1. Quá ác: Trung Quốc buộc người Công Giáo phải ký giấy bỏ đạo
Các Kitô hữu Trung Quốc đã hoan nghênh một báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, gọi tắt là USCIRF, lên án Trung Quốc vì những bách hại tôn giáo nghiêm trọng. Tuy nhiên, họ nói rằng tình hình còn nghiêm trọng hơn những gì đã được báo cáo.
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo nói rằng không gian tự do tôn giáo đã bị thu hẹp nghiêm trọng trong hai thập kỷ qua, khi chế độ cộng sản thực hiện một loạt các chính sách nhằm xóa bỏ tôn giáo khỏi xã hội.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã coi Trung Quốc là một quốc gia cần quan tâm đặc biệt, kể từ năm 1999, theo khuyến nghị của USCIRF. Báo cáo năm 2020 gần đây của ủy ban đã quy Trung Quốc vào trong số những quốc gia có thành tích bất hảo tồi tệ nhất toàn cầu về mặt tự do tôn giáo.
Nhưng một số học giả tôn giáo nói với UCA News rằng hình thức đàn áp tôn giáo nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc thường không được nhắc đến là việc bọn cầm quyền buộc các Kitô hữu phải ký vào một tuyên bố bỏ đạo dưới sự đe dọa rằng nếu từ chối họ sẽ không nhận được các trợ cấp của chính phủ như lương hưu.
Kể từ năm 2018, tại các khu vực như tỉnh Chiết Giang, các giáo viên là Kitô hữu trong các trường trung, tiểu học và cao đẳng đã buộc phải ký các tài liệu đó, nếu không muốn bị từ chối lương hưu. Tình hình này đã được tăng cường một cách khốc liệt hơn nữa sau vụ coronavirus.
Sự áp bức tiếp tục một cách tinh vi, ngăn chặn mọi người thực hành đức tin của họ, một nhà lãnh đạo tôn giáo đã cho biết như trên nhưng chúng tôi không nêu tên để bảo đảm an toàn cho vị ấy.
Báo cáo của USCIRF, được công bố vào ngày 28 tháng Tư, cho biết, tình trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc đã tiếp tục xấu đi trong năm ngoái, khi bọn cầm quyền sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để giám sát các nhóm tôn giáo thiểu số.
Hàng loạt vi phạm
Báo cáo của USCIRF cho biết các chuyên gia độc lập ước tính rằng khoảng 900,000 đến 1.8 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, người Slovak và những người Hồi giáo khác đang bị giam giữ trong hơn 1,300 trại tập trung ở Tân Cương.
Báo cáo cũng đề cập đến các cuộc tấn công vào Kitô hữu, nói rằng bọn cầm quyền đã tấn công hoặc tịch thu hàng trăm nhà thờ Kitô Giáo. Họ đã thả các thành viên của Giáo hội Giao ước Mưa mùa thu vào tháng 12 năm 2018, nhưng một tòa án vào tháng 12 năm ngoái đã buộc tội vị mục sư của nhóm này là mục sư Vương Nghị (Wang Yi -王毅), tội âm mưa lật đổ chính quyền nhân dân và kết án ông 9 năm tù giam.
Báo cáo cũng đề cập trực tiếp đến Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦), là Giám Mục Phụ Tá của giáo phận Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), và Đức Cha Augustinô Thôi Thái (Cui Tai - 崔泰), là Giám Mục Phó của giáo phận Tuyên Hóa (Xuanhua - 宣化). Bọn cầm quyền đã liên tục sách nhiễu và bỏ tù các ngài chỉ vì các ngài đã từ chối tham gia vào Hiệp Hội Công Giáo Yêu Nước do cộng sản tạo ra.
Báo cáo của USCIRF cũng cáo buộc rằng bọn cầm quyền ở các địa phương, chẳng hạn như ở Quảng Châu, đang trả tiền mặt cho những ai báo cáo sinh hoạt của các tín hữu Công Giáo thầm lặng.
Ngoài ra, các thánh giá từ các nhà thờ trên khắp đất nước đã và đang bị triệt hạ, những người dưới 18 tuổi bị cấm tham gia các nghi thức tôn giáo, và hình ảnh của Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ được thay thế bằng hình ảnh của Đại Đế Tập Cận Bình.
