SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

CHÚA LÀ ĐỘNG LỰC VÀ CÙNG ĐÍCH

Chúng ta cùng dõi theo ơn gọi của thánh Gioan Tẩy giả. Đó là một ơn gọi huyền nhiệm, tràn đầy tình thương của Chúa.

Theo truyền thống Hội Thánh, thánh Gioan sinh khoảng năm 6 trước Công nguyên, qua đời khoảng năm 36 trong thời Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động công khai.

Theo Tân Ước, trước khi thực hiện vai trò là người chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Đấng Cứu Thế, thánh Gioan có một thời gian tĩnh tâm sống kết hợp với Chúa trong thinh lặng, trong không gian hoàn toàn chìm lắng của hoang địa.

Thánh nhân đêm ngày sốt sắng cầu nguyện cho sứ mạng cao cả của mình bằng cách sống khổ hạnh, chay tịnh nghiêm ngặt. Thời gian này, thánh nhân chỉ mặc áo lông thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng.

Thánh Gioan là vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước, nhưng lại là tiên tri lớn. Đúng hơn, thánh Gioan là vị tiên tri chuyển giao giữa Cựu và Tân ước. Thánh Gioan xuất hiện công khai vào giai đoạn cuối của cả một hành trình Cựu Ước dài, như tiếng kêu trong sa mạc, giữa lúc nhân loại ngóng đợi Đấng Cứu Thế, đòi mọi người phải thống hối để bước vào chương trình cứu chuộc mà Đấng Cứu Thế sẽ thực hiện.

Sau thời gian tĩnh lặng trong ơn nghĩa Chúa, theo ý định thánh thiện và quyền năng của Chúa, thánh Gioan trở thành nhà giảng đạo du mục lừng danh kêu gọi lòng người ăn năn sám hối.

Thánh Gioan dẫn đầu phong trào chứng minh lòng sám hối bằng việc thực hành phép rửa tẩy giả tại sông Jordan. Nhờ sự khiêm nhường, lời rao giảng nghiêm túc, và phép rửa lôi cuốn, đặc biệt với ơn Chúa phù trợ, thánh Gioan thu hút một số lượng môn đệ lớn nhằm tiên báo cho sứ vụ hoạt động của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà loài người mong đợi, sẽ xuất hiện trong nay mai.

Chính thánh Gioan, qua thánh ý quan phòng của Thiên Chúa, đã thực hiện nghi thức tẩy giả cho Chúa Giêsu trên dòng sông Jordan. Bằng hình thức chấp nhận dìm toàn thân xuống dòng nước, Chúa thiết lập bí tích rửa tội, thánh hóa nước thánh tẩy và nêu gương ăn năn sám hối cho mọi con người.

Chính Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện uy nghi sau khi dòng nước thánh tẩy đã được Chúa Giêsu thánh hóa: Chúa Cha phán dạy để xác nhận Chúa Giêsu: “Này là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc 9, 7). Chúa Thánh Thần xuất hiện bên trên Chúa Giêsu bằng hình tượng chim bồ câu.

Thánh Gioan hoàn tất sứ mạng bằng cái chết oan nghiệt ngay khi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà muôn dân đợi trông, bắt đầu sứ mạng cứu thế của Chúa.

Huyền nhiệm và tình thương của Chúa thể hiện trong chính ơn gọi mà thánh Gioan đảm trách, dễ dàng nhận thấy qua từng giai đoạn của cuộc đời ngài: được thiên thần truyền tin để làm người, sinh ra bởi người mẹ và người cha già nua, được Chúa sai dọn đường cho Đấng Cứu Thế xuất hiện giữa trần gian và ngự trị tâm hồn con người, dọn đường tâm hồn con người ăn năn tội chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế.

Chúa sai thánh Gioan. Ngài lên đường bằng một đời vâng phục đến giây phút hoàn tất hành trình trần thế, nhằm chứng minh Tin Mừng sự sống của Chúa Kitô.

Từ ngàn xưa, Chúa đã chọn các tiên tri. Việc tuyển chọn không bao giờ dừng lại. Chúa tiếp tục chọn gọi mỗi tín hữu hôm nay làm tiên tri, nhân danh Chúa loan tin mừng cứu độ, tin mừng tình yêu, cũng là tin mừng sự sống cho muôn người.

Noi gương các tiên tri, nhất là gương thánh Gioan, đồng thời ý thức cao bổn phận ngôn sứ đã lãnh nhận trong ngày rửa tội, từng người, tùy trách vụ, quyền hạn, ảnh hưởng, hoàn cảnh, chức bậc... của mình mà hăng say làm chứng cho Chúa. Nếu cần, dám sống, dám chết cho Tin Mừng của Chúa, cho phần rỗi của anh chị em.

Ra đi dấn thân cho Tin Mừng không hề dễ, nhưng đầy bất trắc, chông gai, thách đố. Hành trang người tông đồ, ngoài gương đổ máu của các tiên tri, nhất là cái chết oan nghiệt của thánh Gioan, ta cần ghi sâu lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy ra đi, Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói" (Lc 10, 3), mà nung nấu sức mạnh, sự kiên cường, nghị lực, quyết tâm để Chúa lớn lên trong linh hồn anh chị em.

Người tông đồ phải luôn hiểu: càng khó khăn, càng tín thác vào Chúa. Chúa từng lưu ý: "Không có Thầy, các con không làm gì được" (Ga 15, 5). Hãy ngã mình vào tay Chúa. Phó thác không bao giờ ngơi vào quyền năng và ân sủng của Chúa.

Thánh Gioan bắt đầu ơn gọi với hình ảnh Chúa Cứu Thế. Ngài kết thúc sứ mạng trong mong muốn: Chúa phải lớn lên, còn chính ngài phải được nhỏ đi (x.Ga 3, 30).

Cũng vậy, các tín hữu hôm nay, những môn đệ mới của Chúa phải luôn thâm tín: Chính Chúa là động lực thúc đẩy ra đi. Cũng chính Chúa là cùng đích để quay về.