TÔN VINH NHỮNG CON NGƯỜI
“Đem những thứ này đi khỏi đây, đừng làm nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán!”.
Một trong những con người ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là một triết gia lừng danh cùng thời, Victorinus. Là thầy của nhiều nghị sĩ và bậc quyền quý, Victorinus nổi tiếng cho đến độ người ta dựng tượng ông ngay trong Toà Rôma. Khi về già, ông nghiền ngẫm Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm một người bạn, Simplicianus, Victorinus nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu”. Bạn ông trả lời, “Tôi không bao giờ tin điều đó cho đến khi ông công khai đến nhà thờ!”. Victorinus cười, “Vậy những bức tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó ông học đạo và trở lại công khai; cả thành Rôma sửng sốt, các Kitô hữu vui mừng!
Kính thưa Anh Chị em,
Đúng như Victorinus hiểu, “Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Hôm nay, kỷ niệm ngày Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, biểu tượng cho Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một thánh đường, đầu và là mẹ tất cả thánh đường của Hội Thánh, nhưng còn ‘tôn vinh những con người’, các Kitô hữu, làm nên Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô!
Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu vào đền thờ, dùng roi đánh đuổi những người đổi tiền và các con vật; Ngài la lên, “Đem những thứ này đi khỏi đây, đừng làm nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán!”. Chúa Giêsu yêu Hội Thánh như yêu Thân Thể Ngài, vì Hội Thánh quả là như vậy. Với tư cách là Thân Thể của Ngài, các thành viên trong Hội Thánh được kêu gọi, được sai đi để cùng Chúa Kitô hoạt động như những công cụ cứu rỗi của Chúa Cha. Vì thế, khi tôn vinh đền thờ Latêranô, biểu tượng của Hội Thánh; có thể nói, chúng ta tôn vinh chính mình, ‘trong chừng mực’ chúng ta là thành viên của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Việc Ngài thanh tẩy đền thờ hôm nay nhắc chúng ta phải thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình, như Ngài hằng muốn thanh tẩy Giáo Hội!
Hội Thánh được thanh tẩy thế nào? Tại sao phải thanh tẩy? Hội Thánh được thanh tẩy qua việc thanh tẩy các thành viên; Chúa Kitô muốn xua trừ triệt để mọi tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng ta, tẩy sạch mọi uế nhơ khỏi đền thờ tâm hồn mỗi người. Bởi lẽ, đôi khi, chúng ta trở nên chểnh mảng trong việc cam kết thanh tẩy chính mình; chúng ta dễ dãi với tội lỗi, hình thành những thói quen xấu khó phá vỡ. Bài đọc Êzêkiel hôm nay tiên báo Hội Thánh là một Giêrusalem mới, nơi có dòng nước mang lại sự sống và màu mỡ cho bất cứ nơi nào nó chảy đến; dòng nước này phải sạch tinh, không thể bị nhiễm uế! Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay cũng đồng tình khi nói, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh; chính anh em là đền thờ ấy!”. Vì thế, mỗi ngày, chúng ta cần thanh tẩy chính mình để thân mình Hội Thánh, Hiền Thê của Chúa Kitô nên xinh đẹp, sạch trong, không tỳ ố, không nếp nhăn. Hội Thánh là Giêrusalem mới, nơi dòng suối ân sủng của Thiên Chúa tiếp tục đem sự sống cho thế giới; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Một dòng sông chảy ra bao nhánh, đem niềm vui cho thành của Chúa Trời, đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao!”.
Anh Chị em,
‘Tôn vinh những con người’ là chủ đề của một vài suy tư nhân ngày lễ hôm nay. Những con người được tôn vinh đó không chỉ có cùng một tên gọi như nhau, “Một Giêsu Khác”; nhưng còn cùng nhau được thanh tẩy mỗi ngày. Bởi lẽ, chính Chúa Giêsu, Đấng kêu gọi họ, cũng đã chịu thanh tẩy không chỉ bằng nước nhưng bằng máu. Nhờ Máu Ngài đổ ra, chúng ta được thứ tha tất cả mọi tội lỗi, được thanh sạch mà đến gần Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa, Đền Thờ ấy cũng đã bị đập tan tành; nhưng nhờ đó, Ngài xô đổ mọi bức tường ngăn cách là sự thù ghét; đồng thời, tuôn chảy dòng suối cứu độ cho cả nhân loại. Cũng thế, “Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”, như Chúa Kitô, cả chúng ta, Kitô hữu, cũng phải phá đổ những bức tường ngăn cách khiến con người và cả chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa, cũng chẳng nhìn rõ tha nhân. Để từ đó, mỗi chúng ta là một đền thờ mới mẻ, sống động, hầu Thiên Chúa có thể hiện diện giữa thế giới, giữa dân Ngài. Vậy, nếu chúng ta thật sự để Chúa Thánh Thần thanh tẩy, đập phá… chúng ta cũng được trở nên trong sạch và thánh thiện. Có như thế, khi ‘tôn vinh những con người’ làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, không ai trong chúng ta cảm thấy phải hổ thẹn; ngược lại, rất vui mừng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước muốn sâu xa của Chúa là tẩy sạch con khỏi mọi tội lỗi trong ngoài. Xin mở rộng tâm trí và ý chí của con cho tất cả những gì Chúa muốn. Này linh hồn con, đền thờ thanh sạch của Ngài, xin cứ đến chiếm ngự!”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Đem những thứ này đi khỏi đây, đừng làm nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán!”.
