Hai động thái của Đức Phanxicô trong tuần qua khiến khá nhiều người Công Giáo ngỡ ngàng. Đó là việc ngài tuyên bố ủng hộ việc ra các đạo luật dân sự bảo vệ điều ngài nói bằng tiếng Ý là “convivencia civil” (sống chung dân sự) của các cặp đồng tính. Và việc thỏa thuận tạm thời với Trung Hoa được hai bên chấp thuận kéo dài thêm 2 năm, một thỏa thuận bị rất nhiều người, trong Giáo Hội cũng như bên ngoài Giáo Hội, lớn tiếng phê phán.



Về vấn đề sau, Tòa Thánh đã ra nhiều lời giải thích. Nhưng về vấn đề đầu, thì Tòa Thánh, cho đến nay, vẫn im lặng. Do đó, cơn sốc lúc ban đầu vẫn còn nguyên vẹn, có khi còn tăng gia, khiến nhà hoạt động người Áo, anh Alexander Tschugguel, người vốn nổi tiếng đã liệng các bức tượng Pachamama xuống sông Tiber lúc đang diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon, phải hướng dẫn một nhóm đông đảo tín hữu đến qùy cầu nguyện ở Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ở Vatican, khẩn khoản yêu cầu được soi sáng với khẩu hiệu viết chữ lớn chưa từng thấy ở Quảng Trường này: “Holy Father, we ask for clarity on same-sex civil unions” (Thưa Đức Thánh Cha, chúng con xin được sáng tỏ về các cuộc kết hợp dân sự).

Đức Phanxicô quả ủng hộ việc bảo vệ các cặp đồng tính về phương diện dân luật

Không bảo thủ như Alexander Tschugguel, Gerard O’Connell của tạp chí Công Giáo cấp tiến America, cũng cảm thấy ngứa ngáy trước thái độ im lặng của Vatican nên đã nêu câu hỏi “Điều gì đang diễn tại bộ truyền thông của Tòa Thánh” (Analysis: What is going on at the Vatican’s communications department?) (24 tháng 10, 2020).

O’Connell quả quyết “Vatican đã không thi hành bất cứ việc kiểm soát về biên tập nào đối với cuốn phim tài liệu của Ông Evgeny Afineevsky”. Vậy mà cho đến nay, chưa chịu trả lời bất cứ câu hỏi nào của các ký giả cũng như thắc mắc của một số Giám Mục và Hồng Y liên quan đến tuyên bố của Đức Phanxicô.

Điều trên khiến O’Connell nhận định rằng “Nhiều năm kinh nghiệm của tôi tường trình về Vatican dẫn tôi tới kết luận này là văn phòng báo chí giữ im lặng chỉ vì họ biết đó là điều Đức Giáo Hoàng muốn”. Đức Phanxicô cũng giữ im lặng như bộ truyền thông của ngài.

O’Connell cũng quả quyết rằng “theo các nguồn tin thông thạo, ông Afineevsky chưa bao giờ thành công trong việc có được cuộc phỏng vấn quay phim (on camera) mà ông mong muốn”.

Giống như Nicole Winfield của A.P., O’Connell cho hay Ông Afineevsky được phép sử dụng văn khố truyền hình của Tòa Thánh và ở đấy ông tìm thấy cuốn phim không bị biên tập ghi lại cuộc phỏng vấn truyền hình dài của đài truyền hình Televisa, Mễ Tây Cơ, tháng 5 năm 2019. Thông thường, đơn vị truyền hình của Tòa Thánh quay phim cuộc phỏng vấn đó, và, theo một thỏa thuận trước khi cuộc phỏng vấn diễn ra, các viên chức của Tòa Thánh, sau đó, sẽ biên tập cuốn phim và mấy ngày sau mới trao ấn bản đã biên tập cho Televisa để họ phát tuyến.

O’Connell cho biết thêm, trong dịp trên cũng như trong các dịp khác và theo một nguyên tắc tổng quát, Vatican không biên tập hay bỏ bất cứ phần nào của điều Đức Phanxicô nói trong cuộc phỏng vấn mà không có sự chấp thuận trước của ngài.

Cho nên Ông Afineevsky đã có thể sử dụng ấn bản chưa bị biên tập. Có điều ông chỉ lấy một phần trong các câu trả lời cho hai câu hỏi khác nhau của Đức Giáo Hoàng. “Ông ráp nối hai câu trích dẫn từng phần đó thành lời tuyên bố này: ‘Người đồng tính luyến ái có quyền hiện hữu trong một gia đình. Họ là con cái Thiên Chúa và có quyền đối với một gia đình. Không ai nên bị loại ra ngoài và bị làm cho khốn khổ vì nó. Điều chúng ta cần có là một đạo luật về việc kết hợp dân sự - nhờ cách này, họ được bảo vệ về phương diện pháp luật. Tôi đã ủng hộ điều ấy’”.

