4. Gia đình như một giáo hội tiểu gia

Theo Tân Ước, Giáo Hội là Nhà Chúa (1Pr 2:5; 4:17; 1Tm 3:15; Dt 10:21). Phụng vụ hay mô tả Giáo Hội như familia Dei (gia đình Thiên Chúa). Nó được giả thiết là căn nhà dành cho mọi người; trong đó, mọi người nên được phép cảm thấy như ở nhà và thuộc về gia đình. Trong thế giới cổ thời, các thân nhân sống trong một căn nhà, các nô lệ, và đôi khi cả bạn bè hay khách khứa nữa, nói chung, đều thuộc về căn nhà, cùng với paterfamilias (người cha trong gia đình), vợ và các con của họ. Chính trong bối cảnh này, ta phải hiểu như thế, khi nghe nói về cộng đồng Kitô Giáo tiên khởi rằng các Kitô hữu tiên khởi năng tụ họp nhau trong các tư gia (Cv 2:46; 5:42). Thỉnh thoảng, có nói tới việc trở lại của cả gia hộ (Cv 11:14; 16:15, 31, 33).



Nơi Thánh Phaolô, Giáo Hội được tổ chức tại các tư gia, nghĩa là các giáo hội họp tại các tư gia (Rm 16:5; 1Cr 16:19; Cl 4:15; Plm 2). Đối với Thánh Phaolô, các giáo hội này là căn cứ và là điểm xuất phát cho các chuyến đi truyền giáo của ngài; chúng là trung tâm xây nền và là những khối xây dựng nên cộng đoàn địa phương; chúng là những nơi cầu nguyện, dạy giáo lý, hiệp thông Kitô hữu, và tiếp đón các khách vãng lai Kitô Giáo. Trước khi Constantinô trở lại đạo, chúng cũng là nơi hội họp trên thực tế để cử hành Bữa Tối Của Chúa.

Các giáo hội tiểu gia cũng đóng một vai trò có ý nghĩa trong lịch sử tiếp theo của Giáo Hội; trước hết, người ta nhắc tới các cộng đoàn duy sùng kính (Pietist) và các giáo hội tự do mà ta có thể học hỏi về phương diện này. Trong các gia đình Công Giáo, đã có và hiện còn có những bàn thờ nhỏ trong nhà, nơi, gia đình tụ họp để cầu nguyện chung vào buổi tối hay các dịp đặc biệt (Mùa Vọng, vọng Giáng Sinh, những lúc khó khăn hoạn nạn…). Các phong tục thực hành lòng đạo bình dân này đáng được đổi mới. Có lẽ ta sẽ nghĩ tới các phong tục như cha mẹ chúc lành cho con cái, các ảnh tượng đạo, trên hết, thánh giá tại nơi cư trú, nước thánh nhắc nhở nước rửa tội v.v…

Công Đồng Vatican II, theo gương Thánh Gioan Kim Khẩu, đã lấy lại ý niệm giáo hội tiểu gia (LG 11; AA 11) (13). Từ việc văn kiện của Công Đồng chỉ nhắc đến cách vắn tắt, nhiều chương chi tiết đã được các văn kiện hậu công đồng khai triển. Trước nhất, tông huấn Evangelii Nuntiandi năm 1975 của Đức Phaolô VI đã đẩy xa hơn nữa giáo huấn của Công Đồng (14). Nó mô tả các cộng đồng giáo hội căn bản như là niềm hy vọng của Giáo Hội hoàn vũ (EN 58, 71). Tại Châu Mỹ La Tinh, Châu phi và Châu Á (Phi Luật Tân, Ấn Độ, Đại Hàn, chẳng hạn), các giáo hội tiểu gia, dưới hình thức các cộng đồng giáo hội căn bản hay các cộng đồng Kitô Giáo nhỏ, đã trở thành công thức mục vụ để thành công. Nhất là tại các tình huống thiểu số và trong cái khối di dân tứ tán, trong các tình huống bách hại, chúng trở thành vấn đề sống còn đối với Giáo Hội.



