Lực lượng Quds đã bị Mỹ liệt kê là một tổ chức khủng bố. Còn nhóm dân quân Shiite là lực lượng nòng cốt đã lùa dân tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Cũng bị giết trong cuộc không kích là thủ lĩnh dân quân Shiite là Abu Mahdi al-Muhandis, ông này có lúc được biết đã giúp Mỹ chống lại ISIS.
Các cuộc không tập như thế là phản ứng cuả Mỹ trong cuộc tranh chấp với Iran trong khu vực, và đang gây lo ngại rằng cuộc xung đột trong khu vực sẽ còn gia tăng.
Sự việc là sau khi một nhà thầu Mỹ bị giết và nhiều quân nhân Mỹ bị thương bởi một cuộc tấn công bằng tên lửa bởi nhóm dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn (vào tuần trước), Mỹ đã trả đũa bằng một loạt không tập ồ ạt vào các nhóm được Iran hậu thuẫn và giết chết 25 người Iraq.
Thế là vào hôm thứ ba, đại sứ quán Mỹ ở Baghdad đã bị hàng ngàn người biểu tình xông vào đốt phá khu vực tiếp tân ở cổng vào. Suleimani bị cáo buộc là người chủ mưu vụ tấn công.
Sau cuộc tấn công giết chết Suleimani, Tổng thống Hassan Rouhani cuả Iran đã đe dọa trả đũa và theo các quan chức quốc phòng Mỹ, thì 3.000 quân Mỹ đã được lệnh triển khai đến Trung Đông bắt đầu vào ngày thứ Sáu.
Trong một tuyên bố đưa ra tối thứ Năm tại Washington, Ngũ Giác Đài cho biết các cuộc không kích đã được chính Tổng thống Trump ra lệnh, và đó là một hành động phòng thủ cấp thời để bảo vệ các nhân viên Mỹ ở nước ngoài, vì khi đó, Soleimani đang tích cực phát triển kế hoạch tấn công các nhà ngoại giao và các dịch vụ Mỹ ở khắp vùng Trung Đông.
“Đêm qua, chúng tôi đã hành động để ngăn chặn một cuộc chiến. Chúng tôi đã không hành động để bắt đầu một cuộc chiến,” là lời tuyên bố cuả Tổng thống Trump vào thứ Sáu.
Ngoại trưởng Mike Pompeo, vào sáng thứ Sáu cũng nói rằng Soleimani đã đặt ra một mối đe dọa cấp bách đối với sự sống của người Mỹ và đang âm mưu tấn công, không chỉ ở Iraq, mà còn ở khắp vùng Trung Đông, nhưng ông đã không cung cấp tin tức gì thêm nữa, chỉ lưu ý rằng “Tôi sẽ không nói gì thêm về bản chất của các đe doạ đó.”
Hoa Kỳ đã biện hộ việc dùng máy bay không người lái là một hành động chính đáng để loại bỏ một người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng trăm nhân viên quân sự Hoa Kỳ trong những năm qua, và đang chỉ huy các cuộc tấn công gần đây vào các căn cứ Mỹ.
Lời biện hộ rằng đây là một hành động ‘chiến tranh chính đáng’ đã tạo ra một cuộc thảo luận về về lý thuyết ‘Chiến Tranh Chính Đáng’. Liệu cuộc không kích này có thể gọi là chính đáng được không?
Tóm lực về ‘Chiến Tranh Chính Đáng’
Ngay từ khi có chiến tranh thì con người đã có ý niệm thế nào là Chiến Tranh Chính Đáng rồi, từ thời thượng cổ, người ta coi ‘danh dự’ là một chỉ tiêu và do đó coi những việc giết chết trẻ con, phụ nữ và tàn sát những người bại trận là không xứng đáng.
Trong Kinh Thánh (Bible) có nhiều đoạn nói đến một ý niệm mới đó là ‘Nguyên Do Chính Đáng’ (Just cause), cho rằng một cuộc chiến chỉ có thể là công chính khi có sự can thiệp cuả Thiên Chuá.
Đến thời đế quốc La Mã, người ta đặt câu hỏi là chiến tranh có ‘Cần Thiết’ không?’ Xin nói thêm là sự cần thiết ở đây đơn giản chỉ là ‘vì lợi ích cuả đế quốc’ hay nói cách khác, có lợi cho nền chính trị cuả vị đại đế.
Thánh Augustinô đã là người đầu tiên đưa ra một khái niệm về ‘đạo đức chiến tranh’, sau đó nhiều triết gia cuả thế giới Hồi Giáo cũng dựa vào đạo đức mà phê phán một cuộc chiến. Nhưng rõ ràng ‘đạo đức’ ở đây còn rất mơ hồ, nghĩa là nó tuỳ vào nền văn hoá cuả từng vùng và cuả từng nhóm tôn giáo khác nhau.
Mãi đến thế kỷ thứ 13 thì thánh Thomas Aquinas, trong cuốn sách Summa Theologicae, đã phác hoạ ra một khái niệm tổng quát vể chiến tranh và các tiêu chí cuả ngài đã được dùng làm căn bản để phát triển lý thuyết truyền thống về ‘Chiến Tranh Chính Đáng’, được đa số thế giới chấp nhận ngày nay.
