Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Vatican News, cơ quan thông tin chính thức của Tòa Thánh, cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô hết sức âu lo trước tình trạng đông đảo các tín hữu Công Giáo Đức bỏ đạo.
Theo báo cáo của các Giáo Hội Công Giáo và Tin lành Đức, tổn thất cho cả hai cộng đồng lên tới hơn 430,000 tín hữu trong năm 2018.
Theo các dữ liệu được Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức công bố 216,078 tín hữu Công Giáo đã bỏ đạo trong năm 2018. Trong khi đó, Giáo Hội Tin Lành Đức cho biết 220,000 tín hữu Tin Lành đã rời bỏ hàng ngũ của họ.
Tổng cộng, khoảng 23 triệu công dân Đức vẫn là thành viên của Giáo Hội Công Giáo và 21 triệu người là thành viên của Giáo Hội Tin lành. Hai nhóm chiếm 53.2% trên tổng số 83 triệu dân Đức.
Một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Freiburg vào tháng 5 đã kết luận rằng nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện nay, số các tín hữu của hai Giáo Hội tại Đức sẽ giảm chỉ còn một nửa vào năm 2060.
Khó khăn hiện nay tại Đức là trước nguy cơ trầm trọng này, các Giám Mục vẫn không tìm ra được hướng đi.
Hôm 14 tháng Ba vừa, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục của Munich và Freising, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đã tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức đang bắt đầu một “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” để giải quyết những gì ngài nói là ba vấn đề chính là luật độc thân linh mục, giáo lý về đạo đức tình dục và chủ nghĩa giáo sĩ trị.
Nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới, Đức Thánh Cha nói ngài sẽ không cho phép luật độc thân linh mục trở thành một tùy chọn trong Giáo Hội Latinh.
“Quyết định của tôi là: độc thân linh mục không thể là một tùy chọn,” Đức Giáo Hoàng nói. “Tôi sẽ không thay đổi điều này. Tôi không có cảm giác là tôi có thể đứng trước mặt Chúa với một quyết định như thế”.
Đức Giáo Hoàng đã xác quyết như thế nên tuyên bố của Đức Hồng Y Reinhard Marx bắt đầu một “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” để xét lại luật độc thân linh mục khiến nhiều người hoang mang tự hỏi: Trong Giáo Hội Công Giáo hiện nay, Đức Phanxicô là Giáo Hoàng hay Đức Reinhard Marx mới thực sự là Giáo Hoàng?
Trong bài “An Open Letter to Cardinal Reinhard Marx”, nghĩa là “Lá thư ngỏ gởi Hồng Y Marx”, đăng trên tờ First Things hôm 27 tháng Ba, 2019 tiến sĩ George Weigel nhận định rằng đạo Công Giáo đang chết dần mòn tại Đức vì các Giám Mục nước này muốn Tin Lành hóa đạo Công Giáo, trong khi các con số thống kê cho thấy làn sóng bỏ đạo của các tín hữu Tin Lành còn ồ ạt và trầm trọng hơn cả Công Giáo.
2. Tri ân đạo trưởng Hồi Giáo anh hùng cứu mạng 262 người Công Giáo
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã trao tặng Giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế lần đầu tiên của Hoa Kỳ cho một Imam Hồi Giáo người Nigeria.
Lúc 3g chiều ngày 23 tháng 6 năm 2018, Imam Abubakar Abdullahi, đã liều mạng sống mở cửa đền thờ Hồi Giáo ở làng Barkin Ladi, bang Plateau, và cả nhà ở của ông ở gần đó để che chở cho 262 người Công Giáo đang bị bọn khủng bố Fulani lùng giết.
Trước khi lên đường sang Hoa Kỳ nhận giải thưởng, ông đã được Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Phó Tổng thống Yemi Osinbajo tiếp kiến. Tổng thống nói rằng “qua hành động này, quốc gia Nigeria đã viết tên mình bằng vàng trên trường quốc tế và hành động này sẽ gây được tiếng vang ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào có cuộc thảo luận về sự khoan dung tôn giáo, cũng như tình thân ái giữa Kitô hữu và người Hồi giáo trong nước và trên thế giới”.