Nhưng, theo O’Connell, như bản nguyên thủy không bị biên tập cho thấy 3 câu ngắn đầu tiên của lời tuyên bố trong cuốn phim tài liệu chỉ là một phần nhỏ của câu trả lời dài của Đức Phanxicô cho một câu hỏi về việc hòa nhập vào Giáo Hội những người sống trong “các tình huống bất hợp lệ”. Ngài nhắc lại rằng có lần, trong một cuộc họp báo trên máy bay, ngài được hỏi “về việc hòa nhập vào gia đình các người có xu hướng đồng tính, và tôi đã nói, các người đồng tính có quyền ở lại trong một gia đình, những người có xu hướng đồng tính có quyền ở lại trong gia đình và cha mẹ có quyền nhìn nhận đứa con trai này là một người đồng tính, và đứa con gái này là một người đồng tính. Không ai nên bị loại ra khỏi gia đình, và không đời sống của bất cứ ai bị làm cho khốn khổ vì điều này”.

Câu cuối cùng của lời tuyên bố trong phim tài liệu là phần sau cùng câu trả lời nguyên thủy của ngài đối với một câu hỏi hoàn toàn khác có thể tìm thấy trong ấn bản không bị biên tập của cuộc phỏng vấn Televisa. Đài này nhắc lại cuộc tranh đấu của Đức Giáo Hoàng chống lại các cuộc hôn nhân đồng tính khi còn là Tổng Giám Mục Buenes Aires và hỏi liệu chủ trương xem ra cấp tiến hơn của ngài trong tư cách Giáo Hoàng có phải là do Chúa Thánh Thần hay chăng.

Câu trả lời trọn vẹn của ngài bằng tiếng Tây Ban Nha được O’Connell dịch sang tiếng Anh như sau: “The grace of the Holy Spirit certainly exists. I have always defended the doctrine. And it is curious that in the law on homosexual marriage…. It is an incongruity to speak of homosexual marriage. But what we have to have is a law of civil union (ley de convivencia civil), so they have the right to be legally covered” (Ơn Chúa Thánh Thần chắc chắn có đó. Tôi luôn bênh vực tín lý. Và điều kỳ cục là trong luật về hôn nhân đồng tính... Quả không thích hợp khi nói đến hôn nhân đồng tính. Nhưng điều chúng ta cần có là một luật về kết hợp dân sự [ley de convivencia civil, luật sống chung dân sự], để họ có quyền được luật pháp bảo vệ).

O’Connell vì thế ngầm cho thấy một phần thiếu sót của Bộ Truyền Thông. Tuy nhiên, sau đó, ông cho thấy tính phức tạp trong vai trò của bộ này, một bộ gần đây mới được thiết lập để tập trung việc xử lý truyền thông mà trước đây vốn có tính tản mạn, và hiện là bộ sử dụng nhiều nhân viên nhất của Tòa Thánh (gần 5 trăm rưỡi).

Việc cải tiến đó thực sự cần thiết đối với một vị Giáo Hoàng hết sức năng động trong khía cạnh này. Ngài vượt trên mọi Giáo Hoàng trước đây về truyền thông, kể cả Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Theo O’Connell, ngài là “minh tinh truyền thông... làm việc không những qua thánh bộ mà còn độc lập đối với nó. Thánh Gioan Phaolô II gặp các ký giả, tổ chức họp báo và một số cuộc phỏng vấn nhưng không hề có qui mô như Đức Phanxicô. Không những tham gia các hội nghị video và các buổi họp báo mà không biết trước các câu hỏi, mà còn chấp nhận các cuộc phỏng vấn có quay phim và không có quay phim cũng như các cuộc phỏng vấn sau in thành sách, được thánh bộ sắp xếp, và nhiều cuộc phỏng vấn của các ký giả độc lập với thánh bộ; và thánh bộ chỉ được biết sau khi sự kiện đã xẩy ra".

Ngài lại là người muốn nói gì thì nói, đôi khi khiến một số vị Hồng Y, Giám Mục và viên chức Tòa Thánh mất vui và mong ngài chỉ sử dụng các bản văn đã soạn sẵn. Ngài thích ngẫu hứng, dù dễ bị lầm lẫn và bị giải thích sai...

Tất nhiên, vai trò giải thích vẫn nằm ở Bộ Truyền Thông. Họ đã cố gắng nhiều trong quá khứ, riêng dịp này, họ vẫn tiếp tục giữ im lặng. Không những thế, theo John Allen, họ còn mới ra thông cáo cho các nhân viên phải giữ im lặng.

