Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết hôm 5 tháng Bẩy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn của Bộ Tuyên Thánh do Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng dẫn đầu.
Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đã phê chuẩn phép lạ do lời cầu bầu của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen.
Đức Cha Fulton Sheen, sinh ngày 8 tháng 5 năm 1895 tại El Paso, Illinois, Hoa Kỳ là nhà giảng thuyết lừng danh trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Ngài là tổng giám mục của Newport, trước đó ngài là Giám Mục Rochester. Đức Cha Fulton Sheen đã qua đời ngày 9 tháng 12 năm 1979 tại New York.
Bé James Fulton Engstrom chào đời ngày 15 tháng Chín năm 2010. Trong 61 phút đầu tiên cháu bé không có chút hơi thở và nhịp mạch nào. Các bác sĩ đã ký vào giấy khai tử của cháu. Tuy nhiên mẹ cháu là bà Bonnie Engstrom không bỏ cuộc. Bà cùng chồng cầu nguyện với Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen là vị giảng thuyết mà gia đình bà rất ngưỡng mộ.
61 phút sau khi chào đời, bé James Fulton Engstrom mới bắt đầu thở và có nhịp mạch và nay đã là một cậu bé khoẻ mạnh được gần 9 tuổi.
Các bác sĩ tuyên bố không thể giải thích được về mặt y khoa biến cố này. Đức Thánh Cha Phanxicô được tường thuật là rất vui khi công nhận phép lạ này vì ngài rất ái mộ Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen như một vị giảng thuyết tài ba. Tờ American Magazine cho biết nhiều bác sĩ chứng kiến phép lạ nhãn tiền này đã trở lại đạo Công Giáo và góp phần trong cuộc điều tra của giáo phận Peoria.
2. Bách hại tôn giáo tại Trung Quốc càng lúc càng trắng trợn: Đám cưới không tha, đám ma không chừa
Trong bài “Chinese officials crack down on religious funerals, weddings”, nghĩa là “Các quan chức Trung Quốc tấn công vào các đám ma và đám cưới tôn giáo”, được công bố hôm 3 tháng Bẩy, Thông tấn xã Catholic News Agency, viết tắt là CNA, cho biết dưới chiêu bài tiếp tục thắt chặt quy định về tôn giáo và các hoạt động tôn giáo, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang mở một chiến dịch tấn công vào các đám ma và đám cưới tôn giáo diễn ra bên ngoài các nhà thờ.
Bitter Winter, một tạp chí nghiên cứu về nhân quyền và vi phạm tự do tôn giáo ở Trung Quốc, báo cáo rằng những người tham dự các nghi lễ như vậy đã bị đe dọa điều tra và bỏ tù, và trong một số trường hợp đã bị bắt và giam cầm tới hơn hai tuần. Các cuộc tấn công này là một phần trong chiến dịch Trung Hoa hóa các tôn giáo.
Báo cáo này được đưa ra chỉ năm ngày sau khi Chris Smith, đồng chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, nói trong một phiên điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ rằng tình trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc chưa bao giờ tồi tệ hơn hiện nay.
Tạp chí Bitter Winter, nghĩa là “Mùa Đông Cay Đắng” cho biết vào ngày 12 tháng Tư năm nay, các quan chức Trung Quốc đã giải tán một đám tang Kitô giáo gồm 11 người ở tỉnh Hà Nam. Các quan chức quát nạt gia đình và những người đến đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố ngay trong đám tang, buộc tội họ hoạt động tôn giáo phi pháp ở vùng nông thôn và đe dọa bỏ tù họ. Cảnh sát đã lấy thông tin liên lạc cá nhân của những người tham dự và nói rằng họ có thể bị câu lưu bất cứ lúc nào.
Vào tháng Hai, tại một thành phố khác trong cùng tỉnh, các quan chức đã làm gián đoạn một đám tang Kitô giáo khác dành cho một người già. Bọn cầm quyền địa phương đã đe dọa những người tham dự vì tội tổ chức một buổi lễ tôn giáo bên ngoài một nhà thờ, và buộc tất cả những người tham dự phải giải tán.
