Ngay khi có tin Đức Phanxicô tuyên bố ủng hộ các cuộc kết hợp dân sự của các cặp đồng tính, Đức Hồng Y Burke đã ra một tuyên bố đề ngày 22 tháng 10, cho hay: “Các tuyên bố như thế khiến người ta rất đỗi ngạc nhiên và gây bối rối và lầm lạc nơi tín hữu Công Giáo, vì chúng mâu thuẫn với giáo huấn của Thánh Kinh và Thánh Truyền, và của Huấn quyền gần đây qua đó Giáo Hội gìn giữ, bảo vệ và giải thích toàn bộ kho tàng đức tin chứa đựng trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Chúng gây ra ngỡ ngàng và lầm lẫn liên quan đến giáo huấn của Giáo Hội cho người có thiện chí, muốn thành thực biết Giáo Hội Công Giáo dạy gì. Chúng áp đặt lên các mục tử của linh hồn nhiệm vụ lương tâm phải làm cho thích hợp và các minh xác cần thiết”.
Theo Đức Hồng Y Burke, các tuyên bố trên thiếu hẳn sức nặng huấn quyền, được coi là ý kiến riêng của người đưa ra, không có tính trói buộc đối với bất cứ ai.
Nhân dịp này, trích dẫn Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (số 2357), Bộ Giáo Lý Đức Tin trong hai văn kiện Persona Humana, Homosexualitatis problema, Đức Hồng Y Burke nhấn mạnh: các hành vi đồng tính luyến ái là “grave depravity” (đồi trụy nặng nề), “intrisically disordered” (rối loạn từ trong nội tại), “mâu thuẫn với luật tự nhiên”... nên không thể được chuẩn nhận, nhưng những người đồng tính thì lúc nào ta cũng phải tôn trọng.
Đức Cha Thomas Tobin của giáo phận Providence, Rhode Island, Hoa Kỳ cũng ra một tuyên bố ngắn đề ngày 21 tháng 10: “việc Đức Thánh Cha xem ra ủng hộ việc thừa nhận các cuộc kết hợp dân sự cho các cặp đồng tính cần được minh giải. Tuyên bố của Đức Giáo Hoàng rõ ràng mâu thuẫn với điều vốn là giáo huấn lâu đời của Giáo Hội về các cuộc kết hợp đồng tính. Giáo Hội không thể ủng hộ việc chấp nhận các mối liên hệ vô luân một cách khách quan. Các cá nhân bị lôi cuốn đồng giới là con cái yêu thương của Thiên Chúa và các nhân quyền và dân quyền bản thân của họ phải được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, hợp pháp hóa các cuộc kết hợp dân sự của họ, một điều vốn tìm cách bắt chước hôn phối thánh thiện, là điều không thể chấp nhận được”.
Đức ông Charles Pope của Tổng giáo phận Washington D.C. thì nhận định rằng “bất cứ lý do hay động lực nào khiến Đức Giáo Hoàng đưa ra các nhận xét của ngài trong buổi phỏng vấn, chúng mãi là các ý kiến cá nhân của ngài...và không thể báo hiệu một thay đổi nào trong giáo huấn muôn thuở của Sách Thánh và của Giáo Hội. Giáo huấn này luôn rõ ràng rằng các hành vi đồng tính luyến ái, cùng với dâm dật và ngoại tình, đều tội lỗi và không thể được chuẩn nhận trong bất cứ trường hợp nào. Bất cứ vị Giáo Hoàng nào cũng không đánh đổ được giáo huấn thánh kinh dạy rằng hôn nhân là sự kết hợp của một người đàn ông với một người đàn bà cho đến chết, sinh hoa trái trong con cái được Thiên Chúa đoái thương gửi đến cho họ”.
Tuy nhiên, theo Đức Ông Pope, người tín hữu bình thường không phân biệt đâu là giáo huấn đâu là ý kiến riêng của vị Giáo Hoàng, nên theo Đức Ông, các vị chức sắc trong đạo đừng cột gánh nặng lên họ phải làm sự phân biệt ấy. Các vị nên “thận trọng hơn đối với việc nói năng tuỳ hứng (casually) và tránh xu hướng quá ư thông thường nhận những cuộc phỏng vấn quá rộng hay trở thành chủ đề cho những cuốn tài liệu nịnh hót thường nhấn mạnh quá đáng tới những gì thế giới muốn nghe”.
Đức Ông không ngần ngại cho rằng “những nhận định của Đức Giáo Hoàng ở đây và trong nhiều dịp trước đây từng gây bối rối, ngỡ ngàng và buồn rầu cho nhiều người Công Giáo muốn có những hướng dẫn rõ ràng trong một thời đại vốn hỗn độn”.
