chước, việc giáo dục quan trọng là chỉ bảo, gương lành và thói quen
72. Khi con sai lầm, vấp ngả, phải nâng đỡ, chứ khơng xỉ nhục, nhất là xỉ nhục trước mặt người khác
73. Sửa phạt, phải công minh, chứ không công thẳng. Tránh sửa phạt theo nóng giận quát tháo, đánh đập. Con sợ hãi, những lần sau sẽ chối lỗi vì sợ bị phạt
74. Tìm những lúc thân tình cho con thỏ thẻ, tâm tình
75. Không nên bênh vực con quá đáng. Nhà trường, hàng xóm, giáo xứ khuyến cáo thì xét lại hoặc nghe theo, chứ đừng cứ bênh vực con một cách mù quáng
76. Bữa cơm không phải là lúc đay nghiến, chửi bới con cái.
Thể lý, thiên nhiên
77. Cho ăn mặc sạch sẽ, ăn uống điều độ
78. Giúp con khám phá các bí mật của thiên nhiên, thưởng thức những cảnh ngoạn mục, những nơi kỳ thú.
79. Cho con dịp nhìn thấy các loài hoa cỏ thảo mộc, các giống động vật quen thuộc
80. Giúp con quan sát cách sinh sống của những loài động thực vật ấy
Đức tin
81. Nếu con làm điều sai, thì dẫu có lợi, cũng nên ngăn cản, giải thich và chỉ bảo.
82. Lo cho con no ăn, ấm mặc đã vậy, nhưng cũng đừng quên dạy dỗ, răn bảo khi chúng trễ nải việc Chúa.
83. Cần phải phó thác vào Chúa, cầu nguyện xin Chúa soi đường chỉ lối, biết cách dậy con nên người.
Luân lý xã hội
84. Một trẻ sinh sống tại Âu Mỹ, không am tường văn hóa dân tộc, chưa hẳn đã là một đứa trẻ xấu.
85. Đời sống Âu Mỹ đơn giản, cách chào hỏi cũng đơn sơ hơn ở Việt Nam.
