BÀI II: ĐỨC MẸ LÀ DÒNG DÕI ĐẶC TUYỂN CỦA ISRAEL
Thực ra khi nói Đức Mẹ là thiếu nữ Sion, chúng ta hầu như đã chỉ dùng lăng kính xã hội học chứ chưa nói theo ý của Giáo Hội đâu. Và cũng vội vã nữa, vì xã hội Do thái không phải như các dân tộc khác. Họ là dân được tuyển chọn. Do đó nói về người của dân tộc ấy, nhất là những người đặc biệt và tiêu biểu, cần phải chú trọng rất nhiều đến ơn gọi của họ. Thế nên bài này phải bổ sung cho bài trước và nói về Đức Mẹ Là Dòng Dõi Đặc Tuyển Của Israel, để hiểu đúng ý của Giáo Hội khi tuyên xưng Đức Mẹ là thiếu nữ Sion.
Thiên Chúa đã không chọn riêng cho mình một dân tộc vĩ đại, văn minh, thịnh vượng, thế lực. Người đã chọn một người cao niên, thân đã tàn, để sinh ra một dòng dõi trong tuổi già và chúc phúc cho họ hơn mọi dân tộc khác. Người chỉ đòi hỏi một điều kiện là Niềm tin. Tin Người là Chúa duy nhất, siêu việt nhưng nhân ái. Và niềm tin ấy phải tuyệt đối. Abraham đã tỏ ra xứng đáng với ơn tuyển chọn của Người. Ông không ngần ngại đưa Isaac đi hiến tế. Chắc chắn khi ấy nhìn về phía trước, đôi mắt xác thịt của Abraham không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng niềm tin của ông vẫn khẳng định Chúa sẽ giữ lời hứa.
Nhưng trong miêu duệ ông, không phải người nào cũng xứng đáng như vậy. Đa số không chịu nổi thứ tôn giáo đòi hỏi quá mức sánh với các lân quốc. Thờ một Chúa đã khó. Không được diễn tả Người theo bất cứ ảnh tượng nào lại còn khó hơn nữa. Đạo gì mà cứ phải sống như luôn đi trước mắt Đấng Vô Hình! Luật pháp cao siêu thật đấy, nhưng càng đọc càng thấy phải thanh tẩy tâm hồn và đời sống! Thế mà phải mang luật ấy trên trán, trên ngực, khi đi, khi đứng, lúc ở nhà cũng như lúc lên đường…Từ thế hệ này sang thế hệ khác, đa số người dân được tuyển chọn đã bất trung, sa ngã. Nhưng mỗi dịp như vậy lòng nhân ái trung thành của Chúa lại tỏ hiện hơn và cũng đòi hỏi hơn. Lời các ngôn sứ lại còn thiêng liêng hơn cả những điều viết trong luật pháp. Những con người xác thịt không thi hành. Nhưng một số ít, những phần tử được tuyển chọn, vẫn không ngớt lắng nghe, suy niệm và thi hành các sấm ngôn. Họ là những con người đơn sơ chất phác, thanh bạch đến nỗi được gọi là hạng nghèo khó của Đức Chúa. Đối với họ, Đức Chúa là tất cả, còn mọi sự chỉ là hư không. Sáng sáng họ mở tai môn đệ nghe lời Người. Tâm hồn họ không ngớt nhớ Luật Pháp. Và trong cuộc sống họ quí trọng khôn ngoan đạo đức hơn tất cả vàng bạc châu báu.
Maria lớn lên trong môi trường này. Hơn nữa, là người được Thiên Chúa tiền định làm Mẹ Đấng Cứu Thế, người không thể thua ai trong lớp tuổi của người về việc đáp trả ơn Chúa kêu gọi và tuyển chọn. Lời sứ thần Gabriel kính chào “Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”, là lời chứng không thể bác bỏ. Lời ấy gợi lên một giao ước sống động: Thiên Chúa luôn ưu ái nhìn xuống Maria và Maria luôn dâng lòng mình làm nơi Thiên Chúa ngự. Giao ước cũ linh động nhất ở nơi người. Ơn Thiên Chúa tuyển chọn dân Israel thành công nhất ở nơi người. Người là dõng dõi tuyển chọn dân Israel theo nghĩa sâu xa đó. Thái độ của người trong câu truyện truyền tin nói lên rõ ràng, đối với người, Thiên Chúa là tất cả và mọi sự dường như không có. Rồi lời kinh Magnificat của người cho thấy rõ người thuộc thành phần những người nghèo khó của Đức Chúa, sống bằng lời Chúa và đặt trọn niềm tin cậy vào ơn cứu độ. Lời kinh ấy phản ánh trung thực và sâu sắc nền đạo đức thuần thúy nhất của Cựu Ước. Niềm tin buổi ban đầu của Abraham nay đã nở thành hoa. Chưa bao giờ dòng dõi ông phát huy hết ơn gọi của mình như ở đây. Người ta sẽ dễ hiểu thái độ của Đức Mẹ trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế hơn, nếu người ta đọc được lòng đạo đức của người trong bản thi ca tuyệt mỹ ấy. Với những người giáo dân chất phát khó đi vào được những phân tích Thánh Kinh khoa học, chúng ta chỉ cần biết diễn tả thái độ của Đức Mẹ khi nghe lời Chúa, suy niệm trong lòng, mau mắn thi hành, giữ hết tất cả những điều Luật dạy, thường xuyên vào các Hội đường trong ngày Sabat và hàng năm trẩy lễ lên Giêrusalem, là ai ai cũng phải thán phục lòng đạo đức của Đức Mẹ. Đó là bông hoa của Cựu Ước, là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là dòng dõi được tuyển chọn của Israel….
Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy lời chứng trong những lời đầu tiên mà sách Tin Mừng nói về Đức Mẹ. Tôi không muốn đi vào chuyên môn, nhưng tôi phải bắt chước Đức Mẹ. Sửng sốt, bỡ ngỡ hoặc rối trí không biết lời chào ấy có nghĩa gì? Đó là lời Gabriel nói với Đức Maria. Chưa nói đến cả câu. Hãy nói đến chữ đầu tiên thôi: Thật lạ, Gabriel không chào bằng công thức thông thường: Ave, Kính mừng. Có người muốn dịch chữ đầu tiên từ miệng Gabriel như vậy thôi. Cha Lyonnet đã nghiên cứu tỉ mỉ và không đồng ý như vậy. Đó không phải là chức tương đương với ý nghĩa Shalom là bình an, là chào kính theo kiểu Do Thái. Chữ của Luca là chữ của bản LXX, tức là Khairê, là hãy vui lên. Vì nếu là từ chào, sao không có tên Maria kèm theo, như trường hợp với Giacaria ? Và tại sao Maria lại thấy xao xuyến ? Nếu không có ý nghĩa vui mừng, thì đây không phải là tin vui nữa sao, đề tài của những đoạn đầu của sách Tin Mừng ? Sau này mục tử còn được loan tin vui, các môn đệ cũng vậy (Ga 15,11; 16, 24; 17,13), chỉ trừ Đức Mẹ ư? Không, đây là tin vui. Lời chào này gợi lại Zacarya 9,9 : “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion ! Hãy nhảy lên hỡi cô gái Giêrusalem ! Này vua ngươi đến”. Những lời này không hợp nhất cho Đức Mẹ sao ? Người là thiếu nữ Sion, tên riêng của người đó. Sôphônia 3,14-17 và Giôel 2,21.23-27 cũng nói như vậy. Và hãy kể thêm Isaia 54,1 : “Hãy reo lên, hỡi người son sẻ…”. Những lời ấy quá hợp cho Đức Mẹ, báo cho người biết ơn cứu độ, Cứu Chúa đã đến… Người Trinh Nữ sẽ thụ thai… Lời Gabriel không khẳng định Maria là thiếu nữ Sion tuyệt vời sao ?
Nhưng còn hơn thế nhiều, Maria đã được báo trước trong Cựu Ước, và nhất là được cả Cựu Ước chuẩn bị cho để xuất hiện. Đó là những điều cần được chú ý. Chúng ta biết ba đoạn văn thường được đọc trong các lễ về Đức Mẹ: Is 7,14; Mi 5,1-2; Kn 3,15. Cho dù vị Ngôn sứ ở thế kỷ VIII chỉ muốn trực tiếp nói đến một dấu hiệu tức thời để trấn an dân Chúa đang cơn nao núng: một thiếu nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai mà nàng sẽ đặt tên cho là Emmanuel, để chứng minh rằng Đức Chúa không bỏ dân rơi vào tay quân xâm lược. Hài nhi ấy có thể là Êzêkia. Nhưng chẳng bao lâu sau, người ta đã nhận ra lời sấm ấy phải hiểu xa và sâu hơn nhiều. Do đó bản văn LXX đã thay chữ “thiếu nữ” bằng “trinh nữ”, và chẳng hài nhi nào xứng đáng mang tước hiệu Emanuel bằng Đấng Cứu Thế sẽ đến sau này. Thế nên Thánh Mathêu đã không chút do dự áp dụng lời sấm kia vào Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu. Và ngài cũng bắt luôn lời sấm của Mikê nói về thị trấn Belem nhỏ bé, sẽ là nơi phát xuất của Đấng Con Vua Đavít sẽ chào đời khi đến một lúc người phụ nữ được tiền định sẽ mãn nguyệt khai hoa. Mikê đã giải thích Isaia trước Mathêu. Và có hai ngôn sứ có thể cũng đã giải thích câu 3,15 sách Sáng Thế (Khởi nguyên). Ở đây, Thiên Chúa quyết định tạo dựng một dòng dõi loài người mới, thay thế dòng dõi Adong và Evà đã phạm tội và sắp bị luận phạt. Tước hiệu Đức Maria là người nữ mới tuyển chọn người, để có dân được tuyển chọn, chứ người không phải chỉ là ngôi sao của dân được đặc tuyển như trên đây đã nói.
