1. Đức Hồng Y Tây Ban Nha bị dọa đưa ra tòa vì ban phép lành cho thành phố.
Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.
Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho 525 vị tử đạo Tây Ban Nha.
Trong đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, tính đến thứ Ba 12 tháng Năm, tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 26,744 người, trong số 268,143 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp nhiễm coronavirus nếu tính theo con số thực sự thì đứng thứ hai sau Hoa Kỳ. Nhưng tính theo tỷ lệ phần trăm dân số thì Tây Ban Nha đang đứng đầu thế giới. Hơn thế nữa, các bệnh nhân tại đây đang phải chống trả với cái chết trong các điều kiện y tế khá bi đát.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là của tờ El Pais. Một sân vận động có mái che đã được cải biên thành một bệnh viện dã chiến với các dụng cụ y tế rất nghèo nàn thua xa các quốc gia khác ở Âu Châu. Thủ tướng Pedro Sánchez thuộc đảng Công Nhân Xã Hội được mô tả là người say sưa với ý thức hệ phá thai, ông ta đã cắt giảm các chi tiêu về y tế từ khi lên nắm quyền.
Là người Mácxít, Pedro Sánchez, có một sự gắn bó với bọn cầm quyền Bắc Kinh. Ông ta mua của Trung Quốc hàng triệu các que thử, và các dụng cụ xét nghiệm quá kém chỉ có độ chính xác khoảng 20%. Hậu quả là những người lẽ ra phải được xác định là dương tính đã nhận được báo cáo âm tính. Họ tự do lang thang khắp nơi gây ra một tình trạng lây nhiễm kinh hoàng.
Chính vì thế, đã xảy ra những lời kêu gọi Pedro Sánchez nên từ chức từ nhiều phiá trong xã hội Tây Ban Nha. Tờ El Pais chạy hàng tít lớn: “Thủ tướng nên cút đi!”.
Pedro Sánchez không chịu cút, nhưng tìm cách đổ tội cho người khác. Nạn nhân mới nhất của ông ta là Đức Hồng Y Antonio Cañizares, Tổng Giám Mục Valencia.
Tổng Giáo Phận Valencia có một truyền thống hàng ngàn năm nay là vào Chúa Nhật thứ hai trong tháng Năm sẽ mừng lễ “Đức Mẹ che chở những người bị bỏ rơi”, trong dịp này có một cuộc rước kiệu Đức Mẹ từ Basilica de la Virgen de los Desamparados, nghĩa là “đền thánh Đức Mẹ của những người vô gia cư”, đến nhà thờ Thánh Catêrina rồi vòng về. Cuộc rước kiệu thường niên này lôi cuốn hàng chục ngàn người.
Hôm 14 tháng Ba, Pedro Sánchez áp đặt lệnh cách ly. Các Thánh lễ đã bị đình chỉ từ đó.
Từ ngày 2 tháng Năm, lệnh cách ly được dỡ bỏ dần và dân chúng có thể đi ra ngoài đường. Các Thánh lễ vẫn tiếp tục bị đình chỉ mặc dù các siêu thị đã được cho mở lại.
Chính vì thế, tổng giáo phận đã thông báo không có cuộc rước kiệu như các năm trước.
Nhiều người không đọc được thông báo vẫn đến. Tuy nhiên, như quý vị và anh chị em có thể thấy trong đoạn video này, các camera của các phóng viên và cả camera an ninh của nhà thờ đã ghi lại được hình ảnh anh chị em đến nhà thờ nhìn qua hàng song sắt đóng kín, xem qua một chút, làm dấu thánh giá, sau đó bỏ đi.
Trong nhà thờ chỉ có Đức Hồng Y và một vài linh mục.
Cuối lễ Đức Hồng Y mang mặt nhật ra cuối nhà thờ để ban phép lành Thánh Thể cho thành phố. Đám đông dân chúng đang đứng bên ngoài nhà thờ lại gần để nhìn cho rõ. Họ bị các cảnh sát viên giải tán ra xa và đứng cách nhau mỗi người khoảng 2m.
Công tố viện đã quyết định khởi tố Đức Hồng Y về tội mở một cuộc tụ họp trái phép. Đó là một cáo buộc mà tổng giáo phận đã nhanh chóng phản kháng.
