Trên tờ National Review số ra ngày 6 tháng Năm, hai giáo sư R. Richard Geddes và Barry Strauss có bài nhận định về sự thâm nhập và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các đại học Mỹ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


American Universities Must Stop Covering for the Chinese Communist Party

R. Richard Geddes và Barry Strauss

Các Đại Học Mỹ phải chấm dứt bao che cho đảng cộng sản Trung Quốc


Trước mức độ đánh lạc hướng và thụ động của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc mà nhiều người đã bàn luận trong đại dịch này, câu hỏi đáng được nêu ra là cuộc khủng hoảng COVID-19 có liên quan như thế nào với chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ Mác – Lênin, là nền tảng của nó.

Phần lớn nền giáo dục đại học Hoa Kỳ ngày nay, hoàn toàn chẳng đề cập đến một chút nào trong các tường thuật chính mạch. Một thành kiến cánh tả được ghi nhận rõ ràng trong các trường đại học và cao đẳng, đặc biệt là ở những người tự coi mình là thành phần tinh anh của xã hội, đang đào tạo ra những sinh viên được trang bị một cách nghèo nàn trong việc nhận biết những hành vi như thế của cộng sản. Để thấy vấn đề bao quát hơn, cần lưu ý rằng môn lịch sử đóng một vai trò nhỏ hơn trong hệ thống giáo dục trung học so với trước đây, và môn công dân giáo dục đã biến mất.

Ngày nay trong giới hàn lâm, người ta có nhiều khả năng được nghe về sự cướp đoạt của chủ nghĩa tư bản hơn là sự tàn phá của chủ nghĩa cộng sản. Việc tự hào xưng mình là người Marxist đã trở thành xu hướng từ lâu. Một cuộc thăm dò gần đây kết luận rằng mười người Mỹ thì có 4 người ủng hộ một thứ xã hội chủ nghĩa hay các chính sách xã hội nào đó. Một cuộc thăm dò khác kết luận rằng 1/3 thiếu niên thiên niên kỷ mới này ủng hộ chủ nghĩa cộng sản. Một cuộc thăm dò ý kiến năm 2016 cho thấy Karl Marx rất có khả năng được đưa vào sách giáo khoa trong các lớp học của những trường đại học Hoa Kỳ hơn là Adam Smith.

Dường như không có lịch sử về thất bại kinh tế, không có nhà tù và trại lao động cưỡng bức, chiến tranh xâm lược, không có sự lật đổ nào có thể xâm nhập vào cơ cấu đang thịnh hành của hệ thống giáo dục Đại Học Hoa Kỳ. Dường như không có gì có thể làm lung lay một niềm tin cứng cỏi hoặc một sự mù quáng vô tâm như vậy. Ngày nay, quang cảnh bao quát trong các trường đại học là sự lan rộng toàn cầu của COVID-19 không gì khác hơn là một sự kiện tự nhiên đáng tiếc, chứ không phải do sự đàn áp, tham nhũng, và nói dối thẳng thừng của chế độ Trung Quốc. Không ai bị đổ lỗi, và chắc chắn cũng không đổ lỗi được bất kỳ hệ tư tưởng chính trị cụ thể nào. Hoặc nếu có một ý thức hệ nào bị đổ lỗi, thì đó không phải là chủ nghĩa cộng sản. Giáo sư đã về hưu của MIT là Noam Chomsky đã đổ lỗi cho đại dịch về sự thất bại của chủ nghĩa tư bản.

Hành vi gần đây của Trung Quốc thật đáng ghê tởm. Các bác sĩ Trung Quốc đã xác định việc lây lan từ người sang người sớm nhất là vào giữa tháng 12 năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cứ tiếp tục phủ nhận không hề có sự truyền bệnh như vậy trong nhiều tuần lễ. Tình báo Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát và không thông báo đầy đủ số lượng các trường hợp lây nhiễm và số thương vong. Họ đã không cách ly Vũ Hán cho đến tận 23 tháng Giêng, sau khi hàng triệu người đã đến Trung Quốc để dự lễ đón Tết Nguyên đán và toả đi khắp nơi trên toàn cầu.

Theo tờ New York Times, kể từ ngày 1 tháng Giêng, đã có 430,000 người vào Hoa Kỳ thông qua các chuyến bay trực tiếp từ Trung Quốc,. Đó chỉ là nước Mỹ. Ảnh hưởng trên toàn cầu thật thảm khốc: Các khoa học gia trong một nghiên cứu gần đây đã khám phá ra rằng các trường hợp coronavirus có thể đã giảm 95% nếu Trung Quốc đã có phản ứng sớm hơn ba tuần.

