1. Đức Hồng Y Gulbinowicz qua đời chỉ mười ngày sau các biện pháp kỷ luật của Vatican

Một vị Hồng Y người Ba Lan vừa bị Vatican kỷ luật vì bị cáo buộc lạm dụng tình dục đã qua đời ở tuổi 97.

Đức Hồng Y Henryk Gulbinowicz qua đời vào sáng thứ Hai 16 tháng 11, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan thông báo như trên ngay khi ngài vừa qua đời.

Đầu tháng này, Sứ Thần Tòa Thánh tại Ba Lan đã công bố các biện pháp kỷ luật đối với vị Hồng Y vào ngày 6 tháng 11 do kết quả của cuộc điều tra về “những cáo buộc chống lại Đức Hồng Y Henryk Gulbinowicz và… những cáo buộc khác liên quan đến quá khứ của vị Hồng Y”.

Vị Hồng Y này đã bị cáo buộc hai tội danh. Thứ nhất là lạm dụng tình dục một chủng sinh vào những năm 1980. Thứ hai là không kỷ luật thích đáng một linh mục thuộc quyền lạm dụng tính dục trong thời gian ngài là Tổng Giám Mục Wrocław, phía tây nam Ba Lan, từ năm 1976 đến năm 2004.

Các biện pháp kỷ luật Đức Hồng Y Gulbinowicz là rất nặng nề bao gồm bị cấm không được tổ chức tang lễ tại nhà thờ chính tòa Thánh Gioan Tẩy Giả của thành phố và cũng không được chôn cất trong nhà thờ chính tòa này.

Đức Hồng Y cũng bị buộc phải đóng góp một số tiền “thích đáng” cho Qũy Thánh Giuse, được thành lập bởi các giám mục Ba Lan hồi tháng 10 năm 2019 cho các nạn nhân bị lạm dụng, hỗ trợ và thúc đẩy việc bảo vệ trẻ vị thành niên.

Đức Hồng Y Gulbinowicz sinh tại ở Vilnius, Lithuania, vào ngày 17 tháng 10 năm 1923, khi thành phố này còn được gọi là Wilno và còn là một phần của Ba Lan. Sau khi được thụ phong linh mục vào năm 1950, ngài đạt được bằng tiến sĩ thần học luân lý và trở thành tuyên úy đại học ở Bialystok đông bắc Ba Lan và dạy tại một chủng viện bên ngoài Warsaw.

Vào năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bổ nhiệm ngài làm Giám Quản Tông Tòa của khu vực tiếng Ba Lan trong Tổng giáo phận Vilnius và tháng sau ngài được Đức Hồng Y Stefan Wyszyński tấn phong giám mục. Ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y năm 1985.

Ngài được người Ba Lan nhớ đến như một người ủng hộ mạnh mẽ Công đoàn Đoàn kết, là tổ chức đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan.

Đức Gioan Phaolô II đã chấp nhận đơn từ chức Tổng giám mục Wrocław của Đức Hồng Y Gulbinowicz vào ngày 3 tháng 4 năm 2004, khi ngài đến tuổi 80 tuổi.

Vài ngày sau khi Tòa Sứ Thần thông báo rằng Đức Hồng Y Gulbinowicz sẽ bị cấm tham dự bất kỳ lễ kỷ niệm hoặc cuộc họp công cộng nào, truyền thông Ba Lan đưa tin rằng vị Hồng Y đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng nghiêm trọng.

Đáp lại thông báo của Tòa Sứ thần Tòa Thánh, phát ngôn nhân của Tổng giáo phận Wroclaw, là cha Rafał Kowalski, nói rằng tin tức này rất đau lòng “bởi vì nó cho thấy rằng trước đây một số người đã bị tổn thương nghiêm trọng bởi vị giáo sĩ lãnh đạo giáo phận của chúng tôi”.

“Những người này xứng đáng nhận được những lời ‘Tôi xin lỗi’… Chúng tôi bày tỏ sự tôn trọng đối với họ và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ,” Cha Kowalski nói.

Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan đang trong một thời kỳ khó khăn kéo dài liên quan đến tội lỗi lạm dụng giáo sĩ. Vào năm 2019, Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã ban hành một báo cáo kết luận rằng 382 giáo sĩ đã lạm dụng tình dục tổng cộng 624 nạn nhân từ năm 1990 đến 2018.