Việc làm gián đoạn một tang lễ xúc phạm nghiêm trọng tình cảm của gia đình và những người quen biết với người quá cố hoàn toàn trái với thuần phong mỹ tục của người Trung Hoa, vốn trọng chữ Hiếu.
Bitter Winter báo cáo rằng những việc làm như thế đã bắt đầu từ ít nhất là năm 2017 tại Hà Nam, vì các quan chức tuyên bố rằng đọc kinh cầu nguyện là bất hợp pháp. Tất cả 20 người tham dự trong một buổi đọc kinh tưởng niệm người quá cố đều bị giam giữ. Một số được thả ra ngay sau đó do tuổi già hoặc bệnh tật, nhưng có sáu người đã bị giam giữ tới 15 ngày.
Các quan chức Trung Quốc cũng đã phá đám một lễ cưới tại một nhà thờ ở Hà Nam. Bọn cầm quyền bắt những người tham dự thánh lễ phải viết tên của họ vào một biên bản, và cấm trẻ em dưới 18 tuổi không được tham dự thánh lễ.
Trong một đám cưới khác, vào ngày 1 tháng 5 tại tỉnh Sơn Tây, cha mẹ của chú rể đã bị cảnh sát bắt giữ vì họ yêu cầu ban nhạc chơi các bài hát Kitô Giáo.
3. Trung Quốc đang có một cuộc chiến tổng lực với niềm tin Kitô – tình hình tự do tôn giáo tồi tệ hơn bao giờ
Trong một phiên điều trần quốc hội về tình cảnh bị bách hại của các Kitô hữu trên toàn thế giới, hôm thứ Năm tuần trước khi đề cập đến hoàn cảnh của các Kitô hữu ở châu Á và đặc biệt là ở Trung Quốc, Dân biểu Chris Smith của Đảng Cộng Hòa đơn vị New Jersey, cho biết
“Tôi đã tham gia Quốc hội từ năm 1981, tôi đã làm việc về nhân quyền ở Trung Quốc kể từ năm 1981, tình hình chưa bao giờ tồi tệ hơn hiện nay.”
Đề cập đến chiến dịch Trung Hoa hóa các tôn giáo, Dân Biểu Smith cho biết Trung Quốc đang tiến hành với chiến dịch này với các phương pháp rất tàn bạo. “Dưới chiêu bài Trung Hoa hóa, tất cả các tôn giáo và các tín hữu bị buộc phải thúc đẩy mạnh mẽ ý thức hệ cộng sản.”
“Các tín đồ tôn giáo của mọi tôn giáo bị sách nhiễu, bắt giữ, bỏ tù hoặc bị tra tấn. Kinh thánh bị đốt cháy, nhà thờ bị phá hủy, thánh giá bốc cháy trên đỉnh tháp nhà thờ,” Ông Smith nói.
Ngoài việc tập trung đông người Hồi giáo Tân Cương vào “các trại tập trung” được dựng nên và điều hành “nhằm tiến hành một cuộc diệt chủng”, bọn cầm quyền đã thiết lập các camera tại các nhà thờ và đền thờ có khả năng nhận dạng mặt người nhằm ngăn cấm trẻ em dưới 18 tuổi tham dự các nghi thức tôn giáo.
Các quan chức tôn giáo Trung Quốc cũng đã tham gia vào một chiến dịch viết lại Kinh thánh cho phù hợp với ý thức hệ cộng sản.
4. Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Phòng Báo Chí Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã công bố chương trình chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản bắt đầu từ ngày 24 tháng 11 tới đây.
Tháng Hai năm 1981, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viếng thăm vùng đất mặt trời mọc này. Từ đó, đến nay xã hội Nhật Bản đã thay đổi rất sâu sắc. Làn sóng vô thần tăng mạnh theo nhịp độ làm việc và sự quay cuồng của cuộc sống.
Tin Đức Thánh Cha viếng thăm Nhật Bản, do đó, là một niềm vui lớn cho Giáo Hội tại quốc gia này.
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thủ đô Tokyo vào ngày 23 tháng 11. Trong chuyến tông du kéo dài 4 ngày, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Nagasaki và Hiroshima. Tại Nagasaki, ngài sẽ cầu nguyện tại Nhà thờ Chính Tòa Urakami, được xây dựng lại sau vụ đánh bom nguyên tử vào thành phố này năm 1945. Tại Hiroshima, ngài sẽ tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa nguyên tử tại viện Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình.
Vào ngày 25 tháng 11, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với Hoàng đế Naruhito và Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo trước khi tổ chức Thánh lễ tại Tokyo Dome.
Những thông điệp chống hạt nhân mà Đức Giáo Hoàng đưa ra từ các thành phố bị ném bom nguyên tử sẽ là một trong những trọng tâm được chú ý đến nhiều nhất.
Từ thời trai trẻ, Đức Thánh Cha đã từng mơ ước được là một nhà truyền giáo Dòng Tên tại quốc gia này. Do đó, Đức Thánh Cha rất vui khi có thể thực hiện chuyến tông du này.
Ngày 23 tháng Giêng năm ngoái, đích thân Đức Phanxicô đã loan báo về chuyến đi này trên chuyến bay đưa ngài đến Panama để chủ tọa Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 34. Vài ngày sau khi Đức Thánh Cha loan báo điều này, người Công Giáo Nhật Bản đã mời Đức Thánh Cha đưa ra các thông điệp chống lại vũ khí hạt nhân khi ngài thăm Hiroshima và Nagasaki.
Các phương tiện truyền thông tại Nhật cho biết Đức Thánh Cha đã từng gửi thư cho các thị trưởng thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 5 năm ngoái, hứa sẽ cầu nguyện cho công dân của họ. Đáp lại, các quan chức Nhật Bản đã đưa ra lời mời Đức Thánh Cha đến thăm hai thành phố này trong một buổi tiếp kiến tại Vatican.
Trong ngày thứ hai trong chuyến tông du, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với những người sống sót sau vụ thả bom nguyên tử.
Cuộc chiến chống lại sự phổ biến của vũ khí hạt nhân là một chủ đề rất cấp bách đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, do căng thẳng Mỹ-Triều Tiên và Mỹ-Iran.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trong chuyến bay tới Chí Lợi, vào ngày 15 tháng Giêng năm ngoái Đức Phanxicô đã phân phát cho các nhà báo bức ảnh “đứa trẻ Nagasaki”. Hình ảnh này được chụp sau vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki, cho thấy một đứa trẻ cõng em trai đã chết của mình trên vai. Đức Thánh Cha đã thêm dòng chú thích sau vào tấm ảnh: “Hoa trái của chiến tranh”.
Chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ đánh dấu một kỷ niệm đặc biệt trong quan hệ Vatican - Nhật Bản, vì trùng vào dịp kỷ niệm 100 năm quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa hai quốc gia. Năm 1919, Rôma đã gửi Đức Tổng Giám Mục Pietro Fumasoni Biondi, sau này được vinh thăng Hồng Y, đến Nhật Bản để phục vụ với tư cách là Khâm Sứ Tòa Thánh, đánh dấu sự khởi đầu của một mối quan hệ chính thức giữa đế chế Nhật Bản và Vatican.
Đến năm 1942, trong khi cuộc chiến đang thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo ở cả Tokyo và Rôma, thì quan hệ ngoại giao đầy đủ đã được thiết lập. Hoàng đế Hirohito mong muốn có quan hệ với Tòa Thánh vì ông hy vọng rằng Vatican có thể đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các cường quốc phương Tây với Nhật Bản.
Động thái này gây ra một số lo ngại ở Washington, nhưng Vatican đã đồng ý yêu cầu này và chấp nhận Ken Harada làm đại sứ đầu tiên của Nhật Bản cạnh Tòa Thánh. Đáp lại, Đức Tổng Giám Mục, sau này là Hồng Y, Paolo Marella đã được cử làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Nhật.
Sứ thần Tòa Thánh hiện nay tại Nhật Bản là Đức Tổng Giám Mục Joseph Chennoth, người Ấn Độ.
