1. Cả một khu phố chung quanh bốc cháy, ngôi nhà thờ còn nguyên. Tạ ơn Chúa.

Câu chuyện ngôi nhà thờ Thánh Albertô Cả, tiếng Anh là St. Albert the Great, đang là một trong những đề tài được báo chí tại Mỹ hết lời ca ngợi.

Sáng sớm ngày thứ Năm 28 tháng Năm, Chi Cảnh sát quận Ba của thành phố Minneapolis bị bao vây và ném đá dữ dội. Đây là nơi làm việc của 4 cảnh sát viên dính líu vào vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của anh George Floyd. Cả 4 cảnh sát viên Derek Chauvin, Thomas Lane, Alexander Kueng và Tou Thao đều đã bị sa thải khỏi ngành cảnh sát nhưng chưa ai bị bắt. Vì thế, những người biểu tình rất tức giận. Gạch đá và đủ các thứ được ném vào chi cảnh sát.

Vào lúc 11:30 sáng, cảnh sát đồn trú tại đây được lệnh kéo cờ xuống và tìm cách triệt thoái khỏi cơ sở này để tránh thương vong.

Lúc chiều tối những người biểu tình đã đốt chi cảnh sát. Ngọn lửa cố nhiên lan ra cả những căn nhà gần bên. Và có một nguy cơ rất nghiêm trọng là ống ga có thể hư hại và toàn khu phố có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào.

Để tránh cho khu phố khỏi bị nổ tung, các công ty điện và ga đã cúp hết nguồn phân phối. Toàn khu vực chìm trong bóng đêm và trong tình cảnh hoàn toàn vô chính phủ vì các lực lượng bảo vệ trị an đã rút lui khỏi khu vực.

Những kẻ thừa nước đục thả câu đã lợi dụng tình hình này để cướp phá khu vực, đặc biệt là dọc theo đường Lake và đại lộ Minnehaha.

Trong bối cảnh hỗn loạn và nguy hiểm như vậy, một giáo xứ nhỏ ở Minneapolis đã trở thành nơi nương thân cho những người dân lo sợ không dám ở trong nhà của họ: Ga nổ cũng chết, cháy nhà chạy không kịp cũng chết, bị cướp giết cũng chết.

Giáo xứ Công Giáo Thánh Albertô Cả, nằm trong khu Longfellow, cách chi cảnh sát quận 3 khoảng 1.5km, đã che chở cho 34 người khi cuộc bạo loạn đang cuồng nộ phá hủy các doanh nghiệp ở xung quanh và nhiều nhà đã bị

Cha Joe Gillespie, chánh xứ Thánh Albertô Cả, đã hào hiệp mở rộng cửa nhà xứ khi được dân chúng yêu cầu, bất kể hành động như thế có thể dẫn đến nguy hiểm cho bản thân ngài và ngôi nhà thờ giữa cơn cuồng nộ của đám đông. Sau khi nhận được tin từ cơ quan Volunteers of America yêu cầu hỗ trợ, ngài đã chào đón những người lánh nạn vào trong hội trường, chỉ yêu cầu họ mang theo chăn mền riêng để ngủ.

Nhà thờ là một địa điểm dự phòng cho cơ quan Volunteers of America trong những trường hợp khẩn cấp như lũ lụt, bão tố.

Mặc dù sự hợp tác của giáo xứ với Volunteers of America đã kéo dài hơn 10 năm, nhưng nhà thờ chưa từng được sử dụng vào mục đích cứu tế này cho đến khi cuộc khủng hoảng liên quan đến cái chết của anh George Floyd xảy ra.

Cô thư ký cuả giáo xứ Thánh Albertô Cả là Erin Sim cho biết đã nhận được điện thoại từ Volunteers of America và ngay lập tức chuẩn bị tầng hầm cuả nhà thờ cho họ.

“Bạn không thể chỉ giúp người cuả mình mà thôi, bạn phải sẵn sàng giúp đỡ mọi người, ” cô nói.

