Các sắc lệnh nhìn nhận nhân đức anh hùng. Gương sáng của thiếu niên Matteo Farina
Các sắc lệnh nhìn nhận nhân đức anh hùng
Hôm thứ Tư 5 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh một cuộc tiếp kiến, và đã ủy quyền cho Bộ Tuyên Thánh công bố các Sắc lệnh sau:
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Francesco Caruso, Linh mục của Tổng giáo phận Catanzaro-Squillace; sinh tại Gasperina, Ý, vào ngày 7 tháng 12 năm 1879 và qua đời tại đó vào ngày 18 tháng 10 năm 1951;
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Carmelo De Palma, Linh mục của Tổng giáo phận Bari-Bitonto; sinh tại Bari, Ý, vào ngày 27 tháng Giêng năm 1876 và qua đời tại đó vào ngày 24 tháng 8 năm 1961;
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Phanxicô Barrecheguren Montagut, Linh mục đã khấn trọn trong Tu hội Đấng Cứu chuộc Cực Thánh; sinh tại Lérida, Tây Ban Nha vào ngày 21 tháng 8 năm 1881 và qua đời tại Granada, Tây Ban Nha, vào ngày 7 tháng 10 năm 1957;
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Maria de la Concepción Barrecheguren y García, một nữ giáo dân; sinh tại Granada, Tây Ban Nha, vào ngày 27 tháng 11 năm 1905 và qua đời tại đó vào ngày 13 tháng 5 năm 1927;
- Sắc lệnh nhìn nhận những nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Matteo Farina, một giáo dân; sinh tại Avellino, Ý, vào ngày 19 tháng 9 năm 1990 và qua đời tại Brindisi, Ý, vào ngày 24 tháng 4 năm 2009.
Từ năm 1983, tiến trình tuyên thánh trong Giáo Hội Công Giáo trải qua các bước như sau: thứ nhất là tuyên phong lên hàng “Servus Dei” – nghĩa là “Tôi tớ Chúa”, rồi đến bậc “Venerabilis” – nghĩa là “Bậc Đáng Kính”, sau đó là “Beatus” – nghĩa là “Chân Phước”, và cuối cùng cao nhất là được tuyên Thánh - “Sanctus”.
Như thế, trước khi có các sắc lệnh này, 5 vị được nêu trên là các Tôi tớ Chúa. Sau 5 sắc lệnh này các vị được chính thức gọi là Bậc Đáng Kính.
Trước khi trở thành linh mục, cha Barrecheguren Montagut, được nêu trong sắc lệnh thứ Ba, đã kết hôn và có một cô con gái, là Maria de la Concepción Barrecheguren García sinh năm 1905 và qua đời năm 1927, là người cũng được Đức Thánh Cha tuyên bố là Bậc Đáng Kính trong sắc lệnh thứ Tư. Sau khi vợ và con gái qua đời, cha Barrecheguren Montagut đã trở thành một linh mục.
Gương sáng của thiếu niên Matteo Farina
Sắc lệnh thứ Năm liên quan đến thiếu niên người Ý Matteo Farina, sinh năm 1990 và qua đời năm 2009.
Farina lớn lên trong một gia đình Công Giáo thuần thành tại thị trấn Brindisi miền nam nước Ý.
Giáo xứ nơi cậu lãnh nhận các bí tích được chăm sóc bởi các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin, từ đó ngài có được lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Phanxicô thành Assisi và Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh.
Vị Cáo Thỉnh Viên án tuyên thánh cho Farina nói rằng từ khi còn nhỏ Farina có khát khao học hỏi những điều mới mẻ, luôn thực hiện các hoạt động của mình với sự cần mẫn, cho dù đó là trường học hay thể thao hay niềm đam mê âm nhạc.
Bắt đầu từ tám tuổi, cậu thường xuyên lãnh nhận bí tích hòa giải. Cậu cũng rất siêng năng đọc Lời Chúa. Năm chín tuổi, cậu đọc toàn bộ Phúc Âm Thánh Matthêu như một thực hành trong Mùa Chay. Farina cũng cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi mỗi ngày.
