- Từ 9 giờ sáng với khóa Dự bị Hôn nhân : môn Dân luật (LS Lê Đình Thông) và Sống đạo trong gia đình (GS Vũ Đình Khiêm và Ngô Thị Kim Đào).
- 10 giờ sáng ; Ngày Tĩnh tâm khơi nguồn từ tông huấn ‘‘Hãy vui mừng và hoan hỉ’’(Gaudete et Exsultate) do linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền, đại diện các cha sinh viên tại Paris, hướng dẫn.
Đây là tông huấn thứ 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau hai tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng) và Amoris Laetitia (Niềm vui Yêu thương). Chủ đề chung của cả ba tông huấn huấn là Niềm vui, lần này có thêm Hoan hỉ.
Trong Ngày Tĩnh tâm, cha Nguyễn Văn Hiền đã thuyết giảng về ‘‘ơn gọi nên thánh’’ của mỗi người trong giáo xứ, trong lúc Paris đang diễn ra khủng hoảng với các ngày thứ bảy xuống đường. Ngài trích dẫn các ý chỉ của Đức Thánh Cha nói trong tông huấn, áp dụng vào đời sống hàng ngày của mỗi tín hữu : trong gia đình, nơi cộng đoàn và ngoài xã hội.
Cha Phêrô nói về thuyết ngộ đạo đương đại và thuyết Pêlagiô đều là các lạc thuyết dẫn ta đi xa Chúa.
Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền thường điểm xuyết bằng những lời hay ý đẹp. Nói về tình yêu thương, ngài nhắc lại một ý tưởng của thánh Augustinô d’Hippone ‘‘Giới hạn của tình yêu là không giới hạn (La mesure de l’amour, c’est d’aimer sans mesure) hoặc văn hào Victor Hugo : Yêu là biết nói lời tôi yêu (Aimer, c’est savoir dire je t’aime). Con đường nên thánh không cho phép ta thất vọng. Ngài thuật lại câu chuyện Chí Phèo. Sau cuộc sống đầy bất trắc, sau cùng nhân vật này có ý nguyện trở nên người lương thiện.
Vào cuối buổi tĩnh tâm, cha Giám đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang đã thay mặt cộng đoàn giáo xứ cám ơn cha Nguyễn Văn Hiền đã thuyết giảng rất sống động, gần gũi với cuộc sống của mỗi tín hữu. Nhờ vậy, mỗi người sống mùa vọng với Vui Mừng và Hoan Hỉ.
Mỗi người dự tĩnh tâm đều có bản dịch tông huấn, do Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân chuyển ngữ. Hoan Hỉ (歡喜) diễn tả được cả hai ý ‘‘Gaudete’’ và ‘‘Exsultate’’ trong nguyên bản.
Được biét cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền hiện soạn luận án tiến sĩ Tín lý học tại Đại Học Công Giáo Paris về đề tài ‘‘La question de l’unité d’ordre christocentrique de la théologie du corps mystique d’Émile Mersch’’. Ngài gốc giáo phận Kontum, hiện là đại diện các cha sinh viên du học tại Paris. Ngài am hiểu tiếng Gia Rai (Jrai), từng là giáo phụ (catéchiste montagnard) lo truyền giáo cho người sắc tộc Gai Rai trong các buôn làng trong giáo phận Kontum.
Lê Đình Thông
Hình ảnh : Phó Tế Phạm Bá Nha