1. Tin vui: Không còn ai nhiễm coronavirus tại Vatican

Hôm thứ Bẩy, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết không còn trường hợp dương tính nào trong số các nhân viên tại Vatican, sau khi bệnh nhân cuối cùng đã thử nghiệm âm tính vào đầu tháng Sáu.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết kể từ ngày 6 tháng 6, không còn bất kỳ trường hợp nhiễm coronavirus nào trong số các nhân viên của quốc gia thành Vatican và giáo triều Rôma.

“Sáng nay, người cuối cùng được báo cáo là nhiễm bệnh trong vài tuần qua cũng đã thử nghiệm âm tính với COVID-19, ” ông Bruni cho biết. “Từ ngày hôm nay, không có trường hợp dương tính với coronavirus nào trong số các nhân viên của Tòa thánh và tại quốc gia Thành Vatican.”

Vatican đã chứng kiến trường hợp coronavirus đầu tiên vào ngày 6 tháng 3. Đầu tháng 5, ông Bruni đã báo cáo trường hợp dương tính thứ 12 trong số các nhân viên.

Ông Bruni cho biết vào thời điểm đó, nhân viên thứ 12 đã làm việc từ xa kể từ đầu tháng 3 và đã tự cô lập khi các triệu chứng bắt đầu phát triển.

Vào cuối tháng 3, Vatican tuyên bố đã thử nghiệm 170 nhân viên Tòa Thánh đối với coronavirus, tất cả đều cho kết quả âm tính, đặc biệt Đức Thánh Cha Phanxicô và những người làm việc gần nhất với ngài hoàn toàn không nhiễm virus quái ác này.

Sau ba tháng đóng cửa, Bảo tàng Vatican đã mở cửa trở lại vào ngày 1 tháng 6. Các khách du lịch đã có thể viếng viện bảo tàng chỉ cần đặt vé trước và phải đeo khẩu trang y tế, cũng như phải kiểm tra nhiệt độ ở lối vào.

Việc mở cửa Bảo tàng Vatican diễn ra chỉ hai ngày trước khi Ý mở lại biên giới với du khách Âu châu, và dỡ bỏ yêu cầu cách ly trong 14 ngày khi đặt chân đến Ý.

Đền Thờ Thánh Phêrô đã mở cửa trở lại cho du khách vào ngày 18 tháng 5 sau khi được vệ sinh và khử trùng kỹ lưỡng. Thánh lễ công khai được nối lại ở Ý cùng ngày trong các điều kiện nghiêm ngặt.

Du khách đến Đền Thờ Thánh Phêrô phải trải qua việc kiểm tra nhiệt độ và đeo khẩu trang y tế.

Ý đã có tổng cộng hơn 234, 000 trường hợp nhiễm coronavirus, và gần 34, 000 người đã chết.


Source:Catholic News Agency

2. Các cuộc biểu tình tiếp tục nổ ra trên toàn thế giới

Hàng chục ngàn người đã tập trung tại các thành phố rất xa Hoa Kỳ để bày tỏ sự tức giận về cái chết của George Floyd, một dấu hiệu cho thấy phong trào “Mạng sống người da đen đáng giá” chống lại sự tàn bạo của cảnh sát đang bùng lên mạnh mẽ với những lời kêu gọi rộng rãi hơn về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Á châu, Úc châu và Âu châu.

Tại Berlin, cảnh sát cho biết 15, 000 người đã tập trung trong một cuộc biểu tình ôn hòa trên Quảng trường Alexander của thủ đô Đức, những người biểu tình đã hô vang tên của Floyd và giương cao những tấm bảng với các khẩu hiệu như “Ngăn chặn sự tàn bạo của cảnh sát” và “Tôi không thể thở được”.

Cảnh sát đã bắn hơi cay khi những người biểu tình ném chai và đá vào cảnh sát ở thành phố cảng phía nam của Pháp nhằm chống lại sự lạm dụng bạo lực và phân biệt chủng tộc của cảnh sát sau cái chết của George Floyd.

Những người biểu tình quỳ xuống trước các sĩ quan chống bạo động, phát biểu và hô vang trước khi lên đường diễu hành qua thành phố. Nhưng ở đoạn cuối, cuộc tuần hành đã kết thúc trong hỗn loạn với các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Tại Úc, ba vụ bắt giữ được thực hiện trong các cuộc biểu tình ở Sydney ngày thứ Bẩy, với sự tham dự của đám đông khổng lồ khoảng 20, 000 người.