86. Hãy gắng làm cho trẻ yêu quí Việt Nam và người Việt Nam hơn.
87. Mẫu giáo dục tối thiểu phải đạt là làm lành, tránh dữ; làm tốt tránh xấu.
88. Cần phải giáo dục sự ngay thẳng, lời nói và việc làm đi song đôi nhau
84. Dậy con tuổi dậy thì, từ 12 đến 16 tuổi và thanh niên, từ 17 đến 20 tuổi
Tổng quát chung cho cả trai lẫn gái
89. Nguyên tắc giáo dục căn bản và quan trọng nhất trong việc giáo dục ở lứa tuổi dậy thì là giáo dục bằng nhẫn nại.
90. Lãnh vực giáo dục quan trọng nhất trong lứa tuổi dậy thì là xã hội, giáo hội, đoàn thể.
91. Nếu không cần thiết, không nên lập lại những điều đã dạy trước kia
92. Không nên nhắc lại nhiều lần những nết xấu của trẻ khi còn bé
93. Trai hay gái, ở tuổi này, chúng đã biết nhận định trái phải, dẫu đôi khi vẫn còn khờ khạo
94. Dạy con biết yêu sự đạo đức và tránh xa những điều xấu xa, tội lỗi
95. Kể cho con nghe những truyện lành thánh
96. Lãnh vực giáo dục quan trọng nhất trong lứa tuổi thanh niên là hướng nghiệp và chọn nghề.
97. Nguyên tắc giáo dục căn bản và quan trọng nhất trong việc giáo dục ở lứa tuổi thanh niên là giáo dục bằng tin tưởng.
98. Dạy con biết sống giản dị, khiêm tốn và siêng năng làm việc
99. Dạy con biết trách nhiệm, biết chăm làm, chăm học để mở mang kiến thức, phát huy trí tuệ hầu có ích cho bản thân, gia đình và xã hội
100. Phương pháp giáo dục độc đáo ở giai đoạn này là theo tâm lý giới tính
Trẻ trai
101. Ở tuổi dậy thì, cảnh ấm cúng gia đình có khi không đủ hấp dẫn nữa, trẻ trai thích ra ngồi dong chơi, nhất là vào những cuối tuần. Dĩ nhiên không thể khép kín con trong nhà; nhưng cho phép trong một kỷ luật nhất định
102. Tránh bao bọc, che chở quá đáng, khiến chúng ỷ lại vào sức mạnh, tiền tài cha mẹ cung phụng
103. Cho con vui chơi có mức độ, có giờ giấc
104. Cho con tự do, nhưng phải có giới hạn và tùy tính tình mỗi đứa
105. Cho con dong chơi suốt đêm là vô tình dung túng đưa con vào con đường xấu
106. Cách tốt nhất giữ con ở nhà vẫn là bầu khí gia đình hoà thuận, sung sướng, hạnh phúc
107. Dạy con biết tìm những thú vui thuần khiết, cao thượng và tránh xa những thú vui xấu xa tội lỗi
108. Nếu có khả năng, nên giúp con và tham gia vào chương trình sinh hoạt buổi tối trong gia đình, như chơi chung ván cờ, ván bài, coi chung một cuốn phim, ca chung một bản nhạc,...
109. Dạy con biết mỉm cười bỏ qua những cuộc vui chơi không cần thiết, nhất là khi không đủ phương tiện
110. Dạy con biết vượt thắng những dục vọng, bỏ qua được những thiếu thốn và tìm cách thăng tiến và vươn lên
111. Cần biết trẻ lại với con, biết gần gũi với con, chấp nhận cái mới của tuổi trẻ, biết cho chúng tự do thoải mái
112. Cần dạy tính quảng đại để đừng ỷ lớn ăn hiếp em
113. Làm cho chúng biết khoan dung và nhân nhượng với kẻ yếu thế
114. Giúp trẻ có một lý tưởng để vươn lên trong cuộc sống
115. Tạo cho con trai ý thức tự lực tự cường để về sau cáng đáng trách nhiệm với gia đình
116. Dạy con biết yêu chuộng sự công bằng, lẽ phải và khinh ghét sự luồn cúi, nịnh bợ
117. Dạy con biết tôn trọng danh dự bản thân và danh dự của người khác
118. Dạy con biết làm giầu một cách liêm chính, mà không bất chấp đạo lý, luật pháp
119. Khuyên con biết tránh những giao du lừa đảo, phá phách, tránh những danh lợi bất chính.
120. Dạy con có lòng vị tha và quảng đại, để nó biết yêu thương và giúp đỡ mọi người, nhờ đó, mọi người sẽ thương mến nó
Trẻ gái
121. Ở lứa tuổi dậy thì, tâm hồn trẻ gái có nhiều cảm xúc phức tạp, đòi hỏi cha mẹ, và nhất là mẹ nhiều quan tâm.
122. Con cần đến kinh nghiệm sống của mẹ
123. Mẹ cần cởi mở hoà mình với con, xem con như người bạn nhỏ, gây cho nó sự tin tưởng nơi mẹ, thích tâm sự với mẹ hơn là với lứa bạn cùng tuổi
124. Mẹ nên khéo léo giúp con có được những suy nghĩ chín chắn về tình yêu
125. Mẹ cần làm cho con hiểu vai trò quan trọng của một người vợ, một người mẹ đảm đang trong hạnh phúc của một gia đình, Á cũng như Âu, cổ cũng như tân, giầu cũng như nghèo.
126. Mẹ nên tập cho con làm những việc nhà, từ nấu nướng, thêu thùa, may vá, đến nội trợ, tề gia
127. Bằng mọi cách, mẹ phải tập cho con những việc làm cần thiết để mai sau trở thành một người vợ đảm đang, một người nội trợ giỏi và một người mẹ hiền
128. Mẹ không nên dùng quyền oai mà đòi hỏi con phải làm điều này, điều kia, nhưng biết chia sớt những tâm tình trắc ẩn của nó, giúp nó tháo gỡ những xáo trộn uẩn ức
129. ‘Trai tài, gái sắc’, ca ông bà vẫn bảo thế. Dung nhan, duyên sắc là một trong bốn đức của người nữ
130. Mẹ nên giúp con gái làm đẹp, biết trang điểm, ăn mặc hợp với thân hình và hoàn cảnh của mình, mà không lố lăng
131. Và giúp con hiểu rằng cái đẹp cần đi đôi với cái nết na duyên dáng. ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’
132. Làm đẹp cho con rồi giúp con làm đẹp, không ai thay được mẹ
133. Mẹ nên giúp con nhận ra cái đẹp cái xấu của nó, mà giảm đi cái xấu, tăng thêm cái đẹp, cái duyên
134. Mẹ nên giúp con ý thức được vẻ đẹp của mình, mà không kiêu căng hoặc mặc cảm
135. ‘Ăn mặc giản dị, không làm bớt vẻ đẹp’, mẹ nên giúp con hiểu như vậy, tránh diêm dúa và cố vấn giúp con chọn lựa áo quần theo vóc dáng của nó
136. Mẹ cũng nên giúp con đừng quá giản dị, mà thành lôi thôi lếch thếch
137. Mẹ nên giúp con ý thức rằng cách ăn mặc biểu lộ tính tình và phẩm cách con người
138. Trang điểm là điều tự nhiên và cần thiết của con gái trong xã hội hôm nay
139. Mẹ nên giúp con trang điểm đúng lúc và dùng những mỹ phẩm có chất lượng để tránh làm hỏng da mặt
140. Khéo trang điểm sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp. Nhưng trang điểm không đúng cách thành ra trò cười cho người khác.
