ĐƯỢC GỌI ĐỂ ĐƯỢC CHÚC PHÚC
“Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu nói với các ông,
‘Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về bối cảnh Bữa Tiệc Ly để xét xem bài học Chúa Giêsu dạy các môn đệ vào tối thứ Năm Tuần Thánh. Ở đó, thật bất ngờ, chúng ta khám phá một khía cạnh khác từ ơn gọi của mình, ‘được gọi để được chúc phúc’. Chúa Giêsu nói, chúng ta có phúc nếu “biết” và “thực hành” những gì Ngài dạy. Vậy khi rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã dạy những gì?
Chúa Giêsu thực hiện một hành động tiên tri bằng cách trở nên một nô lệ, cúi xuống rửa chân cho môn đồ ‘như các ông chủ’. Hành động luôn luôn lớn hơn lời nói, vì ‘lời nói gió bay’. Trước hành vi này, các môn đệ lấy làm khó chịu; bằng chứng là thoạt đầu, Phêrô từ chối. Vậy mà bất chấp thái độ ngờ vực nơi các môn sinh về sự tự hạ của Ngài, Chúa Giêsu đã gây một ấn tượng mạnh cho họ, một ấn tượng vốn sẽ xoá sạch những gì họ có trước đó trong tâm trí, có thể là một tâm trí thế tục.
Quan điểm của thế gian về sự cao cả rất khác so với quan điểm của Thiên Chúa. Sự cao cả đối với thế gian là một quá trình nâng cao bản thân trong mắt người khác, tìm cách để người khác biết chúng ta tốt thế nào, giỏi như thế nào; sự vĩ đại thế tục thường được thúc đẩy bởi một nỗi sợ hãi về những gì người khác có thể nghĩ về chúng ta và chúng ta khát khao được mọi người tôn vinh, trọng vọng. Đang khi với Chúa Giêsu, Ngài nói rõ, chúng ta chỉ trở nên vĩ đại nếu biết cúi xuống phục vụ; hạ mình trước người khác, nâng họ lên, đề cao lòng tốt của họ và thể hiện một tình yêu và trân trọng đối với họ cách sâu sắc nhất. Khi rửa chân cho các môn đồ, Chúa Giêsu hoàn toàn từ bỏ quan điểm của thế gian về sự cao cả và Ngài kêu gọi môn sinh của mình cũng hãy làm như vậy. Được như thế, họ sẽ khám phá ra rằng, ơn gọi của họ còn là ‘được gọi để được chúc phúc’.
Sự khiêm tốn đôi khi thật khó hiểu. Và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói, “Nếu các con biết điều đó!”; Ngài nhận ra rằng, các môn đệ, cũng như tất cả chúng ta, sẽ đấu tranh để “biết” tầm quan trọng của việc hạ mình trước người khác và phục vụ họ; thế nhưng, nếu “biết” được sự khiêm tốn này, chúng ta sẽ thấy chúng ta còn là những người ‘được gọi để được chúc phúc’ khi chúng ta sống nó. Chúng ta sẽ không ‘được chúc phúc’ trong mắt người đời, nhưng sẽ thực sự ‘được chúc phúc’ trong mắt Thiên Chúa. Sự khiêm tốn đạt được một cách đặc biệt khi chúng ta thanh lọc những ham muốn thế giá và uy tín cho mình; vượt qua mọi nỗi sợ hãi bị ngược đãi, và thay vào đó, chúng ta mong muốn phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ dạt dào trên người khác, trước cả chính mình. Tình yêu và sự khiêm tốn này là cách duy nhất dẫn đến tình yêu sâu sắc và nhiệm mầu nơi Chúa Giêsu; và lúc ấy, chúng ta sẽ thật hạnh phúc khi biết mình ‘được gọi để được chúc phúc’.