Khi bạo lực leo thang, các cư dân trú ẩn trong nhà thờ đã tự tổ chức an ninh cho họ. Họ thay phiên nhau canh chừng tòa nhà, chung sức với một nhóm người Mỹ bản địa, là những người luôn canh gác một trường học dành riêng cho người Mỹ bản địa ở gần đấy.

Tuy nhiên, với một số ít người như thế, họ thật sự không thể bảo vệ nổi cho mình. Cha Joe Gillespie nhận thức rõ điều đó. Cho nên, đối với ngài phương thế hữu hiệu nhất trong hoàn cảnh này là cầu nguyện. Ngài đã làm như thế trước Thánh Thể.

Cô Sim cho biết “Chúng tôi đã thoát nạn một cách kỳ diệu so với sự tàn phá xung quanh nhà thờ.”

Ngoài giáo xứ Thánh Albertô Cả, Cha Joseph Williams của nhà thờ Thánh Stêphanô ở Minneapolis cũng giúp đỡ một gia đình giáo dân ẩn náu trong nhà thờ. Gia đình ông Sanchez-Ponce, sống trong khu vực cuả chi cảnh sát quận Ba, đã trú ẩn trong nhà xứ vào đêm 28 tháng 5, theo bản tin của tờ báo The Catholic Spirit cuả tổng giáo phận.

Mô tả tình hình trong những ngày qua. Cha Gillespie nói:

“Ở đây giống như đang có chiến tranh. Chúng tôi bị bao vây.”

Trong lúc bạo lực xẩy ra, Cha Gillespie nói rằng thông điệp về sự đoàn kết trong đại dịch coronavirus cần phải áp dụng cho tình huống này.

“Chúng ta cùng chung một số phận, ” Cha Gillespie lặp lại khẩu hiệu cuả đại dịch, “Chúng ta cần mọi người trong khu phố chung sức. Đó không chỉ là nhà của tôi hay nhà thờ của tôi, mà là nhà thờ và nhà của chúng ta.”

“Nhà thờ Thánh Albertô Cả luôn luôn là một giáo xứ chào đón, ” cha Gillespie nói. Nhà thờ đã ở trong khu phố này được 85 năm và là nơi mà cộng đồng tìm tới mỗi khi họ cảm thấy bị đe dọa.

Cộng đồng giáo xứ Thánh Albertô Cả đã nhận được một số quyên góp lớn để phân phát cho những người có nhu cầu, bao gồm nước, đồ dùng vệ sinh, dụng cụ vệ sinh và thực phẩm. Cha Gillespie cho biết đã nhận được ba khoản tiền đáng kể vào sáng ngày 1 tháng Sáu.

Giúp đỡ những người có nhu cầu là một việc làm từ lâu của giáo xứ Thánh Albertô Cả. Ngay cả trước khi xảy ra vụ bạo loạn tàn phá nặng nề khu phố, giáo xứ đã giúp cung cấp thực phẩm và tiền thuê nhà cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tưởng cũng nên nhắc lại, liên quan đến 4 cảnh sát viên dính líu đến cái chết của anh George Floyd, chiều ngày 3 tháng Sáu, Bộ Tư Pháp tiểu bang Minnesota đã có cuộc họp báo cho biết cả 4 viên chức cảnh sát dính líu trong vụ bắt giữ dẫn đến cái chết của anh George Floyd đều bị truy tố.

Các cáo buộc chống lại Derek Chauvin đã được nâng lên thành tội giết người cấp hai sau khi công tố viện xem qua các tài liệu thu thập được cho đến nay.

Ba viên chức cảnh sát khác, trước đây không bị buộc tội, nay sẽ phải đối mặt với tội giúp đỡ và đồng lõa giết người.

Cái chết của Floyd đã làm dấy lên những cuộc biểu tình lớn trên khắp nước Mỹ chống lại nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ da đen.

Phần lớn các cuộc biểu tình trong tám ngày qua đã diễn ra hòa bình, nhưng một số đã trở nên bạo lực và lệnh giới nghiêm đã được áp đặt tại một số thành phố.

Khi thông báo về các cáo buộc mới, ông Keith Ellison, Bộ trưởng Tư Pháp Minnesota, nói rằng những cáo buộc mới nhằm phục vụ cho công lý.

