1. Bệnh nhân bị đập chết vì cầu nguyện trong một bệnh viện ở California

Quá sức ngỡ ngàng: Bệnh nhân COVID-19 người Công Giáo bị đập chết vì cầu nguyện trong một bệnh viện ở California, Hoa Kỳ

Jesse Martinez, 37 tuổi, một bệnh nhân COVID-19 đã đánh chết một bệnh nhân khác bằng bình oxy tại Bệnh viện Antelope Valley ở Lancaster, California. Hắn sẽ bị kết án vào ngày 31 tháng 12 về tội giết người, ngược đãi người cao niên, và tội ác hận thù tôn giáo. Bộ Tư Pháp California cho biết như trên.

Nạn nhân, David Hernandez-Garcia, một người đàn ông 82 tuổi, là một người Công Giáo Mỹ Latinh, là cư dân của Lancaster, một vùng ngoại ô phía bắc Los Angeles ở California. Ông đang được điều trị vì nhiễm COVID-19 trong một căn phòng dành cho hai người.

Theo một báo cáo từ Sở cảnh sát hạt Los Angeles, vào khoảng 9 giờ 45 sáng thứ Năm, ngày 17 tháng 12 năm 2020, “nạn nhân đang ở Bệnh viện Antelope Valley để được điều trị Covid-19. Ông ở trong một căn phòng dành cho hai người cùng với nghi phạm, là người cũng đang được điều trị COVID-19 tại đây. Nghi phạm trở nên khó chịu khi nạn nhân bắt đầu cầu nguyện. Sau đó hắn ta dùng bình oxy đánh nạn nhân”.

“Nạn nhân đã lâm nguy tính mạng vì các vết thương này và được tuyên bố đã qua đời vào khoảng 10 giờ 20 sáng ngày hôm sau 18 tháng 12 năm 2020. Nạn nhân và nghi phạm không hề quen biết nhau”, tuyên bố cho biết thêm.

Martinez bị bắt tại hiện trường sau khi nhân viên bệnh viện giam giữ anh ta cho đến khi cảnh sát đến, theo lời của Trung úy Brandon Dean, phát ngôn viên của Sở cảnh sát.

Các quan chức thành phố cho biết bệnh viện không thể làm gì hơn để ngăn chặn bạo lực, vì bệnh viện đang được dùng như một trung tâm chăm sóc khẩn cấp, “thiếu nhân viên nghiêm trọng và nhân viên y tế đang bị kiệt sức”.

Sở cảnh sát nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng cuộc điều tra vẫn đang diễn ra và họ không thể bình luận gì thêm. Một phát ngôn viên của bệnh viện cũng đưa ra lý do này để không bình luận.

Theo Văn phòng Biện lý Quận Los Angeles, theo dự trù ban đầu Martinez được đưa ra tòa vào ngày Thứ Hai, 28 Tháng Mười Hai. Tuy nhiên, phiên tòa phải dời đến ngày Giao Thừa vì hắn không thể ra tòa vì lý do y tế. Hồ sơ trong tù của cảnh sát cho thấy hắn ta đang bị giam giữ tại Cơ sở Cải huấn Tòa tháp Đôi ở trung tâm thành phố Los Angeles chứ không phải được tại ngoại hầu tra với số tiền bảo lãnh là một triệu đô la, như được một số phương tiện truyền thông báo cáo.

Hắn ta có thể phải đối mặt với 28 năm tù chung thân nếu bị kết tội.


Source:Catholic News Agency

2. Phản ứng của các Giám Mục Á Căn Đình trước quyết định hợp pháp hoá phá thai tại quốc gia này

Sau khi Thượng Viện ở Á Căn Đình hợp pháp hóa việc phá thai vào đầu giờ ngày thứ Tư, 30 tháng 12, Hội đồng Giám mục Á Căn Đình đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc giới lãnh đạo chính trị của đất nước đã xa rời tình cảm của người dân và thề sẽ tiếp tục làm việc “với sự kiên định và lòng say mê trong việc chăm sóc và phục vụ cuộc sống”.