Nói đến những nghịch lý của Thiên Chúa, Anthony Fortosis nhận định, “Những gì vĩ đại nhất và cao cả nhất đã trở thành hiện thân của sự khiêm tốn và giản dị. Chúa các chúa trở thành kẻ đầy tớ thấp hèn để phục vụ những ‘nhu cầu đáng thương’ của loài người. Ngài làm trống chính Ngài để chúng ta có thể được lấp đầy. Ngài ăn uống với công chúng và tội nhân để họ ‘không chết đói vì tội lỗi’ của mình. Bằng cách nắm bắt cuộc sống, chúng ta chết; nhờ cái chết của Ngài, chúng ta tìm thấy sự sống. Ngài là Người Tôi Tớ ‘bị chúc dữ’ để những ai đáng bị chúc dữ ‘được gọi để được chúc phúc’”.
Anh Chị em,
Nhận định của Anthony Fortosis thật chính xác. Chúng ta được lấp đầy bởi ân sủng, bởi chính Đấng đã làm trống chính Ngài; trống cho đến nỗi Con Thiên Chúa biến thành tấm bánh nhỏ bé, tầm thường để nuôi sống con người, ở với họ và dẫn đưa họ về nhà Cha. Bí tích Thánh Thể là nghịch lý lớn lao nhất. Nghịch lý Ngôi Hai xin Gioan làm phép rửa tại sông Giorđan, nghịch lý Ngài cúi xuống rửa chân các môn đệ hay ngay cả nghịch lý Ngài chết trên thập giá cũng chỉ là những chuẩn bị cho nghịch lý tình yêu ngàn đời này khi Con Thiên Chúa trở nên của ăn cho tất cả những ai đến với Ngài. Làm đầy tớ cho người khác thật không dễ, trở nên tấm bánh bẻ ra cho người khác lại càng khó hơn! Thế nhưng, Chúa Giêsu làm được vì Ngài có một động lực: yêu thương và cứu độ. Cũng thế, với chúng ta, nếu tình yêu biến đổi thế giới, tình yêu đối với các linh hồn trở thành động lực để chúng ta phục vụ, thì mọi cơ hội ‘làm người tôi tớ’ sẽ là dịp được nên giống Thầy mình, Đấng “Đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Điều này chỉ có thể xảy ra khi mỗi người chúng ta cũng biết làm trống chính mình như Chúa Giêsu; nghĩa là phục vụ trong yêu thương, trong khiêm tốn và vô vị lợi như Ngài. Và như thế, rõ ràng, ‘được gọi để được chúc phúc’ sẽ là điều mà những con trai, con gái của Chúa sẽ cảm nhận.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con ngày càng nên giống Chúa hơn, trở nên một tôi tớ khiêm nhường của mọi người. Xin thổi bùng trong con ngọn lửa nhiệt thành nung đốt cho các linh hồn, để trong mọi khoảnh khắc, con xác tín, con ‘được gọi để được chúc phúc’, khi con luôn ước muốn mang tình yêu Chúa đến với anh chị em con”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu nói với các ông,
‘Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc’”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về bối cảnh Bữa Tiệc Ly để xét xem bài học Chúa Giêsu dạy các môn đệ vào tối thứ Năm Tuần Thánh. Ở đó, thật bất ngờ, chúng ta khám phá một khía cạnh khác từ ơn gọi của mình, ‘được gọi để được chúc phúc’. Chúa Giêsu nói, chúng ta có phúc nếu “biết” và “thực hành” những gì Ngài dạy. Vậy khi rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã dạy những gì?
Chúa Giêsu thực hiện một hành động tiên tri bằng cách trở nên một nô lệ, cúi xuống rửa chân cho môn đồ ‘như các ông chủ’. Hành động luôn luôn lớn hơn lời nói, vì ‘lời nói gió bay’. Trước hành vi này, các môn đệ lấy làm khó chịu; bằng chứng là thoạt đầu, Phêrô từ chối. Vậy mà bất chấp thái độ ngờ vực nơi các môn sinh về sự tự hạ của Ngài, Chúa Giêsu đã gây một ấn tượng mạnh cho họ, một ấn tượng vốn sẽ xoá sạch những gì họ có trước đó trong tâm trí, có thể là một tâm trí thế tục.
