1. Hãy tiến bước trên con đường của thương xót để đến với Thánh Tâm Chúa
Phụng vụ trong ngày lễ kính Thánh Mátthêu nói với chúng ta về ơn gọi của thánh Mátthêu, người được Chúa chọn làm tông đồ. Và ba từ mà Ðức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài giảng của ngài là kế hoạch của lòng thương xót, việc chọn lựa và cắt đặt.
Mátthêu, là một người thu thuế, như vậy ông là một người băng hoại, vì tiền mà phản bội đất nước. Tệ hơn nữa là một kẻ phản bội dân tộc mình. Có thể có người nghĩ rằng Chúa Giêsu không biết chọn người vì ngoài Mátthêu Chúa cũng đã chọn rất nhiều người khác khi kêu gọi họ “từ chỗ bị khinh bỉ nhất.” Cũng thế, với người phụ nữ Samari và nhiều người tội lỗi khác, Ngài đã cắt đặt họ làm môn đệ.
Và trong đời sống Giáo Hội, rất nhiều Kitô hữu, rất nhiều vị thánh đã được chọn từ chỗ rốt cùng nhất... được chọn từ chỗ thấp hèn nhất. Kitô hữu chúng ta phải ý thức từ nơi đâu chúng ta được chọn, từ đâu mà anh hay chị được chọn làm Kitô hữu. Ý thức ấy cần phải kéo dài trong suốt cuộc đời, và phải nhớ tới tội lỗi của chúng ta, nhớ rằng Thiên Chúa đã xót thương tội lỗi của tôi và đã chọn tôi làm một Kitô hữu, làm một tông đồ.
Ðức Thánh Cha đã mô tả phản ứng của thánh Mátthêu trước lời mời gọi của Chúa: ông không mặc đồ xa hoa, ông quan sát, ông không bắt đầu nói với những người khác rằng: tôi là hoàng tử của các Tông Ðồ, ở đây tôi chỉ huy. Không! Ngài đã đã làm việc vì Tin Mừng trong suốt cuộc đời mình.
Khi vị tông đồ quên đi nguồn gốc của mình, và bắt đầu tranh thủ tiến thân, thì người ấy rời xa Chúa và trở thành một công chức; Có thể người ấy làm việc rất tốt, nhưng không phải là tông đồ. Người ấy sẽ không có khả năng thông truyền Chúa Giêsu; anh ta có thể là một chuyên gia của những chương trình mục vụ, của rất nhiều thứ; nhưng rốt cuộc, chỉ là một doanh nhân, một doanh nhân của Nước Thiên Chúa, bởi vì người ấy đã quên mình được chọn từ nơi đâu.
Chính vì thế việc nhớ lại nguồn gốc của chúng ta thật rất quan trọng và cần thiết: ký ức này phải đồng hành với cuộc sống của người tông đồ và của mỗi Kitô hữu.
Tuy nhiên, thay vì nhìn vào chính mình, chúng ta lại hay nhìn người khác, các lỗi lầm của họ, và nói xấu họ. Ðây là một thói quen sẽ làm ta bệnh hoạn. Tốt hơn, hãy tố cáo chính mình, và nhớ rằng mình đã được Chúa chọn từ đâu, và đã đưa mình đến đây. Khi Chúa chọn, Ngài chọn vì một điều gì đó cao cả. Là Kitô hữu là một điều lớn lao, tốt đẹp. Chính chúng ta là những người xa rời chính mình và dừng lại ở nửa đường. Chúng ta thiếu sự quảng đại và chúng ta mặc cả với Chúa. Nhưng Ngài chờ đợi chúng ta.
Khi được gọi, thánh Mátthêu bỏ tình yêu của mình, bỏ tiền tài để theo Chúa Giêsu. Và ngài đã mời những người bạn trong nhóm của mình đến dùng bữa tối để ăn mừng Thầy. Vì thế, ở bàn ăn Ngài đã ngồi với những kẻ tồi bại nhất trong những kẻ tồi bại trong xã hội thời ấy. Và Chúa Giêsu ở với họ.