Trong khi ấy, các thúc đẩy xuất phát từ Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi và Châu Á, bắt đầu sinh hoa kết trái trong nền văn minh Tây Phương. Tại đó, các cơ cấu hợp lòng dân ngày xưa của Giáo Hội đang tỏ ra càng ngày càng kém hấp dẫn hơn, các lãnh vực mục vụ trở nên lớn lao hơn, và Kitô hữu thường trở thành thiểu số trông thấy. Hơn nữa, tiểu gia đình hay gia đình hạch nhân, sau khi tự giải thoát khỏi thuở đầu của đại gia trình trước đó, nay cũng đang kinh qua cuộc khủng hoảng về cơ cấu. Các điều kiện sống và làm việc thời hiện đại đã dẫn tới việc tách biệt giữa chỗ ở, chỗ làm, và các nơi vui chơi giải trí, do đó đã góp phần kết liễu sự kiện lấy căn hộ gia đình làm một đơn vị xã hội. Vì các lý do nghề nghiệp, các người cha thường phải vắng nhà một thời gian lâu hơn. Các bà vợ cũng thế, vì chuyên nghiệp, nên thường chỉ hiện diện một thời gian tối thiểu trong gia đình mà thôi. Vì những hoàn cảnh như thế, tiểu gia đình ngày nay gặp rất nhiều khó khăn. Cả những người không sống ngoài đường phố cũng trở thành những người không nhà, theo một nghĩa sâu sắc hơn, và không nơi trú thân giữa một môi trường vô danh trong các đô thị lớn, nhất là ở những vùng ngoại biên ảm đạm của các đại đô thị tân thời.

Ta phải xây dựng những căn nhà mới cho họ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Các giáo hội tiểu gia chính là một giải đáp. Ngày nay, dĩ nhiên, ta không thể tái tạo các giáo hội tiểu gia như hồi giáo hội sơ khai. Ta cần một thứ đại gia đình kiểu mới. Để các tiểu gia đình có thể sinh tồn, chúng phải được tích nhập vào một hệ thống liên hệ gia đình trải dài qua nhiều thế hệ, trong đó, ông bà đặc biệt đóng vai trò quan trọng; chúng phải được tích nhập vào một vòng liên gia đình (interfamilial circles) gồm bạn bè và người lân cận, trong đó, con cái tìm được nơi trú ẩn khi cha mẹ vắng mặt và trong đó, người già độc thân, người ly dị, và các cha mẹ đơn lẻ cảm thấy an ổn như ở nhà. Các cộng đồng tông đồ và thiêng liêng thường cung cấp không gian và bầu khí thiêng liêng cho các cộng đoàn gia đình. Những nét cơ bản của giáo hội tiểu gia đều có trong các nhóm cầu nguyện, học hỏi Thánh Kinh, học hỏi giáo lý, và đại kết. Các giáo hội tiểu gia chính là ecclesiola in ecclesia (các giáo hội nhỏ bên trong Giáo Hội lớn). Chúng làm cho Giáo Hội hiện diện tại chỗ ngay trong cuộc sống. Vì nơi nào hai, ba người tự họp nhân danh Chúa Kitô, Người đều có mặt tại đó, ở giữa họ (Mt 18:20). Dựa trên phép rửa và phép thêm sức, các cộng đoàn tiểu gia chính là dân được xức dầu của Thiên Chúa (LG 9). Họ dự phần vào chức linh mục tư tế, tiên tri và vương giả (1Pr 2:8; Kh 1:6; 5:10; Xem LG 10-12, 30-38). Nhờ Chúa Thánh Thần, sensus fidei, tức cảm thức đức tin, trở thành nội tại trong họ, một cảm thức trực giác được đức tin và triết lý sống đời phù hợp với Tin Mừng. Các cộng đoàn tiểu gia không phải chỉ là đối tượng, nhưng còn là chủ thể của việc chăm sóc mục vụ gia đình. Trên hết, nhờ gương sáng của họ, họ có thể giúp Giáo Hội tiến xâu hơn vào lời Chúa và áp dụng nó vào đời sống một cách trọn vẹn hơn (LG 12, 35; EG 154 tt). Vì Chúa Thánh Thần đã được ban cho Giáo Hội như một toàn thể, nên họ không được tự cô lập mình một cách bè phái khỏi hiệp thông rộng lớn hơn là Giáo Hội (EN 58, 64; EG 29). “Nguyên tắc Công Giáo” này gìn giữ Giáo Hội khỏi trở thành những giáo hội cá nhân, tự trị và tự do. Nhờ tính hợp nhất trong đa dạng này, có thể nói, Giáo Hội là dấu bí tích của hợp nhất trên thế giới (LG 1,9).



