Vốn đã vô hình đối với xã hội ngoài kia, người cao niên càng trở thành vô hình hơn nữa đối với đại dịch Covid-19. Nhiều người qua đời không một người thân bên cạnh dù con đàn cháu đống. Hoàn cảnh thật thảm thương không bút nào tả. Không biết sau khi Covid-19 qua đi, có người nào chịu nhắc đến thảm kịch có một không hai trong lịch sử loài người này không?



Có người cho rằng chẳng qua cũng vì ích lợi của chính người cao niên vì họ là người dễ bị coronavirus tấn công. Nhưng thực tế hình như không phải vậy. Người ta sợ người già hơn sợ hủi vì sợ họ lây bệnh cho người khác, nhất là lớp trẻ. Rất nhiều trường hợp bố mẹ xua mấy đứa con ra xa khỏi ông bà. Người ta chỉ đọc thấy ở đấy một thông điệp duy nhất: tránh lây nhiễm từ ông bà, chứ không ngược lại!

Người cao niên vì thế cảm thấy mình thật cô đơn và bị bất hủi. Không lạ gì, theo Melissa Vida của tạp chí America (25 /5/2020), ở Madrid, khi linh mục Gabriel Benedicto và nhóm mục vụ của ngài tại giáo xứ Đức Mẹ La Paloma có sáng kiến mỗi tối vào hồi 8 giờ cho phát hình trên Youtube một chương trình ca nhạc, thì chương trình của Cha đã được người cao niên theo dõi nhiệt tình.

Trong số đó có bà Gloria Álvarez, ở tuổi 70. Đã hai tháng nay, bà sống một mình tại căn hộ của bà, chưa bao giờ bước chân ra ngoài. Đầu tháng 3 vừa qua, bà cảm thấy yếu mệt, dù không biết chắc có mắc coronavirus hay không. Bà cho biết “rất khó cho tôi; tôi sợ hãi hết sức”. Thế rồi, bà theo dõi chương trình ca nhạc của Cha Benedicto. “Điều giúp tôi là tôi không cảm thấy mình cô đơn nữa” vì biết rằng “một ai đó đang cầu nguyện” cho bà và với bà, điều này giúp bà vượt qua các ngày sống cô đơn trong căn hộ trống vắng.

Bà nói: đôi khi cảm giác cô đơn lạnh lẽo xuất hiện, những lúc như thế bà luôn nhớ tới sự hiện diện đầy trấn an của Chúa Giêsu và lắng nghe chương trình âm nhạc hàng ngày của Cha Benedicto trên internet. Bà bảo “Cha Gabriel giúp chúng tôi bận bịu cả buổi chiều, tốt quá!”. Bà dùng máy tính bảng (tablet) để theo dõi chương trình của cha.

Chương trình của Cha Gabriel thực sự không nhằm duy nhất vào người cao niên, mà là chung cho cả giáo xứ và khu phố chung quanh. Các bản nhạc được chọn lọc gồm đủ loại từ nhạc khiêu vũ salsa tới những bản nhạc rock bình dân. Chương trình khởi đầu chỉ được 87 người theo dõi, nay con số theo dõi đã lên tới 12, 300 và theo Cha Benedicto, phần lớn là “những người lớn tuổi”.

Cha cho hay “khá nhiều người cho hay đây là điều duy nhất họ hiện có”. Thoạt đầu cha không tin việc nối kết người ta bằng phương tiện kỹ thuật số, coi nó là chuyện giả tạo. Nên trước đại dịch, cha biến thừa tác vụ dành cho người bệnh thành “thừa tác vụ cho người cô đơn”, trong đó, nhóm mục vụ của ngài tới tận nơi chăm sóc những người cao niên cô đơn, không người thân săn sóc. Cha nói “Cô đơn nay là một căn bệnh trong xã hội của chúng ta”.

Nhưng rồi đại dịch Covid-19 tới khiến việc tương tác thể lý trở thành bất khả, Cha Benedicto nghĩ đến kỹ thuật mới và giáo dân trong xứ cũng nghĩ như cha. Thế là chương mục Youtube của giáo xứ được sử dụng để chiếu trực tuyến Thánh Lễ, nhất là các đám tang mà con số gia tăng đáng kể và người thân và bằng hữu không thể đích thân tham dự.

