Đi viếng Lisieux



Theo chương trình ngày 02/01 đoàn đi Lisieux. Chúng tôi đã dậy rất sớm để đọc kinh và dâng Thánh Lễ trước khi lên đường. Từ hôm chúng tôi đến đây, căn phòng sinh viên nhỏ bé của thầy Được đã trở nên một Nhà nguyện nho nhỏ. Trời Paris 7h30 sáng có lẽ mới chỉ như 4h sáng ở Việt Nam. Đường phố ngày thường nhộn nhịp bao nhiêu thì vào ngày mồng 2 đầu năm lại vắng tanh vắng ngắt. Người dân Pháp được nghỉ ba ngày, không ph ải để ăn Tết như Việt Nam nhưng để đi ch ơi, họ về phía nam nước Pháp, đến với dãy núi Alpe để trượt tuyết, thể thao, gặp gỡ bạn bè...Người nào đi làm vào ngày nghỉ được tăng lương gấp hai, một số công sở quan trọng được tăng gấp ba. Xe chúng tôi lướt nhanh trên đường thủ đô Paris và tới Lisieux vào 10h30. Đoạn đường hơn 200km không một ổ gà nảy xóc.

Hành lang đầu tiên dẫn tới Nhà Nguyện dòng Carmel được trưng bày như một bảo tàng nhỏ lưu giữ những hình ảnh, những kỷ vật về thánh nữ Thérèse H: giầy đi, áo dòng, các đồ thờ phượng, bộ tóc dài đẹp đã cắt để vào tu Dòng, đặc biệt là cuốn sách do chính thánh nữ viết tay. Tất cả được đặt trong tủ kính và có băng thuyết minh bằng các thứ tiếng.

Nhà Nguyện kế tiếp là nơi diễn ra các sự kiện lớn: Thánh nữ Thérèse mới 15 tuổi đã từ giã người cha già kính yêu và dâng mình vào Dòng kín tại nguyện đường này. Chín năm từ 09/04/1888 - 30/09/1897 thánh nữ cầu nguyện hy sinh trong thầm lặng, trong trái tim say yêu tình Chúa và tinh thần truyền giáo mãnh liệt, thi hài thánh nữ được an táng ngày 04/10/1897 tại vườn thánh của Dòng Carmel tại Lisieux. Năm 1923 khi được phong Chân phước, di hài thánh nữ được chuyển về đặt dưới Bàn thờ này, bên trên mộ là tượng thánh nữ đặt trong tư thế lúc thánh nữ qua đời trên giường bệnh, quanh năm luôn có hoa tươi kính viếng, mùi hương hoa hồng từ đâu thơm ngát.

Chúng tôi cùng ngồi tham dự thánh lễ 11h30 do 5 cha sở tại đồng tế bằng tiếng Pháp.

Ngay sau thánh lễ, chúng tôi bất ngờ được gặp bốn em tập sinh Việt Nam đang sống theo tinh thần dòng Ba Carmel tại đây. Qua câu chuyện trao đổi, chúng tôi được biết còn hai em nữa đang đi vắng là sáu em, trong đó có một em là người gốc Phát Diệm.

Vui vẻ và hứng khởi, chúng tôi đến thăm Đền thánh Thérèse H. được xây dựng tại ngọn đồi kế bên. Vương Cung Thánh Đường này được coi là hào quang giãi tỏ của chị thánh. Đây là một trong những Vương cung lớn nhất của thế kỷ XX với diện tích 4500m2 dài 95m, rộng 95m (tính theo hết cánh Thánh Giá) cao cũng 95m, được đặt viên đá đầu tiên năm 1929 thời Đức Thánh Cha PIO XI. Ngài muốn xây ngay Vương Cung Thánh Đường này thật to và đẹp, ĐTC Pio XII khi đó là Hồng y Pacelli đã chúc phúc cho công trình. Năm 1954 Đức Hồng Y Feltin tổng Giám mục Paris đã cung hiến Vương Cung Thánh Đường này.

Bên trong Thánh Đường nổi bật với những lối khảm đá mosaique diễn tả tinh thần truyền giáo: Chúa Cha sai Chúa Con và tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu Kitô. Vòm trần tầng trệt diễn tả đời sống nội tâm vừa âm thầm mãnh liệt, vừa sâu xa của thánh nữ Thérèse H., hai vòm hai bên diễn tả năm giai đoạn quan trọng của thánh nữ: Rửa tội, Rước lễ lần đầu, ơn khỏi bệnh, Mặc áo dòng và Chết.