Trước cái chết có vẻ u uất của Đức Hồng Y Gulbinowicz, nhiều người ở Ba Lan không hài lòng. Với những công trạng lớn lao của ngài cho Giáo Hội và cho sự tự do của đất nước Ba Lan, những biện pháp kỷ luật gắt gao đối với Đức Hồng Y có lẽ chỉ nên đưa ra sau khi có một tiến trình xét xử đúng theo giáo luật trong đó ngài có cơ hội bào chữa cho mình. Nếu những tiến trình như thế không thể được thực hiện, xét vì tuổi tác của ngài, thì các biện pháp kỷ luật gắt gao không nên được đặt ra. Nhiều người quý mến Đức Hồng Y âu lo ngài đã bị làm “con dê tế thần” khi chúng ta tìm cách múa theo nhịp trống dồn dập của các phương tiện truyền thông với các đòi hỏi bất tận của họ.


Source:Catholic News Agency

2. 'Chúng tôi muốn có Thánh lễ': Người Công Giáo ở Pháp phản đối lệnh cấm thờ phượng nơi công cộng

Những người Công Giáo ở Pháp đã tụ tập bên ngoài các nhà thờ ở nhiều thành phố vào cuối tuần qua để kêu gọi chính phủ cho phép họ tham dự Thánh lễ trong thời gian cách ly toàn quốc.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Pháp, bao gồm ở Nantes, Strasbourg, Bordeaux, Rennes và Versailles, ngày 14 và 15 tháng 11. Một cuộc biểu tình vào hôm Chúa Nhật ở Paris trước Nhà thờ Saint-Sulpice đã bị cảnh sát ngăn chặn sau khi chính quyền cho rằng nó vi phạm một lệnh chống lại việc cầu nguyện trên đường phố.

Với các biện pháp phòng chống coronavirus trong đợt bùng phát thứ hai, tất cả các cuộc tụ họp tôn giáo công cộng trên khắp đất nước, bao gồm cả các Thánh lễ công cộng, đã bị đình chỉ cho đến ít nhất là ngày 1 tháng 12. Tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, bao gồm cả các nhà hàng, đều bị đóng cửa, nhưng các trường học vẫn được mở cửa.

Một kháng nghị pháp lý của Hội đồng Giám mục Pháp đã bị Hội đồng Nhà nước bác bỏ vào ngày 7 tháng 11. Các giám mục đã lập luận rằng việc cấm các Thánh lễ công cộng vi phạm quyền tự do thờ phượng.

Tại các buổi tụ họp ngoài trời, người Công Giáo hát thánh ca và lần hạt dưới sự giám sát nghiêm nhặt của cảnh sát.

Những người Công Giáo biểu tình cầm các bích chương và các tấm bảng ghi “Chúng tôi muốn Thánh lễ” và “Chúa là Vua”.

Ở Nantes, gần 300 người đã đứng dưới mưa trước bức tượng của Đức Trinh Nữ Maria vào ngày 15 tháng 11 và hô vang: “Hãy trả lại cho chúng tôi Thánh lễ”.

“Thông thường chúng tôi được tham dự thánh lễ vào sáng Chủ Nhật này. Nhưng chúng tôi không còn quyền đó. Chúng tôi bị tước quyền này lần thứ hai,” Marc Billig, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình ở Nantes, nói với truyền thông địa phương.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin đã gặp các đại diện tôn giáo vào ngày 16 tháng 11 sau khi các giám mục Pháp đề xuất tái tục các thánh lễ với số lượng người tham dự giới hạn ở mức 30% sức chứa của mỗi nhà nhà thờ. Nhật báo Le Monde của Pháp đưa tin ngày 16/11 rằng các hạn chế hiện tại dự kiến sẽ không được dỡ bỏ cho đến đầu tháng 12.

Phản ứng của các Giám Mục Pháp đối với phong trào “On veut la messe”

Trong một số giáo phận, các giám mục kêu gọi người Công Giáo không nên tập trung bên ngoài để phản đối các biện pháp phòng chống coronavirus.

