1. Cuộc rước kiệu cảm động “Procissão do Adeus” tạm biệt Đức Mẹ.
Cám ơn quý vị và anh chị em đã đồng hành với chúng tôi trong cuộc hành hương trực tuyến đến đền thánh Đức Mẹ Fatima.
Trong chương trình này, xin được tường trình thêm vài diễn biến sau cùng.
Tại Fatima, sau mỗi lần tượng Đức Mẹ Fatima được rước ra khỏi đền thờ, các tín hữu hành hương lại tham dự một cuộc rước rất đặc biệt mà người Bồ Đào Nha gọi là “Procissão do Adeus”. Procissão nghĩa là cuộc rước, Adeus nghĩa là tạm biệt. Ý nghĩa của cuộc rước này là tạm biệt Đức Mẹ và tạm biệt nhau.
8 người khiêng kiệu Đức Mẹ qua các lối đi trong khi các tín hữu vẫy những khăn tay màu trắng để tạm biệt Đức Mẹ. Hàng triệu những khăn tay màu trắng như thế tạo thành một quang cảnh rất ngoạn mục.
Nếu đã từng được tham dự cuộc rước Procissão do Adeus, quý vị và anh chị em sẽ cảm thấy một cảm giác rất khó diễn tả. Lưu luyến chào tạm biệt Đức Mẹ, trở về với đời thường, nhiều người không khỏi rơi lệ.
Lần này tuy không có người hành hương nào được tham dự, ban tổ chức vẫn tổ chức cuộc rước kiệu truyền thống này như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin tường trình về bài giảng của Đức Hồng Y António Marto trong lễ kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đền thờ Đức Mẹ Fatima đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày 13 tháng 5 năm 1917 khi Đức Maria hiện ra mà không có sự hiện diện của công chúng.
“Đúng là thánh đường vắng vẻ, nhưng không bị bỏ hoang. Chúng ta xa cách về thể xác, nhưng hợp nhất về mặt tâm linh như một Giáo hội với Đức Maria, một cách mãnh liệt, với một trái tim tràn đầy đức tin và niềm phó thác,” Đức Hồng Y António Marto nói khi ngài chủ sự chuỗi Mân côi vào đêm trước ngày kỷ niệm.
“Đức Maria dạy chúng ta tin, hy vọng và yêu mến. Mẹ là Ngôi sao biển, tỏa sáng trên chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên con đường của chúng ta trong biển lịch sử.”
Đức Hồng Y Marto, giám mục của Leiria-Fátima, đã dâng thánh lễ ngày 13 tháng 5 được livestream từ đền thờ Fatima. Trong bài giảng, ngài kêu gọi hoán cải và lần hạt Mân Côi để đối phó với đại dịch coronavirus.
“Đại dịch này là một lời kêu gọi hoán cải tâm linh sâu sắc. Một thời gian ngắn trước đây, chúng ta sống với một sự tin cậy vững chắc vào sức mạnh khoa học kỹ thuật, vào sức mạnh kinh tế - tài chính, và nghĩ rằng chúng ta có thể miễn nhiễm khỏi bất kỳ dịch bệnh nào hoặc, nếu nó ập đến, một giải pháp nhanh chóng sẽ được tìm thấy. Nhưng, thật bất ngờ, một loại virus thầm lặng, vô hình, không thể đoán trước, có thể làm ô nhiễm tất cả mọi thứ và làm choáng váng cả thế giới. Chúng ta cảm thấy mặt đất như rung chuyển dưới chân mình.”
Đức Hồng Y Marto nhận xét rằng tình huống bi thảm và kinh hoàng hiện nay của đại dịch coronavirus đã bộc lộ tính dễ bị tổn thương và yếu đuối của loài người, và mời mọi người suy ngẫm về những gì là thiết yếu trong cuộc sống.
Tại Bồ Đào Nha, lễ kỷ niệm Đức Mẹ Fatima bắt đầu vào đêm trước ngày lễ. Cha Carlos Cabecinhas, giám đốc của đền thờ Fatima, đã mời các gia đình đặt nến ở cửa sổ nhà mình như một cách để tham gia vào đám rước nến truyền thống tại Fatima.
Vị Giám đốc đền thánh Đức Mẹ nói rằng dù mọi người không thể hành hương bằng đôi chân của mình, họ vẫn có thể thực hiện một cuộc hành hương nội tâm bằng trái tim của họ.
Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ được tái tục tại Bồ Đào Nha vào ngày 30 tháng 5 với một số hạn chế được đưa ra bởi Hội Đồng Giám Mục Bồ Đào Nha, để giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Tại Nhà nguyện Hiện ra Fatima, Đức Hồng Y Marto đã chủ sự chuỗi Mân Côi ngày 12 tháng 5 với Năm Sự Thương suy ngẫm về những mầu nhiệm trong cuộc thương khó Chúa và ý chỉ xin chấm dứt đại dịch coronavirus.
Ngài nói đứng trước đại dịch coronavirus kinh hoàng, chúng ta muốn hiệp nhất trong lời cầu nguyện, lòng cảm thông và dịu dàng với nhau.
“Hôm nay chúng ta đáp lại đại dịch coronavirus kinh hoàng này bằng chuỗi Mân Côi, là một lời cầu nguyện đặc biệt cần đến trong những thời điểm khó khăn. Khi suy ngẫm về những mầu nhiệm cuộc thương khó Chúa, chúng ta hợp nhất với tất cả nhân loại đau khổ. Chúng ta trao phó nỗi buồn và nỗi lo của mình cho trái tim từ mẫu của Đức Maria”.
Đức Hồng Y đã nhắc lại lời yêu cầu của Đức Trinh Nữ Maria khi Mẹ xuất hiện với ba trẻ chăn cừu là Lucia, Jacinta và Francisco vào ngày 13 tháng 5 năm 1917 rằng: “Các con hãy lần chuỗi Mân côi mỗi ngày để mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.”
Jacinta và Francisco Marto đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào ngày 13 tháng 5 năm 2017. Cả hai vị thánh trẻ tuổi đã chết vì đại dịch cúm Tây Ban Nha. Trận đại dịch kinh hoàng này đã giết chết khoảng 50 đến 100 triệu người vào đầu thế kỷ 20.
Source:Catholic News Agency
2. Đức Thánh Cha sẽ dâng thánh lễ tại hầm mộ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 18 tháng Năm
Vào ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 18 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng thánh lễ buổi sáng tại hầm mộ Đức Giáo Hoàng Ba Lan tại khu hầm mộ các vị Giáo Hoàng bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô.
Ngày 18 tháng Năm cũng là ngày đầu tiên các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự có thể tái tục trên khắp nước Ý.
“Tưởng nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ buổi sáng lúc 7:00 sáng trong nhà nguyện của ngôi mộ vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan,” Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, nói với các phóng viên.
Ông Bruni cũng tuyên bố rằng trong bối cảnh các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự ở Ý và ở nhiều nơi trên thế giới được tái tục trở lại, đây cũng sẽ là ngày cuối cùng mà Thánh lễ buổi sáng của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được phát trực tiếp. Đó là Thánh lễ thứ 65 được phát trực tiếp trong thời gian các Thánh lễ bị đình chỉ tại Ý.
Đức Thánh Cha hy vọng rằng Dân Chúa sẽ có thể trở lại sự quen thuộc với cộng đoàn của mình trong các bí tích, tham gia phụng vụ Chúa Nhật, cũng như các Thánh lễ trong tuần.
Bắt đầu từ ngày 9 tháng Ba vừa qua, các Thánh lễ ban sáng của Đức Thánh Cha đã được phát trực tiếp mỗi ngày vì điều kiện khẩn cấp của dịch bệnh coronavirus, cho phép những người muốn theo dõi các nghi lễ kết hiệp với Đức Giám Mục Rôma.
Đền Thờ Thánh Phêrô đã đóng cửa đối với các du khách và khách hành hương vào ngày 10 tháng Ba, sau khi cảnh sát Ý đóng cửa quảng trường kề bên.
Đến nay vẫn chưa có thông báo khi nào Đền Thờ Thánh Phêrô sẽ được mở cửa trở lại với công chúng.
Trước đại dịch, các video ghi hình các thánh lễ buổi sáng đã được cung cấp cho các đài truyền hình, nhưng không được phát trực tiếp, và chỉ bao gồm chủ yếu phần bài giảng của Đức Thánh Cha.
Đối với việc kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các Giám Mục Ba Lan đang khuyến khích mọi người sử dụng hashtag, # ThankYouJohnPaul2 trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, ý tưởng chủ yếu của các Giám Mục nước này là khích lệ việc sử dụng hashtag để xuất bản các video ngắn, hình ảnh hoặc những lời cảm ơn Thánh Gioan Phaolô II vì triều giáo hoàng của ngài.