5. Tình hình Giáo Hội tại Nhật
Kitô giáo đến với Nhật Bản nhờ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha, các nhà thám hiểm, và đặc biệt là các linh mục dòng Tên, chẳng hạn như Thánh Phanxicô Xaviê. Người Công Giáo đã thành lập nên thành phố Nagasaki, có thời được xem là trung tâm Kitô giáo quan trọng nhất ở vùng Viễn Đông.
Tuy nhiên, đạo thánh Chúa đang chết dần mòn tại quốc gia này. Theo một phóng sự hồi tháng 2 năm 2017 của báo Công Giáo Pháp La Croix, số tín hữu Công Giáo tại Nhật chỉ có 450 ngàn người, tương đương với 0.36% trong tổng dân số 120 triệu người tại nước này. Các cuộc trở lại Công Giáo rất hiếm và cộng đoàn tại đây có nguy cơ tàn lụi. Trong năm 2016, chỉ có 1 người trẻ gia nhập chủng viện. Trong số 1,800 Linh Mục đang hoạt động tại Nhật, có 519 vị tức là gần 1 phần 3 là người nước ngoài. Cả nước có 13 giáo phận và 3 tổng giáo phận.
Khác với quốc gia lân bang là Nam Hàn, ý thức về nghĩa vụ truyền giáo tại Nhật không cao và có nhiều điều lấn cấn.
Trong thư gửi Hội Ðồng Giám Mục Nhật nhân cuộc viếng thăm của Ðức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, đến viếng thăm Giáo Hội tại quốc gia này trong 9 ngày, từ 17 đến 26 tháng 9 năm 2017, Đức Thánh Cha bày tỏ âu lo là tinh thần hòa hoãn trong văn hóa Nhật xem ra được chú trọng hơn tính cấp bách của sứ mạng truyền bá Tin Mừng.
Sau khi nhắc đến tấm gương của các vị tử đạo và các vị tuyên xưng đức tin trong lịch sử Giáo Hội tại Nhật, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các Giám Mục nước này rằng:
“Anh em thân mến, những thách đố mà thực tại hiện nay đề ra cho chúng ta không thể làm cho chúng ta cam chịu và càng không thể nại tới một cuộc đối thoại hòa hoãn và làm tê liệt, cho dù một vài trạng huống khó khăn có thể tạo nên nhiều lo âu”.
Nhật Bản là đất nước đã có đến 434 vị tử đạo đã được tuyên phong, và hàng trăm ngàn các vị tử đạo chưa được biết đến; nhưng giờ đây 99% dân số là vô thần. Sau thế chiến thứ hai, đứng trước những tàn phá kinh hoàng của chiến tranh, chủ nghĩa hiện sinh phát triển rất mạnh.
6. Lược sử truyền giáo tại Nhật
Trong lịch sử của Nhật, vào năm 1549, cha Phanxicô Xaviê dòng Tên đã đặt chân đến Nhật để triều giáo. 10% dân số Nhật đã trở thành người Công Giáo. Con số đông đảo người theo đạo này đã làm vua Toyotomi Hideyoshi lo ngại các thừa sai đang xâm lược Nhật. Hệ quả là ông ta đã đặt Công Giáo ra khỏi vòng pháp luật. Năm 1597, Toyotomi bắt 26 Kitô hữu trong đó có 6 thừa sai và 20 giáo dân, cắt lỗ tai họ và bắt đi du hành thị chúng từ Kyoto đến Nagasaki trong cái lạnh chết người của mùa đông. Tại Nagasaki, vua cho người đóng đinh các vị. Trong suốt thời kỳ bách hại nhiều Kitô hữu khác cũng bị bắt và hành hình dã man, nhiều người khác phải sống trốn tránh và lo sợ vì những cuộc ruồng bắt thường xuyên. Tuy nhiên, vào năm 1873, khi đạo Công Giáo được chính thức cho hoạt động một số nhỏ vẫn kiên vững trong đức tin.
Trong thế kỷ 20 và 21, Kitô Giáo dường như chỉ còn là một bóng mờ trong lịch sử dân Nhật đang ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa vật chất.
