Julio Loredo (bị cách ly tại Milan, Ý)

Khi các nhà sử học trong tương lai nghiên cứu cuộc khủng hoảng lớn do coronavirus gây ra, họ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi, một số trong đó có thể đã có câu trả lời. Trong cuộc khủng hoảng ngày hôm nay, với việc Nước Ý vẫn còn bị cách ly, chúng ta phải giải quyết những câu hỏi, những câu hỏi ấy không phải là ít hay tầm thường.

Cuộc khủng hoảng coronavirus đưa ra ánh sáng nhiều mâu thuẫn và thiếu sót của thế giới hiện đại chúng ta, từ lâu chúng đã bị đẩy vào hậu trường, bị chôn vùi bởi sự lạc quan phổ biến. Tận dụng thời gian đang sẵn có, giờ đây chúng ta nêu ra một số câu hỏi và cố gắng học hỏi một số bài học từ chúng.

Sự mong manh của thế giới hiện đại

Câu hỏi đầu tiên liên quan đến sự mong manh của thế giới hiện đại. Thật đáng kinh ngạc khi một sinh vật quá nhỏ bé, thực sự siêu nhỏ, có thể khuất phục một thế giới tự hào về sự vững chắc, mạnh mẽ và bền bỉ. Nền kinh tế bị đình trệ khi các sàn giao dịch chứng khoán đang lao dốc. Các cửa hàng bị đóng cửa, các chuyến bay bị hủy và các con đường trống vắng. Chúng ta thấy các sự kiện bị hoãn lại, thể thao bị cấm cản và biên giới đóng cửa.

Chúng ta từng nghĩ rằng những điều như thế này chỉ có thể xảy ra do một cuộc chiến tranh thế giới hoặc một thảm họa thiên nhiên bất thường. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta thấy đây không phải như thế. Thủ phạm là một sinh vật nhỏ bé có kích thước vài micron. Nó phá vỡ cuộc sống chúng ta và phá vỡ huyền thoại về sự ổn định của thế giới.

Đây là một bài học vĩ đại đầu tiên nếu chúng ta muốn lắng nghe những dấu hiệu của thời đại.

Đức Mẹ đã nói tại Fatima về một loạt các tai họa sẽ đổ trên nhân loại tội lỗi, tiếp theo là một sự hoán cải toàn diện và sự phục hồi sau đó nền văn minh Kitô giáo. Nhiều người đã không chú ý đến lời nói của Mẹ, không phải vì phản đối giáo thuyết mà là vì xác tín – có tính cách thực dụng hơn là trí tuệ - rằng thế giới này sẽ tồn tại mãi mãi. Họ tin rằng họ có thể tiếp tục tận hưởng nó mà không bị xáo trộn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng coronavirus dạy chúng ta rằng mọi thứ có thể thay đổi và thậm chí nhanh chóng. Chúng ta không thể xem bất cứ điều gì là hiển nhiên. Tình trạng này không phải là vĩnh cửu. Mọi thứ có thể tan biến; chỉ có Thiên Chúa tồn tại.

Từ tội phạm đến anh hùng: sự chuyển đổi của Trung Cộng

Câu hỏi thứ hai liên quan đến sự lèo lái của Trung Cộng trong cuộc khủng hoảng. Trong những năm tới, các nhà sử học sẽ khó giải thích được làm sao Trung Cộng thao túng được câu chuyện về coronavirus đến mức nó tự biến mình từ một tên tội phạm thành một anh hùng chỉ trong vài tuần lễ.