Chính quyền Úc âu lo các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd sẽ nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình tranh đấu cho người thổ dân.

Thật vậy, tổ chức GetUp, “Hãy đứng lên”, chuyên đòi công lý cho người Thổ dân đang thu góp các tài liệu từ người Thổ dân bị ngược đãi hoặc là nạn nhân của cảnh sát. Chỉ tại tiểu bang Queensland, họ đã gom được 433 vụ và nhóm này đã tổ chức buổi cầu nguyện thắp lên 433 ngọn nến cho 433 nạn nhân!

Họ cho rằng bên Hoa kỳ chỉ có một ông George Floyd, còn ở Úc có tới 433 nạn nhân là thổ dân đã chết vì sự tàn bạo của cảnh sát.

Tại Hoa Kỳ, hôm thứ Bảy, các công tố viên cho biết hai nhân viên cảnh sát Buffalo bị buộc tội tấn công vào một người cao niên, sau khi một đoạn video cho thấy họ đẩy một người biểu tình 75 tuổi trong một cuộc biểu tình.

Robert McCabe và Aaron Torgalski đã không nhận tội đối với cáo buộc tấn công cấp hai. Họ đã được thả ra mà không cần đóng tiền tại ngoại hầu tra.

Các viên chức cảnh sát này đã bị đình chỉ công tác không lương vào hôm thứ Sáu sau khi một đoàn làm phim truyền hình ghi được cuộc đối đầu trước khi gần kết thúc cuộc biểu tình.

McCabe, 32 tuổi và Torgalski, 39 tuổi, “vượt qua ranh giới” khi họ đẩy người đàn ông quá mạnh khiến ông ta ngã về phía sau và đập đầu vào vỉa hè.

Martin Gugino đã tiếp cận với các viên chức cảnh sát trước khi bị hai người xô xuống đất.

Đoạn phim cho thấy một người đàn ông được xác định là Martin Gugino đang tiếp cận một hàng sĩ quan đội mũ bảo hiểm cầm dùi cui khi họ biểu tình từ Quảng trường Niagara vào khoảng thời gian giới nghiêm 8 giờ tối.

Các viên chức cảnh sát đẩy Gugino về phía sau, và anh ta đập đầu vào vỉa hè. Máu đổ khi các cảnh sát đi qua. Một người cảnh sát cúi xuống để kiểm tra người đàn ông bị thương như thế nào nhưng một người khác hối thúc anh ta đi tiếp.


Source:Washington Post

3. Đức Hồng Y Nhiếp Chính cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho anh George Floyd và Hoa Kỳ
Rôma đã tham gia vào con số ngày càng nhiều các thành phố trên khắp thế giới tưởng niệm cái chết của George Floyd, người da đen tại Minneapolis chết thảm vì sự tàn bạo của cảnh sát. Cái chết của anh trong những ngày qua đã được nhớ đến tại Thành phố vĩnh cửu trong các buổi cầu nguyện và các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và loại trừ xã hội.

Trong một lời buổi cầu nguyện canh thức vào tối thứ Sáu do cộng đồng Thánh Egidio tổ chức với chủ đề cầu cho sự “chung sống hoà bình” tại Mỹ, Đức Hồng Y Kevin Farrell, là Hồng Y Nhiếp Chính và cũng là Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống đã dâng lời cầu nguyện cho Floyd, và gọi ông là “người ngay thẳng.”

“Chúng ta cầu nguyện cho anh ấy, cho gia đình anh, nhưng chúng ta cũng cầu nguyện tối nay cho Hoa Kỳ, cho tất cả mọi dân tộc, để họ tìm thấy bình an, thanh thản và sự hiểu biết lẫn nhau” như một dấu chỉ bảo đảm sự gần gũi của Giáo Hội Công Giáo đối với tất cả những người phải gánh chịu bạo lực và phân biệt đối xử ở Mỹ

Mặc dù sinh ra ở Dublin, Ái Nhĩ Lan, Đức Hồng Y Farrell đã từng là Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Washington, Hoa Kỳ từ năm 2002 đến 2007 và giám mục Dallas từ 2007 đến 2016, khi ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô trao cho trách vụ tại Vatican.