Làm thế nào nhà chức trách Trung Quốc có thể hành động vô trách nhiệm, và khinh thường sự an khang của kẻ khác đến như vậy? Câu trả lời là Trung Quốc vẫn còn là một chế độ cộng sản chuyên chế, nơi người dân Trung Quốc cũng nằm trong số những nạn nhân khốn khổ nhất của họ. Toàn nhân loại hiện đang phải trả giá. Một số chính phủ dân chủ có thể đã bị che mắt và xử sự sai lầm trong phản ứng ban đầu của mình đối với virus. Đúng vậy, nhiều chính phủ dân chủ quả thật có làm điều đó. Tuy nhiên, những người tố giác, trình báo chính xác và gây xôn xao dư luận đã nhanh chóng buộc phải có sự thay đổi. Nó lại không được như vậy dưới chế độ Cộng sản, nơi những người tố giác biến mất một cách bí ẩn.

Trung Quốc rất tàn nhẫn trong nhiệm vụ đánh cắp nghiên cứu, kiểm soát thông tin và giành được sự chấp thuận. họ đã phân phối các ngân quỹ có mục tiêu cho các học giả được lựa chọn một cách có chiến lược trong các trường đại học Mỹ (như đã thấy trong các cáo buộc năm nay tại Đại học Harvard và Đại học Florida), đã thành lập Viện Khổng Tử trong các khuôn viên đại học để truyền bá tư tưởng Marxist, và tham gia vào một chiến dịch tuyên truyền toàn cầu - một cách tinh vi, với nỗ lực dựa trên dữ liệu, được hỗ trợ bởi một cuộc tấn công bằng truyền thông xã hội khổng lồ - để thể hiện mình là một đấng cứu tinh trên toàn thế giới, chứ không phải là một nhà nước có rất nhiều điều phải giải thích.

Việc tố cáo chủ nghĩa cộng sản được nhường cho những người bị giới tinh hoa và hàn lâm xem là không khôn khéo, lạc hậu hoặc thậm chí là phân biệt chủng tộc. Việc chỉ trích chế độ cộng sản Trung Quốc không nên bị xem là sự chỉ trích người dân, và chủ nghĩa cộng sản không nên được quyền làm tới chỉ vì mọi người sợ bị gọi là kẻ phân biệt chủng tộc.

Mặc dù chế độ Trung Quốc đã được một số người tín nhiệm vì đã đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, uy tín ấy thuộc về chính người dân Trung Quốc, những người đã dám nghĩ dám làm và siêng năng. Chế độ này chỉ đơn thuần thoát ra khỏi mấy thập niên của các kế hoạch kinh tế xã hội đầy thảm hại. Sự áp bức vẫn còn tồn tại, đặc biệt đối với những người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, những người đấu tranh bảo vệ quyền tự do dân sự ở Hồng Kông và những người trung ngôn khắp nơi ở Trung Quốc.

Mặc dù những hành động ác độc của chế độ Trung Quốc đôi khi bị các giáo sư và ban giám đốc các đại học lên án, nhưng thường thì những đường giây liên kết đến hệ tư tưởng hỗ trợ những hành động này lại bị bỏ qua. Nhiều học giả vẫn bỏ qua mối liên hệ này.

Đã đến lúc các nhà giáo dục đại học và sinh viên của họ phải thảo luận một cách cởi mở về những sai lầm của chủ nghĩa Marx trong thực tiễn và những thiệt hại to lớn mà nó đã gây ra. Chúng ta cần một cuộc tranh luận không có giới hạn, tự do và cởi mở về những giá trị so sánh của chủ nghĩa cộng sản đối với chủ nghĩa tư bản. Nếu không là bây giờ thì đến khi nào?

Nếu sau một cuộc tranh luận như vậy mà sinh viên Mỹ sau khi rời bỏ trường đại học trở nên đối nghịch với chủ nghĩa tư bản, thì cứ cho là như vậy. Nhưng đừng bao giờ để họ đạt đến kết luận đó mà không nghiên cứu trước về thực tế chết người của những gì cộng sản đã tạo ra cho toàn nhân loại.

R. Richard Geddes là giáo sư thỉnh giảng tại Viện American Enterprise Ins. Ông cũng là giáo sư môn phân tích chính sách và quản lý tại Đại học Cornell, nơi Barry Strauss là giáo sư Lịch sử và Edith M. Bowmar là giáo sư môn Khoa học Nhân Văn


Source:National Review