“Hãy kiên nhẫn,” Đức Cha Michel Dubost, Giám Quản Tông Tòa của Lyon, cho biết hôm 13 tháng 11.

“Chúng ta đừng tụ tập với nhau, cả bên ngoài hay bên trong nhà thờ, và hãy thể hiện khả năng tôn trọng những khuôn khổ được trao cho chúng ta vì sức khỏe cộng đồng,” Đức Cha Dubost nói.

Châu Âu hiện đang trải qua làn sóng thứ hai về các ca nhiễm coronavirus, khiến Ái Nhĩ Lan và Anh buộc phải đóng cửa và đình chỉ các thánh lễ công cộng, trong khi Ý và Tây Ban Nha đã thực hiện các hạn chế và lệnh giới nghiêm trong khu vực.

Đã có hơn 1.9 triệu ca nhiễm coronavirus ở Pháp trong năm nay, dẫn đến cái chết của 42,603 người, theo Trung tâm Nghiên cứu Johns Hopkins Coronavirus.

Các cơ quan y tế Pháp báo cáo ngày 15 tháng 11 rằng số lượng bệnh nhân COVID-19 trong các khoa chăm sóc đặc biệt, gọi tắt là ICU, đã giảm kể từ khi Pháp thực hiện các biện pháp cách ly, nhưng những bệnh nhân này vẫn chiếm 96% số giường ICU của nước này.

Đáp lại lời kêu gọi của các giám mục Pháp, một thẩm phán đã quy định rằng các nhà thờ vẫn có thể mở cửa trong thời gian cách ly và người Công Giáo có thể đến nhà thờ gần nhà bất kể khoảng cách bao xa nếu họ mang theo giấy tờ cần thiết. Các linh mục cũng sẽ được phép đến thăm anh chị em giáo dân tại nhà của họ và các tuyên úy có thể đến thăm các bệnh viện.

Đám cưới Công Giáo có thể diễn ra với tối đa sáu người và đám tang không quá 30 người tham dự.

Đây là tuần thứ hai diễn ra các cuộc biểu tình của Công Giáo tại một số thành phố của Pháp. Vào ngày 8 tháng 11, hơn 500 người Công Giáo đã tập trung trước các nhà thờ chính tòa ở cả Nantes và Versailles, theo hãng tin RTL của Pháp.

“Họ hát thánh ca, lần chuỗi Mân Côi, kéo dài một giờ”, Đức Cha Bruno Valentin, Giám Mục Phụ Tá của Versailles, nói với AFP.


Source:Catholic News Agency

3. Những người ủng hộ Tổng thống Trump bị đánh sau cuộc biểu tình ủng hộ tổng thống

Căng thẳng bùng lên vào đêm thứ Bảy khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump bị những người theo phe ông Joe Biden đánh đập khi họ trở về khách sạn của mình ở thủ đô Washington. Cảnh sát đi xe đạp cố gắng trấn an đám đông, trong khi mọi người hô hoán cầu cứu trên đường phố.

Theo sở cứu hỏa và cấp cứu thành phố, một người đã bị đâm và phải đưa đến trung tâm chấn thương. Washington Post đưa tin rằng vụ tấn công xảy ra vào khoảng 8 giờ tối. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, cảnh sát đã thực hiện 20 vụ bắt giữ. Các cuộc đụng độ bạo lực xảy ra sau một ngày chứng kiến hàng trăm nghìn người ủng hộ Tổng thống Trump tuần hành trên các đường phố Washington để phản đối gian lận bầu cử.

Một người tham dự cuộc biểu tình nói “Xem này, chuyện này vẫn chưa kết thúc. Nó thậm chí còn lâu mới kết thúc. Và những người đang nói với bạn rằng nó đã kết thúc đang nói dối bạn.”

Tổng thống Trump cho đến nay vẫn chưa nhìn nhận đã thua Biden. Vào buổi sáng, đoàn xe của Trump đã chào thăm đám đông. Những người biểu tình hò reo khi tổng thống vẫy tay từ bên trong xe limousine của mình. Những người ủng hộ Tổng thống Trump đã diễn hành từ Freedom Plaza gần Tòa Bạch Ốc đến Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ


Source:Yahoo News