7. Nạn tự tử tại Nhật
Bản tin của Asia-News, cơ quan thông tin của Pontificio Istituto Missioni Estere - Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, trích thuật báo cáo của Văn phòng Nội Các Chính Phủ Nhật, trong đó ghi nhận 18,048 trường hợp tự tử, giữa năm 1971 và năm 2013, liên quan đến trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi.
Nghiên cứu cho thấy rằng hầu hết các vụ tự tử xảy ra vào những ngày lễ của Nhật Bản cuối mùa xuân và mùa hè. Nghiêm trọng nhất là vụ 131 thiếu niên tự sát vào ngày 1 tháng Chín 2016. Con số tự tử vào ngày 1 tháng Chín hàng năm chưa bao giờ dưới mức 100 người trong suốt một thập niên qua. Vì thế, ngày 1 tháng Chín năm nay đến trong âu lo của nhiều người.
Ngày 11 tháng Tư hàng năm cũng là một ngày khủng khiếp với con số trung bình số ca tự tử là 99 trường hợp, theo sau là ngày 8 tháng Tư, rồi ngày 02 tháng 9 và 31 tháng 8 với 95, 94 và 92 các vụ tự tử.
Trong những năm gần đây, tính trung bình mỗi ngày có 49 trường hợp tự tử.
Các cuộc điều tra của chính phủ cho thấy một trong những lý do chính dẫn đến tự tử trong số các học sinh trung học và tiểu học là những hục hặc trong gia đình. Nguyên nhân tiếp theo là sự thất bại ở trường, mối quan tâm về sự lựa chọn nghề nghiệp, bệnh tâm thần và trầm cảm.
Theo cha Cazzaniga, Nhật Bản là một trong những nước có mức giáo dục cao nhất với khoảng 80 phần trăm sinh viên có được một nền giáo dục sau trung học. Tuy nhiên, “các chương trình giáo dục được thúc đẩy bởi nhu cầu của nền kinh tế quá nhấn mạnh đến các ngành khoa học tự nhiên hơn là khoa học nhân văn. Trẻ em được đào tạo để thúc đẩy sự phát triển của đất nước,” ngài nói.
Hậu quả của nền giáo dục và kinh tế ấy là một xã hội vô thần, hiện sinh, thực dụng và tranh đua quyết liệt.
8. Tổng thống Nga yết kiến Đức Thánh Cha 3 lần, lần nào cũng đi trễ
Ngày 4 tháng Bẩy, Đức Phanxicô đã dành cho Tổng Thống Nga, ông Valimir Putin, một cuộc yết kiến kéo dài 55 phút tại Điện Tông Tòa của Vatican.
Trước cuộc tiếp kiến này, ông Putin đã đến thăm Vatican 5 lần. Lần đầu tiên dưới triều đại Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2000. Hai lần sau đó vào năm 2003, và 2007 dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.
Tòa Thánh và Liên Bang Nga tái lập liên hệ ngoại giao đầy đủ vào năm 2009.
Ông Putin cũng đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp hai lần và năm 2013 và 2015.
Cũng như hai lần trước đó, ông đến Tòa Thánh trễ gần 1 tiếng đồng hồ.
Lý do có thể là vụ hỏa hoạn trên tiềm thủy đỉnh nguyên tử tối mật của Nga vào hai hôm trước. Đức Phanxicô đã gửi điện chia buồn vì thảm họa này. Vụ hỏa hoạn khiến 14 thủy thủ Nga thiệt mạng. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là buổi tưởng niệm các thủy thủ tại Nga.
Một ngày trước đó, hôm 3 tháng Bẩy, Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho hay: “Đức Thánh Cha đã được thông báo về thảm họa của tiềm thủy đỉnh Nga. Ngài bày tỏ lời chia buồn và sự gần gũi với các gia đình nạn nhân và những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này”.
Trong cuộc hội kiến giữa Ông Putin và Đức Phanxicô hồi tháng Sáu năm 2015, Đức Giáo Hoàng yêu cầu nơi Ông Putin “một cố gắng thành thực và toàn diện để đạt hòa bình” tại Ukraine sau khi Nga sáp nhập Crimea 1 năm trước đó. Cuộc hội kiến đầu tiên của hai vị hồi tháng 11 năm 2013 tập chú vào cuộc nội chiến tại Syria.