Khi lên chín tuổi, cậu đã có một giấc mơ, trong đó cậu nghe Thánh Piô Năm Dấu Thánh nói với cậu rằng nếu cậu hiểu rằng “người không vướng mắc tội lỗi hạnh phúc dường nào” thì cậu cần phải giúp đỡ người khác nhận ra điều này, “để chúng ta tất cả có thể cùng nhau tiến đến hạnh phúc, tiến đến nước thiên đàng.”
Từ thời điểm đó trở đi, Farina cảm thấy một khát vọng truyền giáo mạnh mẽ, đặc biệt là trong số các bạn bè của mình, nhưng cậu đã làm điều đó một cách lịch sự và không thành kiến.
Cậu đã từng viết về mong muốn này: “Tôi hy vọng sẽ thành công trong sứ mệnh truyền giáo của tôi để ‘thâm nhập’ vào giới trẻ, nói với họ về Thiên Chúa (là ánh sáng bởi ánh sáng); Tôi quan sát những người xung quanh, để bước vào họ trong im lặng như một con virus và lây nhiễm cho họ một căn bệnh nan y là tình yêu!”.
Tháng 9 năm 2003, một tháng trước sinh nhật thứ 13 của mình, Farina bắt đầu có các triệu chứng về những gì sau này được các bác sĩ chẩn đoán là một khối u não. Khi đang trải qua các xét nghiệm y tế, cậu bắt đầu viết nhật ký. Cậu gọi kinh nghiệm của những cơn đau đầu dữ dội và các đau đớn “là một trong những cuộc phiêu lưu thay đổi cuộc sống của bạn và của người khác. Nó giúp bạn mạnh mẽ hơn và phát triển hơn đặc biệt là về phương diện đức tin.”
Trong sáu năm sau đó, Farina trải qua một số lần phẫu thuật não bộ và trải qua những lần hóa trị liệu và các phương pháp điều trị khối u khác.
Tình yêu của cậu dành cho Đức Maria được củng cố trong thời gian này và cậu đã tận hiến mình cho Trái Tim Vô nhiễm của Đức Maria.
Giữa những lần phải vào bệnh viện, cậu tiếp tục sống cuộc sống bình thường của một thiếu niên: đi học, đi chơi với bạn bè, thành lập một ban nhạc và yêu một cô gái.
Sau này, cậu gọi mối quan hệ trong trắng với cô Serena trong hai năm cuối đời của cuộc sống “là món quà đẹp nhất” Chúa ban cho mình.
Ở tuổi 15, cậu đã viết những dòng sau khi suy tư về tình bạn: “Tôi muốn có thể hòa nhập với các bạn của tôi mà không bị buộc phải bắt chước những sai lầm của họ. Tôi muốn cảm thấy được tham gia nhiều hơn vào nhóm, mà không phải từ bỏ các nguyên tắc Kitô của mình. Thật khó. Khó đấy nhưng không phải là không thể.”
Cuối cùng, tình trạng của cậu trở nên tồi tệ hơn và sau cuộc phẫu thuật thứ ba, cậu bị liệt ở tay và chân trái. Cậu thường lặp lại rằng “Chúng ta phải sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, nhưng không phải trong nỗi buồn của cái chết, mà là trong niềm vui được sẵn sàng gặp Chúa!”
Farina chết được bao quanh bởi bạn bè và gia đình của mình vào ngày 24 tháng Tư năm 2009.
Francesca Consolini, cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Farina, đã viết trên một trang web dành riêng cho Bậc Đáng Kính còn rất trẻ này là trong cậu nổi lên “một cam kết nội tại sâu thẳm hướng đến sự thanh sạch con tim khỏi mọi tội lỗi” và cậu đã cảm nghiệm linh đạo này “không phải với sự nặng nề, cam go hay bi quan. Trên thực tế, từ lời nói của cậu ta thấy sự tin tưởng liên tục vào Thiên Chúa, một sự bền đỗ, quyết tâm và cái nhìn thanh thản hướng về tương lai”
Farina thường nghĩ về đức tin và sự “khó khăn trong việc đi ngược dòng”. Xuất phát từ mối ưu tư về việc thiếu giáo dục đức tin tốt cho những người trẻ tuổi, cậu đã thực hiện nhiệm vụ này giữa các bạn bè mình.
