Lúc 9giờ sáng nay, ngày 1 tháng 3 năm 2019, tại Nhà thờ Chính tòa, Giáo phận Phan Thiết tổ chức lễ giỗ mãn tang Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, nguyên Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết.

Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế. Đoàn đồng tế có Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Linh mục đoàn Giáo phận. Các chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ, quý linh tông huyết tộc thân nhân và đông đảo các thành phần dân Chúa trong giáo phận hiệp thông cầu nguyện.

Xem Hình

Lời mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Giuse ngỏ với cộng đoàn.

Con xin kính chào Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám quản Tông tòa Giáo phận Phan thiết, cha Tổng đại diện, qúy Cha, Nam nữ Tu sĩ và toàn thể anh chị em. Con rất hân hạnh được Đức Cha Giám Quản mời về đây cùng với cùng với Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục Giáo phận Phú cường, Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục Chính tòa Giáo Phận Bà rịa Vũng tàu, để hiệp thông với giáo phận nhân ngày lễ giỗ mãn tang Đức cha cố Giuse Vũ Duy Thống, nguyên Giám mục Giáo phận Phan thiết. Cũng ngày hôm nay tại Sài gòn và nhiều nơi, những người yêu mến và biết ơn Đức cha Giuse Vũ Duy Thống cũng tổ chức lễ giỗ mãn tang này. Ngài là một trong những khuôn mặt lỗi lạc của Hội đồng Giám mục và Giáo hội Việt nam. Ngài đã từng là Giám Mục Phụ Tá TGP Sài gòn, là Chủ tịch Ủy ban Văn hóa của HĐGM. Ngài là một nhà văn, một nhà thơ, một nhạc sĩ và là ca sĩ, cho nên ngài cũng được rất nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên chúng ta cũng biết trong thân phận con người, ngài cũng mang những yếu đuối y như chúng ta và cũng vì thế ngài cần lời cầu nguyện của chúng ta và ngài cũng cần ơn tha thứ của Chúa. Xin Chúa bỏ qua tất cả những gì trong thân phận của con người mà ngài đã không vượt qua được. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ cho chúng ta để lời cầu nguyện của chúng ta cho Đức cha cố Giuse được Chúa đón nhận và để thánh lễ chúng ta dâng hôm nay được xứng đáng.

Đức Cha Phêrô giảng lễ, suy niệm từ các bài đọc Thánh Kinh.

Bài đọc 1: 2Cor 5,1.6-10

Bài đọc 2: Kh 14,13

Tin Mừng: Ga 6,37-40

Anh chị em thân mến.

Đứng trước cái chết, người ta thường đưa ra những câu hỏi liên quan đến sự sống: cuộc đời có vậy thôi ư? Những công việc người ta thực hiện trong lúc còn sống có giá trị gì sau khi chết? Nếu thân xác được chôn vùi trong lòng đất để dần dần hoà tan với đất, hay được thiêu rụi ra tro để trở về với bụi tro, thì phải chăng những vui buồn, sướng khổ người ta được hưởng hay phải chịu suốt cuộc đời cũng tan theo mây khói, cũng trở thành tro bụi sao?

Những người không tin tưởng cho rằng, chết là hết, và sau cái chết chẳng còn gì bên kia nấm mồ. Bởi vậy, Jean Paul Sartre đã lên án cuộc đời là vô lý và Francoise Sagan còn nói mạnh nơn, đời là “nôn mửa”.

Nhưng với những người có đức tin thì Sách Thánh có những câu giải đáp rất rõ ràng: chết không phải là hết, chết chỉ là một biến đổi, biến đổi từ cuộc sống tạm bợ đầy đau khổ và nước mắt sang cuộc sống vĩnh viễn đầy hoan lạc, từ thế giới vật chất có thể hủy hoại sang thế giới thần linh với cuộc sống vĩnh cửu.

Thánh Phaolô trong đoạn thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô đã qủa quyết rằng: “Nếu căn nhà chúng ta cư ngụ ở trần gian này (tức thân xác) có thể bị phá hủy đi, thì chúng ta mới có một nơi ở vĩnh viễn trên trời”. Chính vì thế, các Thánh thường mong ước lìa xa thân xác để được ở cùng Chúa.

Còn thánh Gioan thì khẳng định rằng, đối với những người lành, chết là một sự nghĩ ngơi, là sự giải thoát khỏi cảnh vất vả nhọc nhằn của cuộc đời trần thế để bắt đầu hưởng một trời mới đất mới, vì những công việc họ làm vẫn theo họ.

Trong đoạn Tin mừng thánh Gioan chúng ta vừa nghe, cũng nhắc lại lời khẳng định của chính Chúa Kitô: “Ý của Đấng đã sai Tôi là tất cả những ai Ngài đã ban cho Tôi, Tôi không để mất một người nào, nhưng Tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha Tôi là những ai thấy người Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời; và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.