Ba nguyên tắc cuả một cuộc ‘Chiến Tranh Chính Đáng’
Để cân nhắc một cuốc chiến có chính đáng hay không thì cần phải xét 3 nguyên tắc sau đây: đó là ‘Jus Ad Bellum’ (Chiến Tranh Chính Đáng) ‘Jus In Bello’ (Hành xử chính đáng trong chiến tranh) và ‘Jus post bellum’ (hành động chính đáng sau chiến tranh).
Jus Ad Bellum
Phần đông người ta đồng ý rằng một cuộc chiến chỉ chính đáng khi: có một lý do chính đáng, là phương cách cuối cùng, do một quyền lực hợp pháp tuyên chiến, có một ý đồ có thiện ý, có thể thành công, và cân xứng giữa mục đích và phương tiện.
Jus In Bello
Hành xử chính đáng trong một cuộc chiến dựa vào 2 qui tắc sau là phải biết phân biệt (discrimination) và cân xứng.
Phân biệt nghĩa là biết ai là mục tiêu hợp pháp, còn cân xứng là dùng cường độ sức mạnh thế nào cho vừa phải. Một qui tắc thứ 3 có thê thêm vào 2 qui tắc trên, đó là trách nhiệm, nghiã là ai là người gánh chịu trách nhiệm những hậu quả cuả cuộc chiến.
Mục tiêu hợp pháp loại trừ ra ngoài những thành phần ‘không chiến đấu’ (non-combattants) và những thành phần vô tội không liên can gì đến cuộc chiến.
Qui tắc cân xứng là giảm thiểu sự tàn phá về sinh mạng và tài sản
Jus post bellum
Sau cuộc chiến, tránh trừng phạt những người không lâm chiến và vô tội, tôn trọng quyền và truyền thống cuả người bại trận, yêu sách không vượt quá giới hạn cuả cuộc chiến, việc đòi bồi thường không vượt quá hai qui tắc ‘phân biệt’ và ‘cân xứng’ và cần phải xây dựng lại cũng như cải hoá người bại trận.
Những ý kiến cuả các chuyên gia Công Giáo
Dù sự kiện còn mới mẻ và vẫn đang tiến triển, nhưng đã có một số chuyên gia cuả Công Giáo đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, như hai vị giáo sư sau:
Giáo sư Kevin Miller, tiến sĩ thần học đạo đức tại Đại học Tổng hợp Steubenville, đã thảo luận về việc áp dụng lý thuyết chiến tranh của Công Giáo vào cuộc không kích vừa qua.
“Giáo lý Công Giáo về việc sử dụng vũ lực giết người đã không loại trừ những điều như thế này. Theo lời biện bạch thì đây là một cuộc tấn công để ngăn ngừa các tấn công mới vào đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và vào người Mỹ.”
“Tuy nhiên,” Giáo sư Miller cảnh báo “cần phải thận trọng xem xét việc sử dụng vũ lực như vậy, cụ thể là việc loại bỏ Soleimani sẽ gây ra những gì cho người dân thường. Nếu một quan chức khác thay thế vị trí của ông ta và tiếp tục với những mối đe dọa tương tự, hoặc nếu cái chết của Soleimani gây ra một tình trạng chân không về quyền lực để mặc cho những đám đông ô hợp tràn đầy đường phố, thì tình hình có thể tồi tệ hơn.”
“Và với những mồi lửa do Iran đang nắm giữ ở Iraq và Trung Đông, nếu điều này gây ra một sự leo thang chiến tranh, thì dù cho những cuộc tấn công vào đại sứ quán của chúng ta có chấm dứt, nhưng xét theo nguyên tắc cân bằng, tức là việc gây ra một tình hình leo thang ngày càng tồi tệ hơn, thì tôi không thấy điều đó là tốt hơn mà là tồi tệ hơn.”
“Tôi nghĩ rằng đây là một trong những tình huống mà bạn thực sự phải cân nhắc rằng bạn không rơi vào cái bẫy ‘tự tín quá độ’ mà phải thực sự suy nghĩ vấn đề một cách thông xuốt.”
Theo bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành hình không xét xử trên toàn cầu của Liên Hợp Quốc và là Giám đốc Global Freedom of Expression (Quyền Tự do Biểu lộ trên toàn cầu) tại Đại học Columbia, đã tweet vào thứ Sáu rằng, “ngoài bối cảnh đang có chiến tranh nóng (có sự thù địch tích cực,) thì việc sử dụng máy bay không người lái hoặc các phương tiện khác để tiêu diệt mục tiêu gần như không bao giờ là hợp pháp."
Khi phương tiện đó được sử dụng, bà nói, nó chỉ có thể được thực hiện trong một trường hợp có sự đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống, tức là một tiêu chí rất hẹp cuả việc đoán trước một trường hợp phải tự vệ.
“Bài kiểm tra như thế khó có thể ứng dụng trong trường hợp cụ thể này,” theo lời bà ấy tweet.