Cha nhận định “kênh youtube cung cấp phương thế để có thể theo dõi Thánh Lễ đối với những người cô đơn, và đối với những người có ai đó thân yêu qua đời mà không thể chôn cất họ được”. Nhóm mục vụ của Cha cũng điện đàm với người ta hàng ngày. “Đây là một nghĩa cử nhỏ nhoi, đồng hành với người ta trong cảnh cô đơn, nhất là đối diện với cái chết”.

Ủy ban các Hội Đồng Giám Mục Liên Hiệp Âu Châu (Comece) cũng đã xử dụng internet để trực tuyến các Thánh Lễ và các cử hành từ các đền thánh lớn nhất của Châu Âu tại SanctuaryStreaming.eu. Cha Manuel Enrique Barrios Prieto, tổng thư ký của Ủy Ban, cho hay “các đền thánh lớn nhất như Vatican, Fátima và Lộ Đức đã có các chương trình trực tuyến; điều chúng tôi làm chỉ là thu chúng vào chung một trang mạng”.

Ở Âu Châu, ai cũng đồng ý rằng người cao niên chịu cú nặng hơn cả do đại dịch Covid-19 tấn kích, một số người gọi đây là “cuộc tàn sát âm thầm”. Con số thu lượm khắp Liên Hiệp Âu Châu cho thấy giữa 40 tới 45% mọi cái chết do Covid-19 gây ra đã diễn ra tại các nhà dưỡng lão. Riêng tại Tây Ban Nha, 57% cái chết của cả nước từ đầu tháng 3 và tháng 4 diễn ra tại các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc người cao niên.

Thêm vào nguy cơ lớn hơn so với quảng đại quần chúng, người cao niên còn phải chịu cảnh cô đơn dưới các biện pháp ngăn cách xã hội nghiêm ngặt hiện nay. Giống như bà Álvarez. Nhưng trong khi bà Ávarez có và biết sử dụng máy tính bảng, nhiều người cao niên khác không có cả hai thứ ấy. Năm 2015, trong một nghiên cứu của Trung Tâm Pew, 1 phần 4 những người trên 65 tuổi cho biết họ rất ít và thậm chí không hề tự tin đối với các thứ điện tử hiện đại. 3 phần 4 nói họ cần được giúp đỡ để cài đặt (set-up) các thiết bị.

Tại các bệnh viện và nhà dưỡng lão, thiếu tiếp cận các thiết bị kỹ thuật số, và kỹ năng sử dụng chúng, đã trở thành các rào cản phụ trội trong thời gian việc nối kết nhân bản hết sức cần thiết. Rất nhiều câu chuyện đã được phổ biến trên các phương tiện truyền thông về nỗi đau buồn khôn tả của nhiều thành viên gia đình mất người thân tại các bệnh viện mà không được nhìn và nói với họ dù chỉ một lời cuối cùng.

Thành thử ở Bỉ, chẳng hạn, nhiều thiện nguyện viên đã thề sẽ trám cái lỗ hổng ấy, bằng cách phân phối các máy tính bảng cho các bệnh viện và nhà dưỡng lão, những nơi bị khóa kín đối với công chúng. Đến đầu tháng 5, nhón “Link Up” vừa được thành lập đã phân phối 1, 000 máy tính bảng cho gần 400 cơ sở, giúp vào khoảng từ 10, 000 tới 15, 000 người “bị giam” liên lạc với người thân của họ. Benjamin Riffon, một thành viên thành lập của Link Up nhận định “Đây là tình cảnh cấp cứu. Người ta đang hấp hối, gia đình phải có khả năng thấy họ trước khi họ ra đi”.

Ông Riffon giải thích rằng máy tính bảng là lựa chọn tốt nhất để sử dụng trong các viện dưỡng lão. Chúng cung cấp màn hình lớn hơn điện thoại thông minh và bề mặt mịn màng của chúng dễ lau chùi hơn màn hình và bàn phím máy tính. Các máy tính bảng, được tặng bởi các cá nhân hoặc bởi các công ty, đã được khử trùng triệt để trước khi bàn giao cho các cơ sở chăm sóc người cao niên.

