Ngay khi Hoa Kỳ vẫn đang còn phải vật lộn với đại dịch coronavirus, sự phẫn nộ, đau buồn và tức giận về vụ giết một người đàn ông da đen không vũ trang đã dấy lên các cuộc biểu tình lôi cuốn hàng trăm ngàn người trên toàn quốc.

Đã có các báo cáo cho biết nhiều người Việt mất trắng cơ ngơi sau một tuần bạo loạn. Ra làm ăn đương nhiên phải có bảo hiểm. Tuy nhiên, trước tình trạng đóng cửa vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, một số người do không có thu nhập, doanh nghiệp phải đóng cửa nên đã không đóng bảo hiểm. Vì thế, cơ nghiệp dành dụm trong bao nhiêu năm phúc chốc tan thành mây khói.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ tìm được ơn an ủi và giữ được lòng trông cậy trong hoàn cảnh quá khắc nghiệt này.

Trước những diễn biến hiện nay, nhiều Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã tham gia kêu gọi công lý cho các nạn nhân và gia đình họ. Trước hết là cho linh hồn anh George Floyd và gia đình anh, sau là cho những nạn nhân khác bất ngờ mất hết sinh kế.

“Các phẫn nộ xung quanh cái chết của George Floyd là dễ hiểu và công lý phải được phục hồi.” Tổng giám mục Samuel J. Aquila của Denver cho biết trong một tuyên bố ngày 30 tháng 5 liên quan đến cái chết của anh Floyd 46 tuổi.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago cho biết:

“Minneapolis là một thành phố thường được ca ngợi là một mô hình của sự hội nhập, tôi thật ngỡ ngàng khi biết rằng mạng sống của một người da đen chỉ đáng một tờ giấy bạc $20”.

Trong một tuyên bố hôm 31 Tháng Năm, Đức Hồng Y nói rằng ngài đã trải qua vài đêm xem các cuộc biểu tình “trong đau đớn khi sự giận dữ dồn nén của người dân bốc cháy trên khắp nước ta.”

Đức Hồng Y Cupich cho biết ngài đã chứng kiến sự phát triển của “thành phố nơi tôi sinh ra, các thành phố nơi tôi đã sống, thành phố bây giờ tôi đang coi sóc, thành phố nơi tôi đã được đào tạo, ” và bây giờ bất thình ngài nhìn thấy các thành phố ấy “bốc cháy”.

Mặc dù các cuộc biểu tình phần lớn là hòa bình, nhưng các nhóm nhỏ trong quần chúng biểu tình đã đốt xe, đột nhập và cướp bóc các doanh nghiệp tại các thành phố như Minneapolis, Los Angeles, Philadelphia, New York và Washington - tất cả hiện đã đưa ra lệnh giới nghiêm.

Ở một số địa phương, như Coral Gables, Florida và Flint, Michigan, chính quyền đã đối thoại và thậm chí cầu nguyện với người biểu tình.

Vào ngày 30 tháng 5, các sĩ quan cảnh sát ở Coral Gables đã tham gia biểu tình, quỳ xuống cúi đầu tưởng niệm trong 8 phút 46 giây là thời gian anh George Floyd bị đè nghẹt cổ. Cảnh sát trưởng Chris Swanson ở Flint Township cũng nói trước một đám đông những người biểu tình, rằng ông đã đặt vũ khí của mình xuống và nói với họ rằng: “Lý do duy nhất chúng tôi ở đây là để bảo đảm rằng tiếng nói của các bạn được nghe thấy.” Sau đó, họ yêu cầu ông đi với họ và ông đã làm như thế.

Nhưng ở những nơi khác, chẳng hạn như tại Tòa Bạch Ốc, xe hơi bị đốt cháy, các doanh nghiệp bị cướp phá và chính quyền đã phải sử dụng hơi cay đối với những người biểu tình.

“Các vụ cướp bóc, phá hoại và bạo lực chúng ta đang chứng kiến ở Minneapolis và trong cả nước làm nhục quốc gia chúng ta, hạ nhục những di sản của Floyd và làm phức tạp thêm một tình huống bi thảm, ” Đức Cha Michael F. Burbidge của giáo phận Arlington, Virginia nhận định.

Những lời này cũng được lặp lại bởi Terrence, anh của Floyd. Terrence nói trên một chương trình truyền hình quốc gia rằng bạo lực đã “làm lu mờ những gì đang xảy ra” bởi vì Floyd là một con người hòa bình. Những hành động phá hoại không phải là những gì Floyd muốn”.

“COVID-19, vụ giết chết anh George Floyd, những cái chết không cần thiết của rất nhiều người da màu, việc khai thác không biết xấu hổ của các bộ phận xã hội đối với sự thỏa mãn cá nhân hoặc lợi ích chính trị - đây là những sự kiện cánh chung mà không chỉ khiến chúng ta phải run sợ - lấy đi hơi thở chúng ta - nhưng còn cảnh báo chúng ta về những rắc rối nghiêm trọng trên đường chân trời cũng như ý nghĩa thực sự của một tình trạng nguy hiểm đã giữa chúng ta, ” Đức Hồng Y Joseph W. Tobin của tổng giáo phận Newark, New Jersey, nói trong bài giảng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 31 tháng Năm.

Đức Tổng Giám Mục Aquila của Denver đã nhắc nhở người Công Giáo hãy ghi nhớ giáo lý của Giáo Hội, chứ không phải là các sở thích chính trị, khi nói đến việc giết chóc.

“Giáo Hội Công Giáo đã luôn luôn thúc đẩy một nền văn hóa của sự sống, nhưng quá thường là xã hội chúng ta đã mất đi ý nghĩa của nó trong những phẩm giá của mỗi con người từ lúc thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên, ” ông nói. “Mỗi người tín hữu Công Giáo đều phải có trách nhiệm thúc đẩy nhân phẩm của mọi người ở mọi cấp độ của cuộc sống. Quá nhiều người đã biến các thứ ý thức hệ, tinh thần đảng phái chính trị, hoặc màu da của họ mình thành những thứ mà họ tôn thờ, chứ không phải là Tin mừng về cuộc sống và phẩm giá của mỗi con người.”

Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “ Tôi khuyến khích các tín hữu hãy xét mình về cách chúng ta thúc đẩy một nền văn hóa sự sống trên tất cả mọi cấp độ, và cầu nguyện cho sự hoán cải trái tim của những người cổ vũ cho phân biệt chủng tộc, và cầu nguyện xin cho xã hội chúng ta có thể trở lại một nền văn hóa sự sống, và cuối cùng và quan trọng nhất là cầu nguyện cho sự yên nghỉ của linh hồn anh George Floyd, xin cho gia đình anh ta được ủi an trước sự mất mát quá lớn này, và công lý đó có thể được phục hồi.”

Tại Giáo Phận El Paso, Texas, Đức Cha Mark J. Seitz, là người năm ngoái đã công bố một lá thư mục vụ về phân biệt chủng tộc, đã tụ tập với các linh mục thuộc giáo phận và mang theo tấm bảng “Sinh mạng người da đen đáng giá” và quỳ gối tưởng niệm chung với những người biểu tình trong suốt tám phút 46 giây.


Source:Our Sunday Visitor