Hiện nay, tại hầu hết các quốc gia, về mặt chính thức, các nhà thờ đã được mở cửa lại và, các Thánh Lễ có giáo dân tham dự đã được tái tục. Nhưng về mặt thực tế, phần đông tín hữu Công Giáo vẫn chưa được tự do trở lại các nhà thờ của họ để tham dự các Thánh Lễ theo lòng họ mong ước. Phần đông, ít nhất tại Hoa Kỳ và Úc đại lợi, vẫn phải tham dự Thánh Lễ gián tiếp qua trực tuyến.

Nhiều người tìm được an ủi lớn lao nhờ các phát hình trực tuyến này vì cho rằng họ được hiệp thông với Chúa Kitô, với Giáo Hội, với “các thành cùng thông công” không thua gì khi tham dự Thánh Lễ Bí Tích. Nhưng nhiều người tự hỏi cử hành Thánh Lễ làm chi khi các hàng ghế trống rỗng?

Để thoát khỏi cảm thức thiếu hiệp thông thể lý ấy, nhiều linh mục đã vận dụng óc sáng tạo, bằng cách nghĩ ra cách đặt hình ảnh giáo dân của mình tại các hàng ghế, như thể họ cùng hiện diện với mình khi dâng Thánh Lễ. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các linh mục, kể cả Đức Giáo Hoàng, đã không làm như thế, và đã hân hoan cử hành Thánh Lễ trước những hàng ghế trống rỗng trước đây, và nay, chỉ thưa thớt không quá 50 giáo dân như qui định tại New South Wales, Úc đại lợi.



Tiến sĩ Denis R. McNamara, Giáo sư và là Giám đốc Điều hành của Trung Tâm Thẩm Mỹ và Văn Hóa tại Cao Đẳng Benedictine ở Atchison, KS, ngày 14 tháng 5, 2020, trên tạp chí Adoremus, một tạp chí chuyên về canh tân phụng vụ, đã đặt câu hỏi “Tại sao lại cử hành Thánh Lễ trước hàng ghế trống rỗng? ” (https://adoremus.org/2020/05/14/why-celebrate-the-mass-with-empty-pews/). Ta hãy xem, ông trả lời ra sao?

McNamara cho rằng việc thánh hóa người ta, lẽ dĩ nhiên, là một trong các mục tiêu hàng đầu của phụng vụ thánh, nên thoạt nhìn, ai cũng tưởng việc cử hành Thánh Thể trong một ngôi thánh đường trống rỗng là điều vô nghĩa. Nhưng với một tầm nhìn bao quát hơn về phụng vụ thánh, người ta thấy việc thờ phượng Công Giáo không phải chỉ là một buổi tụ tập cầu nguyện trong đó, người ta “lãnh nhận” Thánh Thể như lãnh nhận tro trên trán vào Thứ Tư Lễ Tro. Thay vào đó, phụng vụ luôn là việc tiến dâng hoàn hảo của Chúa Kitô lên Chúa Cha cùng với Nhiệm Thể Người, một việc nhằm tiếp diễn công trình cứu rỗi của Thiên Chúa và vinh danh công trình sáng tạo.

Như Hiến chế Sacrosanctum Concilium từng phát biểu rõ, phụng vụ là “việc thi hành chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô” (số 7) một chức vụ bao gồm mọi chi thể của Nhiệm Thể, ở cả trên trời lẫn dưới đất.

Như thế, Thánh Lễ, không phải chỉ là các thể thức nghi lễ cần thiết phải có trước khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mà là việc tham dự vào lễ dâng mình và toàn bộ sáng thế của Chúa Kitô lên Chúa Cha mà đỉnh cao là việc Rước Lễ. Là các chi thể của Nhiệm Thể Người, hàng ngũ giáo dân có bổn phận dâng mình lên Chúa Cha cùng với Chúa Kitô, Lễ Vật Tinh Tuyền, bằng cách để mình tham dự thực sự vào phụng vụ cho dù chỉ là nhìn trực tuyến và thay thế việc rước lễ thực sự bằng việc rước lễ thiêng liêng.

Quảng diễn chủ đề trên, McNamara cho rằng nếu chỉ căn cứ vào trình thuật của sách Sáng Thế, người ta dám nghĩ rằng công trình sáng thế chấm dứt vào ngày thứ sáu và những chuyện tiếp theo trong Cựu và Tân Ước chỉ là bài thuốc chống chữa cuộc sa ngã của nguyên tổ. Nhưng thực ra, hành vi sáng tạo của Thiên Chúa phải được nhìn như một sinh hoạt liên tục của Thiên Chúa trong thời gian. Các trẻ em tiếp tục sinh ra ở trên đời!