Đề cập đến một số cuộc biểu tình đã kết thúc trong bạo lực và phá hoại, Đức Hồng Y để lên tiếng cầu xin cho “tất cả các bạo lực trên đường phố Hoa Kỳ ngưng lại, mọi hình thái phân biệt chủng tộc phải được khắc phục và công lý được khẳng định, và người dân tại Hoa Kỳ có thể trở lại các sinh hoạt trong thanh thản và hòa bình, là điều cần thiết trong một thời điểm khó khăn như hiện nay.”

Đêm cầu nguyện vào hôm thứ Sáu đã được tổ chức sau cái chết của Floyd gần hai tuần trước, và các cuộc biểu tình toàn cầu đã xảy ra sau đó. Floyd, một người Mỹ gốc Phi, đã qua đời khi bị cảnh sát bắt giữ sau khi một viên chức cảnh sát quỳ trên cổ và lưng anh trong 8 phút 46 giây, bất chấp lời cầu xin của Floyd là anh ta không thể thở được.

Cộng đoàn Thánh Egidio, là một nhóm giáo dân tích cực dấn thân cổ vũ các học thuyết công bằng xã hội của Giáo hội, rất được Đức Thánh Cha yêu thích. Ngài cũng đã nhắc đến vụ của anh George Floyd trong buổi tiếp kiến chung vào hôm thứ Tư.

Buổi cầu nguyện vào tối thứ Sáu, được phát trực tiếp từ nhà thờ Santa Maria in Trastevere, là một trong những cử hành Phụng Vụ chính thức đầu tiên được tổ chức sau khi các hạn chế vì coronavirus được dỡ bỏ ở Ý. Nhà thờ đầy người tham dự và buổi cầu nguyện này có sự tham gia của một số nhân vật và đại sứ các nước cạnh Tòa Thánh, mặc dù vẫn phải tuân theo các quy định về khoảng cách xã hội và phải đeo khẩu trang y tế.

Trong bài giảng của ngài, Đức Hồng Y Farrell nhớ lại phong trào dân quyền Hoa Kỳ trong những thập niên 1960 và 70, và nói rằng trong lúc người ta có khuynh hướng nghĩ rằng “sau nhiều năm dài chiến đấu cho dân quyền và bình đẳng chủng tộc, sự bất công trong quá khứ sẽ không thể lặp lại nữa.”

“Nhưng chúng ta phải chứng kiến với nỗi buồn rằng không phải là như thế. Hòa bình xã hội và chung sống huynh đệ trong các công dân không bao giờ có thể được coi là chuyện đương nhiên.” Ngài nhấn mạnh rằng các phong trào xã hội chống lại các hình thái phân biệt chủng tộc trong những năm 1960 “chắc chắn đã để lại một dấu ấn sâu sắc” trong lương tâm quốc gia, nhưng vẫn “chưa giải quyết dứt khoát tất cả các vấn đề.”

“Xã hội huynh đệ luôn luôn phải được xây dựng một lần nữa, nó không bao giờ có thể đạt được một lần dứt khoát là xong và giữ nguyên tình trạng ổn định như thế, bởi vì trái tim con người luôn luôn gần gũi một cách thân mật với tính ích kỷ và thường xuyên bị ô nhiễm bởi tội lỗi. Bất công mới, bạo lực mới, áp bức mới, luôn nảy sinh.” Trong bối cảnh như thế, Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải trao ban cho thế giới các giá trị của Tin Mừng.

Mỗi người được rửa tội, phải trở nên một “đền thờ của Thiên Chúa” trong đó không có chỗ cho hận thù và sự khinh miệt người khác.

Ghi nhận rằng Hoa Kỳ từ khi mới được thành lập đã là một quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo, Đức Hồng Y Farrell chỉ ra các nguyên tắc sáng lập của dân tộc Hoa Kỳ, trong đó bao gồm “sự bình đẳng của tất cả mọi người, các quyền bất khả xâm phạm đối với cuộc sống và tự do mà Đấng Tạo Hóa ban cho tất cả mọi người, khoan dung, chung sống hòa bình, cơ hội bình đẳng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc phải dành cho tất cả mọi người.”