Và các tiến sĩ Luật coi đó là gương mù gương xấu. Họ gọi các môn đệ lại và nói: “Tại sao Thầy của các anh lại làm điều đó, với lũ người này? Ngài bị ô uế!” Ăn uống với những người ô uế sẽ làm các anh trở thành ô uế, các anh không còn trong sạch nữa. Và Chúa Giêsu nói lời này lần thứ ba: hãy đi và học cho biết ý nghĩa của câu “ta muốn lòng nhân, chứ không cần lễ tế.” Lòng thương xót của Thiên Chúa tìm đến với mọi người, tha thứ cho tất cả. Chỉ thế thôi, Ngài xin bạn nói rằng: “Vâng, xin giúp con.” Chỉ vậy thôi.
Ðối với những người cho là gương mù gương xấu, Chúa Giêsu trả lời rằng không ai khoẻ mà lại cần thầy thuốc, nhưng người đau yếu thì cần. Và “ta muốn lòng nhân, chứ không cần lễ tế.” “Hãy hiểu lòng thương xót của Chúa là một mầu nhiệm, mầu nhiệm cao cả nhất, đẹp nhất là trái tim của Chúa. Nếu bạn muốn đi tới với con tim của Thiên Chúa, hãy đi theo con đường của lòng thương xót, và hãy để cho mình được đối xử với lòng xót thương.
Hãy nhân từ như Chúa Giêsu và đừng kết án người khác, hãy đặt Chúa Giêsu vào trung tâm đời ta.
2. Câu Chuyện Phép lạ Thánh Thể tại Lanciano, Italia
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Phép lạ Thánh Thể tại Lanciano bên Ý là một phép lạ được Giáo Hội chính thức công nhận.
Câu chuyện diễn ra như sau: Tại thành phố Lanciano, bên Ý, lúc đó được gọi là thành Anxanum, vào thế kỷ thứ 8, một linh mục dòng Basiliô được giao nhiệm vụ cử hành Thánh lễ tại tu viện Thánh Longinô. Thánh lễ được cử hành bằng nghi thức Latin và sử dụng bánh không men. Trong khi cử hành thánh lễ, vị linh mục này đã nghi ngờ tín lý Công Giáo về sự biến đổi bản thể - transubstantiation, nghĩa là lời truyền phép của linh mục khiến cho bản thể bánh và rượu chuyển hoàn toàn thành bản thể Mình Máu Thánh Chúa. Khi đọc lời truyền phép, với sự nghi ngờ trong lòng, đột nhiên vị linh mục thấy bánh biến thành thịt sống và rượu biến thành máu đông tụ thành năm khối cầu, không đều và khác về hình dạng và kích thước.
Các mẫu vật từ phép lạ này hiện đang được lưu giữ trong một mặt nhật bằng bạc tại nhà thờ San Francesco, ở Lanciano, nơi đông đảo khách hành hương đến kính viếng.
Trải qua 13 thế kỷ, các mẫu vật từ phép lạ này vẫn còn nguyên vẹn.
Trong hai năm 1970 và 1971 và một lần nữa vào năm 1981, một cuộc điều tra khoa học đã được nhà khoa học Odoardo Linoli, giáo sư giải phẫu học và mô học bệnh lý và thực hiện cùng với giáo sư Ruggero Bertelli của Đại học Siena. Họ kết luận rằng thịt là mô tim chứa các tiểu động mạch, tĩnh mạch và các sợi thần kinh. Các loại máu được phát hiện là loại AB.
Hơn thế nữa, Cao ủy Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, đã chỉ định một ủy ban khoa học để xác minh các kết luận của các giáo sư người Ý. Công việc được thực hiện trong hơn 15 tháng với tổng số 500 cuộc kiểm tra đã xác nhận rằng khoa học không có khả năng giải thích hiện tượng này.
3. Chúa Giêsu dạy chúng ta tình yêu đích thực
Giáo Hội, như một người mẹ thánh thiện, nhưng lại đầy rẫy những đứa con tội lỗi như chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu luôn che chở Giáo Hội với lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài. Ðức Thánh Cha đã nói như trên, khi suy niệm về thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Côrintô và đoạn Tin Mừng của thánh sử Luca tập trung vào lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha thứ rồi, vì chị đã yêu mến nhiều.
Có ba nhóm người được mô tả trong bài đọc hôm nay: Chúa Giêsu và các môn đệ, Phaolô và người phụ nữ được tha tội, và các tiến sĩ luật.