Ngay thời gian cũng do Thiên Chúa sáng tạo như dụng cụ cứu rỗi. Ông trích dẫn David Fagerberg để nói rằng “Lịch sử là sáng tạo phát xuất từ Thiên Chúa để rồi trở lại với Thiên Chúa... Thiên Chúa tạo ra thế giới với thời gian để chúng ta lớn lên trong hiệp thông với Người (1). Việc vinh danh này tiếp tục diễn ra qua thòi gian, một việc cũng biến nó hành “dụng cụ hiển dung” của Thiên Chúa (2). Trong phụng vụ thánh, người ta thấy rõ điều đó, khi tín hữu dành giờ “để sống” phụng vụ, để vinh quang Thiên Chúa hiển dung họ qua việc họ dâng mình lên Chúa Cha cùng với Chúa Kitô.

Ngày Sabát là ngày phụng vụ đặc biệt khi Kitô hữu tụ họp để tham dự vào việc thế giới vinh danh Thiên Chúa. Các trình thuật của sách Sáng thế nói đến việc con người được tạo dựng vào ngày thứ sáu và việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy, nhưng hành động sáng tạo của Thiên Chúa đâu có ngừng ở đấy. Chính Chúa Giêsu quả quyết “Cha tôi không bao giờ ngưng làm việc và tôi cũng thế, tôi phải làm việc” (Ga 5:17). Câu này Chúa Giêsu nói khi chữa lành một ngưòi bệnh vào ngày Sabát, và làm chứng cho việc Thiên Chúa tiếp tục “việc làm” của Người trên thế giới.

Đối với học giả người Pháp, Jean Hani (1917-2012), câu trên giải thích sáng thế như “một sinh hoạt liên tục của Thiên Chúa”, một loại công việc Thiên Chúa chia sẻ với nhân loại (3). Thuộc về Thiên Chúa là năng lực nguyên mẫu của việc không ngừng sáng tạo, một việc, qua việc Phục sinh của Chúa Kitô, đang đem mọi sự tới vinh quang.

Điều quan trọng là các hữu thể nhân bản tham dự vào việc sáng tạo liên tục này, nhờ thế đem lại cho việc làm phẩm giá nền tảng của nó. Các công nhân, bất kể là nghệ sĩ, nghệ nhân, thầy giáo, hay y sĩ, “đều hành động trên thế giới nhằm biến đổi nó” và cải thiện nó, nhờ thế kéo dài việc làm của Thiên Chúa trong thời gian (4). Tuy nhiên, sau cuộc phục sinh của Chúa Kitô, con người “làm việc” trong và với Chúa Kitô, đem lại “cuộc phuc hưng mọi sự” (Cv 3:21) và kết hợp trái đất với vinh quang trên trời (Eph 1:10). Nói cách khác, Chúa Kitô và các chi thể của Nhiệm Thể Người cùng nhau tiếp tục công việc sáng tạo của Thiên Chúa bằng chính cách đem nó tới vinh quang cho tới khi Thiên Chúa là “mọi sự cho mọi loài” (1Cr 5:28).

McNamara cho rằng công trình cứu chuộc của Chúa Kitô tiếp diễn trong Giáo Hội. Dù người ta dễ thấy Giáo Hội và phụng vụ của Giáo Hội chỉ như một cuộc tụ họp đạo đức của con người, nhưng thực ra Giáo Hội sẽ được hiểu đúng hơn như một nơi ưu tuyển để tham dự vào hành động cứu chuộc liên tục hay “việc làm” trong thế giới của Chúa Kitô qua việc dâng lễ hy sinh của Người lên Chúa Cha. Hiến chế Sacrosanctum Concilium công bố ý tưởng này trong các đoạn mở đầu của nó, ghi nhận một cách đặc biệt trong “hy lễ Thánh Thể thần linh... ‘công việc cứu chuộc của chúng ta được thể hiện’” (số 2). Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo nhắc lại và mở rộng ý tưởng này, gọi phụng vụ là “việc tham gia của dân Thiên Chúa vào ‘việc làm của Thiên Chúa’” và dạy tiếp: “Qua phụng vụ, Chúa Kitô... tiếp tục công cuộc cứu chuộc trong, với qua Giáo Hội của Người” (số 1069). Điều đáng lưu ý là việc giải thích của Sách Giáo Lý về phụng vụ đòi hỏi 3 tiền từ để có được một giải thích thích đáng: trong, với qua. Như thế, về phương diện thiêng liêng, ta không thể phân biệt phụng vụ của Giáo Hội với hành động của chính Chúa Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha.

