THỜI ĐIỂM KHAI MỞ CON MẮT THỨ BA

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN THẦN NHÃN


 

Nhân loại qua bao thời đều tìm cách khai mở huyệt thần nhãn. Người Ấn thường chấm một điểm vào vị trí trên để diễn tả con mắt thứ ba là thần nhãn, nhìn thấu qua cả bóng đen, nhìn thấy được những gì mắt thịt không thấy được. Nhiều nhà khảo cứu nói tới hạch tuyến Pituitary và Pineal nằm ở khoảng giữa hai con mắt. Nhiều giả thuyết được trình bày, nhiều bí mật được nói tới. Nhưng điều bí mật nhất trong các điều bí mật lại thật đơn sơ và thật ngược đời.

CON CÁ MẬP và NHÀ GIẢNG THUYẾT

Truyện kể về một nhà giảng thuyết nổi tiếng, có giọng nói thu hút. Nhưng một ngày kia ông ta bị bệnh cảm nặng không làm sao nói được nữa trong một thời gian dài. Ông phải về tĩnh dưỡng tại gia đình, và đã thử nhiều cách thông thường như ngậm chanh hấp đường phèn, xông hơi nước nóng, nhưng đờm vẫn vít cổ không nói ra tiếng được.

Bà mẹ thấy con bị như vậy thì tội nghiệp. Bà liền bảo con làm theo lời dặn do bà ngoại nói lại, là hễ ai bị bệnh nặng cỡ như vậy thì cứ ra vụng nước sâu gần nhà mà lặn xuống thế nào cũng tìm được phương cách.

Nhà giảng thuyết bán tín bán nghi, nhưng vì chẳng còn cách nào khác nên cũng đành nghe theo lời mẹ. Ông ra vũng nước và lặn xuống thật sâu thì bỗng gặp một con cá mập bị mắc vào một cái lưới đang giẫy giụa kêu cứu: “Ông bà cô bác ơi, làm ơn được ơn, làm phúc được phúc, cứu tôi khỏi cảnh khốn khổ này, tôi sẽ đền ơn xứng đáng."

Nhà giảng thuyết thấy cảnh như vậy cũng thương, nhưng đâu dám mon men tới gần, vì nó là loài cá mập ăn thịt người: nó bị nạn thì kêu cứu, chứ nó mà thoát ra được thì làm sao mà tin nổi nó. Nghĩ vậy, nhưng nhà giảng thuyết cũng động lòng trắc ẩn. Ông bèn đi kiếm dao xuống cắt lưới cứu con cá mập. Nhưng vừa cắt lưới xong thì con cá mập lập tức rượt đuổi nhà giảng thuyết. Ông ta chạy vắt hai chân lên cổ, vừa chạy vừa chửi con cá mập đểu cáng lừa đảo. Con cá mập cứ miết đuổi theo, nhà giảng thuyết càng hét to hơn cầu cứu. Khi ông đã quá mệt muốn ngã quị thì thấy con cá mập không đuổi nữa mà đứng cười rũ rượi: “Ta đâu có đểu cáng. Ta đang trả ơn nhà ngươi đó."

Nhà giảng thuyết bỗng được mở mắt nhìn thấy một điều: khi mình bị đuổi cùng đường phải cố sức mà la hét, thì cũng chính là lúc cổ họng mình bật hết đờm ra để có thể nói được. Con cá mập đã không đểu cáng, nó đã đền ơn mình bằng một lối chữa bệnh thật khác lạ

THỜI ĐIỂM CHIM CÚ LUYỆN MẮT SÁNG

Những nghịch cảnh trong cuộc sống thật khó nuốt nhiều khi lại là những cơ may ơn phúc mở ra một nhãn quan mới mà thường không dễ tự thay đổi được. Điều này được chứng nghiệm qua phương pháp huấn luyện bí truyền của các sư phụ "Sufi" bên Trung Đông, gọi là phương pháp Chín Số (Enneagram) rất phổ thông trong ngành tu tập tâm linh ngày nay, giúp thay đổi được tính tình rất kiến hiệu từ những động lực đun đẩy bên trong. Tính tình con người được chia ra thành chín loại khác nhau, với những khuynh hướng cứ đà mà đi theo mũi tên thì sẽ càng ngày càng sa lầy tệ hại. Vì mỗi số, tức mỗi tính, qua mọi hành vi cử chỉ, do ý thức hay vô thức, đều đang nhằm tìm một điều gì và sợ tránh một điều gì.