Cậu đã từng viết trong nhật ký của mình: “Khi bạn cảm thấy rằng bạn không thể làm điều đó, khi thế giới đè nặng lên bạn, khi mọi lựa chọn đều là một quyết định quan trọng, khi mọi hành động đều là một sự thất bại... và bạn muốn ném tất cả mọi thứ đi, khi công việc căng thẳng đẩy bạn đến tận cùng giới hạn sức mạnh của mình... hãy dành thời gian để chăm sóc tâm hồn của bạn, yêu mến Chúa với toàn bộ con người bạn và phản ánh tình yêu của Người dành cho người khác.”
Các lễ tuyên Chân Phước phải hoãn lại
Thông cáo của Bộ Tuyên Thánh cũng cho biết thêm:
Do các biện pháp cần thiết được thực hiện để ứng phó với tình trạng khẩn cấp vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, và theo yêu cầu của các giám mục liên hệ, năm buổi lễ tuyên Chân Phước cho các Bậc Đáng Kính sau đây đã bị hoãn lại:
Lễ tuyên Chân Phước cho Bậc Đáng Kính Lucia dell'Immacolata, nhũ danh Maria Ripamonti, dự kiến vào ngày 9 tháng 5.
Lễ tuyên Chân Phước cho Bậc Đáng Kính Marie Louise của Bí tích Thánh Thể, dự kiến vào ngày 16 tháng 5.
Lễ tuyên Chân Phước cho Bậc Đáng Kính Cayetano Giménez Martìn và 15 bạn tử đạo, dự kiến vào ngày 23 tháng 5
Lễ tuyên Chân Phước cho Bậc Đáng Kính Đức Hồng Y Stefan Wyszyński, dự kiến vào ngày 7 tháng 6.
Lễ tuyên Chân Phước cho Bậc Đáng Kính Sandra Sabattini, dự kiến vào ngày 14 tháng 6
Những ngày mới cho các lễ tuyên Chân Phước vẫn chưa được thiết lập.
Source:Vatican News
Source:Catholic News Agency
Thánh lễ tại Santa Marta 8/5/2020: Chúng ta cần học cách nhận thức ra sự an ủi thực sự của Chúa.
Lúc 7 sáng thứ Sáu 8 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Hôm nay tại Ý, người Công Giáo cử hành ngày lễ “Supplica alla Madonna di Pompei”, ngày “Khẩn Cầu cùng Đức Bà Pompei”. Ngày lễ này được cử hành hàng năm vào ngày 8 tháng Năm là ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Pompei vào năm 1876. Ngày Khẩn Cầu cùng Đức Bà Pompei cũng được tổ chức vào đúng 12 giờ trưa trước ảnh Đức Bà Pompei vào ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10.
Hôm nay cũng là ngày Hồng Thập Tự thế giới. Vì thế, trong thánh lễ, Đức Thánh Cha cầu nguyện xin Đức Bà Pompei cầu bầu cho những người làm việc trong Hội Hồng Thập Tự
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay là Ngày Hồng Thập Tự thế giới và cũng là ngày Trăng Lưỡi Liềm Đỏ. Chúng ta cầu nguyện xin Đức Bà Pompei cầu bầu cho những người làm việc trong các tổ chức xứng đáng này. Xin Chúa ban phép lành cho công việc của họ đang làm với rất nhiều thành quả tốt đẹp.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan trong đó Chúa Giêsu an ủi các môn đệ Ngài: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Phúc Âm: Ga 14, 1-6
“Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi”. Ông Tôma thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
“Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con”. Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và các môn đệ diễn ra trong Bữa Tiệc Ly. Chúa Giêsu buồn và mọi người đều buồn. Chúa Giêsu nói Người sẽ bị một trong số họ phản bội nhưng đồng thời Người lại bắt đầu an ủi các môn đệ mình. Chúa an ủi các môn đệ Người và ở đây chúng ta thấy cách Chúa Giêsu an ủi.
