Cường độ sợ Tầu và miệt thị Trí thức đã gia tăng trong ngôn ngữ và hành động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN.

Bằng chứng khép nép với Bắc Kinh lần này của Lãnh đạo Việt Nam đã hiện nguyên hình tại kỳ họp Trung ương 11 và trong Diễn văn bế mạc, và tuyên bố sau đó của ông Trọng.

Người đứng đầu bảo thủ, nghiện Chủ nghĩa Cộng sản hơn bất cứ ai ở Việt Nam và thân Trung Cộng, ông Nguyễn Phú Trọng còn không ngại bêu xấu những ai đòi nhà nước phải cấp thời hành động chống Trung Cộng, sau khi nước này đã cho tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 (HD-8), xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, Trường Sa, từ ngày 03/07 (2019), và tiếp tục hoạt động ở khu vực, cách Vũng Tầu lối 370 cây số hướng đông nam.

Ông Trọng đã xếch mé bêu rêu họ: “Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn T.Ư Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?...không phải cứ nói mạnh, làm liều mới là yêu nước… Do vậy, cần phải tỉnh táo để phản bác những luận điệu xuyên tạc của một số phần tử về vấn đề này”

Ông rao giảng:“Làm sao giữ đất nước yên bình, tiến lên nhưng đồng thời giữ đất nước độc lập thế mới là giỏi. Cha ông ta cũng thế thôi, các cụ khôn khéo lắm. Cố gắng giữ quan hệ nhưng cái gì về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ta không bao giờ nhân nhượng.” (theo các báo từ Việt Nam)

Ông Trọng đã đưa ra những lời nói mất bình tĩnh và chỉ trích bất nhã các Trí thức trong cuộc tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 gồm 3 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ ngày 15/10 (2019), 3 ngày sau Hội nghị Trung ương 11 kết thúc ngày 12/10 (2019).

ÔNG TRỌNG BỊ CHẠM NỌC ?

Tuy ông Trọng không nói đích danh, nhưng ai cũng biết những người bị ông Trọng nhắm vào là số nhân sỹ, tướng lãnh và các nhà ngoại giao nổi tiếng đã bất ngờ được mời tham dự cuộc thảo luận về tình hình Tư Chính do Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển ( tên viết tắt là PLD, Institute Research on Policy, Law and Development) tổ chức tại Hà Nội ngày 06/10 (2019), một ngày trước buổi khai mạc của Trung ương 11 (07/10/2019).

Viện PLD, do PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao đứng đầu, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam (VUSTA), được phép đảng thành lập. Nhưng ai trong Bộ Chính trị đã bật đèn xanh cho ông Giao tổ chức Hội thảo và còn được mời những “cái gai” trước mắt ông Trọng tham gia thảo luận về tình hình “nhậy cảm” Tư Chính mà không bị phá vẫn còn là một thắc mắc trong dư luận.

Từ trước tới nay, đã có một số cuộc thảo luận về tình hình Biển Đông và tình hình trong nước, do các nhân sỹ-trí thức tổ chức bị ngăn chận, hoặc phá đám phải bỏ cuộc. Lý do nhà nước chống vì Lãnh đạo không muốn nghe những tiếng nói trái chiều với lập trường “không dám đụng tới lỗ chân lông lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình”.

Lần này khác. Cuộc thảo luận ngày 06/10 (2019) đã diễn ra suôn sẻ, không khách mời nào bị chận đường hay bị bắt cóc như những lần trước. Nhiều người tham dự đã ra khỏi đảng, từng bị đảng bỏ tù, bị khai trừ vì chống đảng và công khai đốp lập với đảng. Cũng có những Trí thức từng bị đảng liệt kê trong danh sách “phản động” và “cơ hội chính trị”, hay bị các thế lực thù địch mua chuộc, xúi giục chống đảng như GS Chu Hảo và Nhà văn Phạm Viết Đào. (1)

Theo tường thuật của Nhà nghiên cứu Ngôn ngữ, Đào Tiến Thi từ trong nước thì tại cuộc Hội thảo này:”Các chuyên gia hàng đầu đều nhận định sự kiện bãi Tư Chính là VÔ CÙNG NGHIÊM TRỌNG. Bởi vì đây là “nút thắt của nút thắt” (Tư Chính là nút thắt vấn đề Biển Đông hiện nay và vấn đề Biển Đông lại là nút thắt của quan hệ Việt – Trung). Mất Tư Chính có thể dẫn đến mất toàn bộ quần đảo Trường Sa, và mất Trường Sa có thể dẫn đến mất nước.”

