Quốc hội Pháp đã thông qua một dự luật mà những người ủng hộ cho rằng sẽ chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai, đặc biệt là đối với những người Hồi giáo ở Pháp. Tuy nhiên, dự luật bao gồm các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các tôn giáo, cấm các biểu tượng tôn giáo trong một số trường hợp và đưa ra các quy định nghiêm ngặt về giáo dục tại nhà.
Dự luật, có tiêu đề “Ủng hộ việc tôn trọng các nguyên tắc của nước Cộng hòa”, nhằm đề cao “các giá trị của Pháp” như chủ nghĩa thế tục và bình đẳng nam nữ. Nó đã được Quốc hội thông qua vào ngày 16 tháng 2 với tỷ số 347 trên 151 và 65 phiếu trắng. Quốc hội hiện nay được kiểm soát bởi đảng trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron.
Dự luật được coi là gần như chắc chắn sẽ được thông qua ở Thượng viện do phe bảo thủ kiểm soát, mặc dù dự luật sẽ không được đưa ra trước Thượng viện cho đến ngày 30 tháng 3.
Ông Macron nói rằng cần phải có hành động để ngăn chặn sự xuất hiện của một “phản xã hội” từ chối luật pháp và các giá trị của Pháp như chủ nghĩa thế tục và bình đẳng, Agence France Presse đưa tin.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 29 tháng Giêng với hàng chục phóng viên nước ngoài, Macron nói rằng “ Tôi yêu cầu mọi công dân, bất kể tôn giáo của họ, tôn trọng các quy tắc của nước Cộng hòa, bởi vì họ là một công dân trước khi là một tín đồ hay một người không tin”.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, nhà tài trợ chính của dự luật, đã nói rằng dự luật cung cấp “sự bảo vệ tốt hơn cho những phụ nữ là nạn nhân của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.
“Đó là một cuộc tấn công thế tục cực kỳ mạnh mẽ”, ông nói với đài RTL trước cuộc bỏ phiếu. “Đó là một văn bản khó khăn nhưng cần thiết cho nền cộng hòa”.
Tuy nhiên, một số người chỉ trích dự luật này phản đối rằng nó nhắm vào người Hồi giáo và xâm phạm quyền tự do tôn giáo và tự do hiệp hội.
Đa số người Pháp theo Kitô Giáo, với một số lượng khá lớn tuyên bố không theo tôn giáo nào. Người theo đạo Hồi chiếm khoảng 8% dân số Pháp. Trong hơn một thế kỷ, Pháp đã có một truyền thống thế tục hóa mạnh mẽ, được hình thành chủ yếu để phản ứng với Công Giáo, nhưng trong những thập kỷ gần đây nhắm chủ yếu vào Hồi giáo.
Source:Catholic News Agency