Thánh Benno sinh năm 1010 ở Hildesheim, nước Đức, trong một gia đình quí phái thuộc chi tộc Saxon, mẹ ngài là chân phước Bezela Goda; và có lẽ vì thuộc giới quyền quí cho nên cả đời ngài đã dính dáng rất nhiều vào những việc chính trị thị phi thời bấy giờ.
Tính về ‘sự nghiệp’ giáo triều (bấy giờ nhiều người coi việc đi tu là một sự nghiệp), thì ngài khá thành công: được theo học tại tu viện nổi danh Saint Michael, Hildesheim, ở Đức. Làm linh mục. Làm Kinh sĩ cho nhà thờ hoàng gia ở Gozlar, Hanover. Làm tuyên úy cho hoàng đế Henry III. Được vua Henry IV đề nghị và được phong làm giám mục giáo phận Meissen từ năm 1066.
Năm 1073 ngài ủng hộ cuộc nổi loạn Saxon chống lại vua Henry IV và bị phát vãng trong năm 1075 nhưng năm sau thì vua Henry IV lại tha cho trở về giáo phận.
Việc ông thánh Benno chống vua thì dai dẳng mãi không hết, trong cuộc tranh chấp ‘phân quyền’ giữa giáo hội và hoàng đế, ông chống vua để bênh Giáo hoàng và ủng hộ các mưu đồ lật đổ vua như cuả quận công Rudolf ở Rheinfelden …
Trong giai đoạn ấy có lần ông đã bị giam cầm 1 năm. Một lần khác khi được thánh giáo hoàng Gregory VII triệu về Roma để tham vấn, ông thánh đã ra lệnh cho các kinh sĩ coi nhà thờ chánh toà phải khoá nhà thờ lại, không cho vua tới, sợ rằng vua Henry sẽ nhân cơ hội ấy mà chiếm mất nhà thờ.
Vua Henry đã đưa quân tới chiếm thật, rồi tức giận vất cái chià khoá nhà thờ xuống sông, có ý rằng không ai được quyền đóng cửa nhà thờ vào mặt vua!
Khi thánh Benno trở về, ngài đã tới bên sông và vớt ngay chiếc chià khoá lên. Người ta đồn rằng một con cá đã ngậm lấy chiếc chì khoá và mang trả lại cho thánh Benno.
Cũng vì tích ấy mà người ta thường minh hoạ thánh Benno là một vị giám mục cầm trên tay một chiếc chià khoá lấy ra từ một con cá.
Khi thánh giáo hoàng Gregory VII băng hà thì xảy ra có cuộc tranh chấp về chức giáo hoàng, ông thánh Benno dứng về phe giáo hoàng giả là tổng giám mục Guibert cuả Ravenna, lấy hiệu toà Clement III. Vua Henry cũng ủng hộ vị giáo hoàng giả này nên đã làm hoà với GM Benno và cho ngài phục chức giám mục như cũ.
Trong giai đoạn này thì vị giám mục ‘ly giáo’ đã cố gắng dùng thanh thế cuả mình để tìm cách mang chi tộc Saxon về làm hoà với vua Henry, nhưng thất bại.
Năm 1097, ngài xin trở về với giáo hội thật dưới triều giáo hoàng Urban II.
Đọc tới đây chắc hẳn nhiều người tự hỏi một nhân vật mắc phải nhiều ‘thị phi’ như thế mà sao lại làm thánh được nhỉ? Đó cũng là kết luận cuả ông Martin Luther. Nhưng dù cho có những dính dáng vào chuyện ‘chính trị’ và có một cuộc đời rối loạn như thế, thánh Benno đã được nâng lên bậc thánh bởi vì không bao giờ ngài lơ đễnh về phận sự làm mục tử cuả ngài cả. Ngài viếng thăm các giáo xứ thường xuyên, lo việc giảng dạy cần mẫn, lo thánh lễ, chăm lo và kiểm soát hàng giáo phẩm, diệt trừ việc ‘buôn thần bán thánh’ khắp mọi nơi.
Ngài là một nhạc sĩ có tài, cổ động việc hát thánh ca trong nhà thờ và trong các tu viện, và dựa vào Kinh Thánh mà viết nhạc. Trong lúc già, ngài vẫn chăm lo việc truyền giáo sang các vùng hẻo lánh cuả thời đó, gọi chung là vùng Wends, nay là các xứ Thụy Điển, Ba Lan v.v.
Vì những cải cách trong giáo phận cuả ngài đã xảy ra như thế trước biến cố Thệ Phản nhiều trăm năm, cho nên người Công Giáo vẫn thường lấy thí dụ về ngài để chứng minh rằng Giáo Hội Công Giáo luôn luôn có khả năng đổi mới và tự thanh tẩy.
Và cũng vì vậy mà trong những năm cao điểm cuả phong trào Thệ Phản người ta đã đập phá mộ phần cuả ngài ở Meissen (1539).
Ngày nay thành phố Munich và xứ Bavaria nhận ngài làm thánh quan thầy.
Ngày lệ thánh Benno là ngày 16 tháng 6 hàng năm.