Ban đầu Derek Chauvin phải đối diện với cáo buộc giết người cấp ba và ngộ sát cấp hai.

Ba viên chức cảnh sát bị sa thải khác là Thomas Lane, Alexander Kueng và Tou Thao. Tất cả họ đều phải đối diện với cáo buộc giúp đỡ và đồng lõa giết người cấp hai, cũng như giúp đỡ và đồng lõa trong tội ngộ sát cấp hai.

Ông Amy Klobuchar, Thượng nghị sĩ tiểu bang Minnesota nói trên Twitter rằng các cáo buộc mới nhất là một bước quan trọng đối với công lý.

Luật sư của gia đình Floyd, ông Benjamin Crump, nói trong một tuyên bố: “Đây là một bước tiến quan trọng trên con đường dẫn đến công lý và chúng tôi rất hài lòng rằng hành động quan trọng này đã được đưa ra trước khi cơ thể của George Floyd được yên nghỉ.”

Nhưng sau đó ông nói với CNN rằng gia đình tin rằng cáo buộc chống lại Derek Chauvin phải là giết người cấp 1 và họ đã được thông báo rằng cuộc điều tra đang diễn ra và các cáo buộc có thể còn thay đổi hơn nữa.

Tại một cuộc họp báo, mục sư Al Sharpton của Tin Lành Baptist và cũng là một nhà hoạt động nhân quyền nói rằng vụ Floyd phải dẫn đến một đạo luật liên bang.

Ông nói: “Nếu chúng ta thoát ra khỏi tất cả những điều này mà không có sự thay đổi nào trong luật liên bang thì chúng ta vẫn không thể bảo vệ các công dân khỏi các chính sách địa phương. Trong trường hợp đó, tất cả những điều bi thảm này vẫn không có hồi kết thúc. Thảm kịch trên đường phố này phải hướng đến sự thay đổi cơ bản về pháp lý.”

Ông Ellison nói rằng ông không hề ảo tưởng rằng việc truy tố thành công các cựu viên chức cảnh sát sẽ dễ dàng.

“Giành được một bản án sẽ khó khăn lắm. Lịch sử cho thấy có những thách thức rõ ràng, “ ông nói.

Cho đến trước cuộc họp báo này, chỉ có một viên chức cảnh sát ở Minnesota đã bị kết án giết một thường dân trong khi đang làm nhiệm vụ.

Ông Ellison cho biết George Floyd “được gia đình ông yêu quý, cuộc sống của ông có giá trị” và ông thề rằng “chúng tôi sẽ tìm kiếm công lý cho bạn và chúng tôi sẽ tìm được”.

Ông nói rằng việc mang lại công lý cho xã hội nói chung sẽ là công việc chậm chạp và khó khăn và người Mỹ không nên chờ kết thúc vụ án Floyd mới bắt tay vào việc.

“Ngay bây giờ, chúng ta cần viết lại các quy tắc cho một xã hội công bằng, “ ông nói.

Giết người cấp một và cấp hai theo luật của tiểu bang Minnesota đòi hỏi phải trưng ra được bằng chứng rằng bị cáo có ý định giết người. Cấp độ thứ nhất trong hầu hết các trường hợp đòi hỏi phải có sự suy tính trước (premeditation, tiếng Pháp: malice prépensée); trong khi mức độ thứ hai liên quan nhiều hơn đến tội ác vì nóng giận tức thời, không có suy tính trước (crime of passion, tiếng Pháp crime passionnel).

Một cáo buộc giết người cấp ba sẽ không yêu cầu bằng chứng rằng bị cáo muốn nạn nhân chết, chỉ cần hành động của họ là nguy hiểm và được thực hiện mà không đoái hoài đến mạng sống của con người.

Bị cáo bị kết tội giết người cấp hai có thể lãnh một bản án lên tới 40 năm tù, nghĩa là 15 năm dài hơn so với giết người cấp ba với mức án tối đa 25 năm tù.

Cho dù bị buộc tội giết người cấp 1, Derek Chauvin cũng không thể bị tử hình. Thật vậy, hình phạt tử hình tại tiểu bang Minnesota đã bị bãi bỏ vào năm 1911.