Các giáo hội tiểu gia phát huy việc chia sẻ Thánh Kinh. Từ lời Chúa, chúng tạo nên ánh sáng và sức mạnh cho cuộc sống hàng ngày (DV 25; EG 152 tt). Vì sự gián đoạn trong việc truyền thụ đức tin cho thế hệ kế tiếp (EG 70), các giáo hội tiểu gia có trách vụ giáo lý quan trọng phải dẫn người ta tới niềm vui của tin mừng (15). Họ cầu nguyện với nhau cho các điều họ quan tâm và cho những điều thế giới vốn quan tâm. Cùng với toàn bộ cộng đồng, họ cử hành Thánh Thể Chúa Nhật như là nguồn và đỉnh cao của đời sống Kitô Giáo toàn diện (LG 11) (16). Trong vòng gia đình, họ giữ ngày của Chúa như một ngày nhàn tản, vui tươi, và hiện diện với nhau khi họ tuân giữ các mùa trong năm phụng vụ với các phong tục phong phú của nó (SC 102-111). Các giáo hội tiểu gia là địa điểm của nền linh đạo cộng đồng, trong đó, người ta chấp nhận nhau trong tinh thần yêu thương, tha thứ, và hoà giải; trong đó, người ta chia sẻ ngày tốt ngày xấu, các lo âu, các nhu cầu, nỗi vui nỗi buồn và niềm hạnh phúc nhân bản của cuộc sống hàng ngày, vào Chúa Nhật hay ngày lễ (17). Nhờ các phương thế này, họ xây đắp nhiệm thể Giáo Hội (LG 41). Theo yếu tính của mình, Giáo Hội có tính truyền giáo (AG 2); truyền giảng tin mừng là căn tính sâu sắc của Giáo Hội (EN 14, 59). Là các giáo hội tiểu gia, các gia đình được mời gọi cách đặc biệt để truyền thụ đức tin cho môi trường liên hệ của mình. Họ có sứ mệnh truyền giáo và tiên tri riêng. Chứng tá của họ là làm chứng cho sự sống, nhờ thế, họ có thể trở thành như men trong thế gian (Mt 13:33; xem AA 2-8; EN 21,41, 71, 76; EG 119-221). Chúa Kitô đến rao giảng tin mừng cho người nghèo (Lc 4:18; Mt 11:5) và chúc phúc cho người nghèo, người sầu buồn, người bé nhỏ và trẻ em (Mt 5:3tt; 11:25; Lc 6:20tt) thế nào, Người cũng sai các môn đệ ra đi rao giảng tin mừng cho người nghèo (Lc 7:22) như thế. Chính vì vậy, các giáo hội tiểu gia không được loại trừ ai, khi muốn trở thành các cộng đồng ưu tú. Họ phải mở cửa chào đón người thiếu thốn đủ loại, người tầm thường và người bé nhỏ. Họ phải biết rằng nước Thiên Chúa thuộc về trẻ em (Mc 10:14; xem EG 197-201).

Các gia đình cần tới Giáo Hội và Giáo Hội cần tới các gia đình để có thể hiện diện giữa đời và trong các môi trường sống hiện nay. Không có các giáo hội tiểu gia, Giáo Hội sẽ ra xa lạ đối với thực tại cụ thể của cuộc sống. Chỉ qua các gia đình, Giáo Hội mới có thể thấy mình thoải mái ở đó. Do đó, hiểu gia đình như một giáo hội tiểu gia là điều nền tảng đối với tương lai Giáo Hội và đối với việc tân phúc âm hóa. Các gia đình là những sứ giả trước nhất và tốt nhất của tin mừng gia đình. Họ là con đường của Giáo Hội.

Kỳ sau: 5. Về vấn đề người ly dị và tái hôn