Ngay cả khi bà ta không sử dụng từ này, nhà thần học Anne Soupa lại một lần nữa đóng một vai trò khiêu khích đối với Giáo Hội.

Anne Soupa, 73 tuổi, là nhà báo và học giả Kinh thánh, một trong những nhà hoạt động nổi tiếng của Pháp chuyên đấu tranh để đòi hỏi các vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo. Hôm 25 tháng Năm, bà đã gửi một lá thư đến Sứ thần Tòa Thánh ở Paris nói rằng bà muốn lãnh đạo tổng giáo phận Lyon, là một tổng giáo phận đã có từ rất lâu trong lịch sử Giáo Hội.

Bên cạnh lá thư xin việc rất chi tiết, bà còn đính kèm một sơ yếu lý lịch của mình.

Soupa là người đồng sáng lập tổ chức “Hội Nghị Những Người Nói Tiếng Pháp Đã Được Rửa Tội”, gọi tắt là CCBF.

Đơn xin ứng cử của bà đã nhận được hỗ trợ từ nhóm Parole Libérée, là nhóm đã quyết liệt đưa Đức Hồng Y Philippe Barbarin ra tòa về tội “không tố cáo hành vi đối xử tệ bạc với trẻ vị thành niên” của cha Bernard Preynat. Hôm thứ Năm 30 tháng Giêng, Tòa Phúc Thẩm ở Lyon đã tuyên bố ngài vô tội. Tuy nhiên, sau vụ này Đức Hồng Y đã xin Đức Thánh Cha cho ngài từ chức Tổng Giám Mục Lyon vì theo Đức Hồng Y, ngài muốn anh chị em giáo dân “có thể được nên một”.

Tổng giáo phận Lyon là một trong những vị quan trọng nhất ở Pháp và thường do một Hồng Y đứng đầu, đã không có một vị lãnh đạo tinh thần kể từ đầu tháng 3 khi Đức Hồng Y Philippe Barbarin từ chức.

Nói về triển vọng bà được phong chức Tổng Giám Mục, Anne Soupa nói:

“Nó sẽ không xảy ra. Tôi biết điều đó. Nhưng tôi muốn chúng ta có thể tưởng tượng một người phụ nữ trở thành tổng giám mục mà không phải là một trò đùa”.

Không phải phụ nữ nào cũng đồng tình với các trò khiêu khích của bà Anne Soupa.

Cô Marianne Schlosser, một thần học gia người Đức là một thí dụ. Schlosser là một người miền Bavaria, quê hương của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, cũng là cố vấn cho Ủy ban Đức tin của Hội Đồng Giám Mục Đức và kể từ tháng Giêng năm 2018, cô là một thành viên của Ủy ban Thần học của Hội Đồng Giám Mục Áo.

Vào ngày 23 tháng 9 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Schlosser làm thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế. Cô cũng được chỉ định là thành viên của ủy ban nghiên cứu điều tra việc phong chức phó tế cho nữ giới vào năm 2016.

Schlosser cũng là giáo sư thần học tại Đại học Vienna và là người đã nhận được Giải thưởng Ratzinger 2018. Cô đã được mời tham gia tiến trình công nghị tại Đức trong diễn đàn “phụ nữ trong các vai trò và chức vụ trong Giáo Hội”, với tư cách là một chuyên gia.

Tuy nhiên, tháng 9, 2019 cô tuyên bố rút lui. Schlosser cho biết cô không thể đồng ý với Tài Liệu Làm Việc của nhóm chuẩn bị. Cô đã nêu ra một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề “thành kiến cố hữu trong việc phong chức” cho phụ nữ.

Cái người ta gọi là “thành kiến cố hữu” này không phải là vấn đề có thể bàn cãi về mặt thần học, lịch sử, mục vụ hay linh đạo. Cô nói với KNA rằng Giáo Hội Công Giáo dạy rằng Giáo Hội không có thẩm quyền trong việc phong chức cho phụ nữ.

Cô Schlosser cho biết các cuộc thảo luận về việc phong chức cho phụ nữ đã “được tiến hành từ rất lâu rồi”, tất cả các lý lẽ tranh luận đã được trao đổi và được đưa hết lên bàn thảo luận rồi.

Chức tư tế dành cho phụ nữ là điều không thể được vì điều đó không thuộc về thẩm quyền của Giáo Hội như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố một cách “chung cuộc về vấn đề này” với tất cả hiệu lực ràng buộc trên toàn thể Giáo Hội vào năm 1994 - và nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẳng định như thế.

Cô Schlosser bày tỏ nỗi sợ hãi rằng những tranh luận vô ích như thế chỉ gây thêm sự phân cực trầm trọng trong Giáo Hội.


Source:La Croix