Từ năm 1860 đến 1906, 27 người đã bị xử tử bằng cách treo cổ ở Minnesota. Sau vụ hành quyết tên giết người William Williams vào năm 1906, dư luận trong tiểu bang đã chống lại án tử hình. Năm 1911, một dự luật bãi bỏ đã được ký thành luật, đặt ra ngoài vòng pháp luật án tử hình ở Minnesota.

Kể từ năm 1911, đã có 23 nỗ lực khôi phục hình phạt án tử hình ở Minnesota, với lần gần đây nhất là vào năm 2005, nhưng không có dự luật nào trong số này được cơ quan lập pháp tiểu bang thông qua.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha gọi điện thoại cho các Giám Mục Hoa Kỳ, âu lo về tình trạng hiện nay

Hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại cho Đức Giám Mục Mark Seitz của Giáo phận El Paso, Texas, sau khi vị Giám mục tham gia một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc để cầu nguyện cho anh George Floyd.

Đức Cha Seitz nói với trang web tin tức địa phương El Paso Matters rằng ngài đã nhận được cú gọi kéo dài từ hai đến ba phút từ Đức Thánh Cha Phanxicô vào sáng ngày 3 tháng Sáu.

Hai vị đã nói chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha với nhau. Đức Cha Seitz cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô “nói ngài muốn chúc mừng tôi.”

“Tôi bày tỏ với Đức Thánh Cha rằng tôi cảm thấy bắt buộc phải thể hiện tình đoàn kết của chúng tôi đối với những người đang đau khổ” trong một hoàn cảnh quá bi thương.

Floyd đã bị giết ngày 25 tháng Năm trong một vụ bắt giữ bởi cảnh sát thành phố Minneapolis. Anh ta bị bắt vì tội sử dụng tờ tiền giả $20. Đoạn phim về vụ việc được lưu hành rộng rãi trên mạng. Anh ta đã bị ấn vào xe cảnh sát nhưng cảnh sát viên Derek Chauvin đã kéo Floyd ra khỏi ghế hành khách, khiến anh ta ngã xuống đất. Anh nằm đó, úp mặt, vẫn bị còng tay. Chauvin quỳ đầu gối trái giữa đầu và cổ Floyd. “Tôi không thể thở được, xin đừng giết tôi, “ Floyd liên tục van xin. Chauvin vẫn quỳ ghì chặt đầu Floyd trong 8 phút và 46 giây, báo cáo của các công tố viên cho biết.

Floyd được đưa đến một bệnh viện địa phương, nơi đã xác nhận anh qua đời, tuy nhiên, có lẽ anh đã chết ngay tại hiện trường. Cái chết của anh đã kéo theo các cuộc biểu tình lan rộng, cũng như cướp bóc và bạo loạn ở nhiều thành phố.

Đức Cha Seitz là giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đầu tiên tham gia các cuộc biểu tình chống lại sự phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của Floyd.

Cùng với một nhóm các linh mục trong giáo phận mình, Đức Cha Seitz đã quỳ trong im lặng cầu nguyện tưởng nhớ anh Floyd ngày 1 tháng Sáu. Ngài cũng cầm một tấm bảng với hàng chữ “Sinh mạng người da đen đáng giá.”

Cùng ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gọi điện cho Đức Tổng Giám Mục Jose Gómez của Los Angeles, và cũng là chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ những âu lo của ngài, những lời cầu nguyện và tình đoàn kết của ngài với người dân Mỹ trong thời kỳ bất ổn quốc gia.

“Đức Thánh Cha nói rằng ngài đang cầu nguyện, đặc biệt cho Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda và Giáo hội địa phương tại Minneapolis và St. Paul, ” Đức Tổng Giám Mục Gómez đã viết trong một lá thư ngày 03 tháng sáu gởi cho tất cả các giám mục Hoa Kỳ.

