Ngài sinh ngày 15/12/1935 tại Thượng Chiểu, Thanh Hóa, chịu chức linh mục Hội dòng Xuân Bích ngày 27/04/1965 tại Vĩnh Long. Năm 1975, ngài có bằng Tiến sĩ Giáo luật. Năm 1977 ngài đậu thêm bằng Tiến sĩ Thần Học Mục Vụ đều tại Roma.
Ngài làm việc tại Giáo xứ từ năm 1977.
- Ngày 28/11/1980, ngài được ĐHY François Marty bổ nhiệm làm giám đốc Giáo xứ.
- Ngày 12/11/1998, ĐHY Jean-Marie Lustiger công bố tại Giáo xứ quyết định của Tòa thánh ân thưởng cho ngài tước vị Đức Ông.
Ngài đảm nhiệm trọng trách này đến tháng 9-2017 và đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử Giáo xứ Việt Nam Paris:
- 1981: thành lập ban Thần học Giáo dân.
- 1983: thành lập Hội đồng Mục vụ.
- 1984: chủ nhiệm báo Giáo xứ.
- 1985-1991: chủ tịch Hội Liên Tu sĩ.
- 1989: thành lập Hội Yểm trở Ơn gọi.
- 1990: khánh thành Thư viện Giáo xứ.
- 1993: thành lập Phong trào Cursillo Âu Châu.
- 1995: thành lập ban Mục vụ Gia đình.
- 2000: thành lập Phong trào Liên đới Nghề nghiệp.
Trong lãnh vực mục vụ văn hóa, ngài biên soạn nhiều tác phẩm:
- 2003-2010: Tân lịch sử Giáo hội, (7 tập).
- 2009: Suy niệm Tin Mừng (3 tập)
- 2012: Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II.
- 2013: Các thánh tử đạo thăng hoa văn hóa Việt Nam.
Ngài chú trọng vào công cuộc truyền giáo, đáng kể nhất là vào ngày 08/04/2012: Đức Ông Mai Đức Vinh đã rửa tội cho GS Vũ Quốc Thúc.
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Giáo xứ (1947-2017), Đức Ông Mai Đức Vinh đã viết như sau:
‘‘70 năm hoạt động Giáo Xứ không phải để "đóng khung lịch sử Cộng Đoàn", nhưng để "ôn cố tri tân", để tiếp nối những trang sử mới cho Cộng Đoàn về mọi phạm vi sinh hoạt Thiêng Liêng, Văn Hóa, Xã Hội, hội nhập và bảo vệ truyền thống, duy trì gia sản Tiền Nhân để lại và mở rộng tương lai cho thế hệ trẻ đang lên... Như nguyện ước của Đức Thánh Cha trong điện văn gửi cho Giáo Xứ ngày 25-06-1996: "Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người coi việc cử hành đại lễ kỷ niệm này như một khởi điểm của một giai đoạn mới trong đời sống cộng đồng Giáo Xứ: Tiếp tục xây dựng một cộng đoàn hòa hợp và nhiệt thành... luôn thủy chung với văn hóa Việt Nam và liên đới với dân tộc... hầu trở thành những chứng nhân phát huy tinh thần Phúc âm...".
Lê Đình Thông