Báo cáo đề nghị chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa chỉ định Trung Quốc là một quốc gia được quan tâm đặc biệt theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.
Các tín hữu Trung Quốc muốn Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào các tổ chức và các quan chức Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo bằng cách đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan hoặc cấm họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Họ cũng đề nghị rằng nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục đàn áp tự do tôn giáo, các quan chức chính phủ Mỹ không nên tham gia Thế vận hội mùa đông do Bắc Kinh đăng cai vào năm 2022.
Báo cáo cũng yêu cầu tăng cường nỗ lực chống lại những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng ở Hoa Kỳ để đàn áp thông tin hoặc tuyên truyền về vi phạm tự do tôn giáo.
Trong một email viết cho UCA News, Cha Tôma Vương (Thomas Wang), là người đã theo dõi tình hình tự do tôn giáo tại Trung Quốc, cho biết bọn cầm quyền chưa bao giờ phản ứng tích cực với những cáo buộc đàn áp tôn giáo như thế này, chúng hoặc là né tránh, hoặc buộc tội những người khác can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Cha Vương cho biết phía Trung Quốc coi bách hại tôn giáo là một cuộc chiến trong nước. “Tôi đánh vợ con tôi sau cánh cửa đóng kín; nó không liên quan gì đến bạn, tôi có đánh họ đến chết thì đó là việc của gia đình chúng tôi, không phải việc của bạn.”
Maria Li tại Quảng Đông cho biết Trung Quốc không còn lo lắng về áp lực và lên án quốc tế.
“Bọn cầm quyền đã mua chuộc rất nhiều quốc gia và tổ chức lớn nhỏ; ngay cả các cơ quan quốc tế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, mà còn bảo vệ chúng. Vậy chúng còn lo lắng về điều gì?”
Tuy nhiên, cô muốn cộng đồng quốc tế chú ý đến tình hình tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc.
“Nếu nhiều quốc gia đoàn kết và gây áp lực với Trung Quốc, ít nhất bọn cầm quyền sẽ phải giảm bớt những áp bức trắng trợn, điều này sẽ giúp Giáo hội dễ thở hơn”, cô nói.
Source:UCAN
2. Thánh lễ tại Santa Marta 7/5/2020: Đức Thánh Cha cầu nguyện thêm cho các nghệ sĩ
Lúc 7 sáng thứ Năm 7 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ, ngài quay trở lại cầu nguyện cho các nghệ sĩ và cầu xin Chúa ban phép lành cho họ và nhắc nhở chúng ta rằng trở thành Kitô hữu là thuộc về một dân tộc được Chúa chọn một cách nhưng không. Nếu không có nhận thức này, người ta rơi vào chủ nghĩa giáo điều, duy đạo đức, hay các phong trào coi mình là thành phần tinh hoa của xã hội.
Mở đầu, Đức Thánh Cha nói:
Hôm qua tôi đã nhận được một lá thư từ một nhóm nghệ sĩ: họ cảm ơn chúng ta vì lời cầu nguyện mà chúng ta dành cho họ. Tôi muốn xin Chúa ban phép lành cho họ vì các nghệ sĩ làm cho chúng ta hiểu thẩm mỹ là gì và không có thẩm mỹ thì Tin Mừng không thể hiểu được. Hãy cầu nguyện lần nữa cho các nghệ sĩ.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 13: 13-25), trong đó Thánh Phaolô vào hội đường Do Thái tại Antiôkia xứ Pisiđia và cắt nghĩa cho dân chúng lịch sử dân Israel và ơn cứu độ.
Bài Ðọc I: Cv 13, 13-25
“Bởi dòng dõi Ðavít, Thiên Chúa đã ban Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Rời Paphô, Phaolô và các bạn vượt biển đến Perghê xứ Pamphy-lia; còn Gioan từ biệt các ngài, và trở về Giêrusalem. Hai ngài sang qua Perghê và đến Antiôkia xứ Pisiđia; ngày Sabbat, các ngài vào ngồi trong hội đường. Sau khi đọc sách luật và các tiên tri, những thủ lãnh nhà hội đường sai người đến nói với các ngài rằng: “Hỡi anh em, nếu ai trong anh em có lời khuyên bảo dân chúng, xin hãy nói”.