Vị giáo sĩ Hồi giáo 83 tuổi cho biết thêm như sau:
“Lúc xảy ra vụ tấn công, đền thờ Hồi Giáo chúng tôi đang được mở, cho nên tôi bảo những Công Giáo hãy chạy vào bên trong lẫn vào các tín hữu Hồi giáo và chạy cả vào nhà tôi để trú ẩn. Chúng tôi yêu cầu mọi người nằm xuống để tránh đạn đang bay tứ phía. Khi những kẻ tấn công che mặt xông đến, tôi sụp xuống van xin họ, khóc lóc và cuối cùng họ đã bỏ đi.”
Sau các cuộc tấn công, mọi người vẫn ở trong đền thờ Hồi Giáo,và chia sẻ bữa ăn cùng nhau trước khi được di chuyển đến một trại tị nạn.
Phát biểu trong lễ trao giải thưởng, Imam Abubakar Abdullahi nói:
“Không ai có bất cứ lý do nào để đặt vấn đề về sự tồn tại của người khác. Chúng ta phải đón nhận sự khác biệt và phấn đấu sống hòa bình với nhau ở mọi nơi trên thế giới. Nếu Chúa muốn chúng ta giống hệt nhau, Ngài đã làm như thế, nhưng thánh ý Ngài đã muốn đưa chúng ta đến gần nhau và sống chung với nhau trong hòa bình. Thông điệp của tôi là chúng ta phải trân trọng nhau. Hãy tôn trọng luật lệ, sống xả kỷ và bênh vực cho hòa bình. Chúng ta có xung đột vì chúng ta tham lam và tự quy hướng vào chính mình là những điều chỉ dẫn đến xung đột và tàn phá.”
Từ tháng Giêng 2018, bạo lực đã bùng lên dữ dội tại Nigeria với các cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi Giáo cực đoan Fulani. Từ đó đến nay, ít nhất 1,300 người đã bị giết.
3. Đức Hồng Y Pietro Parolin bày tỏ lo âu trước thái độ thù địch đối với các giáo huấn của Đức Thánh Cha.
Theo Đức Hồng Y Pietro Parolin, sự thù nghịch đối với huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxicô gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội. Thái độ này “gây quan ngại cho nhiều người”, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nhận định như trên theo một báo cáo của tờ Buongiorno Rimini, một tờ báo địa phương của Ý, vào hôm 16 tháng Bẩy.
Vị Hồng Y người Ý đã nói chuyện tại một nhà thờ của thành phố Viserba trong một buổi hội thảo có tên “Lời ngôn sứ của Đức Phanxicô trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sự dửng dưng”.
Những ai theo dõi các hoạt động của Đức Phanxicô đều biết rằng giáo huấn của ngài “xoay chung quanh công việc của ân sủng, “ Đức Hồng Y Parolin nhận xét. Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo nhận thức rằng sức mạnh của lòng thương xót Chúa Cha có khả năng khơi dậy “lòng khao khát không cưỡng lại được” muốn vươn đến những người khốn cùng, kể cả những người xa xôi nhất.
Đức Giáo Hoàng là trọng tâm sự hiệp nhất hữu hình trong Giáo Hội
Trước câu hỏi tại sao giáo huấn của Đức Đương Kim Giáo Hoàng khơi dậy nhiều chống đối, Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài rất âu lo. Sự thù nghịch này “gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội mà Đức Giáo Hoàng chính là trọng tâm của sự hiệp nhất hữu hình này,” Đức Hồng Y cảnh báo. “Có một biên độ trong sự tuân phục, không phải tất cả mọi giáo huấn đều là huấn quyền,” ngài kêu gọi phải biết phân định.
