Trong một tuyên bố đưa ra vào đầu tháng này, Đức Hồng Y Charles Bo của Yangon, Miến Điện nói rằng, “Ở Trung Quốc, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt những điều có thể coi là những tội ác tập thể tồi tệ nhất trong thế giới đương đại và tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy điều tra.”
Cuộc đàn áp và hành động tàn bạo hàng loạt đang diễn ra ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (XUAR) của Trung Quốc, nơi mà người Duy Ngô Nhĩ gọi là Đông Turkestan.
Hưởng ứng lời kêu gọi của ngài, Đức Giám Mục Declan Lang, Chủ tịch Ủy Ban Các vấn đề Quốc tế của Hội đồng Giám mục Công Giáo, Anh quốc và xứ Wales, cùng với Đức Hồng Y Tổng Giám mục và Jakarta, Nam Dương, đã cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo các cộng đồng tín ngưỡng ra tuyên ngôn kêu gọi hành động nhằm ngăn chặn “một trong những thảm kịch nhân loại nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm họa Holocaust: cuộc diệt chủng của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Trung Quốc.”
Sau đây là toàn văn Bản tuyên ngôn:
“Với tư cách là các nhà lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo các cộng đồng dựa trên tín ngưỡng, chúng tôi cùng nhau khẳng định phẩm giá con người cho tất cả mọi người bằng cách nêu bật một trong những thảm kịch nghiêm trọng nhất của con người kể từ Holocaust: cuộc diệt chủng tiềm tàng của người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Trung Quốc.
Chúng tôi đã chứng kiến nhiều cuộc đàn áp và tàn bạo hàng loạt. Những điều này khiến chúng tôi cần phải quan tâm. Nhưng có một điều phải quan tâm là, nếu điều ấy cứ tiếp tục xẩy ra mà không bị trừng phạt, thì cần phải đặt ra câu hỏi nghiêm túc nhất về sự sẵn lòng của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ nhân quyền phổ quát cho tất cả mọi người – đó chính là hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ.
Ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Trung Quốc bị giam giữ trong các trại tù đang phải đối mặt với nạn đói, tra tấn, giết người, bạo lực tình dục, lao động nô lệ và cưỡng bức mổ lấy nội tạng.
Bên ngoài các trại tù này, tự do tôn giáo cơ bản bị từ chối. Các nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy, trẻ em bị tách khỏi gia đình, và các hành động đơn giản như sở hữu Kinh Coran (Qur'an), cầu nguyện hoặc ăn chay có thể dẫn đến bị bắt giam.
Trạng thái giám sát len lỏi soi mói nhất thế giới xâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống ở Tân Cương.
Nghiên cứu gần đây cho thấy một chiến dịch cưỡng bức triệt sản và ngăn ngừa sinh đẻ nhắm vào ít nhất 80% phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong độ tuổi sinh đẻ ở bốn quận có dân cư của người Duy Ngô Nhĩ - một hành động mà xét theo Công ước Diệt chủng năm 1948, có thể được sánh ngang với mức độ diệt chủng.
Mục đích rõ ràng của chính quyền Trung Quốc là xóa bỏ bản sắc người Duy Ngô Nhĩ. Truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã tuyên bố rằng mục tiêu là “phá bỏ dòng họ, phá bỏ cội nguồn, phá bỏ mối liên hệ và phá bỏ nguồn gốc của họ”. Như Washington Post đã ghi nhận: “Thật khó có thể đọc tuyên bố này như bất cứ điều gì khác hơn là một tuyên bố về ý định diệt chủng”. Các tài liệu cấp cao của chính phủ Trung Quốc nói về “hoàn toàn không khoan nhượng”.
Các nghị sĩ, chính phủ và luật gia phải có trách nhiệm điều tra.
Là những nhà lãnh đạo đức tin, chúng tôi không phải là nhà hoạt động hay nhà hoạch định chính sách. Nhưng chúng tôi có trách nhiệm lên tiếng kêu gọi cộng đồng của chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đồng loại và hành động khi họ gặp nguy hiểm.
Trong cuộc diệt chủng Do Thái Holocaust xưa một số Kitô hữu đã ra tay giải cứu người Do Thái. Một số đã lên tiếng. Đúng như Dietrich Bonhoeffer đã viết: “Im lặng khi đối mặt với tội ác tự nó là đồng lõa với tội ác… Không lên tiếng tức là đồng lõa. Không hành động cũng là đồng lõa “. Sau Holocaust, thế giới đã nói: “Không bao giờ tái diễn nữa!”
Hôm nay, chúng tôi lặp lại những từ này “Không bao giờ tái diễn nữa!”, tất cả chúng tôi muốn lập lại một lần nữa. Chúng tôi muốn chung vai sát cánh với người Duy Ngô Nhĩ. Chúng tôi cũng chung vai sát cánh với các Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công và các Kitô hữu trên khắp Trung Quốc, những người đang phải đối mặt với cuộc đàn áp tồi tệ nhất đối với tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa.
Chúng tôi kêu gọi những người có niềm tin và lương tâm ở khắp mọi nơi cùng tham gia với chúng tôi: cầu nguyện, đoàn kết và hành động để chấm dứt những hành động tàn bạo hàng loạt này. Chúng tôi muốn thực hiện một lời kêu gọi đơn giản cho công lý, để điều tra những tội ác này, yêu cầu những người có trách nhiệm phải giải trình và thiết lập một con đường hướng tới việc khôi phục nhân phẩm.