Theo nghĩa đó, McNamara cho rằng hoạt động của Giáo Hội bí tích hóa hoạt động của Chúa Kitô và các chi thể của Giáo Hội tạo thành một thân thể với Người là đầu duy nhất. Đức Piô XII quả quyết rõ điều này năm 1943 trong thông điệp Mystici Corporis Christi của ngài: “Vì Chúa Kitô được tôn vinh như thế, một mình Người có quyền thống trị và cai trị Giáo Hội” và “qua Giáo Hội, chính Người rửa tội, giáo huấn, cai trị, tháo gỡ, cầm buộc, dâng hiến, [và] hy sinh” (5). Như thế, Giáo Hội “là” Chúa Kitô hành động trong thới gian và không gian, và phụng vụ của Giáo Hội không phải chỉ là những con người tụ họp nhau vì vâng theo như một bổn phận. Phụng vụ là việc dâng hiến thần linh của Chúa Kitô lên Chúa Cha trong hình thức một nghi lễ: một nài van hoàn hảo và một lời cầu hoàn hảo được làm cho hữu hình trong thời gian, đem thế giới được cứu chuộc ngày càng tới vinh quan hiển dung của nó. Đức Piô XII tóm tắt ý niệm này trong thông điệp năm 1947 của ngài, Mediator Dei:

“Phụng vụ thánh là...việc thờ phượng công khai mà Đấng Cứu Chuộc của chúng ta như Đầu của Giáo hội dâng lên Chúa Cha, cũng như sự thờ phượng mà cộng đồng tín hữu dâng lên Đấng sáng lập ra mình và qua Người dâng lên cho Cha trên trời. Nói tóm lại, đó là sự thờ phượng được Nhiệm thể Chúa Kitô trong tính toàn diện gồm cả Đầu và các chi thể dâng lên” (6).

Bất chấp được cử hành trong một nhà thờ trống rỗng hay với 10, 000 tín hữu tham dự, mỗi Thánh lễ đều là một bùng phát trong thời gian lễ dâng hiến vĩnh cửu của Chúa Kitô lên Chúa Cha, bao gồm mọi thành viên của Nhiệm Thể, cả ở trên trời lẫn ở dưới đất. Và bất kể có Kitô hữu đặc thù nào tham dự một cách hoàn toàn nhất thông qua việc rước lễ hay không, lễ hy sinh trọn vẹn của Chúa Kitô vẫn được dâng lên, cùng với Nhiệm Thể của Người. Mặc dù là người rất ủng hộ việc giáo dân tham dự phụng vụ, Đức Piô XII vẫn cẩn trọng lưu ý rằng, dù sự tham gia trọn vẹn hơn của giáo dân trong phụng vụ đã làm tăng sự huy hoàng của nó và tiết lộ bản chất của nó, sự hiện diện của giáo dân không cần “để thiết lập nó thành hành động công cộng hoặc có đặc tính xã hội” (7). Dù điều này thoạt đầu có vẻ như mâu thuẫn với lời thúc giục của Công đồng Vatican II, nhưng nhìn kỹ sẽ cho thấy sự liên tục lớn lao trong tư tưởng. Hiến chế Sacrosanctum Concilium nhắc lại quan niệm cho rằng phụng vụ thánh là “việc thực thi chức vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô”, do đó dành cho Chúa Kitô tư cách làm đầu và mô tả bản chất của các hành vi phụng vụ: “mọi hành động phụng vụ vì là một hành động của Chúa Kitô linh mục và của Nhiệm thể Người, là Giáo hội, đều là một hành động thánh thiêng vượt quá mọi hành động khác” (số 7).

Thánh lễ trong thời đại dịch

Như thế, tất cả những điều ấy có nghĩa gì đối với những người xem Thánh Lễ qua máy truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông xã hội? Có phải đơn giản chỉ là xem qua các chuyển động mà không có hiệu quả thực sự, nhất là khi không được lãnh nhận Thánh Thể cách bí tích? Theo một nghĩa nào đó, Thánh lễ được truyền hình trực tiếp, trên thực tế, thiếu tính viên mãn phụng vụ khiến làm ta đau lòng. Nhưng mặt khác, ta vẫn có thể tìm được sự an ủi khi nhớ rằng mọi Thánh lễ đều liên quan đến mọi chi thể của Nhiệm thể, và do đó, có một tính hữu hiệu khách quan trong việc Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo ra thế giới. Sự thánh hóa khách quan này tiếp tục trong điều Sách Giáo lý gọi là “công việc của Chúa Ba Ngôi”: được kết hợp bởi tình yêu của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô liên tục dâng mình và thế giới cho Chúa Cha ngay cả khi các linh mục dâng thánh lễ một mình trong các nhà thờ còn giáo dân của các ngài thì tham dự qua máy truyền hình hoặc màn ảnh máy tính.