Đức Hồng Y Parolin sau đó đã thổ lộ rằng Đức Phanxicô đã từng trấn an Đức Hồng Y rằng rằng không chống lại các đối thủ của mình nhưng chỉ muốn “đi theo Tin Mừng.”
Tin Mừng luôn là dấu chỉ của mâu thuẫn
Đối với nhân vật thứ hai của Vatican, Tin Mừng luôn là dấu chỉ của mâu thuẫn, bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội.
Khi bị chất vấn là Vatican đã không can thiệp đúng mức cho các tín hữu ở Trung Đông, Đức Hồng Y biện hộ rằng: “Khi chúng tôi không đưa tin, không có nghĩa là chúng tôi không hành động. Chúng ta đừng để báo chí lèo lái qua các bản tin tóm tắt.” Đức Hồng Y bảo đảm rằng Tòa Thánh luôn làm việc với các quốc gia để mọi quyền hạn và nghĩa vụ công dân ghi trong hiến pháp được tôn trọng chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi các quyền tự do tôn giáo.
Trong một diễn biến đáng buồn, account Twitter bằng tiếng Ý của Đức Thánh Cha Phanxicô đã vấp phải những chống đối gay gắt sau khi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cầu nguyện cho những người di dân vào ngày 8 tháng Bẩy vừa qua tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong một tweet sau đó, Đức Thánh Cha nhận định rằng “Những người di dân là các biểu tượng của những ai bị xã hội từ khước.” Tweet này của ngài đã gặp phải những chống đối gay gắt từ những tweeters người Ý.
Với tình trạng thất nghiệp cao tại Ý như hiện nay, phản ứng của người Ý đối với vấn đề di dân xem ra cũng có thể hiểu được.
4. Chuyện không tin cũng xảy ra: Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị rửa tội tập thể cho 564 trẻ sơ sinh
Hôm Chúa Nhật vừa qua, Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị vừa thiết lập một kỷ lục là rửa tội tập thể cho 564 trẻ sơ sinh tại nhà thờ chính tòa Chúa Ba Ngôi ở thủ đô Tbilisi nhân dịp lễ kính hai thánh Cosmas và Damian.
Giữa bối cảnh mùa đông dân số tại Âu Châu, biến cố này là một tin rất đáng mừng; đặc biệt Georgia là nơi cộng sản đã từng đàn áp các Kitô hữu rất khốc liệt nhằm tận diệt niềm tin Kitô.
Lễ rửa tội đã được cử hành vào giữa trưa ngày Chúa Nhật. Sau khi hoàn tất các lễ nghi, Đức Thượng Phụ đã ban phép lành cho tất cả các con đỡ đầu mới của mình, và mọi đứa trẻ mới được rửa tội cũng được trao thánh giá và giấy chứng nhận.
Bày tỏ niềm vui với cộng đoàn, Đức Thượng Phụ nói:
“Chúa ở cùng chúng ta. Tôi chúc mừng anh chị em vào ngày hạnh phúc này. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta đã rửa tội cho hơn 500 trẻ em ngày hôm nay. Tôi cầu nguyện xin Chúa bảo vệ họ”.
Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị rửa tội tập thể cho các trẻ sơ sinh mà là lần thứ 59.
Trong thời Sô viết, phụ nữ Georgia thường bị bó buộc phá thai. Thâm ý của người Nga là để khống chế dân số nước này trong tình trạng chết dần mòn và đưa người Nga sang lập nghiệp. Sau thời kỳ cộng sản, những khó khăn kinh tế lúc đầu đã khiến nhiều phụ nữ Georgia không muốn sinh con.
Ngày 19 tháng Giêng, 2008, Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị đã có sáng kiến rửa tội tập thể và tổ chức ngày này như một ngày hội tưng bừng nhằm giúp cải thiện tình hình nhân khẩu học ở Georgia
Đến nay, ngài đã rửa tội được cho 39,242 trẻ sơ sinh.
