Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Nhân dịp này, phóng viên Vietcatholic phỏng vấn linh mục Giuse Đinh Trọng Chính, dòng Đa Minh, để tìm hiểu rõ hơn Giáo luật về Ấn tích tòa Giải tội và quan điểm của Giáo hội Úc châu trong bản tuyên bố với Ủy Ban Hoàng gia.
Thúy Nga: Kính thưa cha, xin cha cho độc giả của Vietcatholic biết thế nào là Ấn tín tòa giải tội?
Cha Chính: Ấn tín Tòa giải tội hay còn gọi là Bí mật toà giải tội là điều bất khả xâm phạm. Nghĩa là các cha khi cử hành bí tích giải tội, buộc phải giữ bí mật tất cả những gì các ngài nghe được từ tòa giải tội. Giáo Luật điều 983 quy định: Các cha giải tội tuyệt đối không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì. Điều 984 triệt 1 còn thêm rằng: Các ngài cũng không được dùng những kiến thức, thông tin biết được trong lúc giải tội để làm hại hối nhân, mặc dù không có nguy cơ tiết lộ nào.
Ngoài ra, điều 984 triệt 2 còn quy định: Không những cha giải tội phải giữ bí mật mà tất cả mọi người đã biết được tội của người khác do việc thú tội nơi toà giải tội, cũng đều phải buộc giữ bí mật (Thí dụ thông dịch viên, người đứng gần toàn giải tội…)
Thúy Nga: Vậy nếu ai vi phạm Ấn tín tòa giải tội thì sẽ phạm tội gì, thưa cha?
Cha Chính: Theo Giáo luật điều 1388 triệt 1, cha giải tội nào trực tiếp vi phạm ấn tín toà giải tội thì bị vạ tuyệt thông tiền kết mà chỉ có Tông tòa mới giải vạ được. Còn vị nào vi phạm cách gián tiếp thì bị phạt tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của tội đã phạm. Cũng vậy, nếu người khác vi phạm ấn tín tòa giải tội, thì phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả vạ tuyệt thông (x. Giáo luật 1388 §2).
Thúy Nga: Trở lại với tuyên bố của Hội Đồng Giám mục Úc châu, các ngài đã nói gì với Ủy Ban Hoàng gia?
Cha Chính: Trong lời mở đầu cho một loạt các khuyến nghị liên quan đến an toàn trẻ em, việc đào tạo các linh mục và những nhân viên mục vụ, việc đào tạo về an toàn trẻ em và ngay cả cả hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc ngoài gia đình, các ngài tuyên bố: “Chúng tôi cam kết bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương trong khi duy trì ấn tín bí tích Hòa Giải. Chúng tôi không thấy những biện pháp bảo vệ trẻ em và ấn tín Bí tích Hòa Giải là xung khắc với nhau”.
Trong khi đó, các Giám mục Công Giáo và các bề trên các dòng tu tại Úc đã đáp ứng 98% các khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia về những phản ứng của các tổ chức đối với nạn lạm dụng tình dục trẻ em.
Thúy Nga: Ủy Ban Hoàng gia đã đề nghị Giáo Hội Úc làm những gì để ngăn chăn tình trạng ấu dâm?
Cha Chính: Ủy ban Hoàng gia đề nghị các Giám mục tham khảo với Tòa Thánh để làm sáng tỏ liệu “những thông tin nhận được từ một đứa trẻ trong bí tích hòa giải nói rằng chúng đã bị lạm dụng tình dục, có nên tiếp tục được bao gồm trong ấn tín Bí tích Hòa Giải hay không” và liệu “một người thú nhận trong bí tích hòa giải là đã gây bạo hành tình dục trẻ em, thì vị linh mục có nên ngưng không ban phép xá giải cho đến khi đương sự ra đầu thú với chính quyền dân sự hay không”.
Ủy ban cũng khuyến cáo rằng việc xưng tội “chỉ nên được tiến hành trong một không gian mở trong tầm nhìn rõ ràng của một người lớn khác”.
Thúy Nga: Hội Đồng Giám mục Úc đã phản ứng như thế nào, thưa cha?
Cha Chính: Tuyên bố của các Giám Mục và bề trên các dòng tu nói rằng giáo phận sẽ kiểm tra các không gian của các tòa giải tội. Tuy nhiên các ngài lưu ý rằng việc xưng tội của các nhóm trẻ em thường được tiến hành trong một không gian mở và các Tiêu chuẩn Chuyên nghiệp Công Giáo đã được thành lập, phát triển và đã trở thành các quy ước được áp dụng trong các giáo phận trên toàn quốc.