141. Mẹ cũng nên giúp con hiểu rằng cái đẹp chỉ có giá trị nếu con khoẻ mạnh, cho nên thể dục, thể thao để giữ cho vóc dáng được lanh lẹ bảnh bao là điều cần.
142. Ăn uống điều độ, chứ đừng vì sợ mập mà kiêng cữ quá đáng thành suy nhược
143. Hoa quả, rau cỏ là những thức ăn giúp cho da dẻ được tươi tốt
144. Ngủ nghỉ chừng mực mà không ươn lười sẽ giúp cho tinh thần tỉnh táo, thân xác mạnh khoẻ, vóc dáng mặn mà.
145. Con gái từ tuổi dậy thì, kinh nguyệt là chuyện bình thường, mẹ nên giúp con đừng hoảng sợ, hoang mang, lo lắng lúc đầu và nhắc nhở nó về vệ sinh cần thiết, rửa ráy thường xuyên,..
146. Mẹ cũng nên bày cho con những việc phải tránh và nên làm trong thời kỳ kinh nguyệt, trong những việc ăn uống, may mặc, đi lại, chơi đùa, giải trí, thể dục, thể thao,..
147. Trong mọi việc giáo dục con, mẹ phải làm sao để con cảm thấy sung sướng và hạnh phúc khi ở bên mẹ và trên cõi đời này chẳng ai yêu thương nó bằng mẹ. Tình mẹ con thật là êm đềm, mật thiết
85. Dậy con tuổi trưởng thành, từ 20 tuổi trở lên
Tổng quát
148. Nguyên tắc giáo dục căn bản và quan trọng nhất trong việc giáo dục ở lứa tuổi trưởng thành là giáo dục bằng tin tưởng, cộng tác và đồng hành.
149. Lãnh vực giáo dục quan trọng nhất trong lứa tuổi trưởng thành là trách nhiệm, dấn thân.
150. Phương pháp giáo dục độc đáo ở giai đoạn này là theo vai trò giới tính : con trai làm chồng, con gái làm vợ.
Thanh nam
151. Một trang thanh niên không thể sống luồn cúi, mà phải ngẩng cao đầu lên, lãnh nhận lấy trách nhiệm
152. Sự hướng nghiệp đã được thực hiện từ lứa tuổi dậy thì. Ở giai đoạn trưởng thành, cha mẹ phải giúp con có cơng ăn việc làm và yêu thích nghề của nó.
153. Nếu cần phải đổi nghề, cha mẹ phải giúp con chọn đúng nghề của chúng hơn, tùy theo năng khiếu, sở thích và môi trường kinh tế.
154. Nhắc nhủ và tập cho con lãnh lấy trách nhiệm trước khi bước vào hôn nhân, biết tự lập, biết làm chủ, biết lập sự nghiệp, biết cách đối xử với vợ con, biết nghĩ đến việc đền đáp công ơn dưỡng dục, biết kính trọng cha mẹ ruột cũng như cha mẹ vợ.
155. Giúp cho đôi trẻ có đời sống dễ dãi, nhẹ nhàng, tươi mát và hạnh phúc.
Thanh nữ
156. Làm vợ và làm mẹ là những sứ mệnh cao trọng, cần một tâm địa hướng thiện, tấm lòng khiêm nhu, tâm hồn rộng mở, nhân hậu, tha thứ và biết hy sinh.