Theo thống kê mới nhất, cả nước Georgia có 3,718,200 dân. Với sinh suất như hiện nay, theo dự báo của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc, con số này có thể giảm xuống chỉ còn 2,985,000 người vào năm 2050.
Đức Thượng Phụ Ilia Đệ Nhị đã là nhà lãnh đạo Giáo hội Georgia trong 41 năm qua. Vào thời điểm ngài nhậm chức, Chính Thống Giáo Georgia có 15 giáo phận và chỉ có 30 nhà thờ còn có thể hoạt động được sau những bách hại kinh hoàng của cộng sản. Ngày nay, Chính Thống Giáo Georgia có 47 giáo phận và khoảng 2,000 giáo xứ đang hoạt động dưới sự chăm sóc mục vụ của khoảng 3,000 giáo sĩ.
5. Đức Thánh Cha bổ nhiệm Giám Đốc chính thức Phòng Báo Chí Tòa Thánh
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ông Matteo Bruni làm Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh. Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh được bổ nhiệm làm phó Tổng Biên tập của Bộ Truyền Thông cùng với ông Sergio Centofanti.
Quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đưa ra hôm thứ Năm 18 tháng Bẩy, và có hiệu lực từ ngày thứ Hai 22 tháng Bẩy.
Tân Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh Matteo Bruni sinh ngày 23 tháng 11 năm 1976 tại Winchester, Anh quốc. Ông Bruni tốt nghiệp ngành văn học ngoại ngữ hiện đại và đương đại tại Đại học La Sapienza của Rôma. Ông đã làm việc tại phòng Báo chí Tòa Thánh từ tháng 7 năm 2009, với trách nhiệm giám sát việc cấp thẻ báo chí cho các nhà báo và điều phối viên của Bộ phận liên lạc với các ký giả được Tòa Thánh công nhận.
Trong vai trò này, ông đã tổ chức các phóng viên tháp tùng Đức Thánh Cha trong các chuyến tông du bên ngoài nước Ý.
Ông Bruni đã điều phối việc tham gia của các ký giả vào các sự kiện đa dạng diễn ra trong Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016. Từ lâu, ông cũng đã tham gia vào các dự án hợp tác và các chương trình nhân đạo của Giáo Hội để hỗ trợ người già.
Tân Giám đốc phòng Báo chí Tòa Thánh đã kết hôn và có một cô con gái. Ngoài tiếng Ý, ông còn thông thạo tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp.
Ông Bruni sẽ thay thế công việc của ông Alessandro Gisotti, là người đã được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm làm Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào ngày 30 tháng 12, năm ngoái 2018.
Cũng trong ngày thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Ông Gisotti và Ông Sergio Centofanti làm phó Tổng Biên tập của Bộ Truyền thông Tòa Thánh.
Cả ba vị sẽ nhậm chức vào ngày thứ Hai 22 tháng Bẩy.
Vài nét về Ông Alessandro Gisotti
Ông Gisotti tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học La Sapienza của Rôma và là một nhà báo chuyên nghiệp. Năm nay, 45 tuổi, ông đã kết hôn và có hai đứa con. Sau một thời gian làm việc tại Văn phòng Thông tin Liên Hiệp Quốc ở Rôma, ông bắt đầu làm việc tại Đài phát thanh Vatican vào năm 2000. Từ năm 2011 đến năm 2016, ông là phó Tổng Biên tập tại đài phát thanh của Đức Giáo Hoàng. Năm 2017, ông trở thành điều phối viên Truyền thông xã hội của Bộ Truyền thông Tòa Thánh.
Ông đã giảng dạy ngành báo chí tại Học viện Dòng Tên Maximus ở Rôma cũng như các lý thuyết và kỹ thuật báo chí tại Đại học Giáo hoàng Lateranô. Ông đã viết một số bài báo và tiểu luận về truyền thông trong Giáo hội, đặc biệt, là cuốn sách gồm nhiều tập “Mười điều răn của nhà Truyền Thông theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, được xuất bản năm 2016 với lời tựa của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle.