Chúng ta có nhiều cách an ủi, từ cách xác thực nhất, từ cách gần gũi nhất đến cách nặng về hình thức nhất, như những bức điện chia buồn: ‘Đau buồn sâu sắc vì..” Nó không an ủi ai cả, nó là đồ giả, đó là kiểu an ủi của các nghi thức.
Nhưng chính Chúa an ủi chúng ta như thế nào? Biết rõ điều này là rất quan trọng, bởi vì trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ phải trải qua những khoảnh khắc đau buồn – chắc chắn rồi – cho nên chúng ta phải học cách nhận thức ra sự an ủi thực sự của Chúa.
Trong đoạn Tin Mừng này chúng ta thấy rằng Chúa luôn luôn an ủi trong sự gần gũi, với sự thật và hy vọng. Đây là ba đặc điểm trong cách Chúa an ủi chúng ta. Ngài cận kề thân mật, không bao giờ xa cách. “Thầy ở cùng các con” là câu rất đẹp Chúa Giêsu thường nói với chúng ta. Nhiều lần Chúa hiện diện trong im lặng nhưng chúng ta biết rằng Ngài ở đó. Ngài luôn ở đó. Sự gần gũi là phong cách của Thiên Chúa, chính vì thế Ngài đã nhập thể, để đến gần chúng ta. Chúa an ủi chúng ta trong sự gần gũi với chúng ta. Và Ngài không sử dụng những từ trống rỗng, ngược lại: Ngài thích im lặng. Sức mạnh của sự gần gũi, của sự hiện diện. Và Ngài nói rất ít. Nhưng đầy thân mật, cận kề.
Một đặc điểm thứ hai trong cách Chúa Giêsu an ủi chúng ta là sự thật: Chúa Giêsu là sự thật. Người không nói những điều nặng phần nghi thức nhưng dối trá: “Không, đừng lo, không sao đâu, mọi thứ sẽ ổn thôi, sẽ không có gì xảy ra, mọi cái sẽ qua đi, yên tâm đi, mọi thứ sẽ qua” Ngài nói lên sự thật. Ngài không che giấu sự thật. Bởi vì ngay trong đoạn văn này, chính Người đã nói: “Thầy là sự thật”. Và sự thật là: “Thầy sẽ ra đi”, nghĩa là: “Thầy sẽ chết”. Chúng ta đang đối mặt với cái chết. Đó là sự thật. Và Ngài nói điều đó đơn giản, nhẹ nhàng, không làm tổn thương ai: chúng ta đang đối mặt với cái chết. Ngài không che giấu sự thật.
Đặc điểm thứ ba trong sự an ủi của Chúa Giêsu dành cho chúng ta là hy vọng. Ngài nói, vâng, đó là một thời gian tồi tệ. Nhưng đừng để trái tim các con xao xuyến: hãy có niềm tin vào Thầy, bởi vì trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Chúa trở lại mỗi khi có ai đó trong chúng ta trên đường rời khỏi thế giới này. “Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy”: đó là hy vọng. Người sẽ đến và đưa tay ra cho chúng ta và mang chúng ta đi. Người chẳng bao giờ nói: “Không, anh em sẽ không đau khổ, không có gì đâu”. Ngài nói sự thật: “Thầy ở cùng anh em,” đây là sự thật: đó là một khoảnh khắc tồi tệ, nguy hiểm, và cái chết. Nhưng đừng để trái tim anh em xao xuyến, hãy bình yên. Sự bình yên là cơ sở của mọi sự an ủi, bởi vì Thầy sẽ đến và chìa tay ra cho con và đưa con đến nơi Thầy sẽ đến.
Thật không dễ dàng gì để nhận thức ra chúng ta đang được Chúa an ủi. Nhiều lần, trong những lúc khốn cùng, chúng ta tức giận với Chúa và không để Ngài đến và nói với chúng ta với sự ngọt ngào này, với sự gần gũi này, với sự hiền lành này, với sự thật này và với hy vọng này.
Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin cho chúng ta ân sủng biết học cách để mình được Chúa ủi an. Sự an ủi của Chúa là trung thực, không lừa dối. Đó không phải là gây mê, không phải. Nhưng là sự gần gũi, là sự thật và nó mở ra những cánh cửa hy vọng cho chúng ta.
Source:Vatican News