Dịch bệnh bắt đầu ở Trung Cộng, nơi nó lan rộng do sự thờ ơ và kiêu ngạo cực độ của chính quyền Cộng sản ở Bắc Kinh. Dấu hiệu đầu tiên của dịch là một đợt bùng phát viêm phế quản ở Vũ Hán vào ngày 17 tháng 11 năm 2019. Những người bị nhiễm có một điểm chung: họ thường lui tới chợ thú vật của thành phố. Ngay từ ngày 15 tháng 12, hai bác sĩ Nghệ Phần (Ai Fen - 艾芬) và Lý văn Lương (Li Wenliang - 李文良) đưa ra báo động về một dịch bệnh đang diễn ra. Vào ngày 30 tháng 12, Bác sĩ Lý văn Lương đã bị bắt vì tội truyền bá tin giả. Vào ngày 7 tháng 1, Tạp chí Wall Street đã công bố một báo cáo về vụ dịch. Chính phủ Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách trục xuất các nhà báo của tờ báo đó. Chính quyền cũng cấm mọi tường trình tiếp theo dưới hình phạt rất nghiêm khắc. Với dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đưa ra tuyên bố công khai vào ngày 30 tháng 1. Ba ngày sau, ông ra lệnh xử lý tình trạng khẩn cấp.

Nếu Trung Cộng đã phản ứng kịp thời vào cuối tháng 11 bằng cách niêm phong chợ Vũ Hán, có lẽ sẽ không có dịch bệnh ngày hôm nay. Thủ phạm thực sự là Trung Quốc. Hai câu hỏi đan xen nảy sinh: Tại sao Trung Quốc hành động theo cách này? Tại sao không ai buộc tội Trung Quốc làm sai?

Câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên được giải thích bởi não trạng chuyên chế cách riêng của chủ nghĩa cộng sản. Các chế độ như vậy luôn phản ứng bằng cách giữ bí mật bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Điều này đã xảy ra vào năm 1986 với thảm họa Chernobyl và với thảm họa tàu ngầm Kursk năm 2000. Tuy nhiên, não trạng này không giải thích được mọi thứ.

Một yếu tố khác là sự không sẵn sàng để cản trở nền kinh tế của Trung Cộng mà một nửa thế giới hiện đang phụ thuộc. Các cường quốc thế giới ưa thích duy trì hoạt động của đầu máy Trung Cộng, cho dù có nguy cơ gây ra một đại dịch. Một não trạng tư bản nào đó kiên kết với những lỗi lầm của não trạng cộng sản. Sự đồng lõa này giúp trả lời câu hỏi thứ hai: lý do tại sao người Trung Quốc không thể bị đụng chạm hoặc buộc tội là vì tay họ cầm dao.

Một trong những điều bí ẩn của thời đại chúng ta - một mầu nhiệm thực sự của sự gian ác - là cách phương Tây, dù tự hào về tính cách dân chủ và tự do của mình, đã phục tùng cách hèn hạ một chính phủ độc tài do Đảng Cộng sản thống trị. Để kiếm tiền, phương Tây có ý thức và tự nguyện đưa đầu vào máy chém. Có thể nghĩ được chăng là bây giờ kẻ hành quyết đang khởi sự hành hình?

Là bậc thầy trong các hoạt động mờ ám, Trung Cộng cũng đã tận dụng cuộc khủng hoảng bằng cách tăng cường sự thống trị của họ trên thị trường. Khi cuộc khủng hoảng làm suy yếu cổ phiếu của nhiều công ty phương Tây hoạt động tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách mua hàng trăm tỷ chứng khoán vốn. Do đó, nó có được sự hợp tác đa số với nhiều công ty phương Tây này. Tất cả điều này xảy ra dưới con mắt thờ ơ (và thường là đồng lõa) của các bậc thầy về tài chính phương Tây.

Vẫn còn nữa. Trong một khuynh hướng xứng đáng với bộ phim hài tệ nhất, Trung Cộng hiện thể hiện mình là vị cứu tinh thế giới. Giờ đây mọi người đều ca ngợi “mô hình Trung Quốc” khi đối phó với coronavirus. Bắc Kinh thậm chí còn cho phép mình hào phóng gửi những chiếc máy bay với các chuyên gia về virut và các nguồn cung cấp y tế cho các nước phương Tây. Nó gửi sự giúp đỡ để giải quyết dịch bệnh mà nó đã khởi đầu. Do đó, quốc gia đã chuyển từ một tội phạm sang một anh hùng trong một vài tuần, một sự chuyển đổi thực sự đáng kinh ngạc!