Do đó, vẫn theo ông Thi thì:”Các chuyên gia về luật biển, về biển và về ngoại giao đều cho rằng, kiện Trung Quốc là biện pháp tốt nhất hiện nay.’

Ông Thi viết:”Cái khó là Trung Quốc rất lì lợm, không chịu cùng nhau ra tòa, trong khi nhiều tòa án quốc tế chỉ thụ lý nếu cả hai bên cùng chấp nhận ra tòa. Theo một số chuyên gia, giới cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần “rỉ tai” giới lãnh đạo VN “đừng kiện để giữ đại cục”. Thế thì VN đã gặp khó khăn ngay từ chủ trương rồi.”

HAI TƯỚNG CƯƠNG VÀ LƯƠNG

Thiếu Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ công An đã có bài phát biểu chi tiết nói về tham vọng đánh chiếm biển đảo Việt Nam của Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Cộng.

Ông nói:”Động thái lần này của Tập Cận Bình xuất phát từ 2 nguyên nhân. Một là ngăn chặn không cho bất kỳ nước nào vào đầu tư cho Việt Nam khai thác dầu khí. Lần này Tập Cận Bình đánh thẳng vào dạ dày Việt Nam rồi. Cho mày biết thế nào là lễ độ. Tao không đánh trên bộ như năm 1979. Lần này tao đánh thẳng vào. Mày phải phục, và khi mày phục, khi mà khó khăn chơi vơi thì buộc lòng phải ngả theo Trung Quốc thôi. Nên lần này so với lần HD 981 năm 2014 thì lần này nghiêm trọng gấp trăm triệu lần. Đây là cuộc đối đầu thực sự.

Không biết lãnh đạo Việt Nam ta đánh giá việc này thế nào. Nếu không nhận ra đúng vấn đề này thì phản ứng của ta sẽ khác.

Tướng Cương nói tiếp:”Nguyên nhân thứ hai là cho Việt Nam biết thế nào là lễ độ trước những phản ứng có vẻ hí hửng của Việt Nam trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cho nên vấn đề thứ ba tôi muốn nói mục đích, ý đồ lần này của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm, nghiêm trọng gấp trăm lần so với sự kiện HD 981 năm 2014.”

Từ góc nhìn an ninh, Biển Đông là nút thắt, là cửa ngỏ của Trung Quốc. Bãi Tư Chính là nút thắt của nút thắt, vị trí đặc biệt như vậy. Xét trên phương diện quân sự, trên bản đồ, Bãi Tư Chính là nút thắt của nút thắt trên Biển Đông. Và Trung Quốc quyết tâm muốn biến thành chuyện đã rồi, biến cái không tranh chấp thành cái gọi là tranh chấp, làm cho thế giới nhìn nhận có tranh chấp tại đây, buộc Việt Nam phải nhân nhượng.

Thật ra nó đã phá ta từ năm 2000 cũng xung quanh Bãi Tư Chính. BP của Anh, ConocoPhilipps của Mỹ phải rút là vì Trung Quốc doạ. Tháng 7/2017, tập đoàn của Tây Ban Nha cũng phải rút.”

(Theo Facebook Bùi Quang Minh)

Cũng tại Hội thảo này, Tướng Cương còn tiết lộ: “Sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên Trung Quốc thua kiện Philippines (phán quyết PCA năm 2016), Trung Quốc cử cán bộ sang làm việc với lãnh đạo cao cấp Việt Nam thực hiện "5 không".