“Ngài cảm ơn các giám mục về những phát biểu mang tính mục vụ về phản ứng của Giáo Hội với các cuộc biểu tình trên khắp đất nước và hành động của chúng ta sau cái chết của anh George Floyd. Ngài bảo đảm với chúng ta về những lời cầu nguyện và sự gần gũi trong những ngày tới, ” Đức Cha Gómez nói thêm.


Source:Catholic News Agency

3. Bất chấp các cấm đoán hàng ngàn tưởng niệm vụ Thiên An Môn tại Hương Cảng

Hàng ngàn người biểu tình ở Hương Cảng đã tổ chức các buổi cầu nguyện công khai để tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn vào thứ hôm Năm, bất chấp lệnh của cảnh sát cấm các cuộc tụ họp lớn.

Vào tối ngày 4 tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường tại Hương Cảng để tưởng niệm vụ thảm sát năm 1989 và để phản đối luật an ninh mới do Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Tầu Cộng áp đặt lên khu vực này.

Ngày 4 tháng 6 năm 1989, quân đội Trung Quốc đã nổ súng vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, giết chết ít nhất hàng trăm người và làm bị thương hàng ngàn người khác. Việc tưởng niệm tội ác dã man này của cộng sản bị cấm triệt để tại Hoa Lục, nhưng những buổi cầu nguyện hàng năm để ghi nhớ sự kiện này vẫn được tổ chức hàng năm tại Hương Cảng, một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc.

Một buổi cầu nguyện công khai cho tưởng niệm vụ thảm sát này ban đầu đã được lên kế hoạch tổ chức tại Công viên Victoria vào ngày 4 tháng 6, nhưng cảnh sát đã ngăn chặn sự kiện này dưới chiêu bài những hạn chế về sức khỏe cộng đồng trong đại dịch coronavirus.

Hàng ngàn người vẫn trèo qua hàng rào cảnh sát vào công viên vào tối thứ Năm, thắp nến và im lặng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn.

Ở những nơi khác ở Hương Cảng, một số người biểu tình đã chặn đường và đụng độ với cảnh sát, trong khi những người khác tập trung tại các khu vực khác của thành phố, hô vang ủng hộ dân chủ và chống lại luật an ninh mà Quốc Hội Trung Quốc đang cố áp đặt tại thành phố này.

Một phát ngôn viên của giáo phận Hương Cảng nói với Catholic News Service rằng “Thánh lễ đặc biệt” đã được cử hành vào tối ngày 04 tháng 6, và nhấn mạnh rằng sắc lệnh của cảnh sát chống lại cuộc tụ họp tại Victoria Park “không thể ngăn cản các buổi cầu nguyện trong các thánh đường và những nơi khác.”

Theo South China Morning Post, hơn 3, 000 cảnh sát viên chống bạo động đã được điều động án ngữ các vị trí trọng yếu trong thành phố.

Trả lời một cuộc phỏng vấn của CNA, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, cho biết ngài lo lắng rằng các luật mới sẽ được sử dụng để bóp nghẹt quyền tự do tôn giáo mà người Hương Cảng hiện đang được hưởng.

Hương Cảng đã có những biện pháp bảo vệ rộng rãi cho tự do tín ngưỡng và truyền giáo, trong khi ở Trung Quốc đại lục, thì lại có một lịch sử đàn áp lâu dài đối với các Kitô hữu từ phía những người điều hành nhà nước.

Điều cần thiết nhất vào lúc này là cầu nguyện, Đức Hồng Y Quân nói.

“Chúng tôi không có gì tốt để hy vọng. Hương Cảng hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Chúng tôi phụ thuộc vào Trung Quốc ngay cả vấn đề thực phẩm và nước uống. Nhưng chúng tôi đặt mình vào tay Chúa, “ Đức Hồng Y Quân nói với CNA trong một cuộc phỏng vấn ngày 27 tháng Năm.

Hương Cảng là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc, nghĩa là nó có chính phủ riêng nhưng vẫn thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Hương Cảng từng là thuộc địa của Anh cho đến năm 1997, khi nó được trả lại cho Trung Quốc dưới nguyên tắc một quốc gia, nhưng hai hệ thống, cho phép Hương Cảng có hệ thống lập pháp và kinh tế của riêng mình.


Source:Catholic News Agency