“Tuy nhiên,” bản tuyên bố nhấn mạnh rằng ấn tín Bí tích Hòa Giải “là bất khả vi phạm đối với cha giải tội”.
“Trẻ em sẽ ít được an toàn hơn nếu các cha giải tội bắt buộc phải báo cáo các lời xưng thú: những kẻ phạm tội và các nạn nhân có thể ít dám nêu lên điều này trong tòa giải tội nếu niềm tin vào ấn tín Bí tích Hòa Giải bị suy yếu; và do đó, chúng ta sẽ mất đi cơ hội để khuyến khích thủ phạm ra đầu thú với các cơ quan dân sự hoặc khích lệ các nạn nhân tìm kiếm sự an toàn.”
“Việc bắt buộc phải báo cáo các lời thú tội cũng sẽ là một sự vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng”.
Thúy Nga: Nhưng Hội Đồng Giám mục có làm việc với Vatican về những yêu cầu của Ủy Ban Hoàng gia không?
Cha Chính: Vào tháng 10 năm ngoái, các nhà lãnh đạo của Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc và chủ tịch Hội đồng Sự thật, Công lý và Chữa lành đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức Vatican để thảo luận về các vấn đề nổi lên từ các cuộc điều tra của Ủy Ban Hoàng Gia.
Các Giám mục và bề trên các dòng tu lưu ý rằng các ngài đã ghi nhận một vài khuyến nghị vào danh sách những điều “sẽ được xem xét thêm,” và khoảng một chục khuyến cáo đề cập đến Tòa Thánh đã được các vị gởi sang Vatican.
Ví dụ, Ủy Ban Hoàng Gia cho biết các Giám mục nên thúc giục Vatican thay đổi giáo luật để “bí mật Tòa Thánh” – tức là những thông tin xung quanh một cuộc điều tra và tiến trình giáo luật - “không áp dụng cho bất kỳ khía cạnh nào liên quan đến các cáo buộc hoặc tiến trình kỷ luật những lạm dụng đối với trẻ em”. Tuyên bố cho biết các Giám mục đã tìm kiếm lời khuyên Giáo luật và tham khảo với Tòa Thánh, nhưng lưu ý rằng “bí mật Tòa Thánh” không hề ngăn cản một Giám mục hoặc lãnh đạo dòng tu báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ em cho các cơ quan dân sự.
Thúy Nga: Nhiều cáo buộc lạm dục tình dục trẻ em đã xảy ra cách đây rất lâu rồi. Có những trường hợp xảy ra cách đây hơn 50 năm. Như thế, có thể nói đa số các cáo buộc đều vượt quá thời hạn miễn tố. Vậy, Ủy Ban này yêu cầu Hội đồng Giám mục Úc làm gì đối với thời hạn miễn tố?
Cha Chính: Ủy Ban Hoàng Gia yêu cầu các Giám mục thúc giục Vatican loại bỏ “tiêu chuẩn không nhận thức ra” (imputability) của Giáo luật khi đối phó với các trường hợp lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Tiêu chuẩn “không nhận thức ra” về cơ bản có nghĩa là mức độ tội lỗi của một người đối với tội phạm có thể được giảm khinh nếu đương sự không biết rằng hành động đó là sai; nếu không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Giáo luật sẽ đề nghị một hình phạt thấp hơn.
Đáp lại lời đề nghị rằng các Giám mục đã làm việc với Vatican để sửa đổi Giáo luật để loại bỏ thời hạn miễn tố liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em, các Giám mục nói điều này đã được thực hành ở Úc. Theo các quy tắc ban hành năm 2003, thời hiệu miễn tố là 20 năm sau khi nạn nhân đến tuổi 18; tuy nhiên, luật của Giáo Hội cũng nói rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin có thể loại bỏ giới hạn đó.
Thúy Nga: Ủy Ban Hoàng Gia còn yêu cầu gì liên quan đến Giáo luật và việc lạm dục tình dục trẻ em nữa không cha?
Cha Chính: Có, một số khuyến nghị từ Ủy Ban Hoàng Gia đã xen mình một cách quá đáng vào kỷ cương của Giáo Hội Công Giáo như yêu cầu Giáo Hội bãi bỏ luật độc thân linh mục. Câu trả lời của các Giám Mục và bề trên các dòng lưu ý rằng “Chính Ủy Ban Hoàng Gia cũng không tìm thấy mối liên hệ nhân quả giữa luật độc thân linh mục và việc lạm dụng tình dục trẻ em. Hơn thế nữa, luật độc thân linh mục tự nguyện là một thực hành lâu đời và tích cực của Giáo Hội ở cả Đông phương và Tây phương”.
Thúy Nga: Xin cám ơn cha.