Theo hãng tin Zenit, trong bản tin ngày 12 tháng 6, Viện Liên Tôn Elijah và Hội Đồng Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới của nó đã qui tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc nhất của thế giới để đưa ra các hướng dẫn liên quan đến các thách thức tâm linh của đại dịch Covid-19 và đề ra một viễn kiến cho thế giới sau cuộc khủng hoảng. Một trong các sứ điệp chủ chốt xuất hiện trong “Coronaspection” — cuốn video thu thập cái nhìn tâm linh nội quan của 40 nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu dưới góc độ đại dịch Covid-19, là sứ điệp liên đới và tương liên.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo từ bảy tôn giáo trải khắp mười lăm quốc gia, bao gồm Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tổng Giám mục Canterbury, các giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu, các Trưởng Giáo sĩ Do Thái giáo, giáo sĩ Ấn giáo, Hồng Y và thầy giáo đã tham gia dự án.

Đoạn phim giới thiệu tựa là Coronaspection trình bầy tình liên đới và đoàn kết như các thông điệp chính xuất phát từ đại dịch hoàn cầu, các thông điệp thậm chí càng trở nên có liên quan hơn dưới góc độ các sự kiện hoàn cầu gần đây.

Như Trưởng Thượng Jeffrey Holland của Giáo Hội Chúa Giêsu của Các Thánh Ngày Sau Hết tuyên bố trong cuộc phỏng vấn này, “Sự sống là điều quý giá. Mọi người đều quan trọng. Những khoảnh khắc này có tính hoàn vũ”. Tâm tình này được lặp lại bởi các nhà lãnh đạo các tín ngưỡng lớn của mọi tôn giáo. Giáo sĩ Hồi giáo Fealu Abdul Rauf nói rằng “Tất cả nhân loại đều là một”, hay như Thượng phụ Mashalian của Armenia nhận định một cách ngắn gọn, “tình huynh đệ của nhân loại là một sự kiện khoa học”. Yahya Cholil Staquf, tổng thư ký của tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Indonesia (Nahdlatul Ulama), quả quyết “các biên giới vật lý và xã hội ngày càng trở nên không có liên quan”. Thành thử, Giáo sĩ Do thái giáo Jonathan Wittenberg, đứng đầu Phong trào Masorti ở Anh, xác nhận “Điều xảy ra cho một người cuối cùng sẽ xảy ra cho mọi người”. Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury kết luận, “Có một tính nối kết qua lại giúp truyền bá tội ác và tội lỗi, sợ hãi và đề kháng người khác...thách thức là, liệu chúng ta có thể biến tính nối kết này thành sự nối kết lòng trắc ẩn, lòng quảng đại và tình yêu hay không? "

Các cuộc phỏng vấn, được điều hợp bởi Giám đốc của Viện Liên tôn Elijah, Giáo sĩ Do Thái Giáo Alon Goshen-Gottstein, sẽ được công bố ba lần một tuần trong tháng tới trên Tạp chí The Tablet trong một loạt gồm 12 bài.

Các cuộc phỏng vấn ấy cung cấp một cửa sổ so sánh rất hấp dẫn về việc các nhà lãnh đạo tôn giáo khác nhau, thuộc nhiều truyền thống đa dạng, giải thích và đi đến chấp nhận ra sao các sự kiện hiện đang diễn ra trên khắp thế giới. Nhìn chung, dự án vừa có tính giáo huấn so sánh các tôn giáo vừa là nguồn cảm hứng xuyên tôn giáo đối với đời sống tâm linh. Nó vừa liên quan đến các vấn đề trực tiếp xuất phát từ cuộc khủng hoảng COVID-19 vừa liên quan đến các thách thức liên tục của cuộc sống, trong đó có cả cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Các cuộc phỏng vấn không chỉ tập chú vào các quan điểm lý thuyết mà còn tìm cách gây cảm hứng tôn giáo nữa. Để đạt mục đích này, hầu hết các cuộc phỏng vấn kết thúc bằng lời cầu nguyện và đôi khi bài suy niệm, có thể giúp người xem đối phó với những thách thức tâm linh đương thời do coronavirus nêu ra.

Giám đốc Viện, Giáo sĩ Goshen-Gottstein, cho biết: “vào lúc này, chắc chắn thế giới không phải chỉ đang cần mặt nạ. Nó cần ý nghĩa. Nó cần định hướng. Nó cần hy vọng. Nó cần các khí cụ để vượt qua không những các thách thức thể lý do coronavirus tạo ra mà cả các thách thức tinh thần. Nếu cuộc khủng hoảng có tính hoàn cầu, thì giáo huấn cũng phải có tính hoàn cầu. Trong khi mọi bậc thầy đều ngỏ lời với cộng đồng của mình, thì không vị nào tìm cách tập hợp các tiếng nói của các tôn giáo khác nhau để cung hiến lời dạy, ý nghĩa và hy vọng”.

Các phiên bản dài của các cuộc phỏng vấn cũng như các viên đá qúy khôn ngoan ngắn hơn đều có sẵn trên trang mạng www.coronaspection.org của Viện Elijah và trên kênh YouTube cũng như trên các phương tiện truyền thông xã hội và diễn đàn quốc tế.

Viện Liên tôn Elijah là một tổ chức liên tôn phi lợi nhuận, quốc tế, được tài trợ bởi UNESCO, do Giáo sĩ Do Thái giáo Alon Goshen-Gottstein thành lập vào năm 1997. Sứ mệnh của Viện Liên tôn Elijah, được gói ghém trong khẩu hiệu của nó “Chia sẻ Khôn ngoan, Phát huy Hòa bình”, là đào sâu sự hiểu biết giữa các tôn giáo.