Một trong những con người ảnh hưởng đến việc trở lại của Augustinô là một triết gia lừng danh cùng thời, Victorinus. Là thầy của nhiều nghị sĩ và bậc quyền quý, Victorinus nổi tiếng cho đến độ người ta dựng tượng ông ngay trong Toà Rôma. Khi về già, ông nghiền ngẫm Thánh Kinh và các tác phẩm Kitô giáo. Ngày kia, thăm một người bạn, Simplicianus, Victorinus nói, “Tôi muốn ngài biết, tôi là một Kitô hữu”. Bạn ông trả lời, “Tôi không bao giờ tin điều đó cho đến khi ông công khai đến nhà thờ!”. Victorinus cười, “Vậy những bức tường nhà thờ làm cho người ta thành Kitô hữu sao?”. Sau đó ông học đạo và trở lại công khai; cả thành Rôma sửng sốt, các Kitô hữu vui mừng!
Kính thưa Anh Chị em,
Đúng như Victorinus hiểu, “Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”. Hôm nay, kỷ niệm ngày Cung Hiến Thánh Đường Latêranô, biểu tượng cho Hội Thánh, chúng ta không chỉ tôn vinh một thánh đường, đầu và là mẹ tất cả thánh đường của Hội Thánh, nhưng còn ‘tôn vinh những con người’, các Kitô hữu, làm nên Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô!
Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu vào đền thờ, dùng roi đánh đuổi những người đổi tiền và các con vật; Ngài la lên, “Đem những thứ này đi khỏi đây, đừng làm nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán!”. Chúa Giêsu yêu Hội Thánh như yêu Thân Thể Ngài, vì Hội Thánh quả là như vậy. Với tư cách là Thân Thể của Ngài, các thành viên trong Hội Thánh được kêu gọi, được sai đi để cùng Chúa Kitô hoạt động như những công cụ cứu rỗi của Chúa Cha. Vì thế, khi tôn vinh đền thờ Latêranô, biểu tượng của Hội Thánh; có thể nói, chúng ta tôn vinh chính mình, ‘trong chừng mực’ chúng ta là thành viên của Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Việc Ngài thanh tẩy đền thờ hôm nay nhắc chúng ta phải thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình, như Ngài hằng muốn thanh tẩy Giáo Hội!
Hội Thánh được thanh tẩy thế nào? Tại sao phải thanh tẩy? Hội Thánh được thanh tẩy qua việc thanh tẩy các thành viên; Chúa Kitô muốn xua trừ triệt để mọi tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng ta, tẩy sạch mọi uế nhơ khỏi đền thờ tâm hồn mỗi người. Bởi lẽ, đôi khi, chúng ta trở nên chểnh mảng trong việc cam kết thanh tẩy chính mình; chúng ta dễ dãi với tội lỗi, hình thành những thói quen xấu khó phá vỡ. Bài đọc Êzêkiel hôm nay tiên báo Hội Thánh là một Giêrusalem mới, nơi có dòng nước mang lại sự sống và màu mỡ cho bất cứ nơi nào nó chảy đến; dòng nước này phải sạch tinh, không thể bị nhiễm uế! Phaolô trong bài đọc thứ hai hôm nay cũng đồng tình khi nói, “Đền thờ của Thiên Chúa là thánh; chính anh em là đền thờ ấy!”. Vì thế, mỗi ngày, chúng ta cần thanh tẩy chính mình để thân mình Hội Thánh, Hiền Thê của Chúa Kitô nên xinh đẹp, sạch trong, không tỳ ố, không nếp nhăn. Hội Thánh là Giêrusalem mới, nơi dòng suối ân sủng của Thiên Chúa tiếp tục đem sự sống cho thế giới; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay thật ý nghĩa, “Một dòng sông chảy ra bao nhánh, đem niềm vui cho thành của Chúa Trời, đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao!”.
Anh Chị em,
‘Tôn vinh những con người’ là chủ đề của một vài suy tư nhân ngày lễ hôm nay. Những con người được tôn vinh đó không chỉ có cùng một tên gọi như nhau, “Một Giêsu Khác”; nhưng còn cùng nhau được thanh tẩy mỗi ngày. Bởi lẽ, chính Chúa Giêsu, Đấng kêu gọi họ, cũng đã chịu thanh tẩy không chỉ bằng nước nhưng bằng máu. Nhờ Máu Ngài đổ ra, chúng ta được thứ tha tất cả mọi tội lỗi, được thanh sạch mà đến gần Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa, Đền Thờ ấy cũng đã bị đập tan tành; nhưng nhờ đó, Ngài xô đổ mọi bức tường ngăn cách là sự thù ghét; đồng thời, tuôn chảy dòng suối cứu độ cho cả nhân loại. Cũng thế, “Những bức tường nhà thờ không làm cho con người thành Kitô hữu!”, như Chúa Kitô, cả chúng ta, Kitô hữu, cũng phải phá đổ những bức tường ngăn cách khiến con người và cả chúng ta không nhìn thấy Thiên Chúa, cũng chẳng nhìn rõ tha nhân. Để từ đó, mỗi chúng ta là một đền thờ mới mẻ, sống động, hầu Thiên Chúa có thể hiện diện giữa thế giới, giữa dân Ngài. Vậy, nếu chúng ta thật sự để Chúa Thánh Thần thanh tẩy, đập phá… chúng ta cũng được trở nên trong sạch và thánh thiện. Có như thế, khi ‘tôn vinh những con người’ làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, không ai trong chúng ta cảm thấy phải hổ thẹn; ngược lại, rất vui mừng!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, ước muốn sâu xa của Chúa là tẩy sạch con khỏi mọi tội lỗi trong ngoài. Xin mở rộng tâm trí và ý chí của con cho tất cả những gì Chúa muốn. Này linh hồn con, đền thờ thanh sạch của Ngài, xin cứ đến chiếm ngự!”, Amen.
(Tgp. Huế)