Dự luật hợp pháp hóa việc phá thai được Tổng thống Alberto Fernandez đưa ra, để thực hiện lời hứa tranh cử của ông ta, đã được thông qua tại Thượng Viện với 38 phiếu thuận, 29 phiếu chống, 1 phiếu trắng và 4 phiếu vắng mặt sau 12 giờ tranh luận. Dự luật trước đó đã được Hạ Viện thông qua.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 11 năm 2020 do nhà thăm dò độc lập Giacobbe & Asociados thực hiện, 60% người Á Căn Đình phản đối luật cho phép phá thai, trong khi chỉ 26.7% ủng hộ. Nhưng luật phá thai này, một trong những luật cực đoan nhất trên thế giới và không có một luật phá thai nào ở mức tương tự trong khu vực, đã được các phương tiện truyền thông, các nhân vật truyền hình và những người có ảnh hưởng ủng hộ mạnh mẽ.

Chiêu thức mua chuộc các phương tiện truyền thông để đồng loạt đứng về một phía đã được áp dụng trong vụ án Đức Hồng Y Pell tại Úc Đại Lợi, và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 vừa qua, một lần nữa đã được áp dụng tại Á Căn Đình, và một lần nữa chứng tỏ hiệu quả của nó.

“Luật mới được biểu quyết sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trong đất nước chúng ta”, tuyên bố của các giám mục nhận định. “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về sự xa rời của hàng lãnh đạo với tình cảm của người dân, là điều đã được chứng minh bằng nhiều cách khác nhau là có lợi cho cuộc sống trên khắp đất nước của chúng ta.” Á Căn Đình thực sự đã chứng kiến các cuộc tuần hành hòa bình vì cuộc sống lớn nhất trong lịch sử của mình, nhưng hầu như bị báo chí địa phương phớt lờ.

“Chúng tôi chắc chắn rằng người dân của chúng ta sẽ luôn tiếp tục lựa chọn ủng hộ cuộc sống và tất cả cuộc sống. Và cùng với những tín hữu của chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc vì những ưu tiên đích thực cần được quan tâm khẩn cấp ở đất nước chúng ta”.

Các giám mục cũng nói rằng trong khi tập trung vào việc hợp pháp hóa việc phá thai, chính phủ này đã thất bại. “Trẻ em sống trong cảnh nghèo đói ngày càng đáng báo động, nhiều học sinh bỏ học, đại dịch gây ra nạn đói và thất nghiệp cấp bách ảnh hưởng đến nhiều gia đình, cũng như hoàn cảnh bi đát của những người đã nghỉ hưu, mà trong những giờ này, quyền lợi của họ bị vi phạm một lần nữa”.

Cuối cùng, tuyên bố bày tỏ lòng biết ơn đối với “tất cả các công dân và các nhà lập pháp đã bảo vệ sự chăm sóc cho tất cả cuộc sống.”

Tưởng cũng nên biết thêm, căng thẳng giữa Giáo Hội Công Giáo và nhà cầm quyền Á Căn Đình về vấn đề phá thai đã manh nha vào đầu năm 2005, khi Bộ trưởng Y tế, Ginés González García, công khai ủng hộ việc hợp pháp hóa việc phá thai, và sự im lặng của nữ tổng thống Kirchner về vấn đề này đã khiến Giáo hội tức giận.

Đức Cha Antonio Baseotto, Giám Mục giáo phận quân đội Á Căn Đình, là Giám Mục hăng hái nhất trong việc bày tỏ sự phẫn nộ đối với Ginés González García. Chính phủ Á Căn Đình phản ứng bằng cách ngừng không trả lương cho Đức Cha Baseotto. Theo một hiệp ước giữa Tòa Thánh và Á Căn Đình được ký kết ngày 28 tháng Giêng, 1967, các Giám Mục được nhà nước trả lương theo hàng các bộ trưởng và thống đốc.

