1. Xả súng thảm sát các Kitô hữu hát mừng Chúa Giáng Sinh tại New York
Tiếng súng bắt đầu ngay trước 4 giờ chiều ngày Chúa Nhật 13 tháng 12 tại Nhà thờ Saint John the Divine (Thánh Gioan Thiên Chúa), là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Anh Giáo New York.
Một buổi hòa nhạc kéo dài 45 phút được tổ chức trên các bậc thềm của nhà thờ vừa kết thúc và khi đám đông vài trăm người đang đứng dậy để về nhà thì tay súng này bắt đầu nổ súng, khiến nhiều người chạy xuống Đại lộ Amsterdam la hét trong kinh hoàng và nằm xuống vỉa hè tránh đạn.
Ủy viên cảnh sát New York Dermot Shea cho biết một thám tử, một trung sĩ và một cảnh sát có mặt tại sự kiện này đã bắn 15 phát đạn, giết chết tên hung thủ.
“Nhờ ơn Chúa mà ngày hôm nay không ai bị hề hấn gì ngoài tay súng bị bắn hạ”, ông nói.
Tay súng mặc đồ đen với khuôn mặt che khuất bởi chiếc mũ bóng chày màu trắng và khẩu trang. Hắn cầm một khẩu súng lục được xi bạc trong tay và một tay kia cầm một khẩu súng màu đen khi bước ra từ phía sau một cột đá ở đầu cầu thang.
Các nhân chứng nói với cảnh sát rằng người đàn ông đã la hét trong khi nổ súng, Shea nói. Tên của người đàn ông không được công bố ngay lập tức.
Shea cho biết, người đàn ông này có một tiền án lâu năm và đang mang một chiếc ba lô chứa một can xăng, dây thừng, dây kẽm, băng keo, dao và một cuốn Kinh Thánh cũ kỹ. Ủy viên cảnh sát gọi hành động của các viên chức cảnh sát là “anh hùng.”
Không rõ tay súng đang nhắm vào người dân đang chạy tán loạn hay chỉ mới bắn chỉ thiên.
Một video được đăng tải trên mạng xã hội bởi một người đứng gần đó cho thấy các viên chức cảnh sát đang cúi mình nấp sau một thùng rác và hét lên “bỏ súng xuống!” và bắn những phát súng nhắm cẩn thận vào người đàn ông trong ít nhất một phút rưỡi khi anh ta lao vào và lao ra từ phía sau một cây cột.
Một số thường dân sợ hãi nằm sấp ở dưới bậc thang, ôm chặt lấy nhau trong tiếng súng. Những người khác thu mình lại sau cột đèn. Họ đã chạy tìm nơi an toàn sau khi tay súng bị hạ gục bởi một phát đạn của một cảnh sát.
Phát ngôn viên của nhà thờ, Lisa Schubert, nói với The New York Times: “Kẻ xả súng có thể đã giết rất nhiều người. Có hàng trăm người ở đây và hắn đã bắn ít nhất 20 phát”.
Một phát ngôn viên khác của nhà thờ là Iva Benson cho biết qua email: “Thật là kinh khủng khi món quà mà dàn hợp xướng của chúng tôi dành cho Thành phố New York, một buổi chiều khi chúng ta rất cần có những bài hát và sự đoàn kết, đã bị kinh hoàng bởi hành động bạo lực gây sốc này”.
Nhà thờ chính tòa Anh Giáo ở New York là một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1892 và vẫn chưa hoàn thành. Nhà thờ đã được kết nối với nhiều danh lam thắng cảnh ở New York và các sự kiện đáng chú ý trong lịch sử lâu đời của nó. Tổng thống Franklin Delano Roosevelt từng là một thành viên trong quản trị.
Source:AP
2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng nghiêm trọng
Đức Cha Rubén Tierrablanca González, Giám Quản Tông Tòa Istanbul và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đã được đặt máy thở trong khoa chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Istanbul vì COVID-19.
Theo các nguồn tin Công Giáo địa phương, sau khi xét nghiệm dương tính với loại coronavirus mới cách đây khoảng 10 ngày, vị Giám Mục gốc Mexico nhanh chóng thấy mình trong tình trạng nguy kịch và hiện đang chiến đấu giành giật mạng sống với những triệu chứng tồi tệ nhất của coronavirus.
Sức khỏe của ngài suy giảm nhanh chóng đến mức người phải được đưa đến Bệnh viện Đại học Koç ở Istanbul, nơi các bác sĩ đã đặt ngài vào máy thở.
Đức Cha Rubén Tierrablanca González sinh ngày 24 tháng 8 năm 1952 tại Cortazar, miền trung Mễ Tây Cơ. Ngài sang Thổ Nhĩ Kỳ truyền giáo vào năm 2003 và vào năm 2016, ngài trở thành Giám Quản Tông Tòa tại thủ đô kinh doanh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như giám quản tông tòa tại Constantinople cho người Hy Lạp. Năm 2018, ngài được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời trẻ, ngài theo học tại tiểu chủng viện dòng Phanxicô và nhập tập viện ngày 22 tháng 8 năm 1970. Ngài khấn trọn vào ngày 2 tháng 8 năm 1977, sau đó được thụ phong linh mục Dòng Anh Em Hèn Mọn vào năm sau.