Thứ nhất, không được ủng hộ phán quyết tòa trọng tài

Thứ 2, không được đưa ra Asean bàn thảo liên quan đến vấn đề Biển Đông

Thứ 3, trong đa phương quốc tế Việt Nam không đưa phán quyết này ra

Thứ 4, trong đàm phán Việt Trung- Trung Việt không được đưa vấn đề này.

Thứ 5, các đồng chí không được kiện Trung Quốc.

Như vậy thì lý do ông Nguyễn Phú trọng đã gay gắt với một số phát biểu trái chiều với đảng tại cuộc Hội thảo ngày 06/10 (2019) đã được bạch hóa vì ông Trọng sợ bị Tập Cận Bình cho là ông đã cho phép tổ chức cuộc Hội thảo để chống Trung Cộng.

KIỆN TẦU HAY KHÔNG ?

Người phát biểu thứ hai gây chú ý tại cuộc Hội thảo và trong dư luận sau đó là Thiếu tướng nghỉ hưu, anh hùng lực lượng võ trang nhân dân, Lê Mã Lương, người nổi tiếng trong cuộc chiến chống Trung Cộng xâm lược ở mặt trận biên giới 1979-1989.

Tướng Lương nói với mọi người:”Câu chuyện thứ nhất là tôi muốn nói là ngày mùng 2 vừa rồi chúng tôi dự Hội nghị do Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, thời gian suốt một ngày. Bộ Ngoại Giao thông báo tình hình quốc tế… và nhiệm vụ đối ngoại 2020… Nhiều vấn đề nhưng mà tôi chỉ muốn thông tin câu chuyện, kết thúc phần lên lớp của các quan chức thì tôi đặt ra những câu hỏi: “Một. Chúng ta có kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế không? Hôm nay có lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương. Đây không phải là câu chuyện của một nhóm, một bộ phận mà nó là câu chuyện của toàn dân rồi. Tôi muốn các anh nghiêm túc trả lời cái này và trả lời rõ. Nếu chúng tôi đến đây, đến dự họp nghe xong rồi không có ai có ý kiến phản hồi hoặc là không có cái trình báo gì, ra về thì nó […nghe không rõ hai tiếng, đoán là “lãng phí”] vô cùng….

Thứ hai, nếu như chúng ta để mất Bãi Tư Chính thì vấn đề nó sẽ là như thế nào. Tôi đặt giả thuyết thứ nhất, vấn đề có chiến đấu đến cùng hay không để giữ cho được Bãi Tư Chính. Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được toàn bộ những cái đảo còn lại của chúng ta. Mất Bãi Tư Chính là đảo của chúng ta mất hết, chứ các anh đừng có nói rằng là nếu hiện thực có cái đường lưỡi bò thì Việt Nam chỉ còn 50% đặc quyền trên biển, (Philippins nó mất 70, Malaixia mất 80, Brunei mất 30). Nếu chúng ta bị mất thì nó không còn là đảo nằm trong của chúng ta.

Tôi nghĩ các anh trả lời rõ vấn đề này, vấn đề này cũng là vấn đề bức xúc của dân đấy. Và tôi cũng nói thêm với các anh rằng, nếu như để xảy ra chiến tranh thì lỗi lớn nhất là bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương và rồi đến Đối ngoại quốc phòng. Và thế hệ chúng tôi, những người trực tiếp tham gia chống Mỹ, bây giờ chúng tôi trên dưới 70 rồi, vào sinh ra tử, đổ xương đổ máu trên chiến trường, tôi sẽ cầm đầu, cầm đầu nhé, anh em đến hỏi thăm Bộ Ngoại giao. Quan điểm rất rõ ràng”.

(theo Nguyễn Ngọc Dương/Blogger Tễu, TS Nguyễn Xuân Diện)

Tướng Lê Văn Cương còn được trích dẫn đã nói thêm với cử tọa: "Tuy nhiên theo tôi biết, không có đồng chí lãnh đạo Việt Nam nói không kiện! Hiện này vẫn chuẩn bị đầy đủ, nhưng theo tôi ngửi mùi cấp trên lúc này chưa thích hợp để kiện!"

