Theo ký giả Gerard O’Connell của Tạp chí America, số ngày 7 tháng 5, trong chuyến bay từ Skopje, Bắc Macedonia, trở về Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết Ủy Ban về Nữ Phó Tế mà ngài thiết lập 2 năm trước đã không đạt được sự nhất trí về vấn đề nữ phó tế trong Giáo Hội sơ khai.
Ngài nói thêm: các thành viên của Ủy Ban có những lập trường rất khác nhau, và sau 2 năm làm việc, đã ngưng hoạt động. Ngài cho biết vấn đề cần được nghiên cứu thêm nhưng không nói rõ ai sẽ phụ trách việc nghiên cứu thêm này.
Trong cuộc họp báo trên chuyến bay, Đức Giáo Hoàng đã dành khoảng 27 phút để trả lời 4 câu hỏi. Hai câu đầu liên quan đến chuyến thăm Bảo Gia Lợi (Bulgaria) và Bắc Macedonia. Câu hỏi thứ ba về các chia rẽ giữa các vị thượng phụ của Chính Thống Giáo và điều gì đang diễn ra liên quan đến diễn trình phong thánh cho Đức Hồng Y Stepinac vì có sự phản đối của Chính Thống Giáo.
Về vấn đề nữ phó tế, người hỏi cho rằng Giáo Hội Chính Thống Bảo Gia Lợi hiện có các nữ phó tế để công bố Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng được nhắc nhở rằng nay mai ngài sẽ gặp Liên Hiệp Quốc Tế Các Bề Trên Cả (tổ chức đã nêu vấn đề cách nay 3 năm), và người hỏi hỏi Đức Giáo Hoàng rằng ngài đã học được gì từ phúc trình của Ủy Ban về thừa tác vụ của phụ nữ trong Giáo Hội sơ khai và liệu ngài đã có quyết định nào về chức nữ phó tế hay không.
Theo O’Connell, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả sự không nhất trí của Ủy Ban như “các con cóc từ các đáy giếng khác nhau”.
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng cho rằng “về vấn đề hàng nữ phó tế, có một cách quan niệm không y như viễn kiến về hàng nam phó tế. Thí dụ, các công thức tấn phong [nữ] phó tế được tìm thấy cho đến nay không y hệt như việc tấn phong nam phó tế. Đúng hơn, chúng giống như điều ngày nay là việc chúc lành cho các đan viện mẫu (abbess)”.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng “Ngay từ đầu, trong Giáo Hội đã có các nữ phó tế, nhưng vấn đề là tư cách phó tế của họ có phải là một cuộc tấn phong bí tích hay không? Thí dụ, họ có phụ giúp trong phụng vụ phép rửa, mà hồi ấy thường là dìm xuống nước, và do đó, khi một phụ nữ chịu phép rửa, thì nữ phó tế phụ giúp... Cũng thế khi xức dầu thân thể”.
Ngài cho hay “đã kiếm được tài liệu cho thấy các nữ phó tế được Đức Giám Mục mời đến khi có cuộc tranh chấp hôn nhân để giải tiêu cuộc hôn nhân này. Các nữ phó tế được phái đi để xem xét các vết bầm tím trên thân thể người phụ nữ bị chồng đánh. Và họ đứng ra làm chứng trước quan tòa”. Nhưng Đức Giáo Hoàng nói “không có chi chắc chắn là việc phong chức của họ dùng cùng một công thức và có cùng một mục đích như việc phong chức cho nam phó tế”.
Ngài cho biết “một số người nói có sự hồ nghi. Ta hãy nghiên cứu thêm. Tôi không sợ nghiên cứu. Nhưng cho đến nay, điều này chưa xẩy ra”.
Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay “có điều lạ là nơi có các nữ phó tế thì luôn diễn ra ở một vùng địa dư, phần lớn ở Syria”.
Ngài nói rằng “Tôi tiếp thu tất cả các điều trên từ Ủy Ban. Ủy Ban đã làm một việc tốt và ta có thể dùng việc này để tiến thêm và đem lại một giải đáp dứt khoát, có hoặc không” về điều liệu việc tấn phong họ có y hệt như việc tấn phong nam phó tế hay không.
O’Connell cho hay: trong cuộc gặp gỡ Liên Hiệp Quốc Tế Các Bề Trên Cả Dòng Nữ, một trong các vị này đã hỏi Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng “điều gì ngăn cản Giáo Hội bao gồm phụ nữ vào chức phó tế vĩnh viễn, như trong Giáo Hội sơ khai? Tại sao không thiết lập một ủy ban chính thức để nghiên cứu vấn đề?”
Lúc ấy, Đức Giáo Hoàng đã nói với các vị nữ tu rằng ngài hiểu các phụ nữ được mô tả là phó tế trong Tân Ước không được tấn phong như các nam phó tế, tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng vẫn giữ lời hứa sẽ thiết lập một ủy ban nghiên cứu vấn đề.
Hai trong số thành viên của ủy ban này, hồi tháng Giêng vừa qua, cho hay họ đã hoàn tất công việc của họ.
Các thành viên trên đã nói chuyện với tạp chí America cùng tháng. Phyllis Zagano, một tác giả và là giáo sư tôn giáo tại Đại Học Hofstra, và Bernard Pottier, Dòng Tên, một giáo sư tại Học Viện Nghiên Cứu Thần Học (Institut D’Études Théologiques) ở Brussels, nói rằng họ sẽ không nhận định về các khám phá của Ủy Ban. Nhưng họ tường trình rằng theo các tìm tòi của họ, các phụ nữ từng đã làm phó tế tại Âu Châu cả hàng ngìn năm trong các vai trò thừa tác và bí tích khác nhau. Bà Zagano cho hay: “Họ xức dầu các nữ bệnh nhân; họ đem mình thánh tới các nữ bệnh nhân”.
Họ cũng dự vào phép rửa, làm thủ qũy, và ít nhất một trường hợp, dự vào việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Bà Zagano cho biết “Có việc tấn phong... Và chứng cớ đáng lưu ý nhất là sự kiện nghi thức tấn phong đối với các nữ phó tế [được chúng tôi khám phá] y hệt như nghi thức tấn phong nam phó tế”.
Cha Pottier lúc ấy cho biết cha có thể tìm được những bằng chứng mạnh mẽ về các nữ phó tế trong các ghi chép và lịch sử Giáo Hội nhưng “không phải khắp nơi và không luôn luôn có vì đây cũng là quyết định của vị giám mục [địa phương]”.
Đức Giáo Hoàng không cho các ký giả hay bước kế tiếp nào sẽ được đưa ra về vấn đề nữ phó tế.
Ngài nói với các ký giả: “ngày nay, không ai nói thế, nhưng 30 năm trước, một số nhà thần học nói rằng không hề có các nữ phó tế vì phụ nữ thuộc hàng hai trong Giáo Hội và không phải chỉ trong Giáo Hội mà thôi”. Nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói “điều lạ là thời đó có rất nhiều nữ tư tế ngoại giáo; chức nữ tư tế trong các tín ngưỡng ngoại giáo là việc thông thường”.
Ngài kết luận: “chúng ta đang ở điểm này, và mỗi thành viên vẫn đang nghiên cứu chủ đề riêng của mình”. Quả là “một đa dạng thích thú” (varietas delecta).