1. Hồi kết của vụ đại nghịch bất đạo nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội tại Nigeria

Một Giám Mục người Nigeria đã bị cản trở không thể tiếp nhận Giáo phận Ahiara trong nhiều năm qua, cuối cùng đã được bổ nhiệm làm Giám mục của Ekwulobia, hy vọng chấm dứt một cuộc khủng hoảng làm rung chuyển Giáo hội tại quốc gia đông dân nhất châu Phi.

Đức Cha Peter Ebere Okpaleke đã được Đức Giáo Hoàng Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Giám Mục Ahiara vào năm 2012, nhưng một nhóm linh mục và giáo dân đã quyết liệt chống lại việc bổ nhiệm này, chỉ vì ngài thuộc về một nhóm sắc tộc khác với họ, dẫn đến một tình trạng tiến thoái lưỡng nan kéo dài nhiều năm khiến ngài không thể tiếp nhận giáo phận.

Hôm 29 tháng Tư vừa qua, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô thành lập Giáo phận Ekwulobia mới tinh từ lãnh thổ của giáo phận Awka. Ngày 3 tháng Năm, Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố tiếp một quyết định thứ hai là bổ nhiệm Đức Cha Okpaleke làm giám mục tiên khởi của giáo phận mới tinh này.

Các báo cáo nói rằng vị Giám Mục đã được đón nhận trong giáo phận mới của mình, và thánh lễ nhận tòa của ngài có sự tham dự của thống đốc bang Anambra và một số Giám Mục, mặc dù việc tham dự bị hạn chế rất nhiều do đại dịch coronavirus.

Hàng ngàn tín hữu không thể tham dự sự kiện này vì những hạn chế của chính phủ đã có thể theo dõi Thánh lễ thông qua việc livestream trên Facebook.

Trong bài giảng, Đức Cha Okpaleke nói rằng ngài sẽ tập trung phần lớn sứ vụ của mình vào gia đình, vì đó là nền tảng của Giáo Hội Công Giáo và là nơi phát sinh những ơn gọi mới.

Trình bày các suy tư của ngài về về tác động của COVID-19 giữa các tín hữu, Đức Cha nói:

“Sự nhạy cảm và cam kết mới đối với lợi ích của Dân Chúa trong cộng đồng của chúng ta là cần thiết. Chúng ta cần cam kết làm chứng cho Tin Mừng và Giáo hội như một gia đình. Do đó, cần phải đầu tư thời gian, sức lực, cảm xúc vào sự hiệp nhất này của gia đình.”

“Chúa muốn nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội, chủ yếu là sự hiệp nhất của Dân Chúa,” Đức Cha Okpaleke nói.

Vào ngày 8 tháng 6 năm 2017, trong một diễn biến chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra một tối hậu thư buộc các linh mục của giáo phận Ahiara trong thời hạn 30 ngày phải viết thư lên Đức Thánh Cha chấp nhận vị giám mục hoặc bị huyền chức. Yêu cầu đã được Đức Hồng Y Fernando Filoni, lúc bấy giờ là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc truyền đạt cho các linh mục của giáo phận Ahiara trong một lá thư đề ngày 24 tháng 6 năm 2014.

Được biết, hầu hết các linh mục từ giáo phận đã tuân thủ tối hậu thư của Giáo hoàng, viết thư của họ cho Đức Phanxicô.

Tuy nhiên, thật khó để xác định chính xác có bao nhiêu linh mục trả lời. Tòa Thánh đưa ra một con số là 110 vị. Những người ủng hộ Đức Giám Mục Okpaleke tuyên bố 157 trong số 200 linh mục đã gửi thư trả lời. Sự khác biệt về số lượng này có thể được giải thích một phần bởi các linh mục xuất thân từ Ahiara được thụ phong cho các giáo phận khác hoặc các dòng tu cũng đáp ứng yêu cầu của Đức Giáo Hoàng.

Bất chấp những lá thư, Đức Cha Okpaleke không bao giờ có thể đặt chân đến Ahiara vì những chống đối của anh chị em giáo dân bị một số người sách động.

Một tuyên bố được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo giáo dân của giáo phận nhấn mạnh rằng Đức Giám Mục Okpaleke “không có chỗ trong giáo phận Ahiara.”