157. Đức hạnh và tiết hạnh của con gái đã được rèn luyện từ tuổi dậy thì. Ở giai đoạn trưởng thành, mẹ phải gần gũi và chia sẻ với con, hầu giúp nó giữ gìn bản thân và trái tim yếu đuối, hầu tránh những vấp ngã trước cạm bẫy của cuộc đời.
158. Mẹ hãy truyền lại cho con những kinh nghiệm bản thân trong thời kỳ làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Đặc biệt là những tế nhị với mẹ chồng và thái độ kính yêu nên có
159. Mỗi gia đình có một gia phong khác nhau, mẹ phải vạch cho con biết chịu đựng và khắc phục những khác biệt ấy, đừng khinh khi những người nhà chồng, gợi ra tự ái, gây ra va chạm, bất hoà và bất hạnh. Sự nhẫn nhục của người dâu, trước sau cũng sẽ được biết đến và mến phục.
160. Muốn cho gia đình yên ấm, nhất định người vợ phải góp sức cùng chồng trong nội trợ và giáo dục con cái đã vậy, mà còn cả trong việc kinh tế, tiết kiệm, chi tiêu. Mẹ phải giúp con gái rõ được điều ấy.
161. Cuộc sống gia đình có những lúc gian lao thử thách, mẹ phải bày cho con biết can đảm giải quyết, mà không thụ động, ỷ lại.
162. Hạnh phúc của một gia đình phần lớn do bàn tay của người vợ và người mẹ.
Ðọc qua bản tổng kết, liệt kê những việc mà các cặp chuẩn bị đi vào hôn nhân cho là cần thiết trong việc giáo dục con cái; tôi thấy nó biểu lộ một cách làm việc đa diện và chu đáo của các tác giả. Họ đã quan sát và tìm tòi khắp nơi, nhưng cái nguồn tài liệu chính yếu mà họ đã xử dụng là cuốn sách « Ðường vào tình yêu »[[1]], thủ bản chuẩn bị hôn nhân đời sống gia đình công giáo mà Ban Mục Vụ Hôn nhân của Giáo Xứ đã soạn ra và đề nghi với họ. Ðọc kỹ những điều họ đã đưa ra, tôi thấy họ đã tìm đọc không chỉ 10 bài giản huấn[[2]] của 10 giảng viên mà cả 9 bài quảng diễn khác về gia đình[[3]]. Cái nhìn giáo dục của họ tương đối đa diện, bao quát các khía cạnh thể lý sinh học, xã hội, gia đình, kinh tế, tôn giáo, đức tin,…Chỉ ở điểm này, là rút tiả được những áp dụng giáo dục từ những bài về bí tích, dân luật, sinh lý, dinh dưỡng, sống đạo, tài chánh, … cũng cho thấy họ đã làm việc, và làm việc một cách chu đáo. Ta có quyền hy vọng, trong đời sống thực tế sau này họ sẽ nới rộng nguồn tài liệu tham khảo, sẽ ghi nhận nhiều chi tiết hơn, nhiều khía cạnh hơn, để việc giáo dục con cái của họ được hữu hiệu hơn và gặt hái được nhiều kết quả hơn. Xin phó thác việc này trong tay Chúa.
Đọc qua tám bài trên đây về « Cha mẹ giáo dục con cái », rõ rệt chúng ta thấy rằng giáo dục con cái là sứ mệnh quan trọng của cha mẹ. Nó phát xuất một cách tự nhiên nơi bất cứ cha mẹ nào và có vẻ dễ dàng thực hiện. Nhưng hiệu quả không nhất thiết và không đồng đều vì tuỳ thuộc vào cách làm. Bởi vậy, phương pháp áp dụng là một điều quan trọng. Bốn phương pháp căn bản đã được ghi nhận và áp dụng khắp nơi. Đó là huấn dụ, đối thoại hỏi thưa, thực tế hoạt động và thực nghiệm quan sát. Bốn phương pháp này có thể áp dụng riêng rẽ hoặc chung một lúc.
Thực ra bốn phương pháp giáo dục này đã được thiết kế theo một tiến trình mà người ta gọi là tiến trình học tập. Nó được xây dựng theo bốn kết quả thực tế của việc học tập. Cấu trúc của nó không khác cấu trúc của một bài luận, có mở bài, thân bài và kết luận. Bất cứ một việc giáo dục nào, bao giờ việc nghe giảng giải cũng là việc cần thiết khởi đầu. Từ đó, muốn phát triển, người học phải đi tìm tòi để hiểu. Và một khi đã hiểu, phải mang ra áp dụng. Nếu áp dụng thành công, nên kết thúc bằng một bản đúc kết viết thành một chỉ nam hầu áp dụng mãi mãi về sau.
Bốn giai đoạn học tập đưa đến bốn giai đoạn hình thành tri thức : ý niệm sơ khởi, tìm tòi hỏi thăm, áp dụng thực hành và sau cùng đúc kết tổng quát. Trong bất cứ mức độ và lãnh vực nào, cụ thể hay trừu tượng, khoa học hay văn chương, xã hội hay kỹ nghệ, quản lý hay chính trị, một tri thức luôn luôn khởi đầu với sự ý thức và khái niệm sơ khai. Bao lâu tôi không biết rằng tôi không biết, thì bấy lâu tôi sẽ vẫn không biết. Nhưng lúc mà tôi biết rằng tôi không biết, thì lúc ấy tôi bắt đầu biết, ít nhất tôi biết rằng tôi không biết. Cái ý thức sơ khởi này thường được nhận ra nhờ đâu đó, ai đã cho ta một khái niệm. Từ một khái niệm sơ khai, tính tò mò thúc đẩy con người đi tìm tòi, đi hỏi han để hiểu hơn và nếu vấn đề vẫn hấp dẫn, thì nó sẽ mang ra thử nghiệm, áp dụng. Và nếu áp dụng thành công, thì nó sẽ tổng quát hoá cái mà nó đã có sơ niệm, hiểu rõ và thực hành. Chỉ ở mức độ này, kiến thức mới đích thực là kiến thức. Vì kiến thức không gì khác hơn là một xây dựng chủ quan về một vấn đề. Có được một tổng hợp những tư tưởng chủ quan về việc giáo dục con cái là có một quan niệm về giáo dục con cái. Và có một quan niệm về giáo dục con cái thì hẳn sẽ có một phương pháp giáo dục con cái vậy. Và quan niệm giáo dục con cái trong gia đình Việt Nam trọng tâm đặt ở lý tưởng ‘nên người’, như ca dao vẫn hằng nhắc nhở về bốn mục tiêu của hôn nhân rằng :
Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hoà vợ thuận nhà thường yên vui.
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.
Chú thích
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Ban Mục Vụ Hôn Nhân : Ðường vào tình yêu; Paris : Giáo Xứ Việt Nam; 2000; 326 trang
[2] Ðó là những bài sau đây :
1. Mục đích và đặc tính của Bí Tích Hôn nhân, do Lm Mai Ðức Vinh
2. Gia đình trong dân luật Pháp, do Ls Lê Ðình Thông
3. Ðời sống sinh lý vợ chồng, do Bs Nguyễn Văn Ái
4. Vệ sinh và dinh dưỡng trong đời sống vợ chồng, do Bs Tạ Thanh Minh
5. Sống đạo trong gia đình, do Pt Nguyễn Văn Thạch
6. Giáo Dục Con cái, do Gs Trần Văn Cảnh
7. Tài chánh trong gia đình, do Pt Phạm bá Nha
8. Vai trò người chồng, do Bs Nguyễn ngọc Ðỉnh
9. Vai trò người vợ, do Gs Tạ Thanh Minh Khánh
10. Cử hành bí tích Hôn Phối, do Lm Ðinh Ðồng Thượng Sách
[3] Ðó là những bài sau đây :
1. Một tư ttưởng bình dân việt nam về hôn nhân và gia đình, do Gs Trần Văn Cảnh
2. Xã hội học gia đình công giáo việt nam, do Ls Lê Ðình Thông
3. Mạn đàm về hạnh phúc gia đình, do Gs Tạ Thanh Minh Khánh
4. Chữ tình và chữ yêu, do Bs Nguyễn Văn Ái
5. Mưới điều bảo vệ hạnh phúc gia đình, do Gs Bùi Thị Lý, Lm Mai Ðức Vinh, Gs Trần Văn Cảnh
6. Suy nghĩ về giáo dục trẻ em, do Gs Bùi Thị Lý, Lm Mai Ðức Vinh
7. Gia lễ trong hôn nhân, do Pt Phạm Bá Nha
8. Hoa hồng mân côi mừng khánh nhật hôn nhân, do Ls Lê Ðình Thông
9. Tổng kết các khoá chuẩn bị hôn nhân, do Pt Phạm Bá Nha