Tình hình Tư Chính khẩn trương như thế và giặc đã vào nhà mấy lần rồi mà vẫn ngu ngơ bảo “chưa thích hợp để kiện” thì đến bao giờ mới “thích hợp”, hỡi ông Nguyễn Phú Trọng ?

Trong khi đó, TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nêu ý kiến tại Hội thảo:"Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình, kiện là giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong thế giới văn minh và hội nhập."

Ông Hoàng đặt câu hỏi:"Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về ta. Sợ kiện hay sợ Trung Quốc? Đặt câu hỏi như vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện Trung Quốc thì họ làm căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù vặt thì rất khó ở….Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện.”

Có lẽ những lời cảnh giác của giới trí thức đã khiến ông Trọng và Bộ Chính trị lên ruột như bị chạm nọc đến tận xương tủy, vì sợ bị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình của Trung Cộng trả đũa chăng ?

PHÂN BUA CÓ CHỦ Ý

Ông Trọng cũng phân bua với cử tri Hà Nội rằng:”Hội nghị T.Ư lần thứ 11 vừa qua đã dành một buổi trong chương trình làm việc để nghe báo cáo về tình hình đối ngoại để có thông tin và tạo sự đoàn kết, thống nhất cao.

Nhưng nội dung thảo luận không được tiết lộ nên điều được gọi là “thống nhất cao” cũng chỉ là lối “tự biên” và “tự diễn” của ông Trọng. Đáng chú ý là “vấn đề Biển Đông”, dù được đông đảo nhân dân theo dõi và quan tâm, cũng chỉ được ghép chung vào “vấn đề quan hệ đối ngoại”, và được trình bầy vào buổi sáng của phiên họp ngày sau cùng, thứ 6, ngày 12/10 (2019), trước giờ bế mạc của Trung ương 11.

Việc sắp xếp vấn đề đáng lẽ phải “ưu tiên” vào “phấn chót” của chương trình dài 6 ngày họp chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng và Ban chấp hành Trung ương đã có chủ tâm hạ thấp tầm quan trọng của biến cố Tư Chính để không làm phật lòng lãnh đạo Trung Cộng mà đảng CSVN Việt Nam vẫn cõng trên lưng để cao rao “vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

Điều này còn được chứng minh trong Diễn văn bế mạc và trong Thông báo cuối cùng của Trung ương 11, khi cả ông Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đã tránh nói đến 2 chữ Biển Đông.

Trong toàn diễn văn, ông Trọng chỉ nói mấy chữ:”Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế.”

Trong khi Thông báo cuối cùng cũng chỉ nói rập khuôn: ”Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”

Vậy mà, theo tường thuật của các báo Việt Nam thì ông Nguyễn Phú Trọng đã tự khoe với cử tri Hà Nội ngày 15/10/2019 rằng:”Quan hệ đối ngoại của chúng ta vừa qua tốt rồi, nhưng mỗi khu vực, địa bàn cũng có những vấn đề phức tạp riêng, đặc biệt là vấn đề biên giới, biển đảo. Nước nào cũng có và nước nào cũng phải xử lý.

“Ta ký được biên giới với Trung Quốc bao nhiêu năm nay, phân định được vịnh Bắc Bộ, bây giờ đang đàm phán phân định cửa vịnh Bắc Bộ. Hay gì mà căng thẳng, cả đôi bên cùng thiệt”.

Ông Trọng còn cao giọng:”Phải đặt vấn đề trong tổng thể, vừa kiên quyết kiên trì bảo vệ đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, nhưng đồng thời cũng phải giữ được môi trường hòa bình, ổn định.”

Nhưng “tổng thế” hay “đại cục”, theo cách nói của Trung Cộng, dựa theo phương châm mà Bắc Kinh đã giao cho Việt Nam thời hai Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh gồm: 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, và tinh thần 4 tốt:“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” ?

Ông Trọng còn bầy vẽ lên lớp với cử tri:”Việc xử lý mối quan hệ này không đơn giản chút nào, song như thế không có nghĩa là nhân nhượng bất cứ thứ gì vô nguyên tắc. “Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó”.