Tình hình này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của Giáo Hội trong khu vực. Không có tân linh mục được thụ phong, không có trẻ em được chịu phép Thêm Sức... nên cuối cùng để thoát ra được tình thế khó khăn này, tháng Hai năm 2018, Đức Cha Okpaleke đã từ chức Giám mục Ahiara với một lá thư trong đó ngài nói rằng “không còn có lợi cho Giáo hội” nếu ngài khăng khăng giữ vị trí của mình.

Ngày thứ Hai 19 tháng Hai, 2018, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Okpaleke.

Giáo phận Ahiara là một trong những giáo phận Công Giáo lớn nhất tại Nigeria, với khoảng 400,000 người Công Giáo trong tổng số 500,000 dân. Tại đây cũng sản sinh nhiều ơn gọi đời sống linh mục và tu trì.

Các giáo sĩ Ahiara đã không chấp nhận Đức Cha Okpaleke, một thành viên của bộ lạc Igbo phía đông nam, và phàn nàn rằng người Mbaise ở địa phương đã không được bổ nhiệm làm giám mục.

Đức Thánh Cha không có ý định bổ nhiệm một giám mục mới cho giáo phận Ahiara, và bổ nhiệm một Giám Quản Tông Tòa mới, là Đức Cha Lucius lwejuru Ugorji, Giám mục Umuahia, và ban cho ngài tất cả các năng quyền của một Đấng Bản Quyền.

Đức Thánh Cha nói thêm đồng hành trong lời cầu nguyện với giáo phận Ahiara trong giai đoạn mới này của cuộc sống Giáo hội tại đây, hy vọng rằng với vị Giám Quản Tông Tòa mới, Giáo hội địa phương sẽ hồi phục sức sống của mình và không bao giờ phải chịu đựng những hành động làm tổn thương Nhiệm Thể Chúa Kitô như thế.


Source:Crux

2. Tình hình của các Giáo Hội tại Á Châu. Tổng giáo phận nghiêm cấm giải tội trực tuyến

Tại Nam Hàn, tính cho đến Chúa Nhật 10 tháng Năm, 256 người đã chết trong tổng số 10,840 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Trong hơn nửa tháng qua, số trường hợp nhiễm bệnh mới không tới 20 người mỗi ngày và không có trường hợp tử vong.

Các nhà thờ, do đó, đã được mở cửa trở lại vào đầu tháng Năm. Tại giáo phận Andong, một trong những vùng có nhiều trường hợp nhiễm bệnh, các Thánh lễ cũng đã được tái tục và trong một thời gian ngắn sắp tới luật giữ ngày Chúa Nhật được khôi phục trở lại. Các linh mục Nam Hàn đang cử hành nhiều Thánh lễ hơn bình thường để giảm số người tham dự trong một thánh lễ. Đồng thời, anh chị em giáo dân được khuyến khích tham dự các Thánh lễ hàng ngày nếu vì lý do nào đó giáo xứ không thể sắp xếp cho họ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật.

Tại Đài Loan, Tổng giáo phận Đài Bắc đã tái tục các Thánh lễ Chúa Nhật từ ngày 10 tháng Năm sau khi đình chỉ trong gần hai tháng vì đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tổng giáo phận, có trụ sở tại thủ đô của Đài Loan, đã tuyên bố vào ngày 4 tháng Năm rằng các giáo xứ đang tái tục lại các Thánh lễ hàng ngày trong tuần và các ngày lễ Chúa Nhật. Tất cả các Thánh lễ có công chúng tham dự đã bị đình chỉ từ ngày 20 tháng Ba.

Tuy nhiên, Ngày hội Truyền giáo của Tổng giáo phận dự kiến vào ngày 23 tháng Năm, một ngày trước lễ Đức Mẹ Xà Sơn, và cũng là ngày cầu nguyện cho Giáo Hội tại Hoa Lục, đã bị hoãn lại. Một ngày khác và địa điểm mới sẽ được công bố sau đó, tổng giáo phận cho biết trong một thông báo.

Các thánh lễ có công chúng tham dự sẽ được tổ chức trong các điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn khoảng cách xã hội và các quy tắc được thiết lập toàn cầu khác để tránh nhiễm trùng coronavirus.

Mỗi thánh lễ trong nhà sẽ chỉ có 100 người tham gia, những người tham dự cần ghi danh trước.