Các tuyên bố của Giáo Hội về tính khách quan của phụng vụ không hề có nghĩa là việc tham gia bí tích đầy đủ của tín hữu là điều không quan trọng. Thật vậy, công việc cứu chuộc trong thời gian của Chúa Kitô không chỉ đơn giản là một việc tuyên bố hợp pháp về sự vô tội, mà là một diễn trình thánh hóa biến đổi đòi sự tự hiến tự do trong kết hợp với hành động của Chúa Kitô, được hoàn tất và hoàn thiện qua việc rước lễ. Nhưng toàn bộ khái niệm tham gia được Vatican II cổ vũ luôn được nối kết một cách chủ yếu với việc tự hiến nội tâm cho Thiên Chúa để diễn trình sáng tạo và tôn vinh liên tục được hoàn thành. Sacrosanctum Concilium thúc giục mọi người “tham gia một cách có ý thức, sùng kính và tích cực”, nhưng vẫn định nghĩa việc tham gia như là việc tham gia nội tâm vào hành động của linh mục, và do đó với Chúa Kitô. Giáo dân được thúc giục “cảm tạ Thiên Chúa bằng cách dâng lên Lễ Vật Tinh Tuyền, không những qua bàn tay linh mục, mà còn cùng với ngài, họ nên học cách tự dâng mình nữa. Nhờ làm như vậy, họ sẽ “ngày càng được kéo lại gần Thiên Chúa và gần nhau hơn, để cuối cùng, Thiên Chúa là tất cả trong tất cả” (số 48).

Việc lãnh nhận Thánh Thể cách bí tích mới thực sự là sự hiệp thông tối cao với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô và các Đức Giáo Hoàng từ Đức Piô X đến Đức Phanxicô đều đã thúc giục việc rước lễ thường xuyên như một phương thuốc dành cho linh hồn và tham dự vào vinh quang thần hóa của Thiên Chúa. Sách Giáo lý dành gần một trăm đoạn bàn về sự quan trọng của nó, vì vậy, không ai có thể lập luận ủng hộ một cách đúng đắn cho sự hồi sinh các sai lạc độc hại của chủ thuyết Jansen vốn không khuyến khích việc lãnh nhận thực sự các hình bánh và rượu thánh. Nhưng trong thời gian bị cô lập xã hội, điều đáng nhớ là Bí tích Thánh Thể không phải chỉ là “viên vitamin thiêng liêng”, nhưng là một hành động của Chúa Kitô, một hành động đòi phải trao phó thân mình cho tình yêu biến đổi của Thiên Chúa bằng cách kết hợp trí, lòng và ý chí vào trí, lòng và ý chí của Chúa Kitô. Việc tự hiến thần linh này là việc có thật bất kể nó diễn ra trong một nhà thờ có giáo dân hay diễn ra trong một phòng khách, và người tín hữu Công Giáo có thể hy vọng vào Tình yêu Thân Phụ của Thiên Chúa và do đó tin tưởng rằng Người sẽ chia sẻ sự hiện diện của Người ngay cả trong lời cầu nguyện rước lễ thiêng liêng.

Sự xa cách xã hội đã gây ra một loại “ăn chay” không tự nguyện đối với việc lãnh nhận Thánh Thể cách bí tích, và giống như mọi việc ăn chay, nên gia tăng lòng muốn được nó trở lại. Mặt khác, lần ăn chay này cung cấp cho chúng ta một cơ hội để hiểu Bí tích Thánh Thể một cách đầy đủ hơn như một hành vi tự hiến mình được nối kết với việc dâng mình hoàn hảo của Chúa Kitô, Lễ Vật Tinh Tuyền. Rồi, khi Bí tích Thánh Thể được lãnh nhận trở lại trong cử hành thánh lễ công khai, Chúa Kitô sẽ tìm thấy linh hồn của chúng ta được cày bừa như mảnh đất màu mỡ chuẩn bị cho sức mạnh hiển dung của sự sống thần linh của chính Người.
____________________________________________________________________________________________
[1] David Fagerberg, The Christian Meaning of Time (London: Catholic Truth Society, 2006), 10.
[2] Ibid.
[3] Jean Hani, Divine Craftsmanship: Preliminaries to a Spirituality of Work (Kettering, OH: Angelico Press, 2016), 3.
[4] Ibid., 3-4.
[5] Pius XII, Encyclical Letter Mystici Corporis, 1943, pars. 37, 54.
[6] Pius XII, Encyclical letter Mediator Dei, 1947, par. 20.
[7] Ibid., 100.