Chính vì thế, Đức Ông “khẩn khoản nài xin Đức Thánh Cha của chúng ta, một lần nữa, nên tự chế các cuộc phỏng vấn với các nguồn thế tục, họp báo trên máy bay và các nhận định ngẫu hứng. Tốt nhất nên gắn bó với việc đưa ra các tuyên bố đã được duyệt xét kỹ càng qua các kênh chính thức và nói chung nên nói ít hơn. Các nhận định của ngài về thay đổi khí hậu, mô hình kinh tế và tranh cử tổng thống ở Hoa Kỳ chỉ làm phiền lòng một số người Công Giáo. Nhưng khi ngài cho ý kiến một cách hàm hồ về những vấn đề nền tảng như gia đình, tính dục và bí tích hôn phối, các hậu quả có thể rất tàn hại”.
Cha Raymond de Souza cũng cho rằng những nhận định của Đức Phanxicô chỉ tóm gọn trong một vài mệnh đề của một cuốn phim tài liệu, chứ không phải là thành phần của một bài nói chuyện được soạn thảo cẩn thận, càng không phải là một văn kiện giáo huấn chính thức.
Tuy nhiên, Cha De Souza nghĩ có thể việc biên tập không thích đáng các phát ngôn của ngài đã gây ra cớ sự. Theo cha, nghiệp vụ truyền thông Vatican, muốn tỏ ra có chút khả năng khiêm nhượng, đáng lý ra phải xem lại cuốn phim tài liệu này trước.
Tầm nhìn của người làm phim
Nicole Winfield và Maria Verza của A.P. ngầm cho thấy sự hữu lý trong nhận định trên của Cha De Souza khi cung cấp cho ta một số sự kiện liên quan đến bối cảnh của lời tuyên bố của Đức Phanxicô.
Đúng như Cha Martin, dòng Tên, người hết lòng bênh vực người đồng tính, Đức Phanxicô tuyên bố như trên một cách trực tiếp dưới ống kính máy quay phim (on camera) chứ không phải dưới hình thức “voiceover” (nói thay).
Nhưng theo hai ký giả trên, ngài không nói trực tiếp với người làm phim, mặc dù, khi được hỏi, ông này quả quyết ngài nói trực tiếp với ông ta. Hai ký giả cho rằng người thực hiện cuốn phim tài liệu chỉ khai thác một đoạn phim hiện lưu giữ tại văn khố Vatican.
Đoạn phim trên trích từ một cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô của đài truyền hình Televisa, Mễ Tây Cơ, tháng 5 năm 2019. Cuộc phỏng vấn này đã không được phát tuyến trọn vẹn. Hôm thứ Năm vừa qua, người thực hiện cuốn phim này cho A.P. hay lý do của việc bỏ phần nói về các cuộc kết hợp đồng tính: vì tập chú của cuộc phỏng vấn là vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, chứ không phải vấn đề đó.
Theo A.P., Cha Antonio Sparado, cố vấn truyền thông hàng đầu của Đức Phanxicô, cũng quả quyết rằng các nhận định của Đức Giáo Hoàng là tin cũ, vốn có trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 5 năm 2019 với Televisa.
Thông thường thì Tòa Thánh hay biên tập các điều Đức Giáo Hoàng nói, nhất là về các vấn đề tế nhị. Nhưng trọn vẹn lời của ngài thì vẫn còn trong văn khố và văn khố này đã được mở cho nhà làm phim Evgeny Afineevsky, đạo diễn cuốn phim “Francesco”.
Thái độ của nhà làm phim trên được A.P. thuật lại như sau: “một việc khuấy động làn nước là sự kiện Afineevsky, khi được các ký giả hỏi ép vào hôm thứ Tư vừa qua, đã nói rằng Đức Giáo Hoàng đưa ra nhận định đó cách trực tiếp với ông, qua một thông dịch viên, nhưng từ chối nói khi nào”.
A.P. từng được xem trước cuốn phim nên lúc gặp đạo diễn trên hôm 14 tháng 10, 2020, A.P. hỏi liệu ông có hiểu rằng các nhận định của Đức Giáo Hoàng sẽ gây xôn xao dư luận hay không. Ông ta không trả lời thẳng câu hỏi, nhưng tỏ ra muốn đánh giá thấp tầm quan trọng của nó, cho rằng ông hy vọng các nhà báo sẽ rút ra được nhiều điều hơn thế từ cuốn phim: “Nếu các nhà báo chỉ lưu tâm tới cuốn phim này vì điều đó, thì quả là đáng thương hại”.
Nhưng sau đó, ông nói thêm: “tôi nghĩ đó là một trong các vấn đề mà thế giới chúng ta cần hiểu, rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng”.
Thì ra, theo hai ký giả trên, Afineevsky vốn là người đồng tính luyến ái. Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên sau khi trình chiếu cuốn phim thấy các nhận định của Đức Giáo Hoàng gây xôn xao dư luận. Theo ông, Đức Giáo Hoàng đâu có thay đổi tín lý, ngài chỉ phát biểu niềm tin của ngài rằng người đồng tính nên được hưởng cùng những quyền lợi như người dị tính.