Chẳng hạn điều hãnh diện của tính số 5 là được coi là khôn ngoan. Họ thường khá thông minh, biết nhìn rộng về cuộc sống, có nhiều ý kiến khách quan, suy tư chín chắn trước khi quyết định. Họ thích được coi là người hiểu biết rộng, nắm được bí quyết cuộc đời, nên luôn tìm cách vơ vét thêm kiến thức. Vì thế sợ nhất là bị coi là ngu dốt hay mập mờ tối tăm không nắm bắt được vấn đề. Người số 5 ít muốn dấn thân xắn tay vào việc, mà thường thu mình lại ngồi ở cửa sổ để nhìn xuống cuộc đời để tìm tòi thêm ngóc ngách. Biết nhiều mà chẳng đạt được bao nhiêu. Cứ đà theo mũi tên thì người số 5 càng tìm cách vuốt ve nếp sống thoải mái của mình theo như người tính số 7, càng làm cho tình trạng tồi tệ thêm, giống như hình ảnh một con chó len lỏi săn đuổi mọi hang cùng ngõ hẻm rồi cuối cùng cũng chỉ ngoạm được một miếng thịt thiu.

Muốn giúp người tính số 5 thay đổi tính tình thì phải vẽ cho họ mũi tên ngược. Số 5 rất kỵ số 8, vì số 8 rất táo bạo, lấy tiêu chuẩn uy lực thắng thua làm đầu. Nhưng đâu ngờ số 5 lại rất cần hướng tới nét ưu điểm của người tính số 8, là phải biết liều, dám buông rời chỗ an toàn hay pháo đài kiến thức để nhập cuộc bắt tay vào việc thì tư duy mới chạy vào thực tế được. Phương pháp Enneagram vẽ lên mũi tên ngược số 5 cần hướng tới là hình ảnh con chim cú. Cái mâu thuẫn ngược đời nhất của chim cú là càng đi vào đêm tối thì mắt càng sáng lên, cánh càng đầy hoạt lực tung bay thênh thang được. Người Mỹ gọi mắt cú là con mắt của trí khôn ngoan (eyes of wisdom).

TIN VUI GỬI NGƯỜI CAY CÚ

Chẳng phải người tính số 5 mới sợ đêm đen. Mỗi người đều mang khuynh hướng tìm điều gì thoải mái, vun quén thêm cho an toàn sung túc cậy vào sức của mình, nên rất sợ rỗng trống tầm thường. Cứ theo đà như vậy tưởng rằng nắm bắt được mọi ngóc ngách bí mật hạnh phúc trên đời, nhưng đâu ngờ cuối cùng rồi cũng chỉ vớ được một miếng thịt thiu.

Cú thì vốn hôi, ban ngày thì lim dim như chả biết gì. Có lẽ vì vậy mà có chữ "cay cú" chăng? Vậy mà khi đêm đen ập tới thì ai sợ chứ cú ta lại tung hoành dụng võ đúng mức. Từ ngày theo mấy khóa Enneagram về mũi tên ngược khai mở con mắt, tôi đâm mê hình ảnh cú. Mỗi lần đi xa là y kỳ thế nào cũng mua được hình cú đưa về trưng bày trong phòng. Không ngờ mà hình ảnh cú lại chính là hình ảnh thập giá: qua thập giá tới ánh sáng (per crucem ad lucem), như khẩu hiệu của dòng Mến Thánh Giá, dám chấp nhận đi vào bóng đen thì mắt mới sáng lên được. Đây là phương pháp luyện thần nhãn.

Vì vậy mà mỗi tính đều cần mũi tên ngược là những con cú chẳng mấy ưa thích, là những nghịch cảnh xẩy đến ngoài tầm tay. Mình chẳng mấy khi tự mình thay đổi được cuộc sống, thì "may hết sức" đã có sẵn những cây thập giá là những "ỷ thiên kiếm" tựa vào sức Trời, là những "đồ long đao" mạnh như rồng mà cắt bỏ được những ràng buộc vốn trói ghì mình lại. Phương pháp ngược đời này chính Chúa Giêsu đã thực hiện bằng chính mạng sống của mình:

"Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại." (Mt 16: 21)

Rồi Ngài bí truyền cho các đệ tử họa đồ những mũi tên ngược này, cũng chính là bửu bối ngược đời mở ra nhãn quan mới về cuộc đời:

"Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?" (Mt 16:24-26)

PHÚT LUYỆN THẦN NHÃN

Chim cú đã phát triển được mắt sáng nhờ "bị" đẩy vào bóng đen. Đâu có ngờ được rằng bí quyết khai mở huyệt thần nhãn lại là khám phá ra nét công hiệu của những mũi tên ngược, của những thập giá, của những chén đắng, là những nghịch cảnh thường xẩy đến trong cuộc sống, là những lúc bị cá mập đuổi, là những lúc xem ra bị vùi giập tước đoạt đẩy vào đêm tối như chim cú. May hết sức, nhờ những thập giá và chén đắng này mà con mắt thứ ba được khai mở vào một nhãn quan mới.

Đâu là hòn đá xù xì con đang đạp phải lúc này, hòn đá đang hành hạ con khiến con trở nên cay cú? Xin cho con được nhìn ra giá trị của những hòn đá đã chạm đến đời con, thay vì đè bẹp con xuống thì lại trở thành nấc đá cho con bước lên, luyện được con mắt sáng, như tâm tình thánh vịnh 118:

Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ,

Lại trở nên đá tảng góc tường.