Tổng thống Alberto Fernández, một người xưng mình là Công Giáo nhưng hung hăng công khai ủng hộ phá thai. Ông ta còn dám nói kháy Đức Giáo Hoàng chớ có nên buồn ông ta vì chuyện này. Theo một truyền thống, ngày cuối năm 31/12, Tổng thống cùng với người phối ngẫu và các bộ trưởng sẽ tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn cuối năm Te Deum do Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires, hiện nay là Đức Hồng Y Mario Aurelio Poli cử hành.

Dịp này bao nhiêu con mắt sẽ dán vào phản ứng của Đức Hồng Y Mario Aurelio Poli. Liệu ngài có cho Alberto Fernández rước lễ hay không?

Đức Hồng Y Mario Aurelio Poli đã khẳng định nhiều lần ngài chống lại cái gọi là hôn nhân đồng tính, là bước tiếp theo của giáo gian Alberto Fernández.

Trong nhiều dịp khác nhau, Đức Hồng Y Poli đã tuyên bố rằng ngài muốn có một mối quan hệ tôn trọng nhưng tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước.


Source:Catholic News Agency

3. Hạ viện Paraguay giữ một phút im lặng cho những đứa trẻ sẽ chết tại Á Căn Đình

Hạ viện Paraguay đã cử hành một phút im lặng cho “những đứa trẻ sẽ chết” vài giờ sau khi Thượng viện ở nước láng giềng Á Căn Đình hợp pháp hóa việc phá thai.

Trong một tuyên bố và một đoạn video do văn phòng báo chí của Quốc hội Paraguay công bố, các vị đại diện dân cử Paraguay giữ một phút im lặng theo yêu cầu của dân biểu Raúl Latorre.

“Tôi xin anh chị em một phút im lặng cho hàng ngàn sinh mạng của các trẻ em người Á Căn Đình sắp mất, ngay cả trước khi họ được sinh ra, dựa trên quyết định gần đây của Thượng viện nước láng giềng”, ông Latorre nói.

Sau phút im lặng, dân biểu Basilio Núñez, một bác sĩ Y Khoa, nói rằng “những gì đã xảy ra ở Á Căn Đình là một thảm kịch”, và nhắc nhở rằng Hạ viện Paraguay đã tuyên bố mình là người ủng hộ cuộc sống và ủng hộ gia đình. Phút im lặng cũng được ủng hộ bởi ba phụ nữ hàng đầu trong Quốc hội, Norma Camacho, Blanca Vargas và Esmérita Sánchez.

Luật phá thai được giáo gian Alberto Fernandez đưa ra, đã được Thượng viện Á Căn Đình thông qua vào hôm Thứ Tư, 30 tháng 12. Luật mới, trên thực tế, sẽ cho phép phá thai bất cứ lúc nào cho đến khi sinh và không có điều khoản nào về việc bảo vệ em bé nếu em ấy sống sót sau một lần phá thai muộn.


Source:Catholic News Agency

4. Bài giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô: cầu nguyện tạ ơn

Bản dịch của Vũ Văn An



Theo Vatican News, trong buổi yết kiến trực tuyến ngày 30 tháng 12 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện. Hôm nay, ngài đề cập đến hình thức cầu nguyện tạ ơn, lấy việc chữa lành 10 người phong cùi làm điển hình.

Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của Đức Thánh Cha, dựa theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay, tôi xin tập trung vào lời cầu nguyện tạ ơn. Và tôi lấy gợi ý từ một tình tiết được Thánh sử Luca kể lại. Khi Chúa Giêsu đang trên đường đi, mười người phong cùi đến gần Người và cầu xin Người: “Lạy Đức Giêsu, xin thương xót chúng tôi!” (17:13). Chúng ta biết rằng những người mắc bệnh phong cùi không những phải chịu đựng về thể xác mà còn bị gạt ra ngoài xã hội và tôn giáo. Họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chúa Giêsu không lùi bước để gặp họ. Đôi khi, Người vượt qua các giới hạn luật pháp vốn áp đặt và chạm vào, ôm ấp và chữa lành người bệnh – một điều đáng lẽ không nên làm. Trong trường hợp này, không có việc đụng chạm. Từ xa, Chúa Giêsu mời họ đi trình diện với các tư tế (câu 14), những người vốn được luật chỉ định để chứng nhận việc chữa lành đã xảy ra. Chúa Giêsu không nói gì khác. Người nghe lời cầu nguyện của họ, Người nghe tiếng họ kêu xin thương xót, và Người sai họ đến ngay các tư tế.

Mười người phong cùi tin cậy đó, họ không ở đó cho đến khi khỏi bệnh, không: họ tin tưởng và họ đi ngay lập tức, và trong khi họ đang trên đường, họ đã được chữa khỏi, cả mười người đều được chữa khỏi. Do đó, các tư tế có thể xác minh sự chữa lành của họ và cho họ trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng đây là lúc điểm quan trọng xuất hiện: chỉ một người trong nhóm, trước khi đến gặp các tư tế, đã trở lại để tạ ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa về ơn thánh đã nhận được. Chỉ một người duy nhất, chín người còn lại tiếp tục lên đường. Và Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng người đó là một người Samaritanô, một loại “dị giáo” đối với người Do Thái thời đó. Chúa Giêsu nhận định: “Không có ai trở lại và ngợi khen Thiên Chúa ngoại trừ người ngoại quốc này sao?” (17:18). Câu chuyện này thật cảm động.

Có thể nói, câu chuyện này chia thế giới ra làm hai: kẻ không tạ ơn và kẻ tạ ơn; những người tiếp nhận mọi sự như thể chúng mắc nợ họ, và những người tiếp nhận mọi sự như một hồng phúc, như một ơn thánh. Sách Giáo lý nói: “mọi biến cố và nhu cầu đều có thể trở thành của lễ tạ ơn” (số 2638). Lời cầu nguyện tạ ơn luôn bắt đầu từ đây: nhận biết ơn thánh đi trước chúng ta đó. Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta học cách suy nghĩ; chúng ta đã được yêu thương trước khi chúng ta học cách yêu thương; chúng ta đã được khao khát trước khi trái tim của chúng ta hình thành một khát khao. Nếu chúng ta nhìn cuộc sống như thế, thì câu "cảm ơn" sẽ trở thành động lực trong ngày của chúng ta. Và biết bao lần chúng ta thậm chí quên nói "cảm ơn".

Đối với các Kitô hữu chúng ta, tạ ơn là tên được đặt cho Bí tích thiết yếu nhất hiện có: Bí tích Thánh Thể. Thực vậy, chữ Hy Lạp này có nghĩa chính xác là: tạ ơn, eucharist: tạ ơn. Các Kitô hữu cũng như tất cả những người tin, chúc tụng Thiên Chúa về hồng phúc sự sống. Sống, trước hết, là đã nhận được. Sống, trước hết, là đã nhận được: đã nhận được sự sống! Tất cả chúng ta được sinh ra bởi vì ai đó muốn chúng ta có sự sống. Và đây chỉ là khoản nợ đầu tiên trong một chuỗi dài các khoản nợ mà chúng ta phải mắc trong lúc sống. Các món nợ tạ ơn. Trong suốt cuộc sống của chúng ta, hơn một người đã nhìn chúng ta bằng ánh mắt trong sáng, một cách nhưng không. Thông thường, những người này là các nhà giáo dục, các giáo lý viên, những người đã thực thi các vai trò của họ vượt quá và vượt ra ngoài những gì được yêu cầu nơi họ. Và họ đã khích lệ chúng ta biết ơn. Ngay cả tình bạn cũng là một hồng phúc mà chúng ta nên luôn biết ơn.