Người phụ nữ được mô tả trong bài Tin Mừng là rất yêu mến Chúa Giêsu, trong khi không giấu diếm mình là “kẻ có tội”. Thánh Phaolô cũng thế, ngài nói: “thực vậy, trước tiên tôi đã truyền lại cho anh em điều tôi đã lãnh nhận, đó là, Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta.” Như vậy cả hai người đều tìm kiếm Thiên Chúa “với tình yêu, nhưng là tình yêu nửa vời”. Vì Phaolô nghĩ rằng tình yêu là lề luật, nên ngài đã đóng kín con tim với mặc khải của Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã bắt bớ các Kitô hữu nhưng vì nhiệt tâm đối với lề luật, vì thứ tình yêu chưa chín mùi.”
Và người đàn bà đã tìm kiếm tình yêu, “một tình yêu nhỏ bé”. Vì thế những người Pharisêu đã bàn tán và Chúa Giêsu giải thích: Chị ấy được tha nhiều, vì chị ấy yêu nhiều. Nhưng yêu như thế nào? Những người này không biết yêu. Họ tìm kiếm tình yêu. Và khi đề cập đến các phụ nữ này, Chúa Giêsu đã có lần nói rằng họ sẽ đứng trước chúng ta, trong Nước Trời. Những người Pharisêu nghĩ: “bọn này, thật là gây gương mù gương xấu!” Còn Chúa Giêsu nhìn vào hành động nhỏ bé của tình yêu, hành động nhỏ bé của một thiện chí, và ngài nhận lấy nó, và mang nó đi tới. Ðây chính là lòng nhân hậu của Chúa Giêsu, luôn tha thứ, luôn đón nhận.
Với các tiến sĩ luật, họ có một thái độ mà chỉ những kẻ giả hình mới thường hay dùng: họ cụp mũ, coi đó là gương mù gương xấu”. Và họ nói:
Hãy coi: gương mù gương xấu biết bao! Không thể sống như vậy được! Chúng ta đã đánh mất các giá trị rồi... Bây giờ mọi người đều có quyền vào nhà thờ, kể cả những kẻ ly dị, tất cả mọi người. Mà chúng ta đang ở đâu đây? Gương mù gương xấu của những kẻ giả hình. Ðó là cuộc đối thoại giữa tình yêu lớn lao, tha thứ tất cả của Chúa Giêsu, và tình yêu nửa vời của Phaolô và người phụ nữ này, và cũng là của chúng ta nữa, một tình yêu bất toàn, vì không ai trong chúng ta đã được phong thánh. Chúng ta hãy nói sự thật. Và sự giả hình: giả hình của những người “công chính”, của những người “trong sạch”, của những người tin rằng họ được cứu rỗi nhờ các công trạng bề ngoài của mình.
Chúa Giêsu nhận ra những người mà nhìn bên ngoài thì “tốt đẹp” dường nào. Ngài nói tới “các mồ mả tô vôi”, vì bên trong đầy những hư thối.
Và khi bước đi trong dòng lịch sử, Giáo hội cũng đã bị những kẻ đạo đức giả bách hại: bách hại cả bên trong lẫn bên ngoài. Ma quỷ không có gì để làm với những người tội lỗi đã hoán cải, vì họ nhìn Thiên Chúa và nói: Lạy Chúa, con là kẻ có tội, xin Chúa giúp con. Và ma quỷ bất lực, nhưng nó lại mạnh với các kẻ giả hình. Nó mạnh và nó dùng họ để phá huỷ con người, phá huỷ xã hội và phá huỷ Giáo Hội. Con ngựa chiến của ma quỷ là sự giả hình, bởi vì nó là một kẻ nói dối: nó cho thấy nó như ông hoàng quyền năng, rất đẹp, nhưng từ bên trong nó là một tên sát nhân.
Cuối cùng, đừng quên rằng Chúa Giêsu tha thứ, tiếp đón, dùng lòng thương xót, là một từ mà biết bao lần ta đã quên khi nói về người khác. Lời mời gọi là “hãy thương xót, như Chúa Giêsu, và đừng lên án người khác. Chúa Giêsu phải ở trung tâm.” Thực ra, Chúa Giêsu tha thứ cho cả Phaolô, “một người tội lỗi, một kẻ bắt bớ, nhưng sống với một tình yêu nửa vời”, cho cả người phụ nữ, “một người tội lỗi, có một tình yêu không hoàn hảo”. Chỉ như thế, họ mới có thể gặp gỡ tình yêu đích thật, là Chúa Giêsu, trong khi những người đạo đức giả không có khả năng gặp gỡ tình yêu, bởi vì họ có con tim khép kín.