Và cũng chính điều này khiến chúng ta có thể khẳng định hình ảnh Đức Maria bàng bạc khắp nơi trong Cựu Ước, vì diễn tiến của lịch sử cứu độ chỉ là những bước dẫn tới việc thực thi lời hứa từ muôn thuở: Miêu duệ người nữ ấy sẽ đạp dập đầu mày (x.Ga 4,4-5). Niềm tin của dân Chúa không những dễ nhận ra các nét đặc biệt trong Cựu Ước, như: Evà, Sara, Đêbôra, Yuđita, Esther, mà ngay cả những hiện tượng thiên nhiên, nhiều biến cố lịch sử, nhiều thiết định phục vụ, cũng được hiểu về Đức Maria một cách dễ dàng. Người ta chào người là Sao Mai và Hừng Đông đến trước Mặt Trời mọc, là Cầu Vồng nối đất với trời, là sương sa làm nảy sinh mầm non, là đất tốt sinh ra hoa trái. Người cũng được ví như địa đàng tiếp nhận nhân loại mới, như tầu Noe giữ được sự sống khỏi biến đi, là thang Giacóp nối trời và đất, là bụi gai cháy mang sự hiện diện của Đức Chúa mà Maisen đã nhìn thấy, là chùm lông cừu mà Ghêđêon đã trải ra đón nhận sương trời… Dĩ nhiên mọi hình ảnh trên chỉ được sáng lên khi được ánh sáng Tân Ước chiếu vào; nhưng Cựu Ước chẳng tìm thấy hết ý nghĩa của mình trong Tân Ước sao? Cũng vậy, giá trị và tầm quan trọng mà Cựu Ước dành cho Đền Thờ, cho cung thánh, cho hòm bia, cho hộp đựng Manna, cho cửa cấm dành riêng cho Thiên Chúa đi vào… tất cả đã trở nên ý nghĩa khác thường khi được coi là hình ảnh tiên báo về Đức Mẹ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta phải dành sự chú ý đặc biệt cho mấy quan niệm rất mầu nhiệm nhưng vô cùng phong phú, từng ám ảnh tâm trí dân cũ. Những người này luôn luôn tự hỏi về chân tính đích thực của Đức Khôn Ngoan, hiện diện ngay trong tư tưởng của Đấng Tạo Hóa, được Người quí chuộng, cộng tác với Người trong mọi công việc và đặc biệt trong việc thông ban ân phúc cứu độ cho loài người. Tước hiệu Đức Maria là Tòa Đấng Khôn Ngoan chỉ hiểu được khi đọc lại những trang Cựu Ước mầu nhiệm nói về Đức Khôn Ngoan. Còn người bạn của Đức Chúa, người hiền thê trong sách ngôn sứ, người bạn tình trong Ca Đệ Nhất (Diệu Ca), người vợ của Hôsê, đích thực là ai? Là dân Chúa với những nét rất phong phú, đến nỗi chẳng có thể chỉ là dân Do Thái… mà phải là Israel lý tưởng, là dân được tuyển chọn, dân đáp lại ơn gọi của mình… mà tuyệt đỉnh là Đức Maria. Trước và sau người không cá nhân, đoàn thể nào được như vậy, trong khi người vẫn chỉ là một thành phần trong dân được tuyển chọn.
Nhìn người như miêu duệ của Adong, của Abraham, của tộc Giêsê, để nêu rõ tư cách đặc tuyển của người là phải; nghiên cứu về lòng đạo đức chân thành sâu xa của con cái Israel để tìm hiểu tâm hồn người là hay; khai thác những sấm ngôn ít nhiều trực tiếp nói về người sẽ gợi lên được chỗ đứng ưu việt của người. Nhưng vẫn chưa đủ ! Lịch sử cứu độ là mầu nhiệm, dẫn đến người và Đức Kitô, nói đúng hơn, đến Đức Kitô có người ở bên. Người ở trong chương trình mầu nhiệm, mà đã là mầu nhiệm thì không thể trình bày khách quan nhưng phải bơi vào để thấy càng ngày càng bát ngát và sâu thẳm. Đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã tạo dựng và không ngớt tỏ hiện quyền năng và yêu thương qua thời gian và không gian, đặc biệt qua việc tuyển chọn dòng dõi Abraham, giao ước với con cái Israel, mà luật pháp và Sứ ngôn đem dần đến mạc khải Tân Ước, mở đầu bằng việc Đức Maria sinh ra Chúa Cứu Thế. Do đó, không phải Cựu Ước giúp ta hiểu Đức Mẹ, nhưng chính Đức Mẹ chiếu sáng trên lịch sử dân được tuyển chọn. Thiên Chúa kiên trì theo đuổi chương trình kì diệu của Người vì Đức Mẹ, để Giao ước thành đạt. Tình yêu của Thiên Chúa muốn tìm một tạo dựng vẹn toàn để yêu thương như con, như bạn, để đặt làm mẹ sinh ra dòng dõi đạp đầu con rắn. Tạo dựng ấy có tên là Maria, Đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở với người.
Chắc chắn trước và sau người không ai được như thế ! Nhưng những người ở trong dòng dõi được tuyển chọn phải chiêm ngưỡng ơn gọi ở nơi người và phải bắt chước người. Đó là ơn gọi gắn liền với Đức Giêsu Kitô. Nên Linh mục chúng ta hãy nhờ Đức Mẹ sống mật thiết hơn với Con của người, bằng chuyên cần đọc Tin Mừng để hiểu và yêu mến Đức Giêsu hơn, để mang lấy Người trong mình khi cầu nguyện, dâng lễ, làm các bí tích, thi hành mục vụ… Hầu tôi sống, nhưng không, chính Đức Kitô sống trong tôi. Tôi là một "Alter Christus", phục vụ Nhiệm thể và cứu độ trần gian. Tôi biểu dương thế nào là đời sống Kitô giáo. Tôi quan tâm siêu nhiên hóa, thiêng liêng hóa, nội tâm hóa đời sống con người và xã hội. Tôi phục vụ Lịch sử cứu độ chứ không xây nếp sống trần gian. Người ta dễ hiểu giáo lý tôi giảng khi đời sống của tôi là bài giảng đó.
Tôi phải bắt chước Đức Mẹ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, quan sát lắng nghe, tìm hiểu người như một môn đệ ngoan ngoãn. Và mỗi khi tôi đến với Đức Mẹ hãy để người nói cho tôi biết về Chúa Giêsu, xin người mạc khải Chúa Giêsu cho tôi, giúp tôi yêu mến Chúa Giêsu. Nhưng sở dĩ Đức Mẹ có thể gắn bó với Chúa Giêsu là vì trước đó, người đã gắn bó với dân Chúa. Như ngày hôm nay chúng ta tìm hiểu. Chưa đến lúc Mẹ Maria gặp Sứ Thần truyền tin Chúa. Maria đã gắn bó với dân Chúa, đồng hóa với dân Chúa, sống niềm tin, đức mến, đức cậy của dân Chúa. Đức Mẹ cũng làm gương cho chúng ta về điểm này. Muốn kết hợp với Chúa Giêsu chúng ta phải gắn bó với dân Chúa là Hội Thánh. Hội Thánh địa phương là Giáo phận. Chính Hội Thánh đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu qua bí tích Rửa tội, Thêm sức : nhất là chính Hội Thánh đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu, gục đầu vào lòng Chúa Giêsu trong bí tích Truyền Chức Thánh. Hội Thánh còn là người mẹ sẽ an táng, đưa linh hồn chúng ta về đời sau. Chúng ta hãy biết ơn, mến yêu Hội Thánh. Hãy sống cho Hội Thánh và Hội Thánh hữu hình địa phương là Giáo phận. Nếu chúng ta chỉ biết Giáo xứ, không nhìn xa hơn Giáo xứ, không quan tâm phục vụ gì ngoài giáo xứ, chúng ta thiếu sót bổn phận đối với Hội Thánh. Trong hai Thánh lễ truyền chức vừa qua, tôi đã muốn làm cho mọi người hiểu Linh mục thuộc về Hội Thánh : không còn là người của gia đình nữa. Tôi muốn đi thêm một bước nữa, tuy tôi đã cố gắng nhưng chưa cương quyết: là lúc chết, linh mục cũng hãy hoàn toàn là người của Hội Thánh, của Giáo phận. Giáo xứ lo được tí nào cho Linh mục vừa nằm xuống, Giáo phận xin cám ơn nhưng phải theo ý Giáo phận. Giáo phận lo hết những gì Giáo xứ không làm được. Huống nữa là đối với gia đình Linh mục. Giáo phận trân trọng và thành thật chia buồn với gia đình, mời gia đình tham dự lễ an táng nơi dành riêng, ngõ lời cám ơn gia đình. Nhưng cũng như hôm chịu chức, tôi không muốn gia đình đứng ra cám ơn, làm như thế linh mục còn là người của gia đình. Tôi không hiểu anh em có sẵn sàng chia sẻ quan điểm đó với tôi không? Nếu vậy, linh mục chúng ta hãy sống tháo gỡ dần dần những bó buộc mình vào gia đình, ngay cả vào giáo xứ, nhất là vào một vài gia đình cho dù là gia đình thiêng liêng. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã đi trước chúng ta dạy chúng ta bài học này. Chúa đã dạy ngay cả Abraham. Ông đã nhìn thấy gương của Người mà hy sinh sát tế mối dây dàng buộc huyết nhục, nên được kể là công chính. Chúng ta hãy sống cho giáo phận, lo cho giáo phận, cũng như tin tưởng yên tâm để giáo phận lo cho mình, thì sẽ thuộc về Hội Thánh, để dễ thuộc về Chúa Giêsu hơn. Nhất là hãy tránh đừng vì tư lợi mà để giáo phận thiệt hại, vì ý riêng của mình mà khiến giám mục gặp khó khăn, thiệt hại cho giáo phận.
Cụ thể hơn nữa, ngày chịu chức, chúng ta là người của giáo phận khi đi vào Linh mục đoàn. Hãy đề cao, xây dựng, vun đắp cho Linh mục đoàn giáo phận, để chúng ta được hạnh phúc. Hôm lễ truyền chức, tôi đã dám nói với người sắp được tuyển chọn : bất hạnh cho con khi con xa rời hàng ngũ các anh linh mục kính yêu hôm nay nhận con vào lòng Giáo Hội địa phương! Người muốn có vinh dự hơn linh mục đoàn, trước sau sẽ hổ ngươi bẽ bàng. Ai ở trong Linh mục đoàn, sống tinh thần Linh mục đoàn cách sâu sắc, sẽ giống như Đức Mẹ sống hết tinh thần của dân Chúa.
Những linh mục yêu mến Hội Thánh một cách chân thành, cụ thể, để gắn bó với Đức Kitô và công cuộc của Người, cũng biết lôi cuốn giáo dân vào con đường tốt đẹp ấy. Không ai không biết người giáo dân Việt Nam nhạy cảm với tất cả những gì liên quan đến Hội Thánh. Nếu không ý tứ, linh mục hứng lấy tất cả cho mình những tâm tình, thái độ và hành động tốt đẹp mà Giáo dân muốn dâng cho Giáo Hội. Ước gì linh mục ý thức rằng, các cảm tình và sự giúp đỡ của Giáo dân muốn và phải được đưa đi xa hơn và đưa lên cao hơn cá nhân con người linh mục, để giáo dân cũng thực sự biết noi gương Đức Mẹ sống gắn bó với dân Chúa.
Và họ cũng phải sống cho dân tộc. Đây không phải là giới răn mới. Hai ngàn năm trước chúng ta, Đức Maria đã gắn bó với dân tộc mình. Giáo lý ngàn đời của Hội Thánh, đặc biệt của công đồng Vatican II thúc giục các linh mục chúng ta phải chia sẻ vận mệnh của quê hương và đưa giáo dân vào con đường sống đạo giữa đời. Biết bao nhiêu nhân đức và nét đẹp của đạo có thể làm phong phú đời sống dân tộc! Linh mục, giáo dân hay nhìn Đức Mẹ là người thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tinh hoa của Dân được tuyển chọn.
Xin Mẹ chỉ bảo đàng lành dẫn đưa chúng ta vào Lịch sử cứu độ. Xin người là Mẹ và Thày dạy đường thiêng liêng, giúp chúng ta sống và hoạt động xứng đáng là người được đặc tuyển của Dân được tuyển chọn.
Thực ra khi nói Đức Mẹ là thiếu nữ Sion, chúng ta hầu như đã chỉ dùng lăng kính xã hội học chứ chưa nói theo ý của Giáo Hội đâu. Và cũng vội vã nữa, vì xã hội Do thái không phải như các dân tộc khác. Họ là dân được tuyển chọn. Do đó nói về người của dân tộc ấy, nhất là những người đặc biệt và tiêu biểu, cần phải chú trọng rất nhiều đến ơn gọi của họ. Thế nên bài này phải bổ sung cho bài trước và nói về Đức Mẹ Là Dòng Dõi Đặc Tuyển Của Israel, để hiểu đúng ý của Giáo Hội khi tuyên xưng Đức Mẹ là thiếu nữ Sion.
Thiên Chúa đã không chọn riêng cho mình một dân tộc vĩ đại, văn minh, thịnh vượng, thế lực. Người đã chọn một người cao niên, thân đã tàn, để sinh ra một dòng dõi trong tuổi già và chúc phúc cho họ hơn mọi dân tộc khác. Người chỉ đòi hỏi một điều kiện là Niềm tin. Tin Người là Chúa duy nhất, siêu việt nhưng nhân ái. Và niềm tin ấy phải tuyệt đối. Abraham đã tỏ ra xứng đáng với ơn tuyển chọn của Người. Ông không ngần ngại đưa Isaac đi hiến tế. Chắc chắn khi ấy nhìn về phía trước, đôi mắt xác thịt của Abraham không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng niềm tin của ông vẫn khẳng định Chúa sẽ giữ lời hứa.
Nhưng trong miêu duệ ông, không phải người nào cũng xứng đáng như vậy. Đa số không chịu nổi thứ tôn giáo đòi hỏi quá mức sánh với các lân quốc. Thờ một Chúa đã khó. Không được diễn tả Người theo bất cứ ảnh tượng nào lại còn khó hơn nữa. Đạo gì mà cứ phải sống như luôn đi trước mắt Đấng Vô Hình! Luật pháp cao siêu thật đấy, nhưng càng đọc càng thấy phải thanh tẩy tâm hồn và đời sống! Thế mà phải mang luật ấy trên trán, trên ngực, khi đi, khi đứng, lúc ở nhà cũng như lúc lên đường…Từ thế hệ này sang thế hệ khác, đa số người dân được tuyển chọn đã bất trung, sa ngã. Nhưng mỗi dịp như vậy lòng nhân ái trung thành của Chúa lại tỏ hiện hơn và cũng đòi hỏi hơn. Lời các ngôn sứ lại còn thiêng liêng hơn cả những điều viết trong luật pháp. Những con người xác thịt không thi hành. Nhưng một số ít, những phần tử được tuyển chọn, vẫn không ngớt lắng nghe, suy niệm và thi hành các sấm ngôn. Họ là những con người đơn sơ chất phác, thanh bạch đến nỗi được gọi là hạng nghèo khó của Đức Chúa. Đối với họ, Đức Chúa là tất cả, còn mọi sự chỉ là hư không. Sáng sáng họ mở tai môn đệ nghe lời Người. Tâm hồn họ không ngớt nhớ Luật Pháp. Và trong cuộc sống họ quí trọng khôn ngoan đạo đức hơn tất cả vàng bạc châu báu.
Maria lớn lên trong môi trường này. Hơn nữa, là người được Thiên Chúa tiền định làm Mẹ Đấng Cứu Thế, người không thể thua ai trong lớp tuổi của người về việc đáp trả ơn Chúa kêu gọi và tuyển chọn. Lời sứ thần Gabriel kính chào “Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”, là lời chứng không thể bác bỏ. Lời ấy gợi lên một giao ước sống động: Thiên Chúa luôn ưu ái nhìn xuống Maria và Maria luôn dâng lòng mình làm nơi Thiên Chúa ngự. Giao ước cũ linh động nhất ở nơi người. Ơn Thiên Chúa tuyển chọn dân Israel thành công nhất ở nơi người. Người là dõng dõi tuyển chọn dân Israel theo nghĩa sâu xa đó. Thái độ của người trong câu truyện truyền tin nói lên rõ ràng, đối với người, Thiên Chúa là tất cả và mọi sự dường như không có. Rồi lời kinh Magnificat của người cho thấy rõ người thuộc thành phần những người nghèo khó của Đức Chúa, sống bằng lời Chúa và đặt trọn niềm tin cậy vào ơn cứu độ. Lời kinh ấy phản ánh trung thực và sâu sắc nền đạo đức thuần thúy nhất của Cựu Ước. Niềm tin buổi ban đầu của Abraham nay đã nở thành hoa. Chưa bao giờ dòng dõi ông phát huy hết ơn gọi của mình như ở đây. Người ta sẽ dễ hiểu thái độ của Đức Mẹ trong cuộc đời của Chúa Cứu Thế hơn, nếu người ta đọc được lòng đạo đức của người trong bản thi ca tuyệt mỹ ấy. Với những người giáo dân chất phát khó đi vào được những phân tích Thánh Kinh khoa học, chúng ta chỉ cần biết diễn tả thái độ của Đức Mẹ khi nghe lời Chúa, suy niệm trong lòng, mau mắn thi hành, giữ hết tất cả những điều Luật dạy, thường xuyên vào các Hội đường trong ngày Sabat và hàng năm trẩy lễ lên Giêrusalem, là ai ai cũng phải thán phục lòng đạo đức của Đức Mẹ. Đó là bông hoa của Cựu Ước, là thiếu nữ Sion tuyệt vời, là dòng dõi được tuyển chọn của Israel….
Ở đây, chúng ta có thể tìm thấy lời chứng trong những lời đầu tiên mà sách Tin Mừng nói về Đức Mẹ. Tôi không muốn đi vào chuyên môn, nhưng tôi phải bắt chước Đức Mẹ. Sửng sốt, bỡ ngỡ hoặc rối trí không biết lời chào ấy có nghĩa gì? Đó là lời Gabriel nói với Đức Maria. Chưa nói đến cả câu. Hãy nói đến chữ đầu tiên thôi: Thật lạ, Gabriel không chào bằng công thức thông thường: Ave, Kính mừng. Có người muốn dịch chữ đầu tiên từ miệng Gabriel như vậy thôi. Cha Lyonnet đã nghiên cứu tỉ mỉ và không đồng ý như vậy. Đó không phải là chức tương đương với ý nghĩa Shalom là bình an, là chào kính theo kiểu Do Thái. Chữ của Luca là chữ của bản LXX, tức là Khairê, là hãy vui lên. Vì nếu là từ chào, sao không có tên Maria kèm theo, như trường hợp với Giacaria ? Và tại sao Maria lại thấy xao xuyến ? Nếu không có ý nghĩa vui mừng, thì đây không phải là tin vui nữa sao, đề tài của những đoạn đầu của sách Tin Mừng ? Sau này mục tử còn được loan tin vui, các môn đệ cũng vậy (Ga 15,11; 16, 24; 17,13), chỉ trừ Đức Mẹ ư? Không, đây là tin vui. Lời chào này gợi lại Zacarya 9,9 : “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion ! Hãy nhảy lên hỡi cô gái Giêrusalem ! Này vua ngươi đến”. Những lời này không hợp nhất cho Đức Mẹ sao ? Người là thiếu nữ Sion, tên riêng của người đó. Sôphônia 3,14-17 và Giôel 2,21.23-27 cũng nói như vậy. Và hãy kể thêm Isaia 54,1 : “Hãy reo lên, hỡi người son sẻ…”. Những lời ấy quá hợp cho Đức Mẹ, báo cho người biết ơn cứu độ, Cứu Chúa đã đến… Người Trinh Nữ sẽ thụ thai… Lời Gabriel không khẳng định Maria là thiếu nữ Sion tuyệt vời sao ?
Nhưng còn hơn thế nhiều, Maria đã được báo trước trong Cựu Ước, và nhất là được cả Cựu Ước chuẩn bị cho để xuất hiện. Đó là những điều cần được chú ý. Chúng ta biết ba đoạn văn thường được đọc trong các lễ về Đức Mẹ: Is 7,14; Mi 5,1-2; Kn 3,15. Cho dù vị Ngôn sứ ở thế kỷ VIII chỉ muốn trực tiếp nói đến một dấu hiệu tức thời để trấn an dân Chúa đang cơn nao núng: một thiếu nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai mà nàng sẽ đặt tên cho là Emmanuel, để chứng minh rằng Đức Chúa không bỏ dân rơi vào tay quân xâm lược. Hài nhi ấy có thể là Êzêkia. Nhưng chẳng bao lâu sau, người ta đã nhận ra lời sấm ấy phải hiểu xa và sâu hơn nhiều. Do đó bản văn LXX đã thay chữ “thiếu nữ” bằng “trinh nữ”, và chẳng hài nhi nào xứng đáng mang tước hiệu Emanuel bằng Đấng Cứu Thế sẽ đến sau này. Thế nên Thánh Mathêu đã không chút do dự áp dụng lời sấm kia vào Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu. Và ngài cũng bắt luôn lời sấm của Mikê nói về thị trấn Belem nhỏ bé, sẽ là nơi phát xuất của Đấng Con Vua Đavít sẽ chào đời khi đến một lúc người phụ nữ được tiền định sẽ mãn nguyệt khai hoa. Mikê đã giải thích Isaia trước Mathêu. Và có hai ngôn sứ có thể cũng đã giải thích câu 3,15 sách Sáng Thế (Khởi nguyên). Ở đây, Thiên Chúa quyết định tạo dựng một dòng dõi loài người mới, thay thế dòng dõi Adong và Evà đã phạm tội và sắp bị luận phạt. Tước hiệu Đức Maria là người nữ mới tuyển chọn người, để có dân được tuyển chọn, chứ người không phải chỉ là ngôi sao của dân được đặc tuyển như trên đây đã nói.
Và cũng chính điều này khiến chúng ta có thể khẳng định hình ảnh Đức Maria bàng bạc khắp nơi trong Cựu Ước, vì diễn tiến của lịch sử cứu độ chỉ là những bước dẫn tới việc thực thi lời hứa từ muôn thuở: Miêu duệ người nữ ấy sẽ đạp dập đầu mày (x.Ga 4,4-5). Niềm tin của dân Chúa không những dễ nhận ra các nét đặc biệt trong Cựu Ước, như: Evà, Sara, Đêbôra, Yuđita, Esther, mà ngay cả những hiện tượng thiên nhiên, nhiều biến cố lịch sử, nhiều thiết định phục vụ, cũng được hiểu về Đức Maria một cách dễ dàng. Người ta chào người là Sao Mai và Hừng Đông đến trước Mặt Trời mọc, là Cầu Vồng nối đất với trời, là sương sa làm nảy sinh mầm non, là đất tốt sinh ra hoa trái. Người cũng được ví như địa đàng tiếp nhận nhân loại mới, như tầu Noe giữ được sự sống khỏi biến đi, là thang Giacóp nối trời và đất, là bụi gai cháy mang sự hiện diện của Đức Chúa mà Maisen đã nhìn thấy, là chùm lông cừu mà Ghêđêon đã trải ra đón nhận sương trời… Dĩ nhiên mọi hình ảnh trên chỉ được sáng lên khi được ánh sáng Tân Ước chiếu vào; nhưng Cựu Ước chẳng tìm thấy hết ý nghĩa của mình trong Tân Ước sao? Cũng vậy, giá trị và tầm quan trọng mà Cựu Ước dành cho Đền Thờ, cho cung thánh, cho hòm bia, cho hộp đựng Manna, cho cửa cấm dành riêng cho Thiên Chúa đi vào… tất cả đã trở nên ý nghĩa khác thường khi được coi là hình ảnh tiên báo về Đức Mẹ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta phải dành sự chú ý đặc biệt cho mấy quan niệm rất mầu nhiệm nhưng vô cùng phong phú, từng ám ảnh tâm trí dân cũ. Những người này luôn luôn tự hỏi về chân tính đích thực của Đức Khôn Ngoan, hiện diện ngay trong tư tưởng của Đấng Tạo Hóa, được Người quí chuộng, cộng tác với Người trong mọi công việc và đặc biệt trong việc thông ban ân phúc cứu độ cho loài người. Tước hiệu Đức Maria là Tòa Đấng Khôn Ngoan chỉ hiểu được khi đọc lại những trang Cựu Ước mầu nhiệm nói về Đức Khôn Ngoan. Còn người bạn của Đức Chúa, người hiền thê trong sách ngôn sứ, người bạn tình trong Ca Đệ Nhất (Diệu Ca), người vợ của Hôsê, đích thực là ai? Là dân Chúa với những nét rất phong phú, đến nỗi chẳng có thể chỉ là dân Do Thái… mà phải là Israel lý tưởng, là dân được tuyển chọn, dân đáp lại ơn gọi của mình… mà tuyệt đỉnh là Đức Maria. Trước và sau người không cá nhân, đoàn thể nào được như vậy, trong khi người vẫn chỉ là một thành phần trong dân được tuyển chọn.
Nhìn người như miêu duệ của Adong, của Abraham, của tộc Giêsê, để nêu rõ tư cách đặc tuyển của người là phải; nghiên cứu về lòng đạo đức chân thành sâu xa của con cái Israel để tìm hiểu tâm hồn người là hay; khai thác những sấm ngôn ít nhiều trực tiếp nói về người sẽ gợi lên được chỗ đứng ưu việt của người. Nhưng vẫn chưa đủ ! Lịch sử cứu độ là mầu nhiệm, dẫn đến người và Đức Kitô, nói đúng hơn, đến Đức Kitô có người ở bên. Người ở trong chương trình mầu nhiệm, mà đã là mầu nhiệm thì không thể trình bày khách quan nhưng phải bơi vào để thấy càng ngày càng bát ngát và sâu thẳm. Đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã tạo dựng và không ngớt tỏ hiện quyền năng và yêu thương qua thời gian và không gian, đặc biệt qua việc tuyển chọn dòng dõi Abraham, giao ước với con cái Israel, mà luật pháp và Sứ ngôn đem dần đến mạc khải Tân Ước, mở đầu bằng việc Đức Maria sinh ra Chúa Cứu Thế. Do đó, không phải Cựu Ước giúp ta hiểu Đức Mẹ, nhưng chính Đức Mẹ chiếu sáng trên lịch sử dân được tuyển chọn. Thiên Chúa kiên trì theo đuổi chương trình kì diệu của Người vì Đức Mẹ, để Giao ước thành đạt. Tình yêu của Thiên Chúa muốn tìm một tạo dựng vẹn toàn để yêu thương như con, như bạn, để đặt làm mẹ sinh ra dòng dõi đạp đầu con rắn. Tạo dựng ấy có tên là Maria, Đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở với người.
Chắc chắn trước và sau người không ai được như thế ! Nhưng những người ở trong dòng dõi được tuyển chọn phải chiêm ngưỡng ơn gọi ở nơi người và phải bắt chước người. Đó là ơn gọi gắn liền với Đức Giêsu Kitô. Nên Linh mục chúng ta hãy nhờ Đức Mẹ sống mật thiết hơn với Con của người, bằng chuyên cần đọc Tin Mừng để hiểu và yêu mến Đức Giêsu hơn, để mang lấy Người trong mình khi cầu nguyện, dâng lễ, làm các bí tích, thi hành mục vụ… Hầu tôi sống, nhưng không, chính Đức Kitô sống trong tôi. Tôi là một "Alter Christus", phục vụ Nhiệm thể và cứu độ trần gian. Tôi biểu dương thế nào là đời sống Kitô giáo. Tôi quan tâm siêu nhiên hóa, thiêng liêng hóa, nội tâm hóa đời sống con người và xã hội. Tôi phục vụ Lịch sử cứu độ chứ không xây nếp sống trần gian. Người ta dễ hiểu giáo lý tôi giảng khi đời sống của tôi là bài giảng đó.
Tôi phải bắt chước Đức Mẹ chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, quan sát lắng nghe, tìm hiểu người như một môn đệ ngoan ngoãn. Và mỗi khi tôi đến với Đức Mẹ hãy để người nói cho tôi biết về Chúa Giêsu, xin người mạc khải Chúa Giêsu cho tôi, giúp tôi yêu mến Chúa Giêsu. Nhưng sở dĩ Đức Mẹ có thể gắn bó với Chúa Giêsu là vì trước đó, người đã gắn bó với dân Chúa. Như ngày hôm nay chúng ta tìm hiểu. Chưa đến lúc Mẹ Maria gặp Sứ Thần truyền tin Chúa. Maria đã gắn bó với dân Chúa, đồng hóa với dân Chúa, sống niềm tin, đức mến, đức cậy của dân Chúa. Đức Mẹ cũng làm gương cho chúng ta về điểm này. Muốn kết hợp với Chúa Giêsu chúng ta phải gắn bó với dân Chúa là Hội Thánh. Hội Thánh địa phương là Giáo phận. Chính Hội Thánh đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu qua bí tích Rửa tội, Thêm sức : nhất là chính Hội Thánh đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu, gục đầu vào lòng Chúa Giêsu trong bí tích Truyền Chức Thánh. Hội Thánh còn là người mẹ sẽ an táng, đưa linh hồn chúng ta về đời sau. Chúng ta hãy biết ơn, mến yêu Hội Thánh. Hãy sống cho Hội Thánh và Hội Thánh hữu hình địa phương là Giáo phận. Nếu chúng ta chỉ biết Giáo xứ, không nhìn xa hơn Giáo xứ, không quan tâm phục vụ gì ngoài giáo xứ, chúng ta thiếu sót bổn phận đối với Hội Thánh. Trong hai Thánh lễ truyền chức vừa qua, tôi đã muốn làm cho mọi người hiểu Linh mục thuộc về Hội Thánh : không còn là người của gia đình nữa. Tôi muốn đi thêm một bước nữa, tuy tôi đã cố gắng nhưng chưa cương quyết: là lúc chết, linh mục cũng hãy hoàn toàn là người của Hội Thánh, của Giáo phận. Giáo xứ lo được tí nào cho Linh mục vừa nằm xuống, Giáo phận xin cám ơn nhưng phải theo ý Giáo phận. Giáo phận lo hết những gì Giáo xứ không làm được. Huống nữa là đối với gia đình Linh mục. Giáo phận trân trọng và thành thật chia buồn với gia đình, mời gia đình tham dự lễ an táng nơi dành riêng, ngõ lời cám ơn gia đình. Nhưng cũng như hôm chịu chức, tôi không muốn gia đình đứng ra cám ơn, làm như thế linh mục còn là người của gia đình. Tôi không hiểu anh em có sẵn sàng chia sẻ quan điểm đó với tôi không? Nếu vậy, linh mục chúng ta hãy sống tháo gỡ dần dần những bó buộc mình vào gia đình, ngay cả vào giáo xứ, nhất là vào một vài gia đình cho dù là gia đình thiêng liêng. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã đi trước chúng ta dạy chúng ta bài học này. Chúa đã dạy ngay cả Abraham. Ông đã nhìn thấy gương của Người mà hy sinh sát tế mối dây dàng buộc huyết nhục, nên được kể là công chính. Chúng ta hãy sống cho giáo phận, lo cho giáo phận, cũng như tin tưởng yên tâm để giáo phận lo cho mình, thì sẽ thuộc về Hội Thánh, để dễ thuộc về Chúa Giêsu hơn. Nhất là hãy tránh đừng vì tư lợi mà để giáo phận thiệt hại, vì ý riêng của mình mà khiến giám mục gặp khó khăn, thiệt hại cho giáo phận.
Cụ thể hơn nữa, ngày chịu chức, chúng ta là người của giáo phận khi đi vào Linh mục đoàn. Hãy đề cao, xây dựng, vun đắp cho Linh mục đoàn giáo phận, để chúng ta được hạnh phúc. Hôm lễ truyền chức, tôi đã dám nói với người sắp được tuyển chọn : bất hạnh cho con khi con xa rời hàng ngũ các anh linh mục kính yêu hôm nay nhận con vào lòng Giáo Hội địa phương! Người muốn có vinh dự hơn linh mục đoàn, trước sau sẽ hổ ngươi bẽ bàng. Ai ở trong Linh mục đoàn, sống tinh thần Linh mục đoàn cách sâu sắc, sẽ giống như Đức Mẹ sống hết tinh thần của dân Chúa.
Những linh mục yêu mến Hội Thánh một cách chân thành, cụ thể, để gắn bó với Đức Kitô và công cuộc của Người, cũng biết lôi cuốn giáo dân vào con đường tốt đẹp ấy. Không ai không biết người giáo dân Việt Nam nhạy cảm với tất cả những gì liên quan đến Hội Thánh. Nếu không ý tứ, linh mục hứng lấy tất cả cho mình những tâm tình, thái độ và hành động tốt đẹp mà Giáo dân muốn dâng cho Giáo Hội. Ước gì linh mục ý thức rằng, các cảm tình và sự giúp đỡ của Giáo dân muốn và phải được đưa đi xa hơn và đưa lên cao hơn cá nhân con người linh mục, để giáo dân cũng thực sự biết noi gương Đức Mẹ sống gắn bó với dân Chúa.
Và họ cũng phải sống cho dân tộc. Đây không phải là giới răn mới. Hai ngàn năm trước chúng ta, Đức Maria đã gắn bó với dân tộc mình. Giáo lý ngàn đời của Hội Thánh, đặc biệt của công đồng Vatican II thúc giục các linh mục chúng ta phải chia sẻ vận mệnh của quê hương và đưa giáo dân vào con đường sống đạo giữa đời. Biết bao nhiêu nhân đức và nét đẹp của đạo có thể làm phong phú đời sống dân tộc! Linh mục, giáo dân hay nhìn Đức Mẹ là người thiếu nữ Sion tuyệt vời, là tinh hoa của Dân được tuyển chọn.
Xin Mẹ chỉ bảo đàng lành dẫn đưa chúng ta vào Lịch sử cứu độ. Xin người là Mẹ và Thày dạy đường thiêng liêng, giúp chúng ta sống và hoạt động xứng đáng là người được đặc tuyển của Dân được tuyển chọn.