Vài nét về Ông Centofanti
Sinh tại Naples (Ý), Ông Sergio Centofanti, 59 tuổi, đã kết hôn và có ba đứa con cùng với ba đứa cháu. Ông tốt nghiệp ngành văn học tại Đại học La Sapienza của Rôma năm 1986.
Bắt đầu sự nghiệp của một nhà báo vào đầu những năm 80, ông đã từng làm việc với một số tờ báo và tạp chí.
Ông gia nhập Vatican Radio năm 1986, làm việc trong 10 năm đầu tiên với phiên bản buổi sáng của tin tức thế giới bằng tiếng Ý. Ông dần dần được giao phụ trách các phiên bản khác trong dịch vụ tin tức của Tòa Thánh. Ông đã theo các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô trong các chuyến đi khác nhau tại Ý và hải ngoại.
Năm 2017, ông được mời tham gia vào Ban biên tập đa phương tiện, phụ trách điều phối các hoạt động của các nhóm ngôn ngữ khác nhau của Vatican Radio và Vatican News.
6. Đức Hồng Y Louis Sako: Một phiên bản ISIS mới đang được hình thành tại Iraq
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang tổ chức Hội nghị bàn tròn về tự do tôn giáo lần thứ hai tại Washington, quy tụ các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính phủ, và các nhà hoạt động xã hội để giải quyết các thách đố đối với tự do tôn giáo trên thế giới.
Đức Hồng Y Louis Sako, là Thượng Phụ Công Giáo Chanđê thành Babylon cho biết ngài rất âu lo cho tương lai không mấy lạc quan của các Kitô hữu Iraq.
“Ý thức hệ của ISIS theo đó Hồi Giáo phải thống trị thế giới rất mạnh, ngay cả trong số các tín hữu Hồi Giáo đơn sơ nhất vì các bài phát biểu cổ vũ cho ý thức hệ này vẫn tiếp tục vang lên tại các đền thờ Hồi giáo,” Đức Hồng Y nói. “Đây là điều xấu, nó chống lại bản chất của tôn giáo và con người. Chủ nghĩa cực đoan là thách thức lớn nhất hiện nay. Nếu chính phủ Iraq không mạnh tay, có thể một phiên bản khác của ISIS sẽ sớm ra mắt.”
Đức Hồng Y đã trưng dẫn trường hợp các chiến binh Shi'ite, liên kết với Iran như một điển hình. Ngài nói:
“Một thách thức cụ thể hiện nay là trường hợp là các chiến binh Shi'ite, liên kết với Iran. Họ đã giúp giải phóng các khu vực của Kitô hữu và người Yazidi đã từng nằm dưới sự kiểm soát của IS. Sự tăng trưởng và ảnh hưởng của lực lượng dân quân Shi'ite tại các thị trấn chủ yếu, nếu không muốn nói là toàn tòng Kitô Giáo trước cuộc xâm lược của IS vào năm 2014 là một vấn đề đáng lo ngại.
Có một chiến lược nhằm thay đổi nhân khẩu học tại vùng đồng bằng Ninevê. Bây giờ các dân quân đang tìm cách có một trụ sở tại Bartella, nơi vẫn được coi là vùng toàn tòng Kitô Giáo. Ngoài ra, ở biên giới Syria, những người Yazidi trong vùng núi Sinjar, và nhiều Kitô hữu đã buộc phải bỏ nhà cửa chạy giặc, và hiện đang sống ở châu Âu, Syria, Li Băng, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ cần tiền để tồn tại, vì vậy họ đang bán nhà. Các dân quân có tiền vì họ được hỗ trợ bởi một số quốc gia nhất định, vì vậy họ đang mua các tài sản này,” Đức Thượng Phụ cảnh báo.