Ông Trọng còn khoe tiếp:” Trong vấn đề biển Đông, thái độ của Đảng và Nhà nước ta đã tuyên bố dứt khoát, đó là rất kiên quyết nhưng cũng phải rất khôn khéo.” (báo An Ninh Thủ Đô, ngày 15/10/2019)

Nếu Đảng và nhà nước CSVN đã “rất kiên quyết” và “rất khôn khéo” thì tại sao lại để cho HD-8 và các tầu hộ tống có võ trang Trung Cộng cứ tự do ra vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như ao nhà mình, từ ngày 03/07 (2019) và chưa có dấu hiệu rút lui ?

Phải chăng lập trường “cứ nhũn như con chi chi” để chờ sung rụng từ Bắc Kinh còn hơn gây hấn để họa vào thân là thượng sách của ông Trọng trước hành động xâm lấn biển đảo ngày càng rõ rệt của Bắc Kinh, qua vụ Tư Chính ?

Người dân cũng muốn biết lực lượng chấp pháp của Việt Nam gồm một số tầu Cảnh sát biển có võ trang và tầu Hải quân đã và đang làm gì ở bãi Tư Chính, hay chẳng làm được gì trước sức ép của Trung Cộng ?

Thêm vào đó, ai cũng thấy Ban Tuyên giáo đã bưng bít thông tin về Tư Chính và các hoạt động của các tầu võ trang hộ tống của Trung Cộng không ngoài mục đích muốn giảm thiếu mức độ căng thẳng để tránh làm mất lòng Bắc Kinh.

Trung ương 11, khai mạc ngày 7/10 (2019) đã tập trung thảo luận chính về: Dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng; Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng; Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020.”

Tình hình Biển Đông, quanh bãi Tư Chính dù rất khẩn trương đã không được Bộ Chính trị ghi vào chương trình họp trọn ngày của Trung ương 11. Một Nghị quyết riêng về tình hình Tư Chính, được chờ đợi trong dân cũng không có.

Lý do dân mong vì họ muốn nhà nước nên một lần dứt khoát với chủ trương chèn ép phi pháp của Trung Cộng. Hơn nữa, trong diễn văn khai mạc ngày 07/10 (2019), ông Nguyễn Phú Trọng đã gây ảo tưởng cho mọi người khi ông yêu cầu Trung ương: ”Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020…”

Nhưng chuyện phân tích, có hay không đã được giữ kín để khỏi mất lòng phương Bắc, hay những điều ông Trọng phô trương, tưởng như nghiêm chỉnh, cũng chỉ là chiếc thùng rỗng để ông độc quyền yêu nước và tiếp tục được sống chung và hường bổng lộc của Trung Cộng. -/-

Phạm Trần

(10/019)

=============

(1) Theo ông Đào Tiến Thi từ trong nước thì những người tham dự nổi tiếng gồm có: Cụ Nguyễn Khắc Mai, GS. Nguyễn Đình Cống, Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Nhà ngoại giao Nguyễn Trung, Anh hùng LLVT Lê Mã Lương, PGS. Trần Thị Băng Thanh, Nhà thơ Trần Nhương, PGS. Nguyễn Vi Khải, KTS. Trần Thanh Vân, PGS. Chu Hảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nhà văn Nguyên Bình, Nhà văn – Cựu tù nhân lương tâm (vì chống Trung Cộng xâm lược) Phạm Viết Đào, GS. Trần Ngọc Vương, TS. Đinh Hoàng Thắng, TS. Công Nghĩa Tụ, TS. Nguyễn Đại, TS. Phạm Văn Chung, TS. Nguyễn Văn Vịnh, TS. Nguyễn Xuân Diện, Nhà báo tự do Lê Dũng.

Ngoài ra còn có PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, Cựu quan chức Chính phủ Nguyễn Nam Cường, ThS. Hoàng Việt (một chuyên gia về luật biển, hiện đang là Giảng viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh),