Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Tháng Hai năm 1981, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm vùng đất mặt trời mọc này. Từ đó, đến nay xã hội Nhật Bản đã thay đổi rất sâu sắc. Làn sóng vô thần tăng nhanh theo nhịp độ làm việc và sự quay cuồng của cuộc sống. Do đó, tin tức về chuyến tông du của Đức Thánh Cha đã dấy lên một niềm vui lớn tại quốc gia này.
Từ Tokyo, Shaun McAfee, có bài đăng trên tờ Catholic Herald nhan đề: “How Nagasaki’s Catholics survived persecution and the bomb”, nghĩa là “Người Công Giáo Nhật Bản sống sót qua những bách hại và hai quả bom nguyên tử như thế nào?”
Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch của Như Ý.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là con đường từ trung tâm thành phố Nagasaki đi vào nhà thờ chính tòa của thành phố. Nhà thờ này tiếng Nhật gọi là Urukami. Trước khi đến nhà thờ này du khách sẽ đi ngang qua một hốc đá chỉ đủ lớn để chứa một người. Nếu không chú ý, du khách có thể vô tình bỏ qua vì hốc đá này trông cũng bình thường. Nhưng hốc đá này là cả một câu chuyện. Nó được gọi là hốc đá tra tấn người Công Giáo và nó đã từng được sử dụng để gây đau khổ chưa từng thấy đối với các Kitô hữu Nhật Bản trong hơn 300 năm.
Cách thức tra tấn rất đơn giản: các Kitô hữu bị buộc phải ngồi trong hốc đá này cho đến khi họ từ bỏ đức tin. Họ phải ngồi trong một tư thế cúi khòm người xuống, không thể ngẩng đầu lên được trong lúc tuyết rơi bên ngoài. Kitô hữu chỉ được đưa ra hai lựa chọn: hoặc trở lại tôn giáo và phong tục địa phương hoặc phải ngồi trong hốc đá này chịu đói và chịu lạnh cho đến chết.
Một tấm bảng gần đó kể lại câu chuyện về một người phụ nữ tên Tsuru. Cô bị lột trần truồng trước khi bị nhốt vào hốc đá này, hai chân cô bị cùm vào những chấn song bằng đá. Cô ngồi như thế trong suốt 18 ngày, đói, khát và bị chôn vùi trong tuyết. Khi tuyết tan, người ta kinh ngạc thấy cô vẫn còn sống. Những người bách hại cô tin rằng cô thực sự được thần thánh phù hộ nên đã trả tự do cho cô.
Không phải ai cũng được may mắn như Tsuru. Những kẻ bắt bớ thường rất tàn nhẫn, và các tín hữu Công Giáo trung thành của cộng đoàn Công Giáo Urukami, một cộng đoàn lâu đời nhất trong lịch sử Công Giáo Nhật Bản, đã phải chịu đựng hình thức bách hại này và nhiều hình thức đàn áp khác trong nhiều thế kỷ. Đức tin của họ vẫn kiên vững, mặc dù phải chịu đựng trăm chiều cay đắng.
Tấm bảng viết tiếp rằng:
“Hốc đá này đã được giữ lại như một lời nhắc nhở liên tục các vị tổ tiên đáng kính của chúng ta, những người đã trung thành giữ vững đức tin không lay chuyển của họ.”
Sự nghi ngờ các nhà truyền giáo Kitô đang mưu toan làm gián điệp cho ngoại bang thống trị Nhật Bản đã nảy sinh dưới thời Toyotomi Hideyoshi (1537-1598). Người kế vị ông là Tokugawa Ieyasu (1543-1616), là người sáng lập triều đại Mạc phủ Tokugawa, đã ban hành chính sách cô lập Nhật Bản, cấm các hoạt động truyền giáo. Luật bách hại Kitô giáo trong toàn cõi Nhật Bản cũng được đưa ra.
Chính sách “không ai được ra, không ai được vào” - người Nhật gọi là Sakoku – nhằm giải quyết các mối quan tâm về ảnh hưởng của nước ngoài. Nhưng mặc dù bị đàn áp, một số Kitô hữu đã không từ bỏ đức tin. Họ phải đối mặt với những hậu quả cực kỳ tàn bạo. Cuốn phim “Silence”, nghĩa là “Im lặng”, của đạo diễn Martin Scorsese được phát hành vào năm 2017, mô tả chính xác các hình thức bách hại kinh hoàng: Kitô hữu bị đóng đinh giữa lúc thủy triều dâng cao hay bị bỏ vào các vạc nước nóng được tiếp tục đun sôi cho tới khi nạn nhân chết.
Cho đến năm 1873, các Kitô hữu một lần nữa lại được tự do thực hành đức tin của mình không phải sợ hãi. Tsuru, người phụ nữ ngồi 18 ngày trong hốc đá và một loạt những người khác giữ niềm tin của mình trong bí mật, đã trở lại quận Urukami.
Kitô hữu Nhật Bản được tự do xây dựng những nhà thờ tuyệt đẹp, bao gồm cả các nhà thờ chính tòa ở Nagasaki và Hiroshima, hai cứ điểm của Kitô giáo trên Honshu, là hòn đảo lớn nhất của Nhật Bản.
Bi kịch đã tấn công các cộng đồng này một lần nữa vào năm 1945 khi bom nguyên tử được thả xuống. Toàn bộ dân số của cả hai thành phố, bao gồm nhiều người Công Giáo, chịu đựng nỗi kinh hoàng không thể kể xiết. Tuy nhiên, họ đã không mất niềm tin.
Người Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới nên đến thăm Nhật Bản như những người hành hương. Kitô hữu có thể chỉ chiếm một phần trăm dân số, nhưng nghệ thuật Kitô giáo, đền thờ, di tích và nhà thờ nằm rải rác khắp đất nước. Ở phía nam như đảo Okinawa, có một nhà thờ lớn nơi thánh lễ được cử hàng hàng ngày.
Ở phía bắc của Honshu là địa điểm nơi xảy ra một cuộc hiện ra của Đức Maria vào năm 1973 được gọi là Đức Mẹ Akita. Các báo cáo cho biết Đức Mẹ đã hiện với Nữ tu Agnes Katsuko Sasagawa. Đức Mẹ nhấn mạnh rằng các tín hữu phải siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là đọc kinh Mân côi. Đức Mẹ cũng truyền đạt những lời tiên tri về dị giáo và việc Giáo hội bị bắt bớ trong những năm tới.
Tượng Đức Mẹ hiện ra với sơ Katsuko nổi tiếng trên toàn thế giới và, mặc dù Vatican chưa đưa ra một phán quyết dứt khoát nào về câu chuyện này, hàng triệu Kitô hữu và người ngoài Công Giáo đến thăm địa điểm này mỗi năm.
Nagasaki cũng là một địa điểm lý tưởng để hành hương. Thánh tích của vô số các vị tử đạo, sách thánh ca nguyên thủy, và thậm chí cả sách kinh thánh gốc và Kinh thánh của các nhà truyền giáo đầu tiên đến Nhật Bản đang được trưng bày tại Bảo tàng và Đài tưởng niệm Hai mươi sáu vị tử đạo. Bảo tàng và Đài tưởng niệm nằm ngay trên ngọn đồi nơi 188 vị tử đạo bị hành quyết, bao gồm cả chủng sinh Dòng Tên Nhật Bản Paul Miki, đã được tuyên thánh và các bạn tử đạo của ngài. Bảo tàng này là một công trình nghệ thuật, có thể cạnh tranh được với mọi bảo tàng lịch sử Kitô giáo trên thế giới.