Vì thế trước cái chết, chúng ta thấy cuộc đời không vô nghĩa, những việc làm của chúng ta khi còn sống sẽ không biến thành tro bụi, nhưng sẽ tồn tại và theo chúng ta về đời sau, đi vào cuộc sống bất diệt để lãnh thưởng hay phải phạt.

Đấy là xét theo phương diện cá nhân. Nhưng vì con người có bản chất xã hội, khi còn sống họ đã ảnh hưởng tới xã hội thế nào, thì khi chết, cuộc sống và sự nghiệp của họ vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới xã hội như thế, và nhiều khi còn rộng rãi hơn. Chính lúc Chúa Giêsu chết trên thánh giá là lúc Người toàn thắng ma quỷ và sự chết. Khi còn tại thế, Giáo Hội mà Người thiết lập mới chỉ gồm có 12 Tông đồ và một số ít các môn đệ, nhưng sau khi Người chết, con số ấy mỗi ngày một gia tăng. Hiện nay, tổng số những người mang danh Kitô hữu đã lên tới trên ba tỷ, bao gồm Công Giáo, Tin lành và Chính thống. Nhìn vào đời sống các Thánh cũng như các vĩ nhân trên thế giới, chúng ta thấy sự việc đó đã trở thành một sự thật hiển nhiên. Khi còn sống, có lẽ ít người biết tới thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Maria Goretti, thánh Luy Gonzaga, các vị hiền triết như Khổng Tử, Lão Tử, Platon, Aristote, Teilhard de Chardin, nhưng sau khi các ngài qua đời thì ảnh hưởng của các ngài trải rộng trên khắp thế giới, không chỉ một thời nhưng còn kéo dài qua muôn thế hệ.

Áp dụng Lời Chúa vào cuộc đời của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, chúng ta thấy những công việc ngài đã thực hiện còn tiếp tục ảnh hưởng tới nhiều người và sẽ sinh hoa trái nhiều hơn nữa.

Những người quen biết Đức cha đều thương tiếc mến nhớ Đức cha, vì Đức cha là một con người thông minh, có nhiều năng khiếu, đặc biệt về văn hóa, và ngài đã dùng những tài năng Chúa ban để làm cho tinh thần Tin mừng thấm nhập vào tư tưởng và cách sống của con người thời đại, hầu là cho xã hội này mỗi ngày một thêm tốt đẹp hơn.

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, người cùng lớp và bạn thân với ngài từ nhỏ đã nhận xét: “Ngài là người thông minh tài trí hơn người. Học môn gì cũng xuất sắc. Nhưng ngài trổi vượt hơn trong lãnh vực văn hóa. Chẳng thế mà ngài viết văn làm thơ làm nhạc rất hay. Chất văn hóa thấm đậm con người. Đi vào ẩm thực rất tinh tế. Và đặc biệt biểu lộ trong lối cư xử rất tế nhị”.

Một đồng lớp khác là Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm cũng đồng tình với Đức Tổng Kiệt và khẳng định khi giảng lễ cầu nguyện cho ngài: “Đức cha Giuse vận dụng năng lực trí thức và năng khiếu nghệ thuật Chúa ban để loan báo Tin Mừng Đức Kitô. Những suy tư và cảm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, những vũ điệu của ngôn từ và hình ảnh, những dòng nhạc mượt mà lắng đọng…tất cả vì tình yêu thúc bách”.

Quả thật, theo đánh gia chung của nhiều người, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống là một con người năng động, có tâm hồn cởi mở, gần gũi với mọi người, lại rất nhiệt thành với công việc tông đồ, đặc biệt trong lãnh vực văn hóa. Những sách ngài viết, những bài giảng ngài soạn, nhất là những bài hát ngài sáng tác và trình diễn đã làm rung động nhiều con tim và đã gây được những ảnh hưởng lớn trong việc đưa Tin Mừng vào những cảnh sống đời thường.

Còn nói đến những việc tông đồ ngài đã thực hiện trong suốt 16 năm đời linh mục và 16 năm trong chức vụ giám mục. Những thánh lễ ngài dâng, những bí tích ngài phân phát, những lời ngài giảng dạy, những công việc mục vụ khác ngài thực hiện đã đem lại lợi ích cho bao linh hồn. Với chức vị Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt nam từ khi làm Giám mục cho tới khi qua đời, ngài đã có công rất nhiều khi thiết lập nhà Truyền thống để gom góp những chứng tích lịch sử của Giáo hội Việt nam, và xuất bản tập san Hiệp thông để thông tin và quảng bá những sinh hoạt của Giáo hội.

Nhìn vào trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, với con số mấy chục ngàn khách hành hương mỗi tháng, chúng ta mới hiểu được lòng nhiệt thành của ngài đã không quản ngại khó khăn vất vả để làm cho trung tâm này có bộ mặt ngày nay.

Tất cả những công việc ấy đang tiếp tục mang lại lợi ích cho các linh hồn bây giờ và mãi mãi.