Cuộc khủng hoảng coronavirus có thể là một cơ hội lịch sử để chúng ta xem xét lại toàn bộ mối quan hệ của chúng ta với Bắc Kinh. Chúng ta vẫn có thời gian. Hãy phản ứng trước khi nó quá muộn!

Khi Mục tử rời bỏ đàn chiên

Một câu hỏi thứ ba và trầm trọng nhất về cuộc khủng hoảng coronavirus liên quan đến thái độ của Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là ở Ý. Hội đồng Giám mục Ý (CEI) đã cúi đầu trước yêu cầu của Chính phủ Conte mà không xem xét nhu cầu tâm linh của tín hữu.

Trong một bài viết trên tờ Corriere della Sera, nhà phân tích nổi tiếng Andrea Riccardi viết: “Các cuộc đàm phán căng thẳng đã khởi sự giữa CEI và Palazzo Chigi (toà nhà của Thủ tướng). Chính phủ đã kiên quyết: sẽ không chấp nhận bất kỳ biện pháp nào ngoài những biện pháp được đề xuất bởi các chuyên gia sức khoẻ. Sau một cuộc vật tay nhanh chóng, CEI đã vào hang.” Riccardi ngụ ý rằng CEI đã đầu hàng một cách miễn cưỡng. Sự nhanh chóng và mau mắn mà các giám mục của chúng ta áp dụng các biện pháp vệ sinh do chính phủ ban hành khiến chúng ta nghĩ một cách khác như thể đôi khi các ngài đã đi bước trước hoặc sau đó áp dụng chúng một cách cường điệu và thậm chí là đơn phương.

Trong lịch sử hai nghìn năm của mình, Giáo hội ở Ý đã phải đối mặt với nhiều dịch bệnh khủng khiếp, như đã thấy trong bệnh dịch ở Roma vào năm 590 hoặc của Milan vào năm 1578 và 1630. Hiền thê của Chúa Kitô luôn phản ứng với một tinh thần siêu nhiên, vẫn gần gũi với các tín hữu, khuyến khích họ cầu nguyện và sám hối, và nhân rộng sự tiếp cận của họ với các bí tích. Các vị thánh vĩ đại như thánh Charles Borromeo trở về Milan từ Lodi trong khi chính quyền dân sự bỏ trốn. Thánh Luy Gonzaga đã chọn ở lại với người bệnh tại Đại học Roma, làm những cử chỉ anh hùng bằng chính mạng sống của mình. Điểm nổi bật của Giáo hội trong thời gian của dịch bệnh là đem lại sinh khí mới cho việc chăm sóc các linh hồn ô.

Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng giáo phẩm Ý - với một vài ngoại lệ đáng chú ý - đã bỏ rơi các tín hữu khi tước đi sự nâng đỡ tinh thần cho họ. Các giám mục lần đầu tiên áp đặt việc rước lễ trên tay và cất đi nước thánh. Sau đó, họ huỷ bỏ mọi Thánh lễ và nghi lễ tôn giáo, bao gồm cả tang lễ. Tất cả các nhà thờ ngay lập tức bị đóng cửa. Bất kỳ sự vi phạm các quy định đều có thể dẫn đến việc bỏ tù “các linh mục chống đối”. Nhiều người nhận xét nó tồi tệ hơn cả thời Xô Viết.

Nếu tiêu chuẩn giữ gìn sức khỏe là giữ khoảng cách một thước giữa người này với người kia để tránh đụng chạm vào nhau, thì tại sao không cử hành Thánh lễ với các tín hữu ngồi rải rác trong nhà thờ? Số lượng các Thánh lễ không thể được nhân lên để cho phép các tín hữu tham dự theo cách này trong suốt cả ngày sao? Không thể cử hành thánh lễ tại quảng trường công cộng, với các tín hữu lặng lẽ sắp xếp ngoài trời giữ khoảng cách an toàn cần thiết? Không điều nào trong số này dường như đã được xem xét. Thay vào đó, các giám mục đã chọn tước bỏ các bí tích khỏi các tín hữu ngay khi họ cần chúng nhất.

