1. Buổi lễ tuyên thệ của 38 ngự lâm quân Thụy Sĩ
Do đại dịch coronavirus COVID-19, việc tuyên thệ hàng năm của các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ được dự trù diễn ra vào ngày 4 tháng Năm, đã bị hoãn lại cho đến ngày 4 tháng Mười vừa qua.
Ngày 6 tháng Năm năm nay đã được đánh dấu bằng một Thánh lễ riêng và lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.
Hôm 4 tháng 10, 38 tân ngự lâm quân Thụy Sĩ làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.
Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.
Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!
Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.
Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.
Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.
Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.
2. Các thẩm phán của Tòa án Tối cao nói rằng Obergefell là một 'vấn đề' đối với tự do tôn giáo
Các Thẩm Phán Clarence Thomas và Samuel Alito hôm thứ Hai nói rằng phán quyết Obergefell của Tòa án Tối cao đã đặt ra nhiều vấn đề đối với tự do tôn giáo.
“Khi ban quá nhiều đặc quyền, một cách phi dân chủ, cho một quyền hiến định mới, là quyền kết hôn đồng tính, trên cả các lợi ích tự do tôn giáo đã được bảo vệ rõ ràng trong Tu chính án thứ nhất, Tòa Án Tối Cao đã tạo ra những vấn đề mà chỉ mình nó mới có thể khắc phục được”, các thẩm phán viết trong một ý kiến được công bố hôm thứ Hai.
Họ đã cảnh báo: “Cho đến khi được khắc phục, phán quyết Obergefell sẽ tiếp tục có 'hậu quả tai hại cho tự do tôn giáo'“.
Theo ý kiến của họ, phán quyết có tính bước ngoặt vào năm 2015 đã khiến hôn nhân đồng giới chống lại tự do tôn giáo.
Ngày 18 tháng 5 năm 1970, James Michael McConnell quản thủ thư viện tại Đại học Minnesota và Richard John Baker, sinh viên luật tại trường này đã nộp đơn xin kết hôn ở Quận Hennepin, tiểu bang Minneapolis. Gerald Nelson, Thư ký Tòa án Quận đã từ chối yêu cầu này với lý do duy nhất là cả hai người đều là nam giới. Họ đã đệ đơn lên tòa án quận để kiện Nelson nhưng thất bại. Vụ kiện tiếp tục được đưa lên các tòa trên và được gọi là vụ Baker chống Nelson. Tất cả các vụ kiện này đều thất bại.
Ngày 26 tháng 6, 2015, dưới thời Obama và Biden, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết bác bỏ các phán quyết trước đó và buộc các tiểu bang phải cấp hôn thú cho các cặp hôn nhân đồng tính.
Nạn nhân đầu tiên của phán quyết Obergefell là cô Kim Davis. Năm 2015, thư ký quận Kim Davis của Kentucky đã gây xôn xao dư luận vì từ chối cấp hôn thú cho các cặp đồng tính, và tuyên bố rằng điều đó đi ngược lại niềm tin tôn giáo của cô. Nhưng cô đã bị kiện. Chiếu theo phán quyết Obergefell cô bị cầm tù và sau đó mất công ăn việc làm.
Tuyên bố của hai Thẩm Phán Clarence Thomas và Samuel Alito được đưa ra chỉ một ngày Lễ Đỏ khai mạc năm tư pháp 2020 – 2021, trong đó Đức Cha Michael Burbidge của giáo phận Arlington đã thuyết giảng rất hùng hồn về phẩm giá con người và luật tự nhiên.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Cha Burbidge thuyết giảng về phẩm giá con người và luật tự nhiên trong Thánh lễ Đỏ
Thánh lễ Đỏ, tiếng Anh gọi là Red Mass, là một Thánh lễ được cử hành hàng năm trong Giáo Hội Công Giáo để cầu nguyện cho tất cả các thành viên của ngành luật, không phân biệt tôn giáo như các thẩm phán, luật sư, giáo sư trường luật, sinh viên luật và quan chức chính phủ, đánh dấu sự mở đầu của năm tư pháp. Thông qua lời cầu nguyện và tạ ơn, trong thánh lễ này, được đặc trưng bởi phẩm phục màu đỏ trong Thánh lễ, cộng đoàn khẩn cầu sự phù trợ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cho tất cả những ai tìm kiếm công lý, và tạo cơ hội cho cộng đồng luật pháp suy ngẫm về những gì người Công Giáo tin là quyền năng và trách nhiệm do Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người trong nghề luật.
Đức Cha Michael Burbidge, Giám Mục Arlington rao giảng về sự thánh thiêng của sự sống và phẩm giá phổ quát của con người tại Thánh lễ đỏ hàng năm để đánh dấu sự mở đầu của năm tư pháp ở Washington, DC, vào hôm Chúa Nhật 4 tháng 10.
Phát biểu trước một cộng đoàn bao gồm các thẩm phán Tòa án Tối cao và các viên chức công quyền, Đức Cha Burbidge nhấn mạnh tầm quan trọng của các bảy ơn Chúa Thánh Thần, đặc biệt là ơn khôn ngoan, ơn biết lo liệu, ơn dũng cảm, và ơn hiểu biết.
