Các nhà lãnh đạo của các quốc gia trong khối ASEAN đã cùng với Trung Quốc ký kết một thỏa thuận bước ngoặt cho việc thành lập khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đề tài chống khủng bố và làm sao thu hút du khách phương Tây đến vùng Đông Nam Á thì hiệp định với Trung Quốc là kết quả lớn nhất và cụ thể nhất của hội nghi thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh, Campuchia.

Dự án này sẽ có tổng cộng hơn 1 tỷ 7 trăm triệu người tham gia và mất 10 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, theo một số nhà nhận xét thì thành quả kinh tế của Trung Quốc là do đầu tư vào các nước Đông Nam Á và một số nước trong khu vực nói là sẽ có nhiều cạnh tranh hơn từ các ngành công nghiệp của Trung Quốc.

Một số khác lại cho rằng đây là một tiềm năng lớn cho xuất khẩu thức ăn và các tài nguyên thiên nhiên khác từ ASEAN vào Trung Quốc.

Trong tuyên bố mở đầu hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia, các nhà lãnh đạo khối kêu gọi các chính phủ Phương Tây ngừng khuyến cáo công dân họ không đến vùng Đông Nam Á.

Sau vụ đánh bom Bali, hàng loạt các sứ quán Tây Phương đã đưa ra khuyến cáo về khả năng có các cuộc tấn công khủng bố mới trong vùng Đông Nam Á.

Du lịch, ngành kinh tế đem lại hàng tỷ đôla mỗi năm cho Đông Nam Á, hiện đang bị khủng hoảng. Ngay cả trước khi xảy ra vụ đánh bom ở Bali, Indonesia thì con số du khách đến vùng này đã giảm mạnh vì tình trạng vô pháp luật ngày một rộng khắp ở nhiều vùng của Indonsia và Philipin.

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị ở Phnom Penh đang cố xua đi cảm nghĩ rằng vùng Đông Nam Á là không an toàn. Thái Lan, nước nhận hơn 10 triệu du khách trong năm ngoái, đã phản ứng giận dữ trước việc một số sứ quán Phương Tây đưa ra lời khuyến cáo là có thể sẽ có các vụ tấn công khủng bố ở Thái Lan.

Tổng thư ký khối ASEAN chỉ ra rằng việc tìm ra các chi bộ của những đường dây khủng bố ở châu Âu đã không đưa đến chỗ khuyến cáo du khách không đến châu Âu nữa. Nhưng theo các nguồn tin ngoại giao thì không phải sự có mặt của mạng lưới khủng bố khiến Đông Nam Á bị coi là vùng nguy hiểm mà chính là sự yếu kém của ngành an ninh trong vùng khi phải đối phó với nguy cơ khủng bố.

Indonesia đã bỏ ngoài tai nhiều tháng liền những cảnh cáo của Mỹ về một vụ tấn công đến gần. Thậm chí sau khi xảy ra vụ Bali cảnh sát Indonesia vẫn như không biết phải điều tra từ đâu. Cuối cùng thì chính phủ ở Jakarta cũng đã chấp nhận sự giúp đỡ của các chuyên gia Úc và Mỹ.

Nhìn chung, cả ngành công an và quân đội ở nhiều nước ĐNA mắc nạn tham nhũng và được đào tạo rất kém. Nhiều nhân vật trong những ngành này còn dính vào các hoạt động bất hợp pháp như bắt cóc và buôn lậu. Cho tới khi nào thực trạng đó chưa thay đổi thì mọi lời hứa về một chiến dịch diệt trừ khủng bố mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ chẳng có được bao nhiêu sức nặng. (BBC)