Trong thông báo vào hôm thứ Hai 11 tháng Năm, tổng giáo phận cho biết:
“Lễ Đức Mẹ che chở những người bị bỏ rơi đã được tổ chức với một thánh lễ duy nhất lúc 10:30 đền thánh Đức Mẹ, đằng sau các cánh cửa đóng kín mà không có sự hiện diện của các tín hữu.”
“Sau thánh lễ, Đức Hồng Y và các linh mục, không bao giờ rời khỏi nhà thờ, nhưng ra gần cửa nhà thờ đối diện với Plaza de la Virgen. Các videos cho thấy nhiều người, đeo khẩu trang y tế và tôn trọng các quy tắc khoảng cách xã hội, đã tập hợp để tôn kính Thánh Thể.
Tất cả các diễn biến này chỉ diễn ra trong vài phút, trong khi quốc ca khu vực Valencia được phát ra. Sau bài quốc ca, Đức Hồng Y và các linh mục quay trở vào trong nhà thờ.
Cũng có mặt tại quảng trường là ba thành viên của lực lượng cảnh sát và các thành viên của Hội Chữ thập đỏ, là những người luôn nhắc nhở mọi người về sự cần thiết phải giữ khoảng cách xa nhau thích hợp.
Các videos cũng cho thấy qua loa, một thành viên của lực lượng cảnh sát Valencia rõ ràng yêu cầu những người có mặt giữ khoảng cách thích hợp với nhau, nhưng không yêu cầu họ giải tán và cũng không cho rằng đã có sự vi phạm luật pháp”.
Một tuần trước đó, các phương tiện truyền thông do đảng Công Nhân Xã Hội Tây Ban Nha kiểm soát cho rằng nhà thờ chính tòa thành phố đầy chật người trong thánh lễ Chúa Nhật 3 tháng Năm. Tuy nhiên, video an ninh của nhà thờ cho thấy chỉ có các linh mục đồng tế, không có tín hữu nào tham dự.
Trong các videos trước chúng tôi đã tường trình với quý vị và anh chị em những hình ảnh các Giám Mục và linh mục rước Mình Thánh Chúa qua các đường phố trên đất Ý, có ai bắt bớ các ngài không? Rõ ràng đây là một trò lợi dụng dịch bệnh để bách hại tôn giáo.
Source:Crux
Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng
Hôm 12/5/2020, Ngày Quốc tế Điều dưỡng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi đến các Y tá và Nữ hộ sinh thông điệp sau:
Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng, trong bối cảnh Năm Quốc tế của các Y tá và Nữ hộ sinh được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố chính thức. Đồng thời, chúng ta cũng cử hành kỷ niệm hai trăm năm ngày khánh thành dưỡng đường Florence Nightingale, là người tiên phong của ngành điều dưỡng hiện đại.
Tại thời điểm quan trọng này, được đánh dấu bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra, chúng ta đã tái khám phá tầm quan trọng cơ bản của vai trò của các y tá và nữ hộ sinh. Mỗi ngày chúng ta chứng kiến các chứng tá về lòng dũng cảm và sự hy sinh của các nhân viên y tế và đặc biệt là các y tá, với sự chuyên nghiệp, tự hy sinh, và ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với người lân cận, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi virus, thậm chí đến mức đặt sức khỏe của chính họ vào nguy cơ. Đáng buồn thay khi điều này có thể được nhìn thấy nơi con số đông đảo các nhân viên y tế đã chết vì sự phục vụ tận tụy của họ. Tôi cầu nguyện cho họ - Chúa biết từng người trong số họ - và cho tất cả các nạn nhân của dịch bệnh này. Xin Chúa Phục sinh ban cho mỗi người ánh sáng thiên đàng, và ban cho gia đình họ niềm an ủi đức tin.