Lời “Cảm ơn” mà chúng ta phải nói liên tục này, lời cảm ơn này mà các Kitô hữu chia sẻ với mọi người, phát triển khi gặp gỡ Chúa Giêsu. Các sách Tin Mừng chứng thực rằng khi Chúa Giêsu đi ngang qua, Người thường khơi dậy niềm vui và sự ngợi khen Thiên Chúa nơi những ai Người gặp. Các tường thuật Tin Mừng đầy những người cầu nguyện, những người rất cảm kích trước sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Và chúng ta cũng được kêu gọi tham dự vào niềm hân hoan bao la này. Tình tiết về mười người phong cùi được chữa lành cũng gợi ý điều đó. Đương nhiên, tất cả bọn họ đều vui mừng vì đã được hồi phục sức khỏe, cho phép họ kết thúc cuộc cách ly cưỡng bức không hồi kết thúc từng loại trừ họ khỏi cộng đồng. Nhưng trong số họ, có một người được trải nghiệm thêm một niềm vui nữa: ngoài việc được chữa lành, anh ta còn vui mừng được gặp Chúa Giêsu. Anh ta không những được giải thoát khỏi sự ác mà giờ đây anh ta còn có được sự chắc chắn này là được yêu thương. Đây là điểm mấu chốt: khi bạn cảm ơn ai đó, cảm ơn, bạn nói lên sự chắc chắn này: bạn được yêu thương. Đó là một bước tiến lớn: biết chắc chắn bạn được yêu thương. Đó là việc khám phá ra tình yêu như sức mạnh điều khiển thế giới - như Dante đã từng viết: Tình yêu “di chuyển mặt trời và các vì sao khác” (Paradise, XXXIII, 145). Chúng ta không còn là những người lêu lổng, đi lang thang đó đây, không mục đích, không: chúng ta có một ngôi nhà, chúng ta ngụ cư trong Chúa Kitô, và từ “nơi ở” đó, chúng ta chiêm ngưỡng mọi phần khác của thế giới dường như đẹp đẽ hơn vô cùng đối với chúng ta. Chúng ta là con cái của tình yêu, chúng ta là anh chị em của tình yêu. Chúng ta là những người đàn ông và đàn bà biết tạ ơn.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tìm cách luôn ở trong niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trau dồi niềm vui. Thay vào đó, ma quỷ sau khi đã lừa dối chúng ta - bằng bất cứ cơn cám dỗ nào - luôn khiến chúng ta buồn bã và cô đơn. Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô, không có tội lỗi và mối đe dọa nào có thể ngăn cản chúng ta tiếp tục vui tươi trên đường đi của mình, cùng với nhiều bạn đồng hành khác cùng đi.

Trước hết, chúng ta đừng quên tạ ơn: nếu chúng ta là những người mang lòng biết ơn, thì chính thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ một chút tạ ơn thôi, cũng đủ để truyền tải một chút hy vọng. Thế giới cần hy vọng. Và với lòng biết ơn, với thói quen nói lời cảm ơn này, chúng ta sẽ truyền đi một chút hy vọng. Mọi sự đều hợp nhất và mọi sự đều có liên kết với nhau, và mọi người cần làm phần việc của mình dù chúng ta ở bất cứ nơi đâu. Con đường dẫn đến hạnh phúc là con đường mà Thánh Phaolô đã mô tả ở cuối một trong những bức thư của ngài: “Hãy cầu nguyện không ngừng, hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh; vì đây là ý muốn của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô dành cho bạn. Chớ dập tắt Chúa Thánh Thần”(1 Tx 5: 17-19). Đừng dập tắt Chúa ThánhThần, thật là một dự án đẹp đẽ cho cuộc đời! Đừng dập tắt Chúa Thánh Thần mà chúng ta có bên trong, Đấng dẫn chúng ta đến lòng biết ơn. Cảm ơn anh chị em.