Đó cũng là một cách để chia sẻ những kỷ niệm về vị giáo hoàng quá cố cho các thế hệ trẻ, những người không có cơ hội tìm hiểu ngài kỹ hơn, nhưng là những người có mặt thường xuyên trên mạng xã hội.
Theo cách này, chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với Giáo hoàng Ba Lan về tất cả những gì ngài đã mang lại và vẫn tiếp tục mang lại cho cuộc sống của chúng ta, cũng như cảm ơn ngài vì tất cả những cuộc gặp gỡ với chúng ta, những lời chia sẻ của ngài, những lời chúng ta nhớ nhất; những cảm hứng mà ngài đã gợi lên trong chúng ta và vẫn tiếp tục gợi lên trong chúng ta.
Source:Catholic News Agency
Đức Thánh Cha khích lệ việc sùng kính Đức Mẹ nhân kỷ niệm 103 năm Mẹ hiện ra tại Fatima
Trong ngày lễ Đức Mẹ Fatima, 13 tháng 5 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời chúng ta lần hạt Mân côi hơn bao giờ hết và tâm sự về “ tình lân ái” của Đức Trinh Nữ Maria, đặc biệt là “trong mọi cơn gian nan khốn khó “.
Đức Thánh Cha đã nói về điều đó với thính giả trong buổi triều yết chung trực tuyến vào thứ Tư 13 tháng Năm hôm nay, và trong một dòng tweet, Ngài đã dâng lên Đức Trinh Nữ Maria lời khẩn nguyện sau đây: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria, Nữ hoàng Mân côi, xin cho chúng con thấy sức mạnh của chiếc áo choàng che chở của Mẹ. Hy vọng và hòa bình mà chúng tôi mong chờ đợi trông sẽ đến từ vòng tay của Mẹ. #OurDamedeFatima »
Phát biểu trước những người nói tiếng Bồ Đào Nha từ thư viện Dinh Tông Tòa Vatican, Đức Thánh Cha đã phát biểu về lễ kỷ niệm này: “Tôi xin chào các thính giả nói tiếng Bồ Đào Nha và, vào ngày mười ba tháng Năm này, tôi khuyến khích mọi người biết noi theo gương của Đức Trinh Nữ Maria. Để đạt mục tiêu này, chúng ta hãy cố gắng sống trong tháng này với một lời cầu nguyện hàng ngày cách hăng say và nhiệt thành hơn, đặc biệt bằng cách lần hạt Mân côi, như Giáo hội hằng khuyên bảo tuân theo ước muốn được Đức Mẹ bày tỏ nhiều lần ở Fatima. Dưới sự bảo vệ của Mẹ, chúng ta sẽ thấy rằng những đau đớn và phiền não của cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn. “
Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với giáo phận Fatima và riêng với vị mục tử của giáo phận, Đức Hồng Y António dos Santos Marto như sau: “Tôi muốn nói với tất cả trái tim của tôi với giáo phận Fatima, đền thánh của Đức Mẹ hôm nay. Tôi chào tất cả những người hành hương cầu nguyện ở đó, tôi chào Đức Hồng Y chủ chăn, tôi xin chào thăm tất cả anh chị em. Tất cả cùng hợp nhất với Đức Mẹ, người đang đồng hành cùng chúng ta trên hành trình hoán cải hàng ngày này đến với Chúa Giêsu, xin Chúa ban phước lành cho các bạn!”
Phát biểu về người Ba Lan, Đức Thánh Cha nói thêm: “Tôi trân trọng chào tất cả người Ba Lan. Hôm nay trong phụng vụ, chúng ta kỷ niệm Đức Mẹ Fatima. Chúng ta hãy trở lại trong suy nghĩ về sự xuất hiện của Đức Mẹ và thông điệp gửi đến thế giới, cũng như về cuộc ám sát chống lại Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, Người đã tin và đã cảm nhận được sự can thiệp cứu giúp của Đức Trinh Nữ trong cuộc đời mình. Trong lời cầu nguyện của chúng tôi, chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Trái tim Vô nhiễm của Đức Maria, thương ban hòa bình cho thế giới, chấm dứt đại dịch, và ban cho chúng ta lòng ăn năn hối cải cuộc sống của chúng ta.”