“Những lý tưởng này được ghi khắc trong DNA của Hoa Kỳ và là một phần của hiến pháp. Hiến pháp Hoa Kỳ không gì khác hơn là bản dịch các học thuyết xã hội Kitô giáo sang ngôn ngữ của pháp luật dân sự.”

“Đó là lý do tại sao mỗi khi các Kitô hữu chúng ta làm cho những giáo huấn của Chúa Giêsu được mọi người biết đến, là chúng ta đang giúp đỡ tất cả đồng bào chúng ta trở về với lý tưởng đích thực của đất nước chúng ta, hiến pháp và pháp luật của chúng ta, ” Đức Hồng Y nói, và lưu ý cách thức trong Phúc Âm Chúa Giêsu đối xử với tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, liên kết chính trị hoặc địa vị xã hội và kinh tế.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Farrell cũng than thở về một thực tế tồn tại ngay cả giữa các Kitô hữu, “cách suy nghĩ méo mó cũng có thể xâm nhập, dẫn chúng ta đến với tư tưởng phe phái, giữ khoảng cách với những kẻ thuộc về phía bên kia: những người giàu xa cách người nghèo, những người trí thức kỳ thị người ít học, người cấp tiến chống lại những người bảo thủ, người da trắng chống lại người da đen.”

Khi tách biệt với những người khác, “chúng ta hoàn toàn mất đi nhận thức về chiều kích phổ quát của thông điệp Chúa Kitô hoặc thậm chí kết thúc với việc đồng hóa đức tin Kitô của chúng ta với tầm nhìn ý thức hệ của phe phái mà chúng ta đã chấp nhận.”

Ngài kêu gọi các Kitô hữu phải gắn bó với khái niệm Tin Mừng theo đó “tất cả mọi người là một trong Chúa Giêsu Kitô” để thúc đẩy tốt hơn lợi ích xã hội, “tránh tầm nhìn cục bộ và ý thức hệ”

Ngoài các buổi cầu nguyện, cái chết của Floyd còn được ghi nhận với nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Ý, một quốc gia cũng có vấn đề với các định kiến chủng tộc và đôi khi các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp da đen vẫn bị la ó khi họ ra sân.

Tại Rôma, trong khi buổi cầu nguyện vào hôm thứ Sáu đang diễn ra, một cuộc biểu tình ngồi cũng được tổ chức tại quảng trường thành phố Piazza Barberini, một khu phố gần Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ý.

Các cuộc biểu tình tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra ở Napoli và tại Florence gần Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, và tại Milan trước nhà ga xe lửa chính của thành phố.

Trong bài giảng hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Farrell đã lên tiếng chống lại bạo lực trong một số cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ, và nói rằng “người ta không thể hy vọng sẽ thúc đẩy hòa bình xã hội thông qua bạo lực, người ta không thể vượt qua bất công bằng cách gây ra các bất công và tội ác khác thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với những gì mình mong muốn tố cáo.”

Kêu gọi mọi người không nên “mù quáng trút hết cảm xúc tức giận và thất vọng lên những người vô tội, ” Đức Hồng Y nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng “một cái gì đó còn sót lại như một thiện ích lâu dài cho tất cả mọi người và được xây dựng trên các nguyên tắc của tình huynh đệ, trong tinh thần thượng tôn pháp luật và xứng đáng với nhân phẩm”.

“Nói cách khác, tấn công và các cử chỉ khinh mạn, cướp bóc và bạo lực chẳng dẫn đến điều gì tốt cho tương lai. Vì lý do này người Kitô hữu chúng ta không được trốn tránh trong sợ hãi, ngược lại, chính trong những khoảnh khắc căng thẳng xã hội kinh hoàng và tế nhị này, chúng ta phải dám lên tiếng vì những lợi ích thực sự và lâu dài với mong muốn cổ vũ cho sự bình đẳng, tôn trọng và công bằng.”

Để kết luận, Đức Hồng Y Farrell cầu xin Thiên Chúa “ghé mắt nhìn tất cả các nạn nhân vô tội đã chết vì sự bất công và phân biệt chủng tộc, ” và cầu nguyện rằng “máu của họ giúp cho dân tộc thân yêu của chúng ta biết xây dựng một xã hội thực sự hòa bình và huynh đệ.”


Source:Crux