Riccardi đã đề cập đến điểm này trong bài viết được trích dẫn ở trên: “Hiện tại, đồng ý là tránh các Thánh lễ đông đúc. Tuy nhiên, không rõ tại sao việc thờ phượng và cầu nguyện lại bị cấm đoán, nếu được thực hành trong an toàn. Có lẽ không phải tất cả những người ra quyết định đều nắm được ý nghĩa đặc biệt của Thánh lễ đối với các tín hữu, về điểm này các vị tử đạo cổ xưa đã nói: Sine Dominicum non possumus (Chúng ta không thể không có ngày Chúa Nhật).” Lần này, Giáo hội đã bị vào trong hang, như Fabio Adernò đã chỉ ra trong một bài viết trên blog của chuyên gia Vatican Marco Tossati: “Những hạn chế đối với việc thờ phượng Kitô giáo bị áp đặt bởi các biến cố thay đổi của lịch sử trong những hoàn cảnh nhất định đã luôn được Giáo hội chịu đựng như hình thức của sự bắt bớ và tử đạo, và không bao giờ cố tình chọn lựa với một tinh thần của chủ nghĩa tương đối hoặc tuân thủ.” Nói một cách đơn giản, những gì kẻ thù của Giáo hội đã từng làm, bây giờ hàng giáo phẩm làm.

Chắc chắn, Xê-da không bị đòi buộc phải hiểu những lý do của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta có thể và phải yêu cầu các giám mục khẳng định những lý do vượt trội của Thiên Chúa, thay vì cúi đầu nhục nhã trước Xê-da.

Sau một tuần áp dụng các quy định này, tình hình đã thay đổi đôi chút. Sau một khuyến nghị công khai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (ngài đã nói lên điều gì đó rất khác), một số giáo phận Ý, bao gồm cả Roma, đã ban hành các quy định mới dành quyền mở cửa nhà thờ theo sự khôn ngoan của linh mục quản xứ. Quy định này chỉ áp dụng cho các nhà thờ giáo xứ. Không có đề cập đến Thánh lễ hay bí tích. Dường như hàng giáo phẩm đã lắng nghe, ít nhất là một phần, đến tiếng kêu la của dân chúng. Tuy nhiên, hàng giáo sĩ phải giữ vai trò lãnh đạo chứ không phải người tín hữu. Riccardo Cascioli đã chính xác khi viết: “Hàng giáo phẩm đang bị rối loạn tâm thần.”

Để chúng tôi nêu lên điểm cuối cùng. Bỏ qua một bên sự phán đoán như thể đại dịch này có thể giải thích là một hình phạt của Chúa, sự kiện hiển nhiên vẫn là, đây có thể là một cơ hội tuyệt vời để rao giảng, đặc biệt bởi vì mùa này là Mùa Chay khi chúng ta chú ý đến những đau khổ khủng khiếp nhưng ban ơn cứu rỗi của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Dịch bệnh rõ ràng đã đánh động nhiều lương tâm, thường bị choáng ngợp bởi mong muốn tận hưởng cuộc sống. Dân chúng mở lòng hơn với những sự việc trên trời, nó đem lại những cơ hội cho sự can thiệp thanh tẩy của ân sủng thiêng liêng. Tuy nhiên, trong dịp này, sự im lặng của hàng giáo phẩm thật là bi thảm. Tuy không phán xét ý hướng của các ngài, chúng ta thấy thiếu một tinh thần siêu nhiên thực sự đáng lo ngại. Tuy có vài ngoại lệ, các ngài vẫn im lặng khi các ngài phải nói nhiều hơn nữa.

Đó là một vài câu hỏi - chủ yếu chưa được trả lời - được nêu ra bởi hoàn cảnh nảy sinh từ sự lây lan của sinh vật kỳ lạ này, không lớn hơn một phần 50 nghìn của một milimet, đang đảo lộn cuộc sống của chúng ta.


Source:Return To Order