Cuối cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha lại đề nghị cầu nguyện lần chuỗi Mân côi và tin cậy vào “sự từ ái” của Đức Maria: “Tôi xin chào các tín hữu nói tiếng Ý. Vào ngày kỷ niệm lần đầu tiên xuất hiện trước những người bé nhỏ tầm thường của Fatima, tôi mời bạn cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria khấn ban cho mọi người kiên trì trong tình yêu của Thiên Chúa và của tha nhân. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn thanh niên, những người già, người bệnh và các đôi tân hôn. Hãy luôn chạy đến nương nhờ sự phù trì che chở của Đức Mẹ; trong Mẹ, chúng ta tìm thấy một người mẹ chu đáo và dịu dàng, một nơi ẩn náu an toàn khỏi mọi nghịch cảnh.”
Source:Vatican News
Thánh lễ tại Santa Marta thứ Năm 14 tháng Năm: Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện, ăn chay và thực hiện các nghĩa cử bác ái
Lúc 7 sáng thứ Năm 14 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ kính Thánh Mátthia Tông Đồ, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cho đại dịch coronavirus kinh hoàng này sớm chấm dứt. Ngài nhắc nhớ rằng ngày 14 tháng Năm hôm nay là ngày các tín hữu của các tôn giáo trên khắp thế giới sẽ tham gia - thông qua việc cầu nguyện, ăn chay hoặc bằng cách thực hiện các hành động bác ái - để cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 chết chóc này chấm dứt.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay, Uỷ ban cao cấp về tình huynh đệ nhân loại đã mời gọi một ngày cầu nguyện, ăn chay, để cầu xin lòng thương xót Chúa trong thời khắc bi thảm của đại dịch này. Chúng ta đều là anh em. Thánh Phanxicô Assisi nói: “Tất cả là anh em”. Và vì điều này, những người nam nữ thuộc mọi niềm tin tôn giáo, hôm nay, hãy tham gia cầu nguyện và làm việc hãm mình đền tội, để cầu xin ân sủng chữa lành khỏi đại dịch này.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một. Hôm nay là ngày ăn chay cầu nguyện nên Bài Đọc Một không trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ, nhưng được trích từ Sách Giôna, trong đó vị tiên tri mời dân thành Ninivê hoán cải để không phải chịu sự tàn phá thành phố.
Bài Ðọc I: Gn 3, 1-10
Thành Ninivê sám hối và được tha thứ
Bài Trích Sách Tiên Tri Giôna
Chúa phán cùng ông Giôna lần thứ hai rằng: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi.” Ông Giôna đứng dậy và đi Ninivê, như lời Chúa phán. Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.” Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Ninivê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.” Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Ninivê chuyển đổi và thành phố đã được cứu khỏi một đại dịch, có lẽ là một đại dịch đạo đức. Và hôm nay, tất cả anh chị em chúng ta thuộc mọi niềm tin tôn giáo cầu nguyện cho sự kết thúc của đại dịch, đoàn kết trong một tình huynh đệ kết hợp chúng ta trong giây phút đau đớn này. Đại dịch này diễn ra quá bất ngờ, kinh hoàng và nhiều người chết, thậm chí là chết trong cô đơn, mà chúng ta gần như bất lực không thể làm gì.
Chúng ta hãy nghĩ về những người đau khổ, về hậu quả kinh tế, về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tất cả cùng nhau cầu nguyện với Chúa. Một số người có thể nói rằng đây là thuyết tương đối tôn giáo, coi đạo nào cũng như đạo nào. Không phải như thế đâu.
Mọi người cầu nguyện lên cùng Chúa hết khả năng có thể của mình. Tất cả chúng ta đoàn kết như anh em, cầu nguyện theo văn hóa và tôn giáo của chúng ta, kêu cầu sự tha thứ vì tội lỗi của chúng ta, khẩn xin Chúa ngăn chặn đại dịch này.
Hôm nay là một ngày của tình huynh đệ. Hôm nay là một ngày đền tội và cầu nguyện. Đại dịch đã đến như một trận lụt. Nhưng có nhiều thứ đại dịch khác mà chúng ta chưa nhận thấy vì khi chúng ta tập chú về thảm kịch này, chúng ta thờ ơ với những thảm kịch khác.
Trong 4 tháng đầu năm nay, gần 4 triệu người chết vì đói: đại dịch đói. Chúng ta cũng phải nghĩ đến các đại dịch khác: đại dịch chiến tranh và đại dịch đói khát và những đại dịch khác nữa.
Điều quan trọng là hôm nay chúng ta cầu nguyện cùng nhau theo truyền thống tôn giáo của mình. Hôm nay là ngày cầu nguyện, ăn chay và thực hiện các hành vi bác ái. Khi Chúa thấy rằng người dân Ninivê đã hoán cải, đại dịch đã dừng lại.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và thương xót chúng ta.
Source:Vatican News