GIÁO DỤC CON CÁI

Bài 1 : Phương pháp huấn dụ



Tặng

Các cựu sinh viên Đại Học Sư Phạm Đàlạt trong những khoá 1971, 1972 và 1973

Các khoá sinh trong 21 khoá Mục Vụ Hôn Nhân tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, từ 1995 đến nay, 2006

TRẦN VĂN CẢNH
tranvancanh_paris@yahoo.fr



LỜI MỞ


Vợ chồng là nghĩa tào khang,
Chồng hoà vợ thuận nhà thường yên vui.
Sinh con mới ra thân người,
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no.

Theo tư tưởng của người Việt Nam bình dân thì hôn nhân có bốn mục tiêu : Vợ chồng phải tào khang chung thủy; Vợ chồng phải xây dựng một gia đình hạnh phúc, trong đó chồng hoà, vợ thuận và gia đình đạo đức; Vợ chồng phải sinh con và giáo dục chúng để thành thân thành người; Và Vợ chồng phải làm ăn để đạt chỉ tiêu thịnh vượng cho xí nghiệp, cho xã hội và ấm no cho gia đình[[1]]. Như vậy, một trong những mục tiêu căn bản của hơn nhân là GIÁO DỤC CON CÁI. Nhưng giáo dục là gì ? Và phải giáo dục làm sao ?

Trong tác phẩm ‘’Giáo dục và xã hội‘’, xuất bản năm 1922, giáo sư sáng lập ngành xã hội học, E. DURKHEIM đã định nghĩa giáo dục như sau « Giáo dục là một hành động mà các thế hệ trưởng thành thực hiện nơi các thế hệ đang lớn lên để giúp họ hội nhập vào đời sống xã hội. Đối tượng của hành động giáo dục này là khich lệ và phát triển nơi trẻ nhỏ những thể trạng vật lý, trí tuệ và luân lý mà xã hội và môi trường nơi nó sinh sống đòi buộc [[2]] ». Hành động giáo dục này có thể được thực hiện và phân tích dưới nhiều khiá cạnh khác nhau [[3]] : mục tiêu, tác nhân, chất liệu, hình thức, thời gian, không gian, dụng cụ, phương pháp,..

Dưới khía cạnh tác nhân, tức là người thực hiện việc giáo dục, người ta phân biệt tác nhân chính thức, như cha mẹ ở gia đình, giáo chức ở trường học, chủ và thượng cấp ở sở làm. Và tác nhân không chính thức, như bà con, bạn bè,. .. các nhóm sinh hoạt, các phương tiện truyền thông báo chí, các địa điểm và hoàn cảnh sinh sống và sinh hoạt.

Dưới khía cạnh phương pháp, dựa vào hai khả năng căn bản của trí tuệ là trí nhớ, trí hiểu và hai tác động nền tảng là làm việc, quan sát, ta có thể phân biệt bốn phương pháp giáo dục căn bản là : phương pháp huấn dụ, phương pháp đối thoại hỏi thưa, phương pháp thực tế hành động, phương pháp thực nghiệm quan sát. Dưới khiá cạnh thời gian, người ta phân biệt giáo dục tiền học đường, giáo dục học đường và giáo dục hậu học đường. Dưới khiá cạnh nơi chốn và định chế, người ta phân biệt giáo dục có định chế tổ chức và giáo dục không thành định chế hoặc không có tổ chức rõ ràng.

Kết hợp các khía cạnh trên và đặc biệt là hai khía cạnh tác nhân và phương pháp, trong đó, vai trò tác nhân giáo dục con cái của cha mẹ và bốn phương pháp giáo dục căn bản là huấn dụ, đối thoại hỏi thưa, thực tế hành động và thực nghiệm quan sát là hai đối tượng quan trọng, chúng tôi xin trình bày trong bài khảo luận này một đề tài là ‘cha mẹ giáo dục con cái’ và, để diễn tả bốn phương pháp giáo dục một cách cụ thể, đề tài sẽ được trình bày lần lượt theo từng phương pháp giáo dục và từng áp dụng cụ thể. Cách trình bày này có nhược điểm là lập đi lập lại một đề tài và chỉ giới hạn vào những áp dụng cụ thể mà tác giả đã thực hiện. Nhưng mục tiêu sư phạm đòi hỏi phải giới thiệu được nhiều cách giảng dậy cụ thể về cùng một đề tài. Xin quí độc giả thứ lỗi và thông cảm. Như vậy, lần lượt tám mục sau đây sẽ được trình bày :

1. Phương pháp huấn dụ

2. Huấn dụ về « Cha mẹ giáo dục con cái »

3. Phương pháp đối thoại

4. Ðối thoại về « Cha mẹ giáo dục con cái »

5. Phương pháp dự án hành động

6. Dự án về « Cha mẹ giáo dục con cái »

7. Phương pháp quan sát

8. Sổ quan sát về « Cha mẹ giáo dục con cái »


1. PHƯƠNG PHÁP HUẤN DỤ

Phương pháp huấn dụ cũng gọi là phương pháp trình bày, chuyển đạt, mô phạm, là một phương pháp giáo dục mà người dậy trình bày nội dung dung bài dậy mà ông hiểu rõ, nắm vững và theo một bố cục cấu trúc mà ông cho là tốt nhất. Phương pháp này, ở học đường thường được dùng trong những « bài giảng bậc thầy », trong đó, từ đầu đến cuối chỉ có lời thầy dậy, học trò thụ động lắng nghe, ghi chép mà không (được) phản ứng. Nền tảng của phương pháp này dựa trên hai quan niệm về giáo dục : giáo dục là một sự chuyển trao từ người biết cho người chưa biết; trong đó ông thầy chiếm địa vị độc tôn, được coi là người có kiến thức, có chuyên môn, có hiểu biết, có chân lý và có uy quyền trong lãnh vực ông giảng dậy.