Sau cuộc hội kiến, Tổng Thống Nga nói “cám ơn ngài về thì giờ ngài đã dành cho tôi”.
Sau chuyến viếng thăm Vatican, Ông Putin đã gặp Tổng Thống và Thủ Tướng Ý trong chuyến viếng thăm Rôma một ngày.
9. Nhận định về cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Nga Valimir Putin
Trước cuộc hội kiến này, Ông Aleksandr Avdeev, Đại sứ Nga cạnh Tòa Thánh, nói rằng ông mong đợi Ông Putin và Đức Giáo Hoàng thảo luận “sự bất ổn trong các bang giao quốc tế, cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, số phận Syria, vấn đề giải giới hạch nhân, tình hình ở Iran”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Nga Ogonek, Ông Avdeev nói rằng “thì giờ đã đến để người Công Giáo không còn có thể giải quyết nhiều vấn đề và thách thức bỏ ngỏ, nếu không lưu ý tới luận lý học chính trị của Nga và kinh nghiệm của Chính Thống Giáo của chúng ta”.
Người ta cũng mong đợi Ông Putin sẽ thảo luận tình hình ở Ukraine sau khi Giáo Hội Chính Thống Ukraine tách khỏi Giáo Hội Chính Thống Nga năm ngoái. Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople đã chính thức nhìn nhận sự độc lập của Giáo Hội Chính Thống Ukraine hồi tháng Giêng năm nay.
Một ngày sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và tổng thống Putin, Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine Svyatoslav Shevchuk của Kiev, cùng với các nhà lãnh đạo khác của Giáo Hội Công Giáo Ukraine theo nghi lễ Hy Lạp, đã hội kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các viên chức Vatican.
10. Hợp tác giữa “Bambino Gesu” và các bệnh viện nhi khoa Nga
Hôm 4 tháng 7, sau khi yết kiến Đức Giáo Hoàng, Ông Putin cũng đã hội kiến với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Pietro Parolin, và Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, là Ngoại Trưởng Tòa Thánh.
Tuyên bố báo chí của Tòa Thánh cho hay “Trong các cuộc thảo luận thân hữu, hai bên bày tỏ sự hài lòng trước việc phát triển các mối liên hệ song phương, được củng cố hơn nữa nhờ các qui ước hiểu biết chung lẫn nhau được ký kết hôm nay liên quan tới việc hợp tác giữa Bệnh Viện Nhi Khoa 'Bambino Gesù' và các bệnh viện nhi khoa của Liên Bang Nga”.
Tuyên bố viết tiếp: Hai bên sau đó đã lưu tâm “tới một số vấn đề liên quan tới đời sống của Giáo Hội Công Giáo tại Nga”.
Hơn nữa, “hai bên tiếp tục xem xét vấn đề sinh thái và nhiều đề tài khác nhau liên quan đến quốc tế sự vụ hiện nay, nhất là có liên hệ với Syria, Ukraine và Venezuela”.
Trong cuộc thảo luận với Đức Thánh Cha, Ông Putin đã không đưa ra lời mời Đức Giáo Hoàng thăm viếng Nga. Hôm 1 tháng Bẩy, trong cuộc phỏng vấn với Zenit, Đức Cha Paolo Pezzi, Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mạc Tư Khoa cho hay “điều đó không có trong ý định của Ông Putin. Tôi không nghĩ Tổng Thống Nga có thể tự ý đưa ra bước đó được, mà trước đó không có sự ủng hộ rõ rệt của Giáo Hội Chính Thống”.
Nhân dịp này, Zenit nhắc lại một số cuộc hội kiến trước đây của Ông Putin với các vị Giáo Hoàng và với Tòa Thánh. Cuộc hội kiến năm 2013 tập chú vào hòa bình và Trung Đông nhưng vấn đề cộng đồng Công Giáo ở Nga cũng đã được thảo luận. Ai cũng biết, hồi đó, Ông Putin đã bày tỏ lòng biết ơn với Đức Giáo Hoàng về các cố gắng của ngài đối với Syria.