7. Tuyên bố của Tòa Thánh về cuộc khai quật ngày 20 tháng Bẩy tại nghĩa trang Teutonic của Vatican
Một cuộc điều tra mới đã được thực hiện vào sáng thứ Bảy 20 tháng Bẩy tại nghĩa trang Teutonic của Vatican trong hai hầm mộ được tìm thấy ở một khu vực liền kề với lăng mộ của hai công chúa Đức đã được chôn cất vào thế kỷ 19 tại nghĩa trang Teutonic của Vatican.
Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:
“Lúc 9 giờ sáng nay, các hoạt động đã được bắt đầu một cách thường lệ tại Nghĩa trang Teutonic như là một phần của cuộc điều tra về trường hợp của Orlandi”
Emanuela Orlandi, cô con gái 15 tuổi của một nhân viên Vatican, đã biến mất một cách bí ẩn vào ngày 22 tháng 6 năm 1983, trên đường trở về Vatican từ một buổi học âm nhạc ở trung tâm thành phố Rôma. Nhiều suy đoán liên quan đến sự mất tích của cô và mối quan hệ giả định với Vatican đã được tung ra trong 36 năm qua.
Một thư nặc danh gởi cho gia đình Orlandi nói rằng cô đã được chôn cất tại nơi ngón tay của một bức tượng thiên thần chỉ xuống trong nghĩa trang Teutonic. Điều đó đã dẫn họ đến ngôi mộ của hai Công chúa người Đức.
Cuộc khai quật đầu tiên đã diễn ra vào ngày 11 tháng Bẩy vừa qua. Tại ngôi mộ của Công chúa Sophie thành Hohenlohe, qua đời năm 1836, người ta tìm thấy một hầm mộ rộng lớn dưới lòng đất rộng khoảng 4 mét chiều dài, 3.70 mét chiều rộng nhưng hoàn toàn trống rỗng. Sau đó, ngôi mộ thứ hai, của Công chúa Charlotte Federica thành Mecklemburg, qua đời năm 1840, cũng đã được khai quật. Như trong ngôi mộ thứ nhất, hoàn toàn không có thi hài nào được tìm thấy bên trong ngôi mộ thứ hai.
Ông Alessandro Gisotti giải thích rằng hài cốt của hai công chúa có thể đã được dời đi nơi khác trong nghĩa trang khi trường Teutonic liền kề được xây dựng vào những năm 1960 và 70 của thế kỷ trước.
Các cuộc kiểm tra sâu hơn đã dẫn đến việc phát hiện hai hầm mộ khác được tìm thấy bên dưới trường Teutonic.
Ông Alessandro Gisotti cho biết cuộc khai quật hai hầm mộ nêu trên đã được thực hiện theo lệnh của Giáo sư Gian Piero Milano, chưởng lý Tòa án Quốc gia thành Vatican.
Ông nói rằng cuộc điều tra đang được thực hiện theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Trong số nhiều quan chức giám sát cuộc khai quật này có Giáo sư Milano và một chuyên gia được chỉ định bởi gia đình Orlandi.
Ông Gisotti lưu ý rằng hiện tại không thể dự đoán được sẽ mất bao lâu để hoàn thành việc “phân tích pháp y các hài cốt được tìm thấy trong các hầm mộ”.
Ông nói rằng cuộc khai quật mới này, cùng với cuộc khai quật ngày 11 tháng Bẩy, là một bằng chứng khác về sự cởi mở của Tòa Thánh đối với gia đình Orlandi. Ngay từ đầu, Tòa Thánh đã cho thấy sự cởi mở và thiện chí của mình trong việc chấp nhận yêu cầu khai quật tại Nghĩa trang Teutonic, dù chỉ trên cơ sở của một thư nặc danh.
Trong một tuyên bố sau đó vào ngày thứ Bảy, cũng là tuyên bố sau cùng của Ông Alessandro Gisotti, trong vai trò Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ông nói rằng cuộc khai quật sáng thứ Bẩy 20 tháng Bẩy, đã kết thúc và các hài cốt đã được đưa lên để khảo sát pháp y.
“Các nghiên cứu sâu hơn sẽ được thực hiện vào ngày 27 tháng Bẩy,” ông nói.