Các bàn thờ cạnh suốt dọc hai bên tường của Vương Cung Thánh Đường đều trích dẫn các dòng tư tưởng và tâm tình mến yêu của thánh nữ. Sau khi thăm Vương Cung Thánh Đường, chúng tôi dừng chân tại một căn phòng sạch sẽ có bàn ghế ngăn nắp ở bên dưới khu Thánh Đường để dùng bữa pic-nic mà chúng tôi được anh chị Minh Soi (anh Minh quê Cách Tâm, chị Soi quê họ Phát Thượng, Phát Diệm) đã chuẩn bị chu đáo cho cả đoàn từ hôm trước. Em Thế Anh đã chuẩn bị một khay xôi đỗ. Chuyến đi này được tổ chức chu đáo còn phải kể đến sự nhiệt tình của ba thanh niên bạn bè của thầy Được : anh Châu (quê Bùi Chu), anh Huân (sinh viên, quê Nam Định), và em Thế Anh (cháu cha Nguyễn Văn Hoàng, Yên Vân). Họ đã dành một ngày nghỉ để tự nguyện lái xe của mình đưa chúng tôi đến Lisieux.

Mãi tới buổi chiều chúng tôi vẫn còn bị cuốn hút đi lại trong khuôn viên của Vương Cung Thánh Đường, xem những mô hình diễn tả những nét sinh hoạt lớn của chị thánh. Một chiếc xe con lái về phía chúng tôi, anh thanh niên trong xe bước ra nói với chúng tôi bằng tiếng Việt: “Các cha đến thăm nhà Bà thánh Têrêsa ngay, 15h là họ đóng cửa rồi”, đó là một giáo dân Giáo xứ Việt Nam- Paris. Chúng tôi vội lên xe, đồng hồ chỉ 14h35.

Nhà của thánh nữ Têrêsa
Ngôi nhà nhỏ nhắn hai tầng hiện ra, đây chính là ngôi nhà mà thánh Thérèse H. đã sống những năm tuổi thơ dịu dàng. Thực ra đây là ngôi nhà mà ông bà Martin đã thuê để sống khi họ rời Alen†on, chứ không phải là nhà của họ. Chị Thérèse H. đã sống 11 năm (từ 4 đến 11 tuổi) trước khi vào Dòng Carmel. Ngôi nhà mà chúng tôi đang có mặt ở đây đã chứng kiến tuổi thơ và tuổi niên thiếu của chị Thérèse H. một thiếu nữ con nhà khá giả, một “công chúa nhỏ” của nhà Martin, một đời sống đơn sơ đã trở thành vị thánh tiến sĩ của thời đại. Chị hướng dẫn viên mở băng giới thiệu bằng tiếng Pháp, chúng tôi được trao bản tiếng Việt để theo dõi, rất sống động và cũng rất cảm động. Tại đây, những chi tiết của cuộc đời chị thánh mà chính chị đã kể lại trong cuốn “Một tâm hồn” như sống lại trước mắt chúng tôi. Sinh hoạt gia đình của ông Martin như vừa mới diễn ra ngày hôm qua. Phòng Thérèse bé nhỏ, gồm các đồ chơi trẻ em, một chiếc áo của Thérèse mặc ngày lễ, trên bàn đặt cây Thánh giá mà Thérèse đã chiêm ngắm cầu nguyện hàng ngày. Bên cạnh là phòng của ông Martin đơn giản là chỉ một chiếc giường và bộ bàn ghế. Lên tầng hai người ta được thấy giường của Thérèse hồi 10 tuổi. Bên cạnh giường có một tượng Đức Mẹ mà khi Thérèse mười tuổi bị ốm nặng, theo chị kể lại, chị đã được chính tượng Đức Mẹ đây mỉm cười với chị và sau đó chị được chữa khỏi bệnh. Sự kiện này được chị nhớ lại khi gần qua đời:

“Mẹ ơi khi buổi thơ sinh

Thương tình Mẹ đến mỉm cười cùng con

Giờ đây bóng xế chiều hôm

Mẹ ơi xin Mẹ đoái thương tạc lòng” (Th Thérèse)

Mộ thánh Teresa
Khu vườn sau nhà đặt tượng hai cha con diễn tả sự kiện Thérèse xin cha cho phép vào dòng kín năm 1887 hồi chị mới 14 tuổi. Khu vườn nhỏ nhắn xinh xắn, cảnh hai cha con ngồi trên ghế đá nổi bật giữa khu vườn, toát lên tình cha con thật đầm ấm nhưng cũng đòi hỏi ý chí cương nghị, sự hy sinh của cả hai cha con trong giờ phút lịch sử ấy.

Một điều đặc biệt bất ngờ là chúng tôi đến thăm nhà chị Thánh lại chính vào ngày sinh nhật của chị. Chị sinh ngày mồng 2 tháng giêng năm 1873 tại Alen†on cách Lisieux 92 km về phía nam. Khi mẹ Thérèse mất 1877 ông Martin cùng 5 người con gái mới chuyển gia đình về đây và chị Thérèse H. đã qua tuổi thơ êm đẹp của mình từ 15/11/1877 đến 09/04/1888 tại căn nhà này.