Phaolô đứng lên, giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng và nói: “Hỡi người Israel và những kẻ kính sợ Thiên Chúa, hãy nghe đây. Thiên Chúa dân Israel đã chọn Tổ phụ chúng ta, Người đã thăng tiến dân Người khi họ còn cư ngụ trong nước Ai cập và Người ra tay mạnh mẽ đưa cha ông chúng ta ra khỏi nước ấy. Trong thời gian bốn mươi năm, Người chịu đựng thói xấu họ trong hoang địa; và sau khi đã tiêu diệt bảy dân tộc trong đất Canaan, Người đã cho họ chiếm đất của các dân tộc ấy gần bốn trăm năm mươi năm; và sau đó, Người ban cho họ các thẩm phán cho đến tiên tri Samuel. Kế đó, họ xin một nhà vua và Thiên Chúa cho Saolê, con ông Cis, thuộc chi họ Bengiamin, cai trị họ bốn mươi năm. Sau khi loại bỏ Saolê, Chúa đã đặt Ðavít lên làm vua dân Người, để chứng nhận điều đó, chính Người đã phán: “Ta đã gặp được Ðavít con của Giêsê, người vừa ý Ta, người sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta”.
“Bởi dòng dõi Ðavít, theo lời hứa, Thiên Chúa ban cho Israel Ðức Giêsu làm Ðấng Cứu Ðộ, Ðấng mà Gioan đã báo trước khi người đến rao giảng phép rửa thống hối cho toàn dân Israel. Khi Gioan hoàn tất hành trình, ngài tuyên bố: “Tôi không phải là người mà anh em lầm tưởng; nhưng đây, Người sẽ đến sau tôi mà tôi không đáng cởi dây giày dưới chân Người”.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Khi Thánh Phaolô giải thích về giáo lý mới, ngài nói về lịch sử ơn cứu độ. Đằng sau Chúa Giêsu có một câu chuyện dài về ân sủng, về việc Chúa chọn Israel làm dân riêng của Người, và về những lời hứa.
Chúa đã chọn Ápraham và đồng hành với dân Người. Có một câu chuyện về Thiên Chúa với dân Người. Thánh Phaolô không bắt đầu với Chúa Giêsu, nhưng ngài bắt đầu với lịch sử. Kitô giáo không chỉ là một học thuyết, mà là một lịch sử dẫn đến học thuyết này. Kitô giáo không chỉ là một tập hợp các nguyên tắc đạo đức. Kitô Giáo có các nguyên tắc đạo đức, nhưng chúng ta không phải là Kitô hữu chỉ vì tầm nhìn đạo đức, nhưng còn hơn thế nữa.
Kitô hữu cũng không phải là một tầng lớp tinh hoa những người ưu tú được chọn để biết sự thật. Não trạng tinh hoa này tồn tại trong Giáo Hội. Trở thành Kitô hữu là thuộc về một dân tộc được Chúa chọn cách nhưng không.
Nếu chúng ta không có ý thức thuộc về một dân tộc, chúng ta sẽ là các Kitô hữu ý thức hệ, với một học thuyết, và một hệ thống đạo đức. Chủ trương Kitô hữu tinh hoa tin rằng những người khác sẽ bị loại bỏ và sẽ xuống địa ngục. Nghĩ như thế chúng ta sẽ không phải là các Kitô hữu thực sự.
Nhiều lần chúng ta rơi vào những não trạng thiên vị này. Chiều kích tinh hoa làm tổn thương chúng ta rất nhiều và chúng ta mất cảm giác thuộc về dân tộc trung tín và thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta mất ý thức của một dân tộc. Chúng ta phải loan truyền lịch sử cứu độ của chúng ta, và ký ức của một dân tộc. “Hãy nhớ về tổ tiên”, Thánh Phaolô đã viết như thế trong thư gởi các tín hữu Do Thái.
Sự lầm lạc nguy hiểm nhất của các Kitô hữu là thiếu ký ức thuộc về một dân tộc: đây là nơi mà chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa duy đạo đức và các phong trào tinh hoa xuất phát.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói rằng: Dân Chúa bước theo sau một lời hứa, một giao ước, không phải do họ làm ra nhưng họ nhận thức được giao ước ấy. Chúng ta là những người thuộc về dân trung tín thánh thiện của Thiên Chúa, là những người trong tổng thể có một cảm thức về đức tin và không thể sai lầm trong những gì Dân Chúa tin tưởng.
Source:Vatican News