1. Cảnh sát Pháp tiết lộ thân thế của người giáo viên vừa bị thảm sát: Thầy giáo Samuel Paty, 47 tuổi
Người giáo viên bị giết trong vụ thảm sát kinh hoàng tại Paris chiều thứ Sáu 16 tháng 10 là anh Samuel Paty, 47 tuổi và kẻ giết anh được xác định là Aboulakh A, 18 tuổi, quốc tịch Nga gốc Chechnya.
Các giáo viên trong trường cho biết thầy giáo Paty đã nhận được những lời đe dọa trước khi bị giết thật ghê rợn.
Bản thân tên khủng bố Hồi giáo đã bị cảnh sát tiêu diệt sau khi chặt đầu nạn nhân bằng một con dao làm bếp ở Conflans-Sainte-Honorine, ngoại ô Paris vào chiều thứ Sáu.
Thủ tướng Jean Castex tuyên bố rằng Pháp sẽ phản ứng với “sự cứng rắn lớn nhất” để công dân của mình được sống trong “tự do”.
Sáng thứ Bảy, một giáo viên tại trường trung học Bois-d'Aulne, nơi anh Paty đã dạy lịch sử và địa lý, xác nhận rằng đồng nghiệp của ông đã “lo lắng cho sự an toàn của mình”.
Một số phụ huynh cho biết thầy giáo Paty đã cho học sinh xem một bức biếm họa vào đầu tháng này. Bức biếm họa này đã được Charlie Hebdo, một tạp chí châm biếm xuất bản trước khi bị một tay súng có liên hệ với al-Qaeda tấn công vào năm 2015.
Mười hai người đã bị sát hại xung quanh tòa soạn của Charlie Hebdo ở Paris, sau khi những kẻ khủng bố buộc tội các ký giả trong tòa báo này báng bổ tiên tri Muhammad.
Đối với người Hồi giáo, bất kỳ miêu tả nào về nhà tiên tri đều là báng bổ.
Trong vụ tấn công mới nhất, người ta nghe thấy Aboulakh hét lên 'Allahu Akbar' - tiếng Ả Rập có nghĩa là “Chúa là vĩ đại nhất”- trong đoạn video cho thấy thầy giáo Paty đã bị y chặt đầu.
Các nhà điều tra đang cố gắng xác định xem kẻ tấn công đã hành động một mình hay có đồng bọn.
Chín người, bao gồm các thành viên trong gia đình trực hệ của Aboulakh, đã bị tạm giữ vào đầu giờ sáng thứ Bảy.
Bốn người thân của kẻ tấn công, bao gồm cả một trẻ vị thành niên, đã bị giam giữ trong vài giờ ngay sau vụ tấn công ở vùng ngoại ô dành cho những người trung lưu.
Năm người khác bị giam giữ qua đêm, trong số đó có hai phụ huynh của các học sinh tại trường Bois d'Aulne, nơi thầy giáo Paty giảng dạy.
Một trong những người bị bắt là cha của một học sinh tại trường Bois-d'Aulne, là người đã đăng một video trên YouTube kêu gọi mọi người phàn nàn về hành vi của thầy Paty trong lớp và gọi giáo viên này là “một kẻ côn đồ”.
Các công tố viên chống khủng bố đang điều tra vụ tấn công, và liên kết nó với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Hàng ngàn người tị nạn Chechnya thiện chiến, trong đó có nhiều người Hồi giáo sùng đạo, đã được vào Pháp vào đầu những năm 2000 sau hai cuộc chiến đẫm máu chống lại Nga.
Khám nhà của tên sát nhân, cảnh sát cho biết kẻ giết người đã đăng các tin nhắn nặc danh trực tuyến mô tả tổng thống Pháp Emmanuel Macron là “lãnh đạo của những kẻ vô đạo”.
Phản ứng trước tin này, ông Macron nói: “Không phải ngẫu nhiên mà tên khủng bố giết một giáo viên vì hắn muốn giết nước Cộng hòa và các giá trị của nó”.
Một buổi lễ tưởng niệm dành cho anh Patay đang được lên kế hoạch.
Ông Castex, thủ tướng, cho biết Pháp sẽ “không bao giờ bỏ cuộc” khi đáp trả các các cuộc tấn công khủng bố.
Ông đã tweet vào hôm thứ Bảy: “Khi giết một một trong những người bảo vệ tự do của chúng ta, khủng bố Hồi giáo đã đánh vào trái tim của nền Cộng hòa này”.