Mỗi bệnh viện và nhà chăm sóc chỉ định các nhân viên để giúp các bệnh nhân và người cao niên liên lạc với gia đình họ. Các câu hỏi như chọn tài khoản người dùng, kết nối, Wi-Fi hoặc ứng dụng nào sẽ được giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Ông Riffon cho biết “Tôi nghĩ rằng [chiến dịch Link Up] đã tiết lộ một nhu cầu có từ trước”. Theo ông, nhiều viện chăm sóc với nguồn tài nguyên hạn chế, đã không thể cung cấp cho cư dân của họ cơ hội để giữ liên lạc với gia đình. Ông nói “Chúng ta có đối xử với người cao niên một cách hợp lẽ không? Không”.

Tỷ lệ tử vong ở những người cao niên vì Covid-19 cũng đã gây ra nhiều cuộc bàn bạc khắp Âu châu về cách xã hội đối xử với người cao niên của họ. AGE Platform (Cương Lĩnh AGE), một mạng lưới các tổ chức Liên hiệp Âu châu bảo vệ nhân quyền người cao niên, đã thẳng thắn lên tiếng chống lại chủ nghĩa tuổi tác (ageism) ở Âu châu. Họ đặc biệt chỉ trích thứ định phần (rationing) việc chăm sóc sức khỏe đầy ngẫu hứng diễn ra trong những ngày tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng như là khả năng không thỏa đáng của bệnh viện khiến các bác sĩ dành ưu tiên cho các bệnh nhân trẻ hơn là cho người già.

Trong báo cáo mới nhất, AGE viết rằng “Không nên sử dụng tuổi thời gian để phân phối hàng hóa và dịch vụ và không nên lấy nó làm tiêu chuẩn để xác định tính dễ bị tổn thương, sự chẩn bịnh hay lựa chọn cách điều trị cho người ta”.

Cũng bị chỉ trích ở Âu châu là chiến lược “miễn dịch bầy đàn” (herd immunity) dường như đã được một số nước thành viên của Liên hiệp Âu châu chấp nhận, dù không chính thức. Nó đề nghị đối phó với đại dịch bằng cách làm chậm tốc độ lây nhiễm thay vì tìm cách loại bỏ virus, do đó, đặt người cao niên và những người mắc bệnh tiềm ẩn vào nguy cơ cao hơn. Một số người gọi đó là một hình thức ưu sinh chủ nghĩa (eugenics).

Trong các cuộc tranh luận này, ủy ban giám mục Âu châu đã thúc giục các nhà lãnh đạo của Liên hiệp Âu châu bảo vệ người cao niên. Cha Barrios nói “Ủy ban các Hội Đồng Giám Mục Liên Hiệp Âu Châu đang làm mọi điều có thể làm được khiến Âu châu phải trung thành với các giá trị đoàn kết, liên đới, bảo vệ nhân phẩm và giúp đỡ các khu vực khác càng nhiều càng tốt".

Cha Benedicto thì cho rằng, “Người cao niên cảm thấy họ đang là gánh nặng, vì từng chút từng chút, xã hội đang nói với họ: ‘Bạn không còn giá trị gì nữa’”.

Cha Benedicto nói rằng ngài cảm nhận được một sự thay đổi trong các thập niên gần đây trong thái độ đối với người cao niên ở Tây Ban Nha. Ngài nói: những người cao niên không thể làm việc hoặc không thể chăm sóc các cháu đã trở nên ít giá trị hơn. Ngài bảo “Khi chúng ta không còn hữu dụng, thì chúng ta không còn giá trị” hiện đã thành một thông điệp, cho thấy cảm thức vô giá trị đã và đang lấn vị thế trong cuộc tranh luận về trợ tử ở Tây Ban Nha. Các đề xuất lập pháp để hợp pháp hóa thực hành này đã đang được thảo luận ở Tây Ban Nha khi đại dịch diễn ra.

Cha quả quyết “giờ đây, chúng ta hiểu ra rằng người ta không muốn chết, họ chỉ muốn không đau khổ. Và người ta đang chiến đấu để người cao tuổi không chết. Trái tim đã, một lần nữa, phát hiện được nhu cầu phải bảo vệ cuộc sống của người cao niên”.