Phương pháp huấn dụ là phương pháp cổ điển nhất đã được áp dụng trong việc giáo dục ở mọi cấp, mọi thời đại. Giảng bài, khảo bài, trình bày giáo trình, cắt nghĩa, diễn giảng, là những kiểu nói tương tự diễn tả phương pháp huấn dụ. Hầu như tất cả những tác phẩm giáo dục cổ của ta đều đã xử dụng phương pháp huấn dụ này : từ ‘Minh Đạo gia huấn’, đến ‘Huấn điều Lê Thánh Tôn’, từ ‘Gia huấn ca’ của Nguyễn Trãi, đến ‘Ca vè’ của cụ Sáu. Trong việc giáo dục đức tin, bốn dụng cụ mà các giáo xứ Việt Nam thường dùng là đọc kinh, học bổn, nghe kinh sách, nghe giảng đều áp dụng phương pháp huấn dụ.

Nhiều người chê phương pháp này là giáo điều, từ chương, kinh sách, tẻ nhạt, nặng luân lý, it thực tế, ít thực tiễn và ít thực hành. Thực ra phương pháp huấn dụ là phương pháp cần thiết, hầu như không thể không áp dụng, để bắt đầu việc giáo dục, tổng quát hay chuyên biệt. Chỉ cần phân tích những nét căn bản của phương pháp huấn dụ, ta sẽ thấy ngay sự cần thiết của nó.

o Phương pháp huấn dụ có đối tượng rộng lớn. Nó có thể truyền giao một kiến thức (như lịch sử Việt Nam, dòng dõi tổ tiên), một hành động (như nói tiếng Việt, đọc kinh sáng tối), hoặc một tác phong (như kính trọng ông bà, hiếu thảo cha mẹ), một nghề nghiệp (như làm nông, làm thợ, làm kỹ sư). Ca dao bình dân Việt Nam là một dụng cụ tuyệt hảo áp dụng phương pháp huấn dụ này.

o Phương pháp huấn dụ xử dụng tri nhớ như một dụng cụ khả năng độc tôn. Cái gì cũng phải học thuộc lòng, thuộc lòng từ đầu đến cuối. Tất cả mọi động tác giáo dục đều nhằm giúp người học nhớ bài học : cắt nghĩa, giảng bài, đọc bài, lặp đi lặp lại, học bài, khảo bài,... Nhiều giáo xứ Việt Nam vẫn áp dụng phương pháp huấn dụ này trong việc tổ chức thi kinh bổn.

o Vì học thuộc lòng để nhớ bài là quan trọng, phương pháp huấn dụ đặc biệt chú trọng đến các dụng cụ tri thức thuận lợi và hữu hiệu cho trí nhớ, như dùng các ngôn từ dễ hiểu, dùng cách dẫn giải tóm tắt, trình bày đề tài theo một tiến trình có trật tự, sáng sủa, có thầy dậy bài linh động hơn là chỉ đọc bài ở sách chỉ có chữ viết.

o Các thể văn được giảng dậy ở học đường, từ tả cảnh, tả người, qua ký sự tường thuật, kể truyện, đến làm luận, phân tích, phê bình, bênh vực, đả kích,… đều bắt nguồn từ phương pháp huấn dụ.

o Các dàn bài, cấu trúc bài nói hay bài viết, từ cấu trúc đường dọc thời gian (theo thời đại, thế kỷ, khởi đầu - phát triển - kết thức), đường dọc không gian (trên dưới, bắc nam, đông tây, tổng quát - chi tiết), sang cấu trúc vấn đề (gì, ai, taị sao, thế nào, bao giờ, ở đâu, bao nhiêu), khiá cạnh (thần học, triết lý, văn hoá, lịch sử, xã hội, khoa hoc, kỹ thuật, kinh tế, quản trị,. .), qua so sánh (tích cực - tiêu cực, lợi - hại, thuận lợi -bất tiện,..), đến lý luận (đề - phản đề -hợp đề, vấn đề - ý nghịch – ý thuận,..).

Bất cứ một ông thầy nào, bất cứ bậc cha mẹ nào cũng dùng đến phương pháp huấn dụ này. Ngay đức Khổng Tử cũng đã dùng phương pháp huấn dụ này. Trong sách Luận Ngữ, ngài viết : ‘Học nhi thì tập chi, bất diệc duyệt hồ ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ ? Nhân bất tri, nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ ?’ (Kẻ học đạo lý mà thường ngày hay luyện tập cho tinh thông, nhuần nhã, há không lấy đó làm vui sao ? Nếu có những bằng hữu ham mộ đạo lý, nghe tiếng mình là người học cao đức lớn, chẳng ngại đường xa đến viếng mình, há không lấy đó làm vui sao ? Dẫu mình là người có học thức, có đức hạnh, nhưng không mấy ngưới biết mình, mình không vì chỗ đó mà buồn giận, há không phải là bực quân tử sao ?) [[4]]

Chú thích

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Trần Văn Cảnh, một tư tưởng bình dân Việt Nam về hôn nhân và gia đình; trong Ðường vào tình yêu; Paris : Giáo xứ Việt Nam Paris, 2000; tr. 205-217

[2] DURKHEIM E.; Education et sociologie; Paris : Alcan; 1922, tr. 41

[3] Xin xem Trần Văn Cảnh; La recherche pédagogique en France d’Alfred BINET à nos jours et ses difficultés; Lyon : Université de Lyon II, 1981; tr. 163-187

[4] Khổng Tử : Luận ngữ; Dịch giả Ðoàn Trung Còn : in kỳ ba; Sài gịn : Trí đức tòng thơ; 1950; tr. 4-5