Ngày sinh trần thế của chị ít người nhớ đến nhưng có ngày này mới dẫn đến ngày sinh nhật trên trời của chị 30/09/1897. Chắc ngày này chị thánh cũng nhớ về ngày sinh của mình và chị cũng đang hiện diện đâu đây. Camera của tôi đã quay hết băng, các máy chụp ảnh của cha Hi, cha Năng, thầy Được cũng đều hết phim, ai cũng tiếc vì không chụp được một kiểu ảnh nơi đây. Lúc này cha Văn mới lấy máy chụp ảnh của mình ra, ngài nói máy ngài quá cũ không dám sử dụng ai ngờ trở thành độc nhất trong lúc này. Chúng tôi nói đùa với nhau : chị Thérèse H. thích những gì bé nhỏ, đơn sơ nên cuối cùng chỉ có máy của cha Văn lại trở thành giá trị nhất. Mới hay con đường bé nhỏ đơn sơ của thánh nữ trong tay Thiên Chúa có giá trị biết bao!

Rời nơi đây, ai cũng như lưu luyến một con người, một tâm hồn, một tấm gương về tình yêu Chúa, về tinh thần hy sinh, tinh thần truyền giáo. Trong sâu thẳm tâm hồn, xúc động và hân hoan, chúng tôi nhớ lại những vần thơ của chị, những vần thơ như đã trở thành chân lý cho mọi tâm hồn tận hiến :

“Trên trần gian muốn hưởng đời tình ái

Đâu phải ngồi nhìn ngắm cảnh Tabor

Kìa Đồi Sọ cố trèo lên với Chúa

Đăm chiêu nhìn Khổ giá tựa báu kho

Trời xanh ấy, nơi bồng lai tiên cảnh

Quên thử thách và chấm dứt ưu sầu

Những lẽ sống thúc giục thân lữ khách

Đời tình ái là sống với khổ đau."

Một ngày mãn nguyện đã kết thúc. Theo gợi ý của thầy Được, chúng tôi hẹn gặp nhau tại quán Sông Hương trên đường Choisy, quận 13, Paris. Bước vào quán chúng tôi thấy có một bàn thờ đặt trên cao, chính giữa đặt một tượng Đức Mẹ Lộ Đức. Chủ quán là người Việt Nam, người phục vụ là Việt Nam, nói tiếng Việt Nam, phở cũng Việt Nam. Ba giáo dân Việt Nam hải ngoại là anh Châu, anh Huân và Thế Anh tình nguyện bao cả chuyến xe đi Lisieux, về đây Thế Anh định chiêu đãi cả đoàn một bữa phở, nhưng khi thanh toán thì chủ quán không nhận tiền, bà chỉ xin các cha đọc cho một kinh Lạy Cha cầu nguyện cho là đủ. Bà cho biết hàng tháng vẫn có cha đến dâng lễ tại đây. Phải chăng đây cũng là một điểm mục vụ của Giáo xứ Việt Nam? Cũng nên mở ngoặc rằng, bát phở ở Paris to gấp rưỡi bát phở ở Hà Nội, nhiều thịt bò hơn, nhiều bánh hơn, nhưng bánh thì hơi cứng vì là bánh phở khô. Giá một bát phở là 7,5 euros, tính ra tiền Việt là 150.000đ một bát. Ở giữa lòng Paris, ăn bát phở giữa trời mưa đông lạnh giá thật thú vị. Dù đắt như thế, nhưng ai cũng thấy như đang thưởng thức văn hóa ẩm thực của Việt Nam vậy !

Ngày hôm nay, 03/1, ngày cuối cùng chúng tôi ở Paris. Chúng tôi tập trung tại nhà MEP dùng bữa cơm chung cuối cùng tại Paris. Trước giờ ra về chúng tôi được gặp cha Etcharen, bề trên tổng quyền nhà MEP. Ngài nói tiếng Việt rất tốt vì đã làm giáo sư 17 năm rưỡi tại Việt nam. Ngài rất thương Việt Nam nên đoàn Linh mục chúng tôi được ngài cho ăn nghỉ suốt tuần qua. Chúng tôi chỉ biết cám ơn và xin Chúa trả ơn vô cùng cho các ngài. Chào nhà MEP cũng là chào Paris văn minh diễm lệ. Cha Huy và thầy Được tiễn chân chúng tôi đến tận ga tầu, mặc dù tầu chậm lại tới 3 tiếng đồng hồ thay vì 19 h thì 22h mới khởi hành

Ngày mai: Trở lại Roma