Vậy hôm nay quy tụ lại đây để tưởng nhớ và cầu ngyện cho ngài, chúng ta hãy sốt sắng xin Chúa trả công bội hậu cho ngài, cho ngài được hưởng phần phúc Chúa đã hứa cho những tôi trung của Chúa: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến lãnh nhận phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho ngươi”.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, Tổng đại diện, dâng lời tri ân.

Kính thưa Đức TGM Giuse, quí Đức Cha, Quý Thân Nhân và Quí Khách. Thật vinh dự cho Gia đình GP Phan Thiết chúng con được đón tiếp Quí Đức TGM, quí Đức Cha và Toàn thể quí vị trong ngày lễ mãn tang Đức Cha Giuse kính mến của GP chúng con. Chúng con xin bày tỏ tâm tình quí mến và biết ơn của chúng con.

1- Quí mến: Trước hết chúng con xin dâng tâm tình quí mến của chúng con đối với: - Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Gp Huế, Chủ tịch HĐGMVN, vì tình thương đặt biệt đối với Đức Cố Gm Giuse và quê hương Phan Thiết, đã dành thời gian quí báu sau Hội Nghị Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên tại Rôma để đến chủ tọa thánh lễ mãn tang hôm nay.

- Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên GM Gp Phú Cường, vì tình nghĩa thân thiết với Ðức cha Giuse, đã thương mến Gp chúng con và ban cho chúng con một bài giảng lễ tuyệt vời. - Đức Cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, GM Gp Bà Rịa,

Trong tình anh em giám mục và tình bạn đã đồng tế thánh lễ giỗ hôm nay với Gp chúng con.

2-Biết ơn: Trong giây phút cảm động này, chúng con không thể không bày tỏ lòng biết ơn đối với Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục Việt nam, và cụ thể là Đức Cha Tôma Giám quản, đã lo lắng chăm sóc cho Gp Phan Thiết chúng con.

Chúng con xin được dùng tiếng gọi thân thương là Mẹ Giáo hội và chúng con xin mượn tâm tình của Đức cha Giuse, qua bài hát “Để Mẹ trọn niềm vui” trong Album “Đôi Khi” của ngài, để nhân dịp này biết ơn Mẹ Giáo Hội đã yêu mến Đức cha Giuse và GP Phan Thiết chúng con: “Mẹ tôi là thế, giống như bao mẹ quê, thương con trọn bề, dang cánh tay âm thầm vỗ về, mãi chở che. Tình thương vì thế, mới thiêng liêng làm sao, tâm tư dạt dào, nhưng nổi riêng có nào dám nghĩ, để mẹ trọn niềm vui”.

Cám ơn Mẹ Giáo Hội, cám ơn Quí Đức Tổng, Đức Cha và toàn thể quí vị.

Tàpao, một giấc mơ đẹp; mơ về những hồng ân của Lòng Thương Xót Chúa tuôn trào qua lời bầu cử của Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Gp Phan Thiết chúng con. Nguyện xin Mẹ Tà Pao phù hộ che chở Quý Đức Tổng, Quí Đức Cha và toàn thể Quí Vị. Xin Chúa cho linh hồn Đức cha Giuse được nghỉ yên muôn đời.

*** Sau phép lành cuối lễ, quý Đức cha đến trước phần mộ Đức cha cố Giuse rảy nước thánh và xông hương, cộng đoàn đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính. Sau thánh lễ nhiều người đến trước phần mộ của ngài cầu nguyện sốt mến.

Tòa Giám Mục gởi tặng quý cha và cộng đoàn, mỗi người một cuốn sách “Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, dấu ấn mục vụ tại Giáo Phận Phan Thiết”.

***

Mầu nhiệm các thánh cùng thông công là một trong những đề mục của kinh Tin kính, và mỗi người cũng đã sống với lòng tin này ngay từ khi dấn bước vào trong Giáo hội. Những người đã khuất không cách ly với những người còn đang sống trên trần thế, bởi vì họ muôn đời được gắn kết với nhau trong sự chết và phục sinh của Đức Kitô. Nhớ đến Đức cha Giuse nhân dịp giỗ mãn tang cũng chính là lúc cộng đoàn trầm mình trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, ở đó ngài vẫn nối kết với cộng đoàn bằng tinh thần nâng đỡ, bằng lời cầu nguyện, và mỗi người nối kết với ngài bằng niềm hiệp thông của kinh nguyện. Mong rằng sự phục sinh của Đức Kitô là chất dẫn khởi gắn kết mỗi người với Đức cha Giuse sẽ còn luôn sinh động mãi, để rồi ngày giỗ hôm nay như là một khởi đầu giúp những người yêu mến ngài bước vào niềm hân hoan.

Xin Chúa thương thanh tẩy Đức cha Giuse kính yêu bằng lòng thương xót của Chúa và thương đón nhận ngài vào quê hương vĩnh phúc, nơi đó Đức Kitô là sự sống phục sinh cho mọi người tin cậy nơi Ngài.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An