Các y tá trong lịch sử đã đóng một vai trò trung tâm trong việc chăm sóc sức khỏe. Mỗi ngày, khi tiếp xúc với người bệnh, họ trải qua những tổn thương do những đau khổ trong cuộc sống của mọi người. Họ là những người nam nữ đã chọn cách nói “vâng” với một ơn gọi rất đặc biệt: đó là trở thành người Samaritanô nhân lành đang lo ngại cho cuộc sống và đau khổ của người khác. Họ là những người chăm sóc và bảo vệ sự sống, những người trong lúc điều hành các phương pháp điều trị cần thiết, trao ra sự can đảm, hy vọng và tin tưởng. [1]
Các y tá thân mến, trách nhiệm đạo đức là điểm nổi bật trong dịch vụ chuyên nghiệp của các bạn, là điều không thể giản lược thành kiến thức khoa học kỹ thuật mà thôi, nhưng phải được truyền cảm hứng liên tục từ mối quan hệ nhân bản và ấm áp tình người của các bạn với các bệnh nhân. “Khi chăm sóc cho những người nam nữ, trẻ em và người già, trong mỗi giai đoạn của cuộc sống của họ, từ khi sinh ra cho đến cái chết, các bạn có nhiệm vụ lắng nghe liên tục, nhằm tìm hiểu những nhu cầu của các bệnh nhân, trong giai đoạn họ đang trải qua. Trước tính chất độc đáo của mỗi tình huống, thực sự, tuân theo một giao thức mà thôi thì không bao giờ là đủ, nhưng điều cần thiết là phải có một nỗ lực phân định liên tục – và thường là mệt mỏi – để chú ý đến mỗi cá nhân” [2].
Các bạn - và ở đây tôi cũng nghĩ đến các nữ hộ sinh – là những người gần gũi với mọi người vào những thời điểm quan trọng trong sự sống của họ - sinh, lão, bệnh, tử - giúp họ đối phó với các tình huống đầy hoang mang. Đôi khi các bạn thấy mình ở bên cạnh họ khi họ sắp chết, mang lại sự thoải mái và thanh thản trong những giây phút cuối cùng của họ. Vì sự cống hiến của các bạn, các bạn là một trong những “vị thánh bên cạnh”. [3] Các bạn là một hình ảnh của Giáo Hội như một “bệnh viện dã chiến” đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã thu hút lại gần và chữa lành những người bị đủ thứ các loại bệnh tật, và là Đấng cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Cảm ơn các bạn đã phục vụ nhân loại!
Ở nhiều quốc gia, đại dịch cũng đã bộc lộ một số thiếu sót trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vì lý do này, tôi sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo các quốc gia trên toàn thế giới đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe như một thiện ích chung, bằng cách củng cố các hệ thống quốc gia và sử dụng một số lượng y tá lớn hơn, nhằm bảo đảm chăm sóc đầy đủ cho mọi người, tôn trọng phẩm giá của mỗi người. Điều quan trọng là nhận ra một cách hiệu quả vai trò thiết yếu của nghề nghiệp của các bạn trong việc chăm sóc các bệnh nhân, trong các hoạt động khẩn cấp tại địa phương, trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh, tăng cường sức khỏe và hỗ trợ trong các môi trường gia đình, cộng đồng và trường học.
Các y tá, cũng như các nữ hộ sinh, xứng đáng có quyền được tốt hơn và có giá trị đầy đủ hơn và tham gia vào các quá trình liên quan đến sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Việc đầu tư vào đội ngũ y tá và nữ hộ sinh giúp cải thiện việc chăm sóc và sức khỏe tổng thể là điều đã được chứng minh. Do đó, tính chuyên nghiệp của họ cần được tăng cường bằng cách cung cấp các công cụ khoa học, nhân văn, tâm lý và tinh thần phù hợp cho việc đào tạo họ; cũng như bằng cách cải thiện các điều kiện làm việc và bảo đảm quyền lợi của họ, để họ có thể thực hiện sứ vụ của mình một cách xứng đáng.
Về vấn đề này, các hiệp hội dành cho các nhân viên y tế đóng một vai trò quan trọng. Ngoài việc cung cấp đào tạo toàn diện, họ hỗ trợ từng thành viên của họ, khiến các nhân viên y tế cảm thấy mình là một phần của một cơ thể lớn hơn, không bao giờ mất tinh thần và cô đơn khi họ phải đối mặt với những thách thức về đạo đức, kinh tế và con người mà nghề nghiệp của họ đòi hỏi.
Tôi muốn nói một lời đặc biệt đến các nữ hộ sinh hỗ trợ các phụ nữ đang mang thai và giúp họ sinh con. Công việc của các bạn là một trong những nghề cao quý nhất, vì nó trực tiếp dành riêng cho việc phục vụ cuộc sống và làm mẹ. Trong Kinh thánh, tên của hai nữ hộ sinh anh hùng, Shiphrah và Puah, được ghi khắc mãi mãi trong Sách Xuất hành (x. 1: 15-21). Hôm nay cũng vậy, Cha trên trời nhìn các bạn với lòng cảm mến.