Kể từ khi đại dịch coronavirus bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ, gần 1.8 triệu trường hợp đã được báo cáo ở nước này. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn vì trong nhiều tháng, các cơ quan y tế đã không đếm các trường hợp dương tính với COVID-19 nhưng không có triệu chứng nghiêm trọng.
Chỉ riêng ngày Chúa Nhật 13 tháng 12, số người chết vì COVID-19 đã tăng đến 220 người trong một ngày, nâng tổng số người chết liên quan đến COVID-19 lên 15,751 người.
Source:Asia News
3. Tuyên bố của ĐTGM Salvatore J. Cordileone của TGP San Francisco: Không thể cho Joe Biden rước lễ
Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington DC, người vừa được tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11, đã gây ra những phản ứng mạnh khi tuyên bố rằng ngài sẽ cho ông Joe Biden được rước lễ trong tổng giáo phận của ngài; và sẽ đối thoại trực tiếp với Joe Biden. Trước đó, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã cho biết về việc thành lập một ủy ban đặc nhiệm về các vấn đề liên quan đến Joe Biden.
Theo Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, tuyên bố này từ vị Hồng Yda đen đầu tiên của Hoa Kỳ có thể “gây ra tai tiếng cho các Giám Mục và các linh mục, và cho nhiều người Công Giáo đang quyết tâm trung thành với giáo huấn của Hội Thánh. Nó gây thiệt hại cho Hội Đồng Giám Mục, cho ý nghĩa của tính đồng đoàn, và cho kết quả công việc vận động của Hội Đồng với chính quyền tương lai”.
Viện dẫn sách giáo lý Công Giáo, và quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput cũng bác bỏ khả năng có thể cho ông Joe Biden được rước lễ.
Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver đã lên tiếng công khai ủng hộ tuyên bố này của Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput.
Ngày 14 tháng 12, Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone của tổng giáo phận San Francisco đã ra tuyên bố sau.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Trong một bài báo gần đây được đăng trên tờ First Things (tiếng Anh, tiếng Việt), Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Philadelphia, đã đưa ra một giải thích minh bạch rất có giá trị về một số nguyên tắc đạo đức và giáo lý nền tảng đang được đặt ra rất nhiều trong thời đại của chúng ta, đó là, tệ nạn phá thai cực kỳ nghiêm trọng, giáo huấn nhất quán của Giáo Hội Công Giáo về sự xứng đáng để rước lễ, và trách nhiệm của người Công Giáo trong đời sống công cộng.
Ngoài bản ghi nhớ vào tháng 7 năm 2004 của Bộ Giáo lý Đức tin (Sự xứng đáng để Rước lễ: Các Nguyên tắc Chung) và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo mà ngài trích dẫn trong bài báo của mình, chính các giám mục Hoa Kỳ cũng đã khẳng định lại những giáo lý vượt thời gian này trong thư mục vụ năm 2006, “Hạnh phúc cho những ai được gọi đến bữa ăn tối của Ngài”: Chuẩn bị đón nhận Chúa Kitô một cách xứng đáng trong Bí tích Thánh Thể. “
Tôi đồng ý tối đa với Đức Tổng Giám Mục Chaput khi ngài nói, “Đây không phải là vấn đề ‘chính trị’, và những người mô tả nó như vậy hoặc là không hiểu biết hoặc cố tình gây ngộ nhận về vấn đề này. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm duy nhất của các giám mục trước Chúa về tính toàn vẹn của các bí tích”. Đặc biệt đáng quan ngại là hoàn cảnh của những người Công Giáo, những người nổi bật trong đời sống công cộng, chính vì ảnh hưởng to lớn của họ đối với việc hình thành các thái độ văn hóa và các giá trị đạo đức của xã hội chúng ta. Đó là nguyên nhân của một vụ tai tiếng không nhỏ khi những người này tự xưng là những người Công Giáo giữ đạo trong khi lại vận động cho những căn nguyên trực tiếp vi phạm phẩm giá vốn có của đời sống con người, và là một trong những chân lý tự nhiên cơ bản không thể thiếu trong giáo lý cốt lõi của đức tin Công Giáo.
Tôi cầu nguyện rằng bài báo kịp thời và sâu sắc này của Đức Tổng Giám Mục Chaput sẽ thúc đẩy một cuộc thảo luận và giải quyết những vấn đề này một cách thẳng thắn và trung thực hơn giữa các mục tử của Giáo hội và những giáo dân nổi bật trong đời sống công cộng ở đất nước chúng ta.
+ Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone
Tổng Giám Mục San Francisco.
Source:Archdiocese of San Francisco