Theo Carol Glatz của Catholic News Service, nhân thỏa thuận đầu kết thúc vào ngày 22 tháng 10, 2020, Tòa Thánh và Chính Phủ Trung Hoa “đã thỏa thuận kéo dài giai đoạn thi hành thử nghiệm thỏa thuận tạm thời thêm 2 năm nữa”. Thông cáo cùng ngày của Tòa Thánh viết như thế.



Thông cáo trên viết thêm “Tòa Thánh coi việc áp dụng thỏa thuận lúc đầu, một thỏa thuận có giá trị lớn về Giáo Hội học và mục vụ, khá tích cực, nhờ sự thông đạt và hợp tác tốt đẹp giữa hai bên về vấn đề đã được thỏa thuận, và có ý định theo đuổi một cuộc đối thoại cởi mở và xây dựng vì lợi ích của đời sống Giáo Hội Công Giáo và thiện ích của nhân dân Trung Hoa”.

Ai cũng biết theo thỏa thuận lúc ban đầu, Trung Hoa sẽ chọn các Giám Mục và Đức Giáo Hoàng có quyền phủ quyết. Dù Tòa Thánh vẫn coi việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Hoa là của Đức Giáo Hoàng. Nhưng cứ theo những gì công bố lúc đó, thì ít nhất, Tòa Thánh không còn trọn quyền trong việc này.

Tuy nhiên, theo Catholic News Service, các viên chức Vatican luôn cho rằng việc từ bỏ quyền kiểm soát trọn vẹn ấy không phải là điều Tòa Thánh mong muốn, nhưng đây là bước đầu thích đáng hướng tới tự do và an ninh lớn hơn cho cộng đồng Công Giáo Trung Hoa.

Dự thảo thỏa thuận đã được Đức Bênêđíctô XVI chấp thuận

Cùng ngày 22 tháng 10, tờ báo chính thức của Tòa Thánh, L’Osservatore Romano, cho đăng một nhận định dài giải thích các động cơ và mục tiêu của thoả thuận tạm thời.

Bài nhận định cho rằng việc tiếp tục thỏa thuận tạm thời thêm 2 năn nữa “xem ra là cơ hội tốt đẹp để thâm hậu hóa mục đích và các lý do của nó”.

Theo tờ báo, mục đích của thỏa thuận là “hỗ trợ và cổ vũ việc công bố Tin Mừng tại các lãnh thổ này, thiết lập lại sự hợp nhất trọn vẹn và hữu hình của Giáo Hội. Thực vậy, các lý do chính từng hướng dẫn Tòa Thánh trong diễn trình này, trong cuộc đối thoại với các thẩm quyền của đất nước này có bản chất Giáo Hội học và mục vụ từ nền tảng. Vấn đề bổ nhiệm các Giám Mục có tầm quan trọng sinh tử đối với đời sống Giáo Hội, cả địa phương lẫn hoàn vũ. Về phương diện này, Công Đồng Vatican II, trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, tuyên bố rằng ‘Chúa Giêsu Kitô, vị mục từ muôn đời, đã xây dựng Giáo Hội và sai các tông đồ, như chính Người được Chúa Cha sai đi (xem Ga 20:21) và mong rằng các vị kế nhiệm các ngài, nghĩa là, các Giám Mục, trở thành các mục tử của Giáo Hội Người cho đến tận cùng thời gian. Để chính hàng Giám Mục là một và không chia rẽ, Người đã đặt Phêrô diễm phúc lên trên các Tông đồ khác và nơi vị thánh này, Người thiết lập nguyên tắc và nền tảng trường cửu và hữu hình cho sự hợp nhất của đức tin và hiệp thông’ (Lumen Gentium, 18)”.

Tờ báo cho rằng giáo huấn nền tảng trên đã gợi hứng cho các cuộc thương thảo và là điểm tham chiếu cho việc soạn thảo bản văn của thỏa thuận. “Điều này từ từ sẽ bảo đảm sự hợp nhất đức tin và hiệp thông giữa các Giám Mục và việc phục vụ trọn vẹn cộng đồng Công Giáo Trung hoa. Ngày nay, lần đầu tiên trong nhiều thập niên, mọi Giám Mục ở Trung hoa đều hiệp thông với Giám Mục Rôma và, nhờ việc thực thi Thỏa Thuận, sẽ không còn các vụ tấn phong bất hợp pháp nữa”.

Tuy nhiên tờ báo quả quyết rằng Thỏa Thuận không đề cập tới mọi vấn đề và tình huống vẫn còn làm Giáo Hội quan tâm lo ngại, mà chuyên nhất chỉ bàn đến việc bổ nhiệm các Giám Mục, “một điều có tính quyết định và không thể miễn chước đối với việc bảo đảm sinh hoạt bình thường của Giáo Hội, ở Trung hoa cũng như ở mọi nơi trên thế giới”.

Nhân dịp này, tờ báo đề cập đến một số hiểu lầm đối với thỏa thuận, từng được Quốc vụ khanh Tòa Thánh nêu lên trong hội nghị ở Milan ngày 3 tháng 5 năm nay: gán cho thoả thuận các mục đích nó không có hoặc nối kết thỏa thuận với các biến cố liên quan đến sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa vốn nằm ngoài nó, hay nối kết nó với các vấn đề chính trị là những vấn đề không ăn nhập gì với thỏa thuận.

Sau đó, tờ báo đề cập tới lịch sử lâu dài dẫn đến thỏa thuận. Mó vừa là “điểm tận cùng của một hành trình dài cùng được Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tiến bước, nhưng nó cũng là và trước nhất là khởi điểm cho những hiểu biết rộng rãi và có tầm xa hơn”.

Tờ báo quả quyết một điều trái ngược hẳn với nhận định của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất ý thức được các vết thương đụng đến việc hiệp thông của Giáo Hội trong quá khứ, và sau nhiều năm thương thảo lâu dài, được khởi xướng và thi hành bởi các vị tiền nhiệm và trong một tính liên tục hiển nhiên về ý nghĩ với các vị, ngài đã lập lại sự hiệp thông trọn vẹn với các Giám Mục Trung hoa được tấn phong không có ủy nhiệm Giáo Hoàng và đã cho phép việc ký nhận Thỏa Thuận về việc bổ nhiệm các Giám Mục, mà dự thảo vốn đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chấp thuận”.

Về chính việc bổ nhiệm Giám Mục từ ngày có Thỏa Thuận, Tờ báo nhắc đến việc bổ nhiệm 2 Giám Mục: Đức Cha Antonio Yao Shun, của Jining, Khu Tự Trị Nội Mông, và Đức Cha Stefano Xu Hongwei, của Hangzhong, TỈnh Shaanxi, “trong khi một vài diễn trình khác để bổ nhiệm các Tân Giám Mục đang được tiến hành, một số đang ở giai khởi đầu và số khác đã ở giai đoạn tiến xa”.

Tờ báo cho rằng mặc dù về phương diện thống kê, các con số ấy không đáng kể nhưng vẫn là một khởi đầu tốt đẹp, hy vọng dần dà sẽ đạt được các mục tiêu tích cực khác. Tờ báo cho rằng không nên quên tác động của đại dịch đối với thành quả này.

Tờ báo ngầm cho hiểu thành quả của Thỏa Thuận nay là trách nhiệm của các Giám Mục và toàn bộ Giáo Hội Trung Hoa. Tất cả tùy thuộc “sự tham gia hữu hiệu và ngày càng tích cực” của họ:

“Với cộng đồng Công Giáo ở Trung hoa, với các Giám Mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân, Đức Giáo Hoàng ủy thác cách đặc biệt việc cam kết sống tinh thần chân chính yêu thương huynh đệ, thực hiện các cử chỉ cụ thể giúp vượt thắng các hiểu lầm, làm chứng cho đức tin và tình yêu chân chính của mình. Chúng ta phải thừa nhận rằng vẫn còn nhiều tình huống đau khổ lớn lao. Tòa Thánh y thức sâu xa điều đó, xem xét nó và không ngừng lưu ý chính phủ Trung Hoa để họ khích lệ việc thi hành tự do tôn giáo cách hữu hiệu hơn. Con đường còn dài và không hẳn không khó khăn”.

Bạn có thể truyền giảng Tin Mừng mà không cần liên hệ ngoại giao

Elise Ann Allen của Crux, khi tường thuật việc tiếp tục thi hành thỏa thuận tạm thời, cũng đề cập đến khía cạnh liên tục trong các cố gắng của nhiều triều Giáo Hoàng. Thực thế, theo cô, cả cha Cervellera, giám đốc AsiaNews, lẫn ông Affatato, giám đốc FidesNews, cả hai là các chuyên viên hàng đầu về tình hình Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa, đều cho rằng việc Vatican thương thảo với Trung Hoa không có gì là mới lạ cả mà là phương thức nhất quán của Tòa Thánh kể từ lúc liên hệ ngoại giao bị gián đoạn năm 1949.

Cha Cervellera nói “đối với Vatican, họ đã cố gắng trong 60 năm để có mối liên hệ với Trung Hoa. Thời Mao, họ không thực hiện được việc ấy, vì Mao hoàn toàn khép cửa. Nhưng từ thời Đặng Tiểu Bình, cả Đức Gioan Phaolô II lẫn Đức Bênêđíctô XVI, rồi Đức Phanxicô, đều cố gắng có mối liên hệ với Trung Hoa”.

Ông Affatato thì nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II là người đầu tiên lưu ý đến vấn đề các Giám Mục Trung hoa. “Ngài đưa ra thúc đẩy đầu hết” và được cả Đức Bênêđíctô lẫn Đức Phanxicô tiếp nối.

Ông cho biết “nay sự việc đã kết thúc với triều Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng ý muốn của Tòa Thánh từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã luôn hết sức rõ ràng”. Ông nhấn mạnh: trong 70 năm qua Trung hoa “đã thay đổi nhiều. Không còn là Trung hoa của Mao nữa”.

Nhưng, tuy liên hệ giữa hai bên có đó, Cha Cervellera vẫn cảnh cáo đừng cho nó quá nhiều quan trọng, vì thỏa thuận này “là một điều rất nhỏ và mong manh”.

Cha nói: “còn có nhiều vấn đề hết sức lớn lao đối với tự do tôn giáo ở Trung Hoa. 90 phần trăm sự việc trong đời sống Giáo Hội ở Trung Hoa chưa êm ả”.

Thành thử vẫn còn nhiều chỉ trích đối với phương thức đối thoại của Tòa Thánh với Trung Hoa, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Nói chung các chỉ trích này cho rằng thực hiện bất cứ thỏa thuận nào với chính phủ Trung Hoa cũng gần như bán đứng người Công Giáo Trung Hoa từng bị bách hại và cầm tù bởi chế độ cộng sản và chỉ giúp Đảng Cộng Sản Trung Hoa thắt chặt các tôn giáo hơn nữa thay vì cho họ chỗ để thở.

Hai nhân vật nổi tiếng chống lại thỏa thuận là Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo, và Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Người ta hiểu được sự thất vọng của Đức Hồng Y họ Trần khi không tiếc lời thóa mạ quốc vụ khanh Tòa Thánh là tên nói láo, thậm chí hoài nghi cả đức tin của vị này.

Nhưng Cha Cervellera tỏ ra có cảm tình với Đức Hồng Y họ Trần. Cha cho rằng những người chỉ trích như Đức Hồng Y Quân làm nổi bật “một số điều rất quan trọng” đối với tự do tôn giáo ở Trung Hoa và thành tích tôn trọng các thoả thuận của nước này. Nếu các linh mục và Giám Mục bị bó buộc phải vào hàng ngũ với các thẩm quyền chính trị, thì điều này có nguy cơ biến họ thành “công chức nhà nước” hơn là tác nhân truyền giảng Tin Mừng.

Ông Affatato trái lại cho hay thỏa thuận “có bản chất tôn giáo, mục vụ” và như thế, không nên dành cho nó tầm quan trọng về chính trị và địa chính trị, như chính phủ Hoa Kỳ muốn như vậy”.

Ông cũng cho rằng thỏa thuận cho thấy đạo Công Giáo “không phải là một tôn giáo hoàn toàn từ Tây Phương” nhưng có tính phổ quát.

Ông nghi vấn những người chỉ trích thỏa thuận, cho rằng điều quan trọng là việc hợp nhất và đánh giá cao cộng đồng Công Giáo Trung Hoa “không ai, ngoài chính họ, nên nói nhân danh họ”.

Cha Cervellera thừa nhận giá trị của lời kêu gọi phải có một thỏa thuận với Trung Hoa; ngài cho rằng làm khác đi là “chống lại một bức tường”. Nhưng ngài cũng cho rằng Giáo Hội phải rõ ràng hơn đối với việc truyền giảng Tin Mừng. Ngài nói: “Tôi nghĩ trong hai năm tới, Tòa Thánh phải tìm cách hỗ trợ đời sống Giáo Hội nhiều hơn nữa”. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến việc lớn mạnh rất nhanh của Thệ Phản tại Trung Hoa: “bạn có thể truyền giảng Tin Mừng mà không cần đến các liên hệ ngoại giao”.