“Đây là những ân sủng mà chúng ta cần để bảo vệ sự thánh thiêng của tất cả cuộc sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, để chúng ta duy trì phẩm giá của mỗi con người không có bất cứ ngoại lệ nào, để loại bỏ khỏi quốc gia chúng ta tệ nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị và bạo lực trên đường phố, cũng như mang lại công lý cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nhập cư và những người dễ bị tổn thương nhất, để bảo vệ tự do tôn giáo và tự do, và chăm sóc kỳ công sáng tạo của Chúa, là ngôi nhà chung của chúng ta.”
Lễ Đỏ, được gọi như vậy bởi vì lễ phục màu đỏ như chúng ta thường thấy trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đã được coi là một truyền thống ở Rome, London và Paris. Tại Hoa Kỳ, thánh lễ này được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10 tại Nhà thờ Thánh Matthêu ở thủ đô Washington, DC, khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tòa án Tối cao.
Đức Cha Burbidge, được bổ nhiệm làm Giám mục Arlington vào năm 2016, đã kể lại vụ bắn các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội tiểu bang xảy ra trong giáo phận của ngài chỉ sáu tháng sau khi ngài nhận nhiệm sở. Ngài đã tổ chức một cuộc rước Thánh Thể trên các đường phố của Alexandria hai ngày sau đó.
“Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó. Ngày hôm đó có sự im lặng sâu sắc trên đường phố. Mọi người thuộc mọi tín ngưỡng đã dừng lại, và thậm chí quỳ xuống. Và sau đó, một người nói với tôi, 'Thưa Giám mục, ngày nay chúng tôi được nhắc nhở về điều mà đất nước chúng ta cần hơn bao giờ hết – đó là sự hiện diện của Chúa Kitô trên đường phố và trong trái tim chúng ta”.
Source:Catholic News Agency
4. Cử chỉ hòa giải của Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đối với Tổng thống Trump
Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật mới nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II.
Trong bối cảnh đang có những tranh luận liên quan đến phản ứng của tổng thống đối với các cuộc bạo loạn trên khắp đất nước sau cái chết của anh George Floyd, việc Tổng thống Donald Trump đến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington, D.C. đã gây ra các phản ứng trái chiều ngay cả trong giới Công Giáo. Người chỉ trích mạnh chuyến viếng thăm này của Tổng thống Trump là Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington DC.
Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã kế nhiệm Đức Hồng Y Donald Wuerl làm Tổng Giám Mục Washington DC từ ngày 21 tháng Năm, 2019. Ngài là người da đen đầu tiên làm Tổng Giám Mục thủ đô Hoa Kỳ.
Những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory không được các Giám Mục Hoa Kỳ khác hưởng ứng, thậm chí còn bị chỉ trích.
Trong Thánh lễ Đỏ, tiếng Anh gọi là Red Mass, được cử hành hàng năm trong Giáo Hội Công Giáo để cầu nguyện cho tất cả các thành viên của ngành luật, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã dâng lời cầu nguyện cho tổng thống Trump và phu nhân được mau thoát khỏi các nguy hiểm của COVID-19. Ngài cũng cầu nguyện cho việc đề cử Thẩm Phán Amy Coney Barrett của Tổng thống Trump được thành sự.
Động thái này được nhiều người xem là một cử chỉ hòa giải của Đức Tổng Giám Mục Gregory.
Source:Catholic News Agency
5. Chương thứ nhất của thông điệp Fratelli Tutti
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti”, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Hiền Hòa xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ nhất của thông điệp này.
Thông điệp được mở đầu bằng một lời dẫn nhập ngắn gọn và được chia thành tám chương, Thông điệp - như chính Đức Thánh Cha giải thích - tập hợp nhiều tuyên bố của ngài về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, tuy nhiên, được sắp xếp, “trong một bối cảnh suy tư rộng lớn hơn” và được bổ sung bằng “một số thư từ, tài liệu” được gửi đến Đức Phanxicô bởi nhiều cá nhân và nhiều nhóm trên khắp thế giới.
Trong chương đầu tiên, “Những đám mây đen trên một thế giới khép kín”, thông điệp Fratelli Tutti suy nghĩ về những bóp méo đương đại: sự thao túng và biến dạng của các khái niệm như dân chủ, tự do, công lý; sự mất đi ý nghĩa của cộng đồng xã hội và lịch sử; tính ích kỷ và sự thờ ơ đối với lợi ích chung; sự trổi vượt của luận lý học thị trường dựa trên lợi nhuận và não trạng văn hóa vứt bỏ; nạn thất nghiệp, phân biệt chủng tộc, nghèo đói; sự chênh lệch về quyền lợi và những sai lệch của nó như nô lệ, buôn người, khuất phục phụ nữ rồi ép phải phá thai, buôn bán nội tạng.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chương thứ nhất bàn đến các vấn đề toàn cầu đòi phải có các hành động toàn cầu. Chương này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chống lại một “nền văn hóa xây tường”, dẫn đến việc gia tăng tội phạm có tổ chức, được khuyến khích bởi nỗi sợ hãi và cô đơn. Hơn nữa, ngày nay chúng ta thấy sự xuống cấp đạo đức, một cách nào đó có sự góp phần của các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn làm tiêu tan lòng tôn trọng người khác và loại bỏ mọi suy xét chín chắn, tạo ra những nhóm người ảo cô lập và tự quy chiếu vào chính mình, trong đó tự do là một ảo tưởng, và đối thoại không mang tính xây dựng.
Tuy nhiên, đối với nhiều bóng tối trên thế giới, thông điệp đáp lại bằng một điển hình sáng lạn, một sứ giả của hy vọng: đó là Người Samaritanô nhân hậu.
Source:Vatican News