Quan điểm của thế gian về sự cao cả rất khác so với quan điểm của Thiên Chúa. Sự cao cả đối với thế gian là một quá trình nâng cao bản thân trong mắt người khác, tìm cách để người khác biết chúng ta tốt thế nào, giỏi như thế nào; sự vĩ đại thế tục thường được thúc đẩy bởi một nỗi sợ hãi về những gì người khác có thể nghĩ về chúng ta và chúng ta khát khao được mọi người tôn vinh, trọng vọng. Đang khi với Chúa Giêsu, Ngài nói rõ, chúng ta chỉ trở nên vĩ đại nếu biết cúi xuống phục vụ; hạ mình trước người khác, nâng họ lên, đề cao lòng tốt của họ và thể hiện một tình yêu và trân trọng đối với họ cách sâu sắc nhất. Khi rửa chân cho các môn đồ, Chúa Giêsu hoàn toàn từ bỏ quan điểm của thế gian về sự cao cả và Ngài kêu gọi môn sinh của mình cũng hãy làm như vậy. Được như thế, họ sẽ khám phá ra rằng, ơn gọi của họ còn là ‘được gọi để được chúc phúc’.
Nói đến những nghịch lý của Thiên Chúa, Anthony Fortosis nhận định, “Những gì vĩ đại nhất và cao cả nhất đã trở thành hiện thân của sự khiêm tốn và giản dị. Chúa các chúa trở thành kẻ đầy tớ thấp hèn để phục vụ những ‘nhu cầu đáng thương’ của loài người. Ngài làm trống chính Ngài để chúng ta có thể được lấp đầy. Ngài ăn uống với công chúng và tội nhân để họ ‘không chết đói vì tội lỗi’ của mình. Bằng cách nắm bắt cuộc sống, chúng ta chết; nhờ cái chết của Ngài, chúng ta tìm thấy sự sống. Ngài là Người Tôi Tớ ‘bị chúc dữ’ để những ai đáng bị chúc dữ ‘được gọi để được chúc phúc’”.
Anh Chị em,
Nhận định của Anthony Fortosis thật chính xác. Chúng ta được lấp đầy bởi ân sủng, bởi chính Đấng đã làm trống chính Ngài; trống cho đến nỗi Con Thiên Chúa biến thành tấm bánh nhỏ bé, tầm thường để nuôi sống con người, ở với họ và dẫn đưa họ về nhà Cha. Bí tích Thánh Thể là nghịch lý lớn lao nhất. Nghịch lý Ngôi Hai xin Gioan làm phép rửa tại sông Giorđan, nghịch lý Ngài cúi xuống rửa chân các môn đệ hay ngay cả nghịch lý Ngài chết trên thập giá cũng chỉ là những chuẩn bị cho nghịch lý tình yêu ngàn đời này khi Con Thiên Chúa trở nên của ăn cho tất cả những ai đến với Ngài. Làm đầy tớ cho người khác thật không dễ, trở nên tấm bánh bẻ ra cho người khác lại càng khó hơn! Thế nhưng, Chúa Giêsu làm được vì Ngài có một động lực: yêu thương và cứu độ. Cũng thế, với chúng ta, nếu tình yêu biến đổi thế giới, tình yêu đối với các linh hồn trở thành động lực để chúng ta phục vụ, thì mọi cơ hội ‘làm người tôi tớ’ sẽ là dịp được nên giống Thầy mình, Đấng “Đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. Điều này chỉ có thể xảy ra khi mỗi người chúng ta cũng biết làm trống chính mình như Chúa Giêsu; nghĩa là phục vụ trong yêu thương, trong khiêm tốn và vô vị lợi như Ngài. Và như thế, rõ ràng, ‘được gọi để được chúc phúc’ sẽ là điều mà những con trai, con gái của Chúa sẽ cảm nhận.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con ngày càng nên giống Chúa hơn, trở nên một tôi tớ khiêm nhường của mọi người. Xin thổi bùng trong con ngọn lửa nhiệt thành nung đốt cho các linh hồn, để trong mọi khoảnh khắc, con xác tín, con ‘được gọi để được chúc phúc’, khi con luôn ước muốn mang tình yêu Chúa đến với anh chị em con”, Amen.
(Tgp. Huế)