Tổng giáo phận đề nghị cử hành thánh lễ ngoài trời nhiều hơn vì lợi ích của người dân. Người đi lễ được yêu cầu duy trì một khoảng cách an toàn ngoài trời.

Giáo dân bị bệnh giống như sốt hoặc các triệu chứng khác của Covid-19 được miễn nghĩa vụ tham dự các Thánh lễ Chúa Nhật.

Trong khi trao “bình an” trong Thánh lễ, người Công Giáo được yêu cầu tránh bắt tay. Thay vào đó, họ nên cúi đầu hoặc thể hiện các hình thức tôn trọng lẫn nhau khác, thông báo cho biết.

Tổng giáo phận cũng yêu cầu các giáo sĩ và những người giúp đỡ các ngài trong Thánh Lễ làm sạch tay bằng chất lỏng có cồn trước khi trao Mình Thánh Chúa.

Đài Loan đã ghi nhận 440 trường hợp dương tính với coronavirus và 19 trường hợp tử vong. Không có trường hợp nhiễm bệnh mới nào được xác nhận kể từ ngày 13 tháng Tư.

Tại Phi Luật Tân, tử vong đã lên đến 704 người, trong số 10,610 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong những ngày qua, số trường hợp tử vong có khuynh hướng giảm, mặc dù con số lên xuống thất thường giao động từ 10 đến 30 người trong một ngày. Số trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận trung bình là 150 trường hợp tính từ đầu tháng Tư đến nay.

Con số tuy không nhiều, tuy nhiên, nhiều người bi quan cho rằng sau những xung đột liên tục với hàng giáo phẩm, tổng thống Rodrigo Duterte sẽ nhân dịp này đình chỉ các thánh lễ trong một thời gian rất dài, có lẽ phải đến đầu tháng Bẩy may ra các Thánh lễ mới được tái tục.

Trong một thông báo được loan tải cả trên web site của Tòa Thánh, Đức Cha Broderick Pabillo, Giám Quản Tông Tòa của tổng giáo phận Manila, đã mạnh mẽ chỉ trích cách “giải tội trực tuyến” mà nhiều linh mục đang thực hiện tại tổng giáo phận này.

Ngài nói rằng quyết định này là nhằm “bảo vệ ấn tín tòa giải tội và sự thành tâm trong việc xưng tội”, và nhấn mạnh rằng bí tích Hoà Giải đòi hỏi một cuộc đối thoại cá nhân giữa linh mục và hối nhân.

Tuy nhiên, Đức Cha Pabillo cho biết, các ứng dụng giao tiếp từ xa và điện thoại có thể được sử dụng để cung cấp các lời khuyên về tâm linh hay ban phép lành.

Các linh mục được khuyến khích sử dụng các phương tiện truyền thông này để giúp hướng dẫn một người ăn năn tội cách trọn.

Ăn năn tội cách trọn xảy ra khi một người “bày tỏ niềm tin và tình yêu của Thiên Chúa lên trên tất cả mọi thứ và quyết tâm thực hiện Bí tích hoà giải càng sớm càng tốt. Trong trường hợp đó tất cả tội lỗi của anh ấy/cô ấy, thậm chí là các tội nặng, đều được tha.”

“Ăn năn tội cách trọn luôn luôn là một phần của truyền thống Công Giáo của chúng ta”, Đức cha Pabillo nói. “Thiên Chúa luôn hiện diện với chúng ta, ngay cả khi Bí tích Hòa giải là không thể thực hiện được.”

Tổng giáo phận Manila hôm thứ Tư đã ban hàng những giao thức mới cho các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự, bao gồm cả việc xưng tội.

Các hướng dẫn đã được ban hành để giúp các giáo xứ chuẩn bị cho thời gian mà các Thánh lễ và nghi lễ công cộng sẽ được cho phép.

Giao thức của Tổng giáo phận yêu cầu cả linh mục và hối nhân trong tòa giải tội đều phải đeo khẩu trang.

Tổng giáo phận cũng thấy rằng các tòa giải tội nhỏ thường được sử dụng trong các giáo xứ sẽ cần phải được “cấu hình lại” để cho phép khoảng cách xã hội. Nếu điều này không thể làm được, Bí tích Hòa giải có thể được tổ chức bên ngoài tòa giải tội, duy trì khoảng cách một mét giữa hối nhân và cha giải tội.


Source:Vatican News