Các y tá thân mến, các nữ hộ sinh thân mến, cầu xin cho lễ kỷ niệm thường niên này làm nổi bật phẩm giá của công việc các bạn vì lợi ích sức khỏe của toàn xã hội. Tôi bảo đảm những lời cầu nguyện của tôi dành cho các bạn, gia đình các bạn và những người các bạn quan tâm, và tôi ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả các bạn.
Rôma, từ Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 12 tháng 5 năm 2020
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
[1] x. Hiến Chương mới về các nhân viên y tế, các số từ 1 đến 8.
[2] Diễn từ với các thành viên của Liên Đoàn Y Tá Chuyên Nghiệp Italia, 3 Tháng Ba, 2018.
[3] Bài giảng thứ Năm Tuần Thánh, 9 tháng Tư, 2020.
Source:Holy See Press Office
3. Thánh lễ tại Santa Marta 13/5: Kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima
Lúc 7 sáng thứ Tư 13 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ này, kỷ niệm 103 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện đặc biệt lên cùng Đức Mẹ xin Mẹ cầu bầu cho các nước đang gặp những thử thách kinh hoàng, trong đó có Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, mà Đức Thánh Cha đang rất âu lo vì tình trạng đang ngày càng nguy hiểm. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cầu nguyện các học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư.
Mở đầu thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và các giáo sư là những người đang phải tìm ra những hướng đi mới trong việc học tập và giảng dạy: xin Chúa giúp họ trên hành trình này, cho họ lòng can đảm và ban cho họ những thành công lớn.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 15: 1- 1) trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái.”
Phúc Âm: Ga 15: 1-8
“Ai ở trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.
“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
“Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Đời sống Kitô hữu là một sự “ở lại” trong Chúa Giêsu. Chúa sử dụng hình ảnh của cây nho. Sự “ở lại” này không phải là một sự “ở lại” thụ động, không phải là ngủ yên trong Chúa: nhưng đó là một sự “ở lại” tích cực và cũng có một mối quan hệ hỗ tương. Nói cách khác, Chúa cũng “ở lại” trong chúng ta. Đó là một mầu nhiệm của cuộc sống, một mầu nhiệm đẹp.
Những nhánh không có sự sống không thể làm bất cứ điều gì vì chúng cần nhựa cây để sinh trưởng và sinh hoa trái. Nhưng chính cây nho cũng cần các nhánh: đó là nhu cầu chung để sinh hoa trái. Đời sống Kitô hữu bao gồm việc thực hiện các điều răn, sống theo các Các Mối Phúc Thật và làm các công việc của lòng thương xót. Đúng là như thế, nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Đời sống Kitô hữu còn bao gồm sự “ở lại” hỗ tương này. Chúng ta không thể làm gì nếu không có Chúa Giêsu. Và dường như không có chúng ta – xin cho phép tôi nói điều này - Chúa Giêsu không thể làm gì. Ngài cần sự hợp tác hoàn toàn tự do của chúng ta. Đó là một sự thân mật hiệu quả. Sự cần thiết của cây nho là sinh trái. Điều Chúa Giêsu cần là chứng tá của chúng ta: Chúa Giêsu cần chúng ta làm chứng cho danh Người, vì Tin Mừng phát triển nhờ các chứng nhân và các chứng tá. Đó là mầu nhiệm của sự “ở lại” hỗ tương.
Thật là tốt cho chúng ta khi suy nghĩ về điều này: chúng ta ở lại trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu vẫn ở trong chúng ta. Chúng ta cần đến ơn sự cứu rỗi, và Chúa ở lại trong chúng ta để ban cho chúng ta sức mạnh làm chứng cho Ngài để Giáo hội phát triển. Đó là một mối quan hệ của sự thân mật, mầu nhiệm, không thể diễn tả hết bằng lời: điều đó không chỉ dành cho các nhà thần bí, điều đó còn dành cho tất cả chúng ta.
Để kết luận, Đức Thánh Cha dâng lên lời nguyện này:
“Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để con có hể làm bất cứ điều gì Chúa nói với con”. Đó là một cuộc đối thoại thân mật giúp chúng ta hiểu và cảm nhận mầu nhiệm của việc “ở lại” này.
Source:Vatican News