Thực thế, Allen cho rằng Thứ Năm vừa qua, nhật báo Ý Il Fatto Quotidiano có loan tin về một thông cáo nội bộ của Bộ Truyền Thông nội dung như sau: “Vào lúc này, chúng ta sẽ không đưa ra bất cứ tin tức nào, cả trên truyền thanh lẫn trên mạng. Sẽ không có gì trên phim ảnh hay về cuộc phát thưởng hôm nay tại Tòa Thánh. Một cuộc duyệt xét đang được tiến hành để đương đầu với cuộc khủng hoảng truyền thông đang diễn ra, và một thông cáo từ Phòng Báo Chí đã không bị loại bỏ”.

Nói tóm lại, Bộ Truyền Thông sẽ ra thông báo nay mai để giải thích vụ này.

Bản năng của Đức Phanxicô: Gặp gỡ nửa đường

Trong khi chờ đợi, John Allen đưa ra một nhận định hữu lý về thái độ nói chung của Đức Phanxicô và nhận định này có thể củng cố điều người ta vẫn tin: Đức Phanxicô muốn phổ biến nhận định ủng hộ các cuộc sống chung dân sự của người đồng tính về phương diện dân luật của ngài. Như một nhân nhượng, một cuộc gặp gỡ nửa đường, mong gặp nhau ở một nơi tốt đẹp hơn, hơi giống như chủ trương của Đức Gioan XXIII khi nói đến việc “bắt tay” nói chuyện với người Cộng Sản.

Chính Đức Phanxicô cũng muốn đi theo chính sách cởi mở ấy với chính quyền của Tập Cẩn Bình, một chế độ, ngài biết chắc là khiếm khuyết về đạo đức, kể cả đạo đức chính trị, nhưng vẫn muốn bắt tay trong khi nở một nụ cười thật tươi.

Allen, trong bài “Beyond ‘Moviegate’, deep questions remain on Vatican’s China gamble” ngày 25 tháng 10, cho rằng hai biến cố liên quan đến kết hợp dân sự và tiếp nối thỏa thuận tạm thời với Trung hoa đều “phản ảnh cùng một bản năng có tính quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Cũng như O'Connell, Allen tin rằng quả thực Đức Phanxicô muốn ủng hộ một đạo luật dân sự để bảo vệ việc sống chung dân sự của các cặp đồng tính, nếu không thì ngài đã lên tiếng cải chính rồi. Mặc dù ngài biết rõ các hành vi đồng tính luyến ái là rối loạn một cách khách quan và do đó không thể ủng hộ. Ngài không chấp nhận các hành vi ấy. Ngài chỉ ủng hộ việc bảo vệ những người làm các hành vi ấy về phương diện dân luật. Trong đường hướng truyền giảng Tin Mừng, đường hướng áp dụng vào mọi người, kể ca người tội lỗi, có thể nói việc ủng hộ này là một bước mục vụ chiến thuật nhằm đối thoại lâu dài với những người mình không đồng quan điểm. Không thể có đối thoại nếu cứ coi họ là kẻ thù, hay không cho họ chi cả.



Về Trung Hoa, Allen cho rằng đạo Công Giáo có một hệ thống quản trị phần lớn tản quyền trong đó, các vị Giám Mục được dành cho nhiều quyền rộng rãi, “cho nên không điều gì được bất cứ vị Giáo Hoàng nào thực hiện quan trọng bằng việc quyết định ai được làm công việc ấy. Khi Giáo Hội cho đi một phần quyền tự quản của mình trong các quyết định này, các hệ quả sẽ có tiềm năng hết sức to lớn”.

Allen tin rằng quả thực, Vatican đang chơi một canh bạc có tính lịch sử với Trung Hoa. “Bất chấp các thất vọng của Rôma trước việc thực thi thỏa thuận, đã được liệt kê rất rõ ràng trong cuộc phỏng vấn của Crux với [Đức Tổng Giám Mục] Gallagher, và bất chấp thành tích đáng hoài nghi của Trung Hoa về nhân quyền và tự do tôn giáo, Vatican vẫn hy vọng rằng về lâu về dài, sau khi hợp nhất được hàng Giám Mục của nước này, chúng ta sẽ có một Giáo Hội địa phương mạnh mẽ và ổn định hơn.

Đồng thời, Tòa Thánh cũng đánh canh bạc khác khi tin rằng dành cho Bắc Kinh điều họ muốn trong cuộc thương thảo này có nghĩa là tiếp tục cuộc đàm luận, đặt Rôma ở vị trí dần dà sẽ thỏa thuận với nhà cầm quyền Trung Hoa ở nhiều vấn đề khác.

Các nhận định trên, theo Allen, “đem chúng ta tới sợi chỉ xuyên suốt cả hai cốt truyện: khi đụng đến việc cư xử với các tác nhân khiếm khuyết về luân lý, bất kể là những con người hay các quốc gia, bản năng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là gặp họ nửa đường, hy vọng rằng sự gần gũi này sẽ đem họ đi xa hơn”.

Dĩ nhiên, kết quả canh bạc, cả với hai tác nhân đồng tính lẫn Trung Hoa, thì còn phải chờ.