Trong một lá thư gởi cho các Giám Mục trên thế giới, Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê Iraq đã đưa ra một tiên đoán đầy bi quan là nếu chiến tranh diễn ra, năm nay sẽ là năm cuối cùng của người Công Giáo Iraq. Ngài nhắc lại rằng dân số Công Giáo tại quốc gia này chỉ còn 10% so với trước năm 2003, khi Hoa Kỳ tấn công vào Iraq để lật đổ Saddam Hussein. Một cuộc chiến nữa sẽ khiến 10% còn lại biến mất hoàn toàn khỏi đất nước nơi các tín hữu Kitô đã có mặt ngay từ thời các thánh Tông Đồ. Vì thế, ngài yêu cầu các Giám Mục trên thế giới tác động để chặn đứng chiến tranh.

Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Trước những căng thẳng đang leo thang với Iran, chúng ta phải cầu nguyện một cách khẩn cấp xin cho các nhà lãnh đạo thế giới của chúng ta biết theo đuổi đối thoại và tìm kiếm hòa bình. Xin hãy cùng tôi cầu xin Đức Mẹ Maria, Nữ vương Hòa bình của chúng ta can thiệp, xin Chúa Giêsu Kitô thêm sức cho những người kiến tạo hòa bình, an ủi những người đau khổ và bảo vệ những người vô tội và tất cả những người đang bị gây hại cách này cách khác, đặc biệt là những người nam nữ trong quân đội của chúng ta và các viên chức ngoại giao.”

Đức Cha David J. Malloy, Giám Mục Rockford, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế của USCCB, cũng đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng thường xuyên để khuyến khích việc theo đuổi hòa bình ở Trung Đông. Chúng tôi kêu gọi một lần nữa rằng tất cả các bên, trong những ngày quan trọng này, theo đuổi hòa bình hơn là bạo lực. Hòa bình đã quá mong manh - ký ức còn rất mới mẻ của chúng ta cho thấy chiến tranh đã khiến hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng, bên cạnh đó còn biết bao những đau khổ không thể kể xiết và tình trạng bất ổn lan tràn. Đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến và đề cập đến các hành vi bạo lực ngày càng gia tăng trong những tuần gần đây, mới nhất là vụ tấn công Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Iraq, vụ giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani vào thứ Sáu tuần trước, và vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào các căn cứ của Iraq hôm 8 tháng Giêng. Chúng tôi kêu gọi những nỗ lực ngoại giao cần thiết, một tinh thần đối thoại can đảm và những nỗ lực không mệt mỏi vì hòa bình để giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu như vậy. Chúng tôi kêu gọi như thế ngay bây giờ, và chúng tôi sẽ luôn luôn làm như vậy.

Cầu xin Chúa giúp tất cả các bên trong thời kỳ căng thẳng chiến tranh này có thể vượt qua một cuộc xung đột khác và đánh giá cao những nỗi sợ hãi hợp pháp ẩn sau các hành động của đối phương. Tất cả phải khám phá ra những hòn đảo tin tưởng trong một vùng biển bao la những nghi kỵ, cùng nhau làm việc chăm chỉ cho một tư duy hợp lý, thừa nhận sự vô ích của bạo lực và sự điên rồ của những hành động quân sự xa hơn nữa, đồng thời khiêm tốn theo đuổi lợi ích chung. Chúng ta hãy suy ngẫm về thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới của Đức Giáo Hoàng cho năm 2020 và cầu nguyện để có thể chiến thắng cái ác bằng điều thiện và đáp lại lòng thù hận bằng tình yêu.

Hôm nay, chúng tôi hiệp nhất trong niềm hy vọng được nhiều người bày tỏ là người dân Iran chia sẻ lời hứa về một tương lai tươi sáng hơn và Hoa Kỳ đang sẵn sàng đón nhận hòa bình với tất cả những ai tìm kiếm nó. Trong tinh thần này, chúng tôi nhiệt thành tin tưởng, hy vọng, làm việc và thực sự dự đoán rằng những ngày hòa bình đang ở phía trước. Chúng ta vừa cử mừng Chúa chúng ta giáng sinh. Chúa Giêsu, là Hoàng tử của Hòa bình, kêu gọi chúng ta sự đổi mới cho một trời mới đất mới. Chúng ta hãy làm chứng cho sự thật này, bắt đầu với mỗi người chúng ta.”


Source:USCCB