“Trong tình đoàn kết với các giáo viên trên toàn quốc, chính phủ sẽ phản ứng với một sự kiên quyết lớn nhất để nước Cộng hòa và công dân của nó được sống trong tự do! Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Không bao giờ”.
Các phụ huynh cho biết thầy Paty đã cho các học sinh xem một bức biếm họa của tờ Charlie Hebdo trong một lớp học về quyền tự do ngôn luận vào đầu tháng này.
Ông Nordine Chaouadi nói với Reuters rằng ông ta là cha của một cậu học sinh 13 tuổi có mặt trong lớp học này. Theo ông Chaouadi, thầy Paty đã yêu cầu các học sinh theo đạo Hồi giơ tay lên và mời họ ra khỏi lớp, vì thầy sắp chiếu một bức tranh biếm họa về Mohammad có thể gây xúc phạm đối với họ.
Người cha cho biết con trai ông, một người Hồi giáo, giải thích hành động của thầy Paty như cử chỉ được thực hiện vì lòng tốt và sự tôn trọng đức tin của họ.
“Ông đã làm điều đó để bảo vệ trẻ em, không để gây sốc cho họ,” ông Chaouadi nói.
Tuy nhiên, một số phụ huynh vẫn cảm thấy bị xúc phạm. Hai hoặc ba ngày sau, họ tổ chức một cuộc họp tại trường với giáo viên, hiệu trưởng nhà trường và một quan chức của cơ quan giáo dục địa phương.
Ông Chaouadi nói thêm: “Mọi việc diễn ra tốt đẹp. Không có tiếng la hét hay lời qua tiếng lại. Vợ tôi đã tham gia buổi họp đó.”
Một người đàn ông nói rằng con gái của ông ta đang ở trong lớp đã kể lại về buổi học này tương tự như thế. Tuy nhiên, ông ta cho rằng giáo viên dạy lịch sử là một tên côn đồ và đăng một video lên mạng xã hội kêu gọi người Hồi Giáo phản đối thầy Paty. Video này được chia sẻ rộng rãi bởi một nhà thờ Hồi giáo ở Paris.
Trong video, người đàn ông nói: “Nếu bạn muốn hợp lực và muốn nói ‘dừng lại, đừng chạm vào con của chúng tôi’, thì hãy gửi tin nhắn cho tôi”.
“Tên côn đồ này không nên ở trong hệ thống giáo dục quốc dân, không nên dạy con chúng ta nữa. Hắn nên về nhà tự dạy bảo lại chính mình”.
Các nhà lập pháp và liên đoàn giáo viên ca ngợi lòng dũng cảm của giáo viên bị giết vì đã đối mặt với những điều cấm kỵ đầy thách thức trong xã hội Pháp.
Họ nói, tự do ngôn luận là nguyên lý cốt lõi của nền dân chủ.
Jean-Remi Girard, chủ tịch Liên minh Giáo viên các trường công lập, nói với BFM TV rằng trẻ em cần hiểu rằng sự báng bổ có thể gây sốc, nhưng là hợp pháp.
Source:Mirror
2. Bốn Tổng giám mục Ái Nhĩ Lan xin gặp thủ tướng về vấn đề thánh lễ.
Bốn vị Tổng giám mục đứng đầu bốn giáo tỉnh tại Ái Nhĩ Lan đã gửi thư xin gặp thủ tướng Michael Martin để bày tỏ quan tâm vì những hạn chế liên quan đến thánh lễ vì lý do đại dịch Covid-19. Theo qui định của chính phủ Ái Nhĩ Lan, ở mức độ 3, tất cả các buổi lễ tôn giáo chỉ được cử hành trực tuyến, tuy rằng các nơi thờ phượng có thể được mở cửa để tín hữu đến cầu nguyện riêng.
Thư của bốn vị Tổng giám mục gửi thủ tướng chính phủ khẳng định rằng việc cử hành thánh lễ và các bí tích, dù ở mức độ hạn chế, là điều có ý nghĩa tối quan trọng đối với một cộng đoàn Kitô... “ Chúng tôi muốn dấn thân một cách xây dựng với chính quyền dân sự để các tín hữu chúng tôi được tiếp tục nâng đỡ nhờ thánh lễ và các bí tích, cũng như được lương thực thiêng liêng thiết yếu trong thời kỳ nhiều thử thách hiện nay”.
Bức thư mang chữ ký của các vị Tổng giám mục bốn giáo tỉnh Armagh, Dublin, Tuam, và Cashel & Emly bao trùm toàn đảo Ái Nhĩ Lan, trong đó các vị bày tỏ sự ủng hộ những chỉ dẫn của nhà chức trách y tế nhưng đồng thời nói lên mối quan tâm về việc các thánh lễ chỉ có thể cử hành trực tuyến. Các vị giải thích rằng: “Thánh lễ không phải chỉ là một cuộc tập họp dân chúng, nhưng là một sự biểu lộ sâu xa cộng đồng Giáo hội là ai. Chúng tôi rất ý thức rằng đối với các giáo xứ và cá nhân các tín hữu Công Giáo, sự đánh mất nguồn nâng đỡ tinh thần có thể là một nguyên do gây ra lo âu và sợ hãi lớn lao, và có thể có ảnh hưởng tai hại đối với sức khỏe và an sinh nói chung của họ. Chúng tôi biết ơn nếu được gặp gỡ với thủ tướng trong những ngày tới đây và có cuộc thảo luận xây dựng về những vấn đề nói trên”.
3. Thêm một Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi anh chị em giáo dân đặt nặng vấn đề phá thai trong cuộc bầu cử sắp đến
Phá thai là một “mối đe dọa nền tảng cho sự khởi đầu của chính cuộc sống” và người Công Giáo không thể thụ động trước các vấn nạn trầm kha liên quan đến nhân quyền căn bản nhất là quyền được sống, Đức Giám Mục Felipe Estevez của giáo phận Thánh Augustinô đã nói như trên trong một lá thư mục vụ liên quan đến cuộc bầu cử sắp đến.
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ rằng không có quyền nào khác quan trọng hơn quyền sống mà chúng ta phải bảo vệ bằng mọi giá. Ngài cũng nói rằng phá thai không phải chỉ là vấn đề của người Công Giáo hay thậm chí không phải chỉ là vấn đề liên quan đến các tôn giáo: đó là vấn đề nhân quyền trước nhất và quan trọng nhất,” Đức Cha Estevez nói trong lá thư ngày 7 tháng 10.
Ngài cũng bác bỏ tuyên bố của những người nói rằng, “về vấn đề đức tin, tôi chống phá thai, nhưng tôi không thể áp đặt niềm tin của mình lên người khác”. Những tuyên bố như vậy phản ánh một “niềm tin sai lầm” rằng trên cõi đời này có một số người không đáng được pháp luật bảo vệ.
“Đó không phải là vấn đề áp đặt một niềm tin, nhưng là dấn thân cho sự thật về đời sống con người bắt đầu từ lúc được thụ thai như khoa học sinh học đã xác nhận.”
Trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập, Đức Cha Estevez cho biết những người sáng lập Hoa Kỳ biết rằng quyền được sống “có tầm quan trọng cao hơn tất cả các quyền khác” bởi vì “không có quyền được sống thì không còn quyền nào khác có thể được bảo vệ”.
Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Quyền được sống là một nhân quyền ưu việt”.
Ngài cho biết các giám mục Hoa Kỳ đang cầu nguyện cho những người Công Giáo, những người tìm cách trở thành những cử tri có học thức với lương tâm tốt.
“Đây là một thời gian khó khăn cho đất nước chúng ta và là một thời gian quan trọng đối với những ai không chỉ thực hiện quyền bầu cử của mình nhưng còn muốn làm như vậy với sự liêm chính hết sức có thể.”
Bàn về tầm quan trọng của việc tham gia vào đời sống công cộng, Đức Cha Estevez nói rằng chính trị là nhằm “bảo đảm công lý trong xã hội” và do đó “về cơ bản là một hoạt động đạo đức”.
“Mặc dù Giáo hội và các giáo sĩ không thể công khai ủng hộ một ứng viên hoặc một đảng phái chính trị cụ thể nào, nhưng chúng tôi có trách nhiệm khuyến khích anh chị em hiểu các vấn đề trong bối cảnh giáo huấn của Giáo hội và giúp anh chị em trong lĩnh vực 'hình thành lương tâm của mình'“
“Là người Công Giáo, niềm tin của chúng ta dựa trên những sự thật cơ bản về con người và xã hội mà cả đức tin và lý trí đều có thể tiếp cận được. Do đó, chúng ta có quyền và nghĩa vụ tham gia vào bầu khí công cộng theo cách phản ánh những sự thật này, vì lợi ích của cộng đồng chúng ta và vì vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã tác thành ra chúng ta”
Source:Catholic News Agency
4. Tượng Thánh Junipero Serra bị vẽ bậy, và bị kéo xuống vào Ngày của người bản địa
Hôm thứ Hai, một nhóm những kẻ quá khích ở gần San Francisco đã vẽ bậy lên bức tượng Thánh Junipero Serra được đặt trong sân nhà thờ bằng sơn xịt màu đỏ trước khi giật sập bức tượng xuống đất.
Thánh Serra, là một linh mục và một nhà truyền giáo dòng Phanxicô sống vào thế kỷ 18, bị một người quá khích coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và sự ngược đãi mà nhiều người Mỹ bản địa phải gánh chịu trong cuộc tiếp xúc với văn minh Tây phương. Tuy nhiên, các nhà sử học nói rằng nhà truyền giáo là người luôn bênh vực dân bản địa, phản đối sự lạm dụng và tìm cách chống lại sự áp bức của thực dân.
Đức Tổng Giám Mục San Francisco Salvatore Cordileone hôm thứ Ba đã lên tiếng chỉ trích “não trạng đám đông cuồng loạn” dẫn đến việc bức tượng của vị thánh đã bị “một đám đông nhỏ đầy bạo lực vẽ bậy và giật sập một cách vô ý thức”.
“Hành vi kiểu này không có chỗ đứng trong bất kỳ xã hội văn minh nào. Trong khi cảnh sát đã may mắn bắt giữ được năm thủ phạm, những gì xảy ra tiếp theo là rất quan trọng, vì nếu những kẻ này bị coi là vi phạm tài sản nhỏ, thì điều này đã bỏ sót một điểm quan trọng: các biểu tượng đức tin của chúng ta đang bị tấn công không chỉ ở các nơi công cộng, mà ngay trên cả các phần đất riêng của chúng ta và thậm chí ngay bên trong các nhà thờ của chúng ta,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói hôm 13 tháng 10.
Cuộc bạo loạn dẫn đến việc phá hủy bức tượng diễn ra vào ngày 12 tháng 10 tại cứ điểm truyền giáo Tổng Lãnh Thiên Thần Rafael ở San Rafael, CA, phía bắc vịnh San Francisco. Mặc dù chính Thánh Serra không thành lập cứ điểm truyền giáo San Rafael này, cứ điểm vẫn được coi là di sản của Thánh Serra, vì do các hậu nhân của ngài từ chín cứ điểm đầu tiên do ngài thành lập mà ngày nay trở thành California.
Cuộc biểu tình kéo dài một giờ do các thành viên của bộ lạc Coast Miwok tổ chức, đánh dấu Ngày của Người bản địa, ngày lễ mà nhiều tiểu bang và thành phố do đảng Dân Chủ cầm đầu đã chỉ định để thay thế Ngày Columbus.
Một nhân viên bảo trì nhà thờ đã che bức tượng bằng băng keo trước cuộc biểu tình để bảo vệ bức tượng khỏi bị vẽ bậy. Nhiều bức tượng của vị thánh đã bị phá hoại hoặc phá hủy trong năm nay, hầu hết là ở California.
Những kẻ bạo loạn đeo mặt nạ đã bóc băng keo và phun sơn đỏ vào mặt bức tượng.
Những người biểu tình đã cố gắng ngăn các máy quay tin tức địa phương quay cảnh vụ lật đổ, nhưng Fox2 đã quay được cảnh tượng này. Ít nhất năm người có thể được nhìn thấy đang kéo đầu bức tượng bằng dây thừng.
Đoạn băng dường như cho thấy bức tượng rơi vào một trong những người biểu tình, mặc dù không có bất kỳ trường hợp thương tích nào được báo cáo.
Cảnh sát đã bắt giữ 5 phụ nữ liên quan đến vụ việc này và buộc họ tội phá hoại với tình tiết nghiêm trọng.
“Chúng ta không thể cho phép một nhóm nhỏ những người vi phạm pháp luật không được ai bầu có quyền quyết định những biểu tượng thiêng liêng nào những người Công Giáo hoặc tín hữu các tôn giáo khác được phép trưng bày và sử dụng để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Điều này phải dừng lại,” Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.
“Việc tấn công các biểu tượng đức tin của hàng triệu người Công Giáo, những người đa dạng về sắc tộc như bất kỳ tín ngưỡng nào ở Mỹ, là phản tác dụng. Nó cũng chỉ đơn giản là sai”.
Source:Catholic News Agency