Sống chung hay kết hợp
Tầm nhìn của một người đồng tính về các vấn đề liên quan và “có lợi” cho người đồng tính khó mà tránh được xu hướng muốn lái câu chuyện sang một hướng khác. Thí dụ, đặt hai tuyên bố về hai khía cạnh khác nhau ở gần nhau trong phim khiến người xem có cảm tưởng đó là chủ trương đơn nhất. Lời dịch sang tiếng Anh cũng có thể không sát ý với nguyên văn tiếng Ý. Tạp chí America có nhắc đến nguyên văn tiếng Ý thuật ngữ Đức Phanxicô sử dụng là “convivencia civil” hay “sống chung” theo dân luật.
Mặc dù, ở Argentina, người ta có thể hiểu “sống chung” là “kết hợp” đi nữa, thì thuật ngữ “sống chung” từ môi miệng vị nay là Giáo Hoàng có thể không hẳn chỉ là “kết hợp” với hàm ý có liên hệ tính dục.
Đó là ý nghĩa được Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của Tổng giáo phận San Francisco quảng diễn, và Cha Trần Công Nghị đã chuyển dịch sang Việt Ngữ (http://www.vietcatholic.net/News/Html/261202.htm). Khi Đức Giáo Hoàng đề cập đến một hình thức pháp luật bảo vệ các cuộc sống chung này, ngài không hẳn nói đến khía cạnh kết hợp tính dục, cho bằng, như giáo sư Gibson của Đại Học Fordham nhấn mạnh, phúc lợi thể lý (an toàn tính mạng, thoát khỏi tù ngục, hoặc được hưởng các quyền lợi kinh tế tài chánh y tế, thừa kế...).
Theo Cha Father Raymond J. de Souza (https://www.ncregister.com/commentaries/pope-francis-didn-t-change-church-teaching-on-marriage), tổng giáo phận San Francisco vốn đã áp dụng cái hiểu ấy từ lâu. Thực thế, năm 1997, thành phố San Francisco đã buộc các chủ nhân, kể cả Giáo Hội Công Giáo, cung cấp phúc lợi cho các cặp đồng tính. Đức Tổng Giám Mục William Levada, sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin thời Đức Bênêđíctô, đề nghị một giải pháp khác. Một nhân viên có thể chỉ định một người khác ở cùng địa chỉ để chia sẻ phúc lợi. Điều này thỏa mãn yêu cầu của thành phố đòi cho các cặp đồng tính trong liên hệ tính dục được hưởng phúc lợi, nhưng cũng giúp Giáo Hội khỏi phải dây dưa đến việc chính thức thừa nhận các mối liên hệ này như tương đương với hôn nhân.
Chính vì thế, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone, trong tuyên bố của ngài, đề nghị đặt “các cuộc kết hợp dân sự” vào bối cảnh của giải pháp San Francisco: “Tôi xin nói thêm rằng cuộc kết hợp dân sự nên có tính bao gồm càng nhiều càng tốt, chứ không chỉ giới hạn ở hai người cùng giới tính trong một liên hệ giả thiết phải là tính dục. Thí dụ, không có lý do gì tại sao một anh trai và một em gái, cả hai đều không lập gia đình nhưng nâng đỡ lẫn nhau, lại không được hưởng cùng những phúc lợi loại này”.
Hình thức giúp đỡ hợp pháp các cặp sống chung dân sự còn có thể đi xa hơn thế, như Cha De Souza nhắc đến trong bài báo của ngài, khi đề cập đến chuyện “hôn nhân giả”. Ngài trưng dẫn hoạt cảnh giả tưởng của nhà bỉnh bút Micheal Sean Winters của tờ National Catholic Reporter, một người tự xưng là Công Giáo cấp tiến có cảm tình với “hôn nhân” đồng tính: “Nếu ngày mai tôi thấy tôi bị ung thư và chỉ còn 6 tháng nữa để sống, tôi sẽ cưới người bạn cùng phòng cũ cũng đực rựa như tôi. Tôi không làm thế vì chúng tôi yêu nhau, vì quả thực chúng tôi không yêu nhau. Tôi không làm thế vì tôi có ý định, qua hành động đó, tiếp cận cách nào đó với bí tích hôn phối của Giáo Hội. Không, tôi làm thế, sau khi trở thành người thi hành gia tài khá nhỏ và đơn giản của ba tôi, tôi biết sẽ dễ dàng hơn nhiều để xử lý những việc như trương mục ngân hàng của tôi, và nhất là, con chó của tôi nếu tôi có một người phối ngẫu hợp pháp sống sau tôi”.
Cha de Souza cho rằng có nhiều cách khác có thể giúp Winters có được một cuộc “kết hợp dân sự” mà không phải làm hôn thú giả như trên. Thiển nghĩ đó cũng là ý hướng của Đức Phanxicô. Vị Giáo Hoàng Dòng Tên vẫn muốn khuấy động, động não, để người ta chịu biện phân hay phân định tìm ra giải pháp cho những vấn đề phức tạp